Đường về nhà hưu dưỡng

Đường về nhà hưu dưỡngNghe đầu đề, chắc các bạn tức cười nhỉ. Năm nay, tôi 68, lâu lắm là 7 năm nữa tôi sẽ về nhà hưu dưỡng.
Ở Nha Trang, bảng đề là Nhà Nghỉ Dưỡng (Không là Nhà Hưu dưỡng). Ý nghĩa hơi khác một chút. Tôi đã thăm một số nhà hưu dưỡng, và hay sang Nhà Nghỉ Dưỡng ở Nha Trang vì có ĐC Phaolô, các cha giáo, các cha cùng trường…Bầu không khí trầm lắng… luôn trầm lắng…Và tôi chợt nghĩ, tôi sẽ về đây nếu Chúa cho tôi sống đến tuổi đó, tôi sẽ làm gì cho những ngày còn lại…Tôi viết điều nầy cho tôi…Tôi chỉ tưởng tượng vì tôi chưa nghỉ mà!

I. NHỮNG NỖI BUỒN:
1. Buồn vì mình hết thời:
Khi còn là cha xứ, dù xứ nhỏ dù xứ lớn, cha nào cũng là cha xứ, oai ra phết. Có khi anh em nói vui: ”Ta thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” – “Thà làm cha xứ nhỏ nhoi còn hơn cha phó ở nơi to đùng.” Uy quyền là cái đáng yêu. Mất quyền thì thật bi thảm. Cha nghỉ dưỡng coi như mất quyền, do đó đâm tủi…Thôi, “Gặp thời thế, thế thời phải thế”. Có buồn cũng thế thôi. Hãy vui lên.
2. Buồn vì tưởng thiên hạ như quên mình rồi:
“Còn duyên kẻ đón người đưa,
Hết duyên đi sớm về trưa một mình.”
Ai mong đền ơn thì sẽ khổ. 10 người phong cùi được lành thì chỉ 1 người trở lại cám ơn Chúa mà thôi. Phục vụ là cho không. Mình cứ làm, Chúa trả công. Giáo dân có thể nhớ, nhưng không đến thăm vì họ bận công việc của họ. Có khi họ đang cầu nguyện cho mình. Không sao đâu. Họ vẫn nhớ, vẫn thương, nhưng không đền ơn theo kiểu chúng ta muốn. Làm tốt nhiệm vụ là được. Chuyện khác để Chúa lo liệu.
3. Buồn vì nhiều dự tính bị dang dỡ:
Khi còn tại chức, cha xứ muốn làm điều nầy, điều kia, đương nhiên là vì lợi ích cho giáo dân và cũng để thỏa mãn ước vọng tuổi trẻ. Nay về đây, dù muốn cũng không còn cơ hội, vì sức đã yếu và cơ hội không còn. Cha ở đây cũng tạm gọi như thân phận của “hổ nhớ rừng.”
4. Buồn vì cô đơn:
Đây là cảm giác của nhiều cha, vì không có ai ở bên, không bà con anh em…Tuy nhiên, tôi lại nghĩ khác. Những người làm cha mẹ cũng phàn nàn rằng mình cô đơn. Con cái ra ở riêng và ở xa, mỗi đứa một ngã, bạn đời thì không còn… cô đơn. Các cha nghỉ dưỡng còn khá hơn nhiều đấy chứ: Có các cha anh em cùng ở, có các chủng sinh giúp đỡ, có các sơ chăm lo thuốc men, ăn uống. Khá hơn các cha mẹ đấy chứ. Tôi sẽ chấp nhận hiện tại, vui với hiện tại và sinh ích dù nhỏ ngay trong cuộc sống hiện tại là nơi đang nghỉ dưỡng.

Đời người rồi cũng sẽ đến thời của nó. Thôi đừng buồn, đừng tủi làm gì…Hãy cố gắng nghĩ đến điều có thể làm tùy theo sở thích và khả năng Chúa ban.

II. VÀI KINH NGHIỆM CỦA NGƯỜI ĐÃ SỐNG TẠI NHÀ HƯU DƯỠNG:
Đây là những điều tôi đọc được trên Internet:
Đến thăm các Cha già, chúng con có dịp tâm sự cùng với các ngài. Cha Hương, một linh mục đã lăn lộn nhiều trên bước đường truyền giáo, đã chia sẻ về đời sống của một linh mục về hưu: “Đối với tôi, thật sung sướng và hạnh phúc! Vì được nghỉ ngơi và được đọc sách, nghe đài. Đặc biệt là có nhiều thời gian gặp gỡ Chúa… Ôi thật là hạnh phúc! Cảm ơn Chúa.”

