‘Giáo hoàng đang làm gì nhỉ? Đây là câu hỏi thường xuất hiện trong đầu, có lúc thì kêu lớn, khi chúng tôi tác nghiệp tin tức Vatican.
Cho chuyến công du giáo hoàng đến Ecuador, Bolivia và Paraguay tuần này, chúng tôi sẽ hỏi câu hỏi này thêm vài chục lần nữa, với những xúc cảm và ngữ điệu khác nhau.
Hôm nay, ngày đầu tiên trong chuyến đi 8 ngày làm đồng hành với giáo hoàng, câu hỏi này là bận tâm hàng đầu của chúng tôi.
Sáng nay, 05-7, khi dậy sớm thu gom áo quần còn lại và đóng vali lên đường đến sân bay, tôi cũng tự hỏi câu này. Mới có 4:30 sáng. Có thể ngài vừa thức dậy và đang cầu nguyện. Trên đường đi, tôi hi vọng ngài vẫn còn đang ngủ. Bởi ngài sẽ cần rất nhiều năng lượng cho cơ thể 78 tuổi đương cự cho hết tuần này
Khi mặt trời ló dạng và các nhà báo chúng tôi đến sân bay Fiumicino làm thủ tục, mỗi một người đều xuất trình thẻ VAMP (Nhân viên Truyền thông được Vatican công nhận), tôi thở dài nhẹ nhõm. Tôi đã đến kịp lúc, và mọi thứ cần thiết đều có đủ. Đây không phải là chuyện nhỏ ở Roma này, nơi không có thứ gì theo sát kế hoạch được.
Mà Giáo hoàng đang làm gì nhỉ? Có lẽ ngài đang cất sách Phụng vụ giờ kinh, một vài sách vở, vào chiếc cặp táp đen ngài thường mang theo khi đi công du. Có lẽ ngài cũng bỏ thêm cái dao cạo râu điện vào túi để râu tóc đừng lủa tủa suốt chặng đường dài.
Khi chờ lên máy bay, và cuối cùng cũng lên được, thì chúng tôi mới biết ngài đã ghé lại với 10 người vô gia cư xem Vatican như nhà mình. Có lẽ ngài cũng chào tạm biệt những người ở nhà trọ thánh Marta, nhà của ngài ở Vatican. Nói ‘arrivederci’ với anh vệ binh Thụy Sỹ trẻ tuổi đứng gác ngoài phòng ngài suốt đêm qua nữa chứ. Rồi ngài chào các nhân viên nhà trọ, và vào xe lên đường.
Hứng thú tăng thêm trên chuyến bay giáo hoàng, khi thời gian đang đếm ngược đến giờ cất cánh. #PopeLatAm pic.twitter.com/TsAaAjlDh2
— Alan Holdren (@AlanHoldren) July 5, 2015
Cũng hơi là lạ, khi những người lớn tuổi cả rồi như chúng tôi, hào hứng tweet các tấm ảnh về menu trong chuyến bay, cũng như bất kỳ thứ gì mà chúng tôi nghĩ là có thể thu hút sự chú ý của mọi người. Instagram, SnapChat, WhatsApp, Facebook, tất cả đều được vận dụng. Chúng tôi thực sự hứng thú với việc này. Lúc đầu, chúng tôi thường là những người ‘retweet’ ‘ủng hộ’ hay ‘thích’ các bài đăng của nhau. Chuyện này thu hút mọi người chúng tôi cho đến khi biết giáo hoàng đang đến.
Chúng tôi đang tìm bắt cho được một tin đáng giá, một tin đáng để hãng thông tấn của chúng tôi chạy theo, và khoảng 70 nhà báo, quay phim, nhiếp ảnh, và nhân viên radio, trên chuyến bay cũng nghĩ như vậy. Nhiều người trong chúng tôi biết nhau qua công tác ở Vatican. Có những người đến từ châu Mỹ La tinh để theo chân giáo hoàng ngay từ đầu trong chuyến công du lịch sử đến quê hương mình.
