Chúa Giêsu biết rằng Ngài chỉ sống ở trần gian một thời gian ngắn và sứ mệnh của Ngài phải được tiếp tục cho đến tận thế. Vì thế, Ngài đã kêu gọi một số người mà các thánh sử gọi là Nhóm Mười Hai và cả nhóm bảy mươi hai.
Ngài huấn luyện họ sống như Ngài, thâm hiểu giáo thuyết của Ngài và chỉ dẫn cho họ đi rao giảng Tin Mừng của Ngài.
Lần này ra quân, Ngài chỉ thị cho họ rõ ràng như một vị tướng trước khi ra trận. Công việc Ngài giao cho họ là rao giảng, vì thế, họ phải sống sứ mệnh cách triệt để.
Không bận tâm về những gì khác. Chỉ mang theo những gì cần thiết mà thôi. Họ phải đi đường xa, cây gậy là không thể thiếu. Đi đường đôi khi cũng có thể gặp chó sói, cây gậy cũng là vũ khí tự vệ. Đi đường xa cũng cần đi dép. Đa số dân đi chân không. Không được mang theo tiền bạc áo xống hay lương thực, vì đến nơi nào sẽ được nuôi ăn. Chỉ mang theo Lời Chúa mà thôi.
Đến nơi nào, vào nhà nào người ta đón tiếp phải ở đó cho đến khi ra đi vì không ở lâu. Không được đi từ nhà này sang nhà khác tìm nhà nào vừa ý. Thời bấy giờ, việc đón tiếp khách là một bổn phận của người Do Thái.
Thời bấy giờ, người ta có thể ngủ mà không cần phải đóng cửa nhà, vì không sợ trộm cướp. Hôm nay không còn được như thế. Cửa đóng then gài mà vẫn còn bị trộm cướp. Không ai dám đón tiếp một người khách lạ lỡ đường.
Người rao giảng Tin Mừng luôn là một lữ khách. Không bám trụ. Các tiên tri thời xưa vẫn là những lữ khách. Lời Chúa không chỉ dành cho một nơi nào. Phải loan truyền trên mọi mái nhà.
Chúa Giêsu chính là vị lữ hành. Ngài rảo khắp nơi và không mõi mệt, đến nỗi có lúc không có giờ dùng bữa. Người rao giảng Tin Mừng lắm khi cũng gặp sự từ chối. Chúa bảo hãy phủi bụi chân cảnh cáo họ. Tin Mừng là một hồng ân nhưng không. Chúng ta có quyền đón nhận và cũng có quyền từ chối, nhưng từ chối sẽ là một tai hại. Dân Nadaret đã từ chối và không được hưởng nhờ hồng ân của Chúa.
Chúa Giêsu không bảo phải giảng những gì. Thánh Maccô chỉ ghi lại: “Các ông ra đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”.
Có thể đó là nội dung đầu tiên và là một điểm quan trọng của cuộc rao giảng.
Lúc mới bước ra rao giảng, Chúa Giêsu cũng không rao giảng điều gì mới lạ, Ngài cũng kêu gọi: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã gần đến”.
Thánh Gioan Tẩy Giả cũng kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Thánh Phêrô, sau khi được đầy tràn Thánh Thần, ngày lễ Ngũ Tuần, trong bài giảng đầu tiên, cũng kêu gọi mọi người sám hối.
Các tiên tri thời xưa luôn kêu gọi dân Israen trở về với Chúa, từ bỏ tà thần để được sống.
Thiên Chúa là cùng đích của cuộc đời. Phải trở về với Chúa mới được sống, vì chỉ có Chúa mới ban cho chúng ta sự sống thật, sự sống vĩnh cửu. Dân Do Thái nhiều lần đã bỏ Chúa và chỉ gặt hái được sự khốn khổ.
Hôm nay, chúng ta cũng cần trở về với Chúa, vì ít nhiều, chúng ta bị chi phối bởi đời sống vật chất và lãng quên nguồn sống của chúng ta. Nhiều người tưởng rằng tiền bạc của cải là bảo đảm cần thiết, nhưng thực tế cho chúng ta thấy, không có gì bảo đảm cả. Mọi sự đều mong manh, mọi sự đều qua. Tai nạn vẫn không ở trong tầm kiểm soát của chúng ta. Những người giàu cũng bị tai nạn máy bay. Những cuộc vui đầy hứa hẹn nhiều lúc kết thúc trong nước mắt. Chiếc tàu Titanic, đẹp nhất thế giới, mang theo hàng ngàn người giàu có đã đụng vào một tảng đá ngầm. Cuộc vui hứa hẹn đã kết thúc thảm hại.
Con người hôm nay càng cảm thấy mình nhỏ bé trước sự tàn phá của bạo lực. Cái gì có thể bảo đảm cho chúng ta nếu xảy ra thế chiến thứ ba?
Khoa học càng tân tiến, con người càng bị đe dọa. Đó là một thực tế trước mắt chúng ta.
Con người càng xa Chúa thì chỉ tiêu diệt lẫn nhau thôi. Những tranh chấp quyền lợi sẽ là tai họa ghê gớm nhất cho thế giới hôm nay.
Chúng ta hãy nghe lời Chúa mời gọi: Hãy trở về với Chúa là Tình Yêu, chúng ta mới mong thoát khỏi lo sợ và tuyệt vọng.
Có lẽ chúng ta không làm được gì. Chúng ta không thể ngăn cản sự gian ác đang lan tràn trên thế giới, nhưng chúng ta có thể tìm được sự bình an của Chúa khi trở về với Ngài. Đức Thánh Gioan-Phaolô II mời gọi mọi người thiện chí hãy xây dựng một nền văn minh hòa giải. Đó mới là con đường đưa đến bình an.
Sứ điệp của Chúa Giêsu là sứ điệp bình an. Ngài là sự bình an của chúng ta, khi chúng ta không còn một tham vọng nào khác mà chỉ còn một tham vọng duy nhất là được biết Ngài, và yêu mến Ngài mà thôi.
Các môn đệ đi rao giảng, trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho bệnh nhân và chữa lành họ. Như Chúa Giêsu, với quyền bính Ngài trao ban, các môn đệ xua trừ ma quỷ, chữa lành các bệnh nhân. Phải chăng đây là dấu hiệu của Nước Trời đang đến?
Giáo hội hôm nay cũng đi theo đường lối của Chúa, kêu gọi mọi người, nhất là giới trẻ bước theo Chúa, huấn luyện họ nhiều năm và sai đi rao giảng.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ để đáp ứng như cầu của các linh hồn. Chúng ta cũng vui mừng thấy nở rộ nhiều tu hội, nhiều sáng kiến truyền giáo trên thế giới, và rất nhiều tâm hồn quảng đại đã bỏ mọi sự theo Thầy Chí thánh.
Mỗi Kitô hữu cũng là một người được sai đi rao giảng Nước Trời, trong phạm vi của mình, trong mọi môi trường. Chúa vẫn cần nhiều tay thợ để làm vườn nho cho Chúa, dù ban sáng hay ban chiều. Mỗi người chúng ta cần đóng góp phần của chúng ta vào công việc của Giáo hội cho danh Cha cả sáng.
Chúa Giêsu luôn ở với Giáo hội, trong từng người vì Ngài vẫn mãi là của ăn cho mọi tâm hồn. Ngài vẫn tiếp tục loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống của mỗi người chúng ta. Đừng tưởng chúng ta vô dụng. Chúa có thể biến những hòn đá thành con cái Abraham, nhưng Ngài muốn chúng ta đem thiện chí của mình, cộng tác với Ngài để cứu rỗi thế gian.
Hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay cần được nghe Tin Mừng bình an của Chúa. Đừng có ai trong chúng ta ngồi không và nói rằng không ai thuê mướn chúng tôi.
Lời kêu gọi của Chúa luôn vang vọng hằng ngày qua mọi biến cố: “Hãy vào làm vườn nho cho Ta”.
Lm Trầm Phúc