« Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra ! »
(Mc 7, 31-37)
31 Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.
33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra!35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.
36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
- Tái tạo khả năng tương quan
Nếu bị điếc từ lúc mới sinh, em bé sẽ không nói được ngôn ngữ, cho dù các bộ phận liên quan đến khả năng phát âm đều bình thường. Tương tự như khi chúng ta học ngoại ngữ, phải nghe người bản xứ phát âm, rồi chúng ta mới có thể bắt chước phát âm lại y như vậy. Có lẽ đó là trường hợp người tật nguyền trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay : bị điếc, nên anh nói ngọng. Chính vì thế, Đức Giê-su đã mở tai cho anh trước để anh có thể nói rõ ràng.
Tuy nhiên, điều làm chúng ta ngạc nhiên là cách Đức Giê-su chữa bệnh, bởi vì, trong trường hợp này, Người chữa lành người bệnh công phu hơn bình thường. Thật vậy, thay vì chỉ nói một lời, người bệnh được lành, nhưng với người bị tật nguyền này :
- Ngài kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, để đi vào trong tương quan thiết thân.
- Ngài đặt ngón tay vào lỗ tai anh ; Ngài dường như phải lao tác để tai anh biết lắng nghe.
- Ngài bôi nước miếng vào lưỡi anh ; để cho lưỡi của anh được tháo cởi, nghĩa là biết ngỏ lời để đi vào tương quan, để nói lời tạ ơn và ca tụng, anh phải được Đức Giê-su thông truyền sự sống của chính Ngài.
- Và sau cùng Ngài ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói : « Ephata, nghĩa là hãy mở ra ! » Tất cả những gì Ngài vừa làm cho anh, chính là để anh đón nhận Lời tái tạo « Ephata » của Ngài.
Khả năng nghe và nói tượng trưng cho khả năng tương quan. Thế mà con người không chỉ sống bằng cơm bánh và những phương tiện khác, nhưng còn bằng tương quan nữa, và trong sự sống mới, sự sống phục sinh, chúng ta sẽ chỉ sống bằng tương quan mà thôi, đó là tương quan tình yêu (x. 1Cor 13).
Phép lạ này của Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhận ra rằng, mỗi ngày, bằng chính Ngôi vị của Ngài, nghĩa là bằng Lời và Mình Máu của Ngài, Đức Giê-su vẫn chữa lành một cách rất công phu đôi tai và miệng lưỡi của chúng ta, để chúng ta thực sự biết nghe và biết nói với Chúa và với nhau, để đi vào tương quan tình yêu với Chúa và với nhau[1], để chúng ta biết đón nhận sự sống và lòng bao dung của Chúa (khả năng nghe) và khát mong đáp trả với lòng tri ân (khả năng nói). Bởi vì chúng ta thường « điếc » với ân huệ và vì thế, « câm » với lời đáp.
- Tái tạo từ sự chết
Chỉ có một mình thánh Mác-cô kể lại phép lạ chữa bệnh điếc gắn liền với câm và kể lại những cử chỉ lạ lùng như thế của Đức Giê-su. Chắc chắn chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được những cử chỉ kì lạ này của Người. Dường như Người đã tái tạo anh, theo cùng một cách thức Thiên Chúa đã tạo dựng con người, được kể lại trong sách Sáng Thế :
- Theo trình thuật thứ nhất, Thiên Chúa phán: « Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta » (St 1, 26). Thiên Chúa sáng tạo con người vừa bằng lời nói và vừa bằng đôi tay và Người không sáng tạo một mình. Vì thế, chúng ta có thể nói, con người là « sáng tạo điểm ».
- Theo trình thuật thứ hai : « ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật » (St 2, 7). Thân thể con người thật kỳ diệu, là đỉnh cao của thế giới tạo vật, nhưng một ngày kia, không thể né tránh được, thân thể sẽ tan biến thành đất, thành tro. Nhưng con người có hơi thở của Thiên Chúa, vì thế có niềm hi vọng được tái tạo dựng cho sự sống mạnh hơn sự chết.
Và hành động tái tạo này của Đức Giê-su loan báo ơn tái tạo Ngài sẽ ban cho chúng ta khi mà đôi tai của chúng ta bị đóng lại và miệng lưỡi của chúng ta bị bị cột lại bởi sự chết.
- « Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp… »
Cuối cùng, chúng ta không thể không được đánh động bởi sự tương phản gần như tuyệt đối :
- Giữa đôi tai bị điếc và đôi tai biết lắng nghe.
- Giữa môi miệng câm nín và môi miệng nói lên lời ; và biến cố này trở thành tâm điểm của sự loan truyền tự phát về Đức Giê-su.
* * *
Ước gì mỗi người chúng ta cũng được Chúa tái tạo, mở tai, cởi lưỡi, để trở thành lời loan báo sống động về Đức Ki-tô, và đồng thời trở thành một « biến cố » cho người ta thán phục Đức Ki-tô và đồn thổi cho nhau về Ngài, đến độ không gì ngăn cản được :
Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả:
ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc