Giáo hội Canada suy tư về “cuộc hành hương thống hối” của Đức Thánh Cha

Trong thông điệp hàng năm cho Ngày Cầu nguyện trong tình liên đới với Người bản địa, HĐGM Công giáo Canada đưa ra một suy tư về Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada vào tháng 7 và về con đường hướng tới sự hòa giải.

2022.07.24 Viaggio Apostolico in Canada – Accoglienza Aeroporto di Edmonton  (Vatican Media)

Ngày Toàn quốc Cầu nguyện trong Tình liên đới với Người bản địa được tổ chức tại Canada vào ngày 12 tháng 12 hàng năm, trùng với lễ Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng Châu Mỹ.

HĐGM Công giáo Canada hiệp nhất với các sáng kiến từ Hội đồng Công giáo Bản địa Canada, đã đưa ra một thông điệp nhắc lại “những lời chữa lành và hòa giải của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến ‘hành hương thống hối’ của ngài tới Canada,” vào tháng 7 vừaqua.

Món quà của gia đình

Thông điệp nhấn mạnh “sự hiểu biết của Đức Thánh Cha Phanxicô về mối liên hệ trong gia đình qua các thế hệ,” và vai trò này trong việc mở ra “những cánh cửa cho tất cả tín hữu Công giáo để tìm hiểu và áp dụng những hiểu biết về thế giới quan của người bản địa nhằmhướng tới sự hòa giải.”

Bài suy tư đề cập lại bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ ở Edmonton, trong ngày lễ Thánh Anna và Thánh Joakim, nơi ngài nhận ra món quà gia đình là gì và “không ai bước vào cuộc đời này mà tách rời khỏi những người khác. Tình yêu đã chờ đợi chúng ta và chào đón chúng ta vào thế giới này vốn là một phần của lịch sử độc nhất có trước chúng ta. Chúng ta đã không chọn lịch sử đó; chúng ta đã nhận nó như một món quà.”

Vai trò của truyền thống bản địa

“Là người Công giáo,” thông điệp cho biết, “chúng ta chia sẻ giá trị về việc củng cố các mối quan hệ gia đình cốt lõi và mở rộng.” Tuy nhiên, vai trò của quá trình thuộc địa hóa vẫn còntác động đến giá trị cốt lõi của truyền thống bản địa.

“Các cơ quan phúc lợi trẻ em loại bỏ trẻ em Bản địa khỏi môi trường gia đình hạt nhân và gia đình mở rộng. Hệ thống tư pháp của Canada cũng loại bỏ cha mẹ khỏi con cái,” điều này“ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội duy trì các mối quan hệ, hình thành căn tính và sự phát triển lành mạnh của con người.”

Mặt khác, nhiều truyền thống bản địa “hiệp nhất tất cả các thế hệ”, biểu tượng này “dạy về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng ta là những thụ tạo” và “điều này có thể được khám phá thêm nữa để giúp chúng ta hiểu về người Bản địa như một phần của hành trình hòa giải.”

Hành trình hòa giải

Hội đồng nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô sau chuyến viếng thăm Iqaluit, chặng dừng chân cuối cùng trước khi ngài trở về Rôma. Nhân dịp đó, Đức Thánh Cha đã chia sẻ những kỷ niệm của một trưởng lão nói về bầu không khí giữa các gia đình Bản địa trước khi Hệ thống Trường học Nội trú Anh Điên (thổ dân châu Mỹ) ra đời.

“Ông ví những ngày ông bà, cha mẹ và con cái chung sống thuận hòa với mùa xuân về chim hót líu lo. Nhưng rồi tiếng hát ngừng lại, gia đình chia ly. Mùa đông đổ ập xuống mọi thứ.”

Theo lời của ĐTC Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với người bản địa ở Maskwacis, các trường nội trú, được giới thiệu vào cuối thế kỷ 19, đã áp dụng, “các chính sách đồng hóa và chiếm quyền”, được mô tả là “tàn phá đối với người dân của những vùng đất này”.

HĐGM đã kết thúc thông điệp với việc bày tỏ niềm hy vọng rằng “hành trình hòa giải của chúng ta sẽ mang mùa xuân trở lại một lần nữa”, và xua tan “mùa đông tủi nhục”.

Văn Cương, SJ 

vaticannews.va