Rồi có tin báo là giáo hoàng đã lên máy bay, và chúng tôi bắt đầu nghiên cứu chiếc Airbus 330 này để tìm xem giáo hoàng có thể ở đâu. Các công nghệ mới bắt đầu được trình diễn. Nhiều người chăm chăm vào ứng dụng Periscope. Qua ứng dụng này,chúng tôi có thể thiết lập một đường dây với thế giới, và bạn có thể viết bình luận, phê bình và đặt câu hỏi với chúng tôi.
Một bài đăng kinh điển là về huy hiệu giáo hoàng mà Alitalia đã may trên các tấm phủ ghế. Tôi nhanh chóng đăng hình này lên Instagram với vài dòng phụ chú. Tin mới trên chuyến bay: Huy hiệu giáo hoàng Phanxicô cũng có ngay trên gối của chúng tôi.
Nhưng tại sao tất cả chúng tôi làm việc này? Tại sao tất cả đều cố làm những việc này? Bởi tất cả mọi người đều muốn biết giáo hoàng đang làm gì?
Chỉ cần biết được ngài đang ở trên máy bay, là đủ biến toàn bộ chúng tôi thành những anh lính mới đầy hồi hộp. Không lâu sau khi cất cánh, ngài sẽ đến vào thăm hỏi các nhà báo chúng tôi. Bất chấp chuyến bay có xa hay gần, thì sự hiện diện của ngài trên máy bay đều cho chúng tôi rơi vào ‘trạng thái giáo hoàng.’
Để xua tan các ức đoán, trưởng văn phòng báo chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, đến và thông báo tin mới cho chúng tôi. Đức Thánh Cha sẽ đến vào thăm hỏi chúng tôi sau bữa ăn sáng, nghĩa là không lâu sau khi cất cánh. Tôi tweet liền:
Cha Lombardi nói rằng, #Giáo hoàng Phanxicô sẽ đến gặp chúng tôi sau bữa sáng @cnalive pic.twitter.com/EqJ1HDupDM
— Alan Holdren (@AlanHoldren) July 5, 2015
À há, và tôi vẫn còn thời gian cho tweet cuối về sự hiện diện của các cha dòng Tên trên chuyến bay này.
Các cha Spadaro & Lombardi – 2 trong số ít nhất 4 nhà truyền thông dòng Tên (với cha Ortiz & @Giáo hoàng ) trên chuyến bay giáo hoàng sáng nay! pic.twitter.com/3GqeVsdb0H
— Alan Holdren (@AlanHoldren) July 5, 2015
140 ký tự của câu tweet không đủ để nói thêm một điều nữa là, ngoại trừ giáo hoàng, 3 cha dòng Tên khác là những người rất thân cận với ngài. Đó là trưởng văn phòng Vatican Radio tiếng Tây Ban Nha, cha Guillermo Ortiz. Cha Ortiz đã qua thời gian tập viện với giám tập chính là cha Bergoglio. Còn cha Antonio Spadaro là giám đốc của tờ báo dòng Tên đặt tại Roma, La Civiltà Cattolica. Cha cũng là người đầu tiên được phỏng vấn giáo hoàng Phanxicô sau khi ngài được bầu. Rồi còn cha Lombardi, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh. Cha sẽ xuất hiện liên tục trên truyền thông trong những buổi họp báo những ngày sắp tới đây.
Mà Giáo hoàng đang làm gì nhỉ? Có lẽ ngài đang thăm hỏi các phi công, nhân viên hãng Alitalia và các thành viên đoàn tùy tùng. Hầu hết chúng tôi đều đến sẵn đây vài giờ trước khi ngài đến. Ngài và đoàn tùy tùng lên máy bay bằng cửa trước, còn chúng tôi thì lên bằng cửa sau. Và suốt chuyến đi cũng vậy. Dù không phải là chuyện thường trong các chuyến bay quốc tế, nhưng chúng tôi sẽ luôn dùng cùng một chiếc máy bay cho hết mọi chặng của hành trình này.