Cha Ninh, một linh mục đã từng rảo bước trên những con đường khô cháy của Quảng bình, đã rất vui khi anh em chúng con đến thăm. Ngài tâm sự rằng về đây hưu mặc dù hơi buồn nhưng lại có cơ hội cầu nguyện nhiều. Và ngài khuyên chúng con là những chủng sinh đang học tại Đại Chủng Viện: “Các Thầy phải luôn kết hợp tu đức với việc học hành.” Ngài ví tu đức và học hành như là 2 tay lái của chiếc thuyền. Nếu thiếu một thì thuyền sẽ dễ chìm hoặc không ra làm sao cả? Và ngài còn nhắn nhủ chúng con khi đi làm việc bác ái: “Bác ái là cửa sổ để người ta nhìn vào Giáo Hội”.

Sau khi thăm các cha già, chúng con đi sang thăm các Xơ già tại nhà hưu dưỡng Mến Thánh Giá Xã Đoài. Khuôn mặt các xơ tỏa rạng niềm vui khi anh em chúng con đến thăm. Các xơ đã chia sẻ thật tình: “Chúng con cảm thấy mình càng già càng khó tính, vì chúng con hay nói, hay gắt gỏng khi thấy điều gì đó không vừa lòng. Chúng con biết mình không còn làm được gì nữa nên chúng con tận dụng mọi giờ giấc để lần chuỗi Mân Côi, siêng năng viếng Chúa”.

III. TƯƠNG LAI CỦA TÔI Ở NHÀ HƯU DƯỠNG:
Tôi nói điều nầy cho tôi, viết cho chính mình, theo ý nghĩ của riêng mình.

1. Niềm vui của tôi có thể là “Đăng bài lên FB.”
Muốn có bài để đăng thì phải viết, phải tìm bài ý nghĩa và ngắn gọn để đăng thì người ta mới chịu đọc. Người đời nay không thích đọc dài. Mình phải hiểu tâm lý của người ta. Công việc nầy cần rất nhiều thời giờ…mà cũng vui…Tôi thấy mình có chút hữu ích cho giáo dân từ các nơi…rất xa, cả ở nước ngoài…
2. Niềm vui của tôi là “Sáng tác bài hát”: Chúa vẫn cho tôi dồi dào ý tưởng để tiếp tục sáng tác…Và tôi tiếp tục cho đến khi xuôi tay.
3. Niềm vui của tôi có thể là “Dạy Giáo Lý Tân Tòng và Hôn Phối (cho ai đó cần đến tôi)”: Tôi thích dạy Giáo Lý, không nói nhiều, không trả bài, nhưng tôi biết là các học viên hiểu và nhớ những điều cần thiết. Chủ trương của tôi là đối thoại, chỉ thuộc những kinh phải thưa trong Thánh lễ và một vài kinh cần thiết, nhất là cách lần chuỗi…Lớp Giáo Lý của tôi được đánh giá là vui, gần gủi và dễ hiểu. Các bạn bên lương học để chuẩn khác đạo cũng cảm thấy thoải mái. Những năm trước đây, tôi trả bài giấy, nhưng nay thì không. Tôi cho học bằng hiểu và nhớ. Nhẹ nhàng và nhớ lâu hơn. Đó cũng là một cách dùng thời giờ của tôi trong tương lai.
5. Niềm vui của tôi là có thời gian nghĩ và chuẩn bị ra đi: Đây là phần tôi viết ít nhất, nhưng là phần quan trọng nhất của một đời người. Không lẽ giáo dân lên thiên đàng mà cha xứ của họ lại đi ngược chiều sao?
6. Niềm vui của tôi có thể là đi dâng lễ đâu đó, rồi chia sẻ lời Chúa, chia sẻ cảm nhận sống lời Chúa.
7. Niềm vui của tôi có thể là Giải trí bằng chơi cờ, coi đá banh, coi TV: Phải có giờ giải trí cho trí óc thoải mái hoặc đi dạy nhạc, dạy hát cho xứ nào cần đến. Thiếu gì chuyện để làm, miễn là có sức khỏe tối thiểu…
8. Niềm vui của tôi là sống chung với bệnh: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Uống thuốc là điều cần thiết. Tôi uống thuốc mỗi ngày, nhiều viên, tự uống…Không coi thường sức khỏe. Thiếu sức khỏe thì đời u tối lắm. Nên thông cảm với người chăm sóc thuốc men, ăn uống. Họ vất vã lắm đó. Chăm một ngày thì dễ, một tháng đã khó. Chăm mỗi ngày cho đến khi bệnh nhân lìa đời thì không đơn giản. Hãy biết ơn họ theo cách riêng của mỗi người.
… Thôi, còn nhiều nữa. Nói ít hiểu nhiều. Đó là những điều hy vọng tôi có thể làm được để cảm thấy mình chưa hưu mà chỉ là nghỉ dưỡng.

Lạy Chúa, một mai kia con sẽ về nhà nghỉ dưỡng. Xin Chúa giúp con luôn sống vui trong Chúa và với mọi người. Xin Chúa nâng đỡ để con dâng Chúa sức hơi tàn với mục đích làm tốt các việc, dù nhỏ, nhưng hữu ích. Amen

Lm Mi Trầm
GX Ngọc Thủy, Nha Trang
28.3.2015