Giám mục Trung Quốc bị khóa tài khoản Weibo, hạn chế đi lại

Nhà chức trách hết ‘quan ngại do 50.000 cư dân mạng sử dụng mạng xã hội hướng dẫn cầu nguyện hàng ngày của vị giám chức’

 memorial-Mass.jpg
Năm giám mục từ các tỉnh Giang Tô và Chiết Giang cử hành
Thánh lễ tưởng nhớ đức cố giám mục Aloysius Jin Luxian hôm 27-4.

Nhà chức trách Trung Quốc vừa áp thêm các lệnh cấm mới lên Đức Giám mục Thaddeus Ma Daquin của Thượng Hải.

Vị giám mục đang bị quản thúc tại gia vừa bị đóng tài khoản mạng xã hội Weibo được nhiều người biết tới, và tuần trước bị từ chối cho phép tham dự lễ giỗ vị tiền nhiệm là Đức cha Aloysius (Louis) Jin Luxian.

Đức cha Ma, người đã từ chức khỏi Hội Công giáo yêu nước của nhà nước sau khi chịu chức giám mục năm 2012 và vụ này gây nhiều tranh cãi, đã bị giam hãm trong Chủng viện Sheshan kể từ đó.

Cho tới hồi tháng Ba, ngài vẫn còn được phép đăng bài trên blog của mình và các bài cầu nguyện trên mạng Weibo, giống như Twitter, để hướng dẫn khoảng 50.000 người cầu nguyện mỗi ngày.

Hôm 27 tháng Tư, các đức giám mục từ các giáo phận kế bên đã cử hành thánh lễ tưởng nhớ đức cố giám mục phó Jin của giáo phận Thượng Hải, nhưng Đức cha Ma bị cấm tham dự dù việc giam giữ ngài trước đó có vẻ như đang được nới lỏng.

Thánh lễ được tổ chức để tưởng nhớ ngày giỗ ba năm của Đức cha Jin và 100 năm ngày sinh của ngài.

Đức cha Joseph Shen Bin của giáo phận Haimen chủ tế Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Sheshan ở ngoại ô Thượng Hải.

Bốn giám mục khác và khoảng 60 linh mục đồng tế Thánh lễ có sự tham dự của trên 1.000 người.

Các vị giám chức từ các tỉnh Giang Tô và Chiết Giang tất cả đều là thành viên của Chủng viện Sheshan.

Đức cha Jin qua đời năm 2012 sau khi đã phục vụ với tư cách giám mục được nhà nước công nhận của giáo phận Thượng Hải từ năm 1988.

Ngài trở lại Thượng Hải năm 1982 sau 27 năm bị câu lưu dưới nhiều hình thức để bắt đầu lại công việc mà ngài đã bỏ dở năm 1955 – là giám đốc chủng viện của giáo phận.

Sau này khi được hỏi tại sao ngài chấp nhận cả hai bổ nhiệm (sau này ngài được Tòa Thánh thừa nhận là giám mục) với tất cả sự giám sát mà chính quyền cộng sản áp đặt, ngài trả lời đơn giản là “Kitô giáo đã có ba khởi đầu tại Trung Quốc rồi. Tôi không muốn nó cần có thêm khởi đầu thứ tư nữa”.

Luôn cảnh giác trước sự xâm nhập của chính quyền vào trong Giáo hội, ngài đã chấp nhận sự cai trị độc tài toàn trị của đảng Cộng sản như là một thực tế.

Mặc dù ngài sống ở chủng viện nằm dưới chân vương cung thánh đường ở trên đồi, Đức cha Ma không thể tham dự được Thánh lễ này.

Những năm qua tình hình của ngài đã trở nên bớt hạn chế hơn và ngài đã được phép tiếp khách.

Tuy nhiên, tài khoản Weibo của ngài đột nhiên bị đóng hồi tháng Ba.

“Hiện nay có quá nhiều người Công giáo tham dự Thánh lễ sáng của ngài và điều đó đã làm nhà chức trách bực mình” – một nguồn tin giáo hội cho ucanews.com biết.

Đức cha Ma vừa viết bốn bài báo tưởng nhớ Đức cha Jin trên blog của ngài, trang blog này chưa bị đóng. Bài mới nhất đăng hôm 5 tháng Tư kể lại cuộc phỏng vấn của tờ Nhân Dân Nhật Báo với Đức cha Jin năm 2000 về quan điểm của ngài về tôn giáo và chủ nghĩa xã hội.

Gợi hứng từ tư tưởng của Đức cha Jin về việc thích nghi lẫn nhau giữa Công giáo và xã hội xã hội chủ nghĩa, Đức cha Ma giải thích từ “sanitization” (gạn lọc) – cụm từ quan trọng được giới lãnh đạo Trung Quốc sử dụng trong hội nghị về tôn giáo mới đây – là gần gũi với mục đích “hội nhập văn hóa” của Giáo hội, hay làm cho phụng vụ liên hệ gần gũi với các nền văn hóa địa phương.

Tuy nhiên, sự giải thích của Đức cha Ma đã không được một số người Công giáo đón nhận nhiệt tình. Họ cho rằng ngài đang cố gắng nhượng bộ nhà chức trách.

“Dường như Đức cha Ma đã sẵn sàng ‘hoàn tất việc hối lỗi của ngài’ và tuân theo chỉ thị của đảng để bước đi trên con đường của Giáo hội độc lập” – một blogger giấu tên bình luận về bài viết của ngài.

Nhà bình luận Công giáo Yu Si nói với ucanews.com rằng “hội nhập văn hóa” có nghĩa là làm sao hài hòa nền văn hóa địa phương để gặp gỡ được giáo huấn giáo hội trong khi cụm từ ‘sinicization’ là thay đổi giáo huấn để phù hợp với nền chính trị [của đảng] địa phương”.

(UCAN 06.05.2016)