Rồi tôi gởi tin nhắn cuối cho vợ và con, cất cánh, và chấm hết chuyện trao đổi với thế giới bên ngoài máy bay. Cho đến bây giờ, vẫn không có sóng wifi trong máy bay của giáo hoàng. Hiếm khi chúng tôi có cơ hội gọi điện ra ngoài. Dù gì thì đây cũng là một sự giải tỏa. 13 tiếng đồng hồ không điện thoại hay internet. Thật là chuyện hiếm thời nay.
Chúng tôi, ăn sáng, rồi các khay thức ăn được dọn đi. Giáo hoàng Phanxicô đến và cầm lấy mic. Lần đầu tiên trong ngày, chúng tôi không còn phải tự hỏi xem giáo hoàng đang làm gì.
Ngài cảm ơn vì công việc của chúng tôi làm. Ngài nói ngài biết việc này không dễ dàng gì.
Chúng tôi ai cũng biết là công việc của ngài cũng không dễ dàng gì, và có lẽ ai ai cũng đang nghĩ đến việc ngài đã 78 tuổi. Ít nhất thì một nửa chúng tôi chỉ bằng nửa tuổi ngài, vậy mà chuyến bay này cũng đã khiến chúng tôi thấy mệt rồi. Chúng tôi sẽ làm việc không ngừng trong suốt 8 ngày tới. Có lẽ ngài sẽ lại lấp đầy những khoảng trống lịch trình bằng các buổi gặp gỡ không chính thức.
Một câu hỏi thường có trong tuần tới sẽ là ‘Ngài thế nào rồi?’ và ‘Có bao giờ ngài nghỉ ngơi không?’
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, ngài nói rằng mình ngủ 6 tiếng mỗi đêm và cần 1 tiếng ngủ trưa. Thật khó để ngài có được chừng đó trong chuyến đi lần này.
Sau khi thăm hỏi chung, ngài đi dọc khoang để chào từng người một. Các ghi chú để trong các bì thư được chuyền cho ngài, và ngài trao lại cho phụ tá. Các bức ảnh, tràng hạt, và từng người đều được ngài ban phép lành. Rồi ngài rút ra từ túi áo một bì thư, và trao cho một nhà báo Bồ Đào Nha.
Còn tôi cho ngài xem tấm hình ông bà của mình. Tôi đã hứa với bà của tôi là nếu được, tôi sẽ xin ngài cầu nguyện cho bà. Ngài nhìn tấm hình ông bà nội của tôi trên điện thoại tôi mang theo. Ngài cúi đầu và cầu nguyện khi nhìn vào tấm hình. Điều này thật đầy ý nghĩa.
Và cha của một người bạn, cùng chung đam mê opera với giáo hoàng, cũng nhờ tôi đưa cho Đức Thánh Cha một lời nhắn. Vậy là sứ mạng của tôi đã hoàn thành.
Giáo hoàng kết thúc buổi gặp và trở về chỗ ngồi của mình. Rồi một sự yên bình lạ thường nhẹ nhàng đến. Đã xong … chúng tôi ai cũng đã được có cơ hội rất hiếm để nói chuyện với giáo hoàng. Và chúng tôi không có gì phải cấp bách với tin mới này cả. Bởi đang ở trong một khoang tàu bay trên Địa Trung hải mà. Nhưng, biết là không làm gì được bây giờ, chúng tôi có thể chìm vào giây phút này trước khi trở lại với công việc.
… Và rồi, chúng tôi lại bắt đầu phỏng vấn nhau. Hăng hái suốt chặng đường dài.
Và nếu bạn vẫn dõi theo, bạn sẽ thấy mình đang tự hỏi, ‘Mà Giáo hoàng đang làm gì nhỉ?‘
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 07.07.2015/ CNA – Alan Holdren – 06/7/15)