Gợi ý suy niệm Lời Chúa Chúa nhật 17 thường niên, năm B

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 17 thường niên, năm B

Lời Chúa: Ga 6,1-15

 CN 17 TNB-Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN - B

 

Phép lạ hóa bánh ra nhiều đã được tất cả các thánh sử đều ghi lại, nhưng tường thuật của Gioan nhắm đến một hướng khác.

Đây là một phép lạ do chính Chúa Giêsu khởi xướng từ đầu đến cuối. Chúa thấy đoàn lũ dân chúng theo Ngài, Ngài muốn cho họ ăn một bữa, chứ không phải vì thấy họ đã đi theo Ngài suốt ngày. Đây không phải là do nhu cầu, mà chỉ do ý muốn của Chúa mà thôi.

Thánh Gioan ghi rõ: phép lạ này được thực hiện ở vùng đất Galilê, là môi trường rao giảng thường xuyên của Chúa, là nơi Ngài đã làm một phép lạ tương tự là hóa nước lã thành rượu ngon trong tiệc cưới ở Cana. Hai phép lạ có những nét tương đồng và chứng tỏ sự sung mãn tràn trề của Ngài. Ngài đến để mang cho loài người sự sung mãn của Thiên Chúa.

Ở tiệc cưới Cana, thánh Gioan kết luận: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana, miền Galilê và bày tỏ vinh quang Người. Các môn đệ đã tin vào Người”.

Lần này, Chúa Giêsu cũng làm một phép lạ tương tự cho cả một đám đông trên năm ngàn người. Để thực hiện ý định của Ngài, Chúa Giêsu đưa đám dân lên núi, nơi vùng đất đủ rộng để quy tụ đám dân đông như thế. Nhưng Gioan không phải ngẫu nhiên nói đến vùng núi tiện lợi để quy tụ dân chúng mà thôi, ngài muốn nhắc lại biến cố thời xa xưa, thời ông Môsê dẫn đoàn dân vào sa mạc, ở đó, xa tất cả sự huyên náo của thị thành, chỉ có Chúa và đám đông thôi. Đó là môi trường lý tưởng để gặp gỡ như Chúa nói qua tiên tri Hôsê: “Này Ta sẽ dẫn nó vào sa mạc, ở đó Ta sẽ rót vào tai nó những lời ngọt ngào yêu thương”.

Chúng ta cũng nhớ đến bài giảng trên núi. Chúa công bố Hiến Chương Nước Trời là tám mối phúc thật, trong cùng một khung cảnh như thế. Việc quy tụ dân chúng trên núi không chỉ là một chi tiết địa dư mà là hình ảnh của Đấng Cứu Độ, quy tụ dân Ngài. Đối với Gioan, mọi chi tiết đều mang một ý nghĩa.

Trước khi thực hiện ý định của Ngài, Chúa Giêsu cũng muốn có sự tham gia của các môn đệ. Ngài hỏi Philipphê: “Ta mua đâu bánh cho họ ăn đây?” Đây cũng là cách trêu chọc xem Philipphê phản ứng cách nào, vì Ngài đã biết Ngài sẽ làm gì. Trước câu hỏi bất ngờ của Chúa, Philipphê ngỡ ngàng. Anrê cũng góp ý: “Ở đây có mộtem bé bán bánh mì có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá hấp”. Nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu!

Gioan nói rõ: “Chúa muốn thử Philipphê” nhưng cũng muốn cho các ông thấy sự nhỏ bé và bất lực của con người. Đứng trước một đám đông như thế, con người không thể làm gì, nhưng Thiên Chúa có thể. Chúa Giêsu mua hết mấy chiếc bánh và cá của em bé và làm những cử chỉ khiến các ông ngỡ ngàng. Ngài cầm bánh, dâng lời chúc tụng và phân phát cho mọi người. Những cử chỉ này chỉ là những cử chỉ thông thường của một người chủ gia đình trong bữa ăn, nhưng ở đây nó mang một tầm vóc khác. Thánh Gioan không tường thuật việc lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, như các thánh sử khác, ngài chỉ báo trước biến cố quan trọng này nơi đây.

Đám dân lành được ăn một bữa no nê. Nếu chúng ta ở trong đám dân đó, chúng ta sẽ nghĩ sao? Chắc hẳn chúng ta sẽ vui mừng vì được ăn thoải mái, không cực nhọc và cũng không tốn tiền. Chúng ta nghĩ sao về người đã cho chúng ta ăn no?

Sau khi mọi người ăn no, Chúa bảo các môn đệ gom những mảnh bánh vụn lại kẻo phí đi.Chúa tiếc những miến bánh còn dư hay sao? Với năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài đã cho năm ngàn người ăn no, không lẽ Ngài tiếc những miếng bánh vụn? Ngài muốn nói đến một điều gì quan trọng hơn. Ngài muốn nói đến một thứ bánh không thể bị bỏ phí mà sau này Ngài sẽ ban cho, không chỉ cho năm ngàn người mà cho toàn thể nhân loại, một thứ bánh không hư nát mang lại sự sống đời đời, là chính thịt máu Ngài.

Người ta đã gom các mảnh bánh vụn lại được mười hai thúng đầy. Con số mười hai là con số tròn của người Do Thái, nghĩa là nhiều lắm, là toàn thể. Ngài muốn cho mọi người thấy sự sung mãn tuyệt diệu của Ngài và đây cũng mang một ý nghĩa tượng trưng khác. Gom lại những mảnh bánh vụn có thể hiểu là gom tất cả các dân tộc vào trong dân mới là dân Thiên Chúa. Đó là công việc mà Ngài trao cho các môn đệ. Giáo hội đang làm công việc này suốt bao nhiêu thế kỷ và cho đến tận thế.

Trong tường thuật ngắn gọn này, Gioan đã nhắc đến nhiều yếu tố Cựu Ước: như nhắc đến manna trong sa mạc trong thời Môsê. Hai mươi chiếc bánh thời tiên tri Êlisa mà bài đọc thứ nhất đã nhắc đến. Cả trăm người ăn mà vẫn còn dư. Ở đây năm ngàn người ăn năm cái bánh mà vẫn còn dư. Bãi cỏ xanh để người ta ngồi ăn thoải mái làm chúng ta nhớ đến lời thánh vịnh 23: “Chúa đưa tôi vào đồng cỏ xanh tươi…” Nhắc đến những biến cố Cựu Ước để làm gì? Phải chăng là để chúng ta thấy rằng chương trình của Thiên Chúa đã sắp sẵn từ lâu và vẫn tiếp tục. Chúa Giêsu tiếp tục thực hiện những gì đã được tiên báo từ lâu. Chúng ta đang nằm trong chương trình dài hạn đó và mỗi người chúng ta đều có một chỗ đứng, một vai trò. Chúng ta có biết không?

Chúng ta phải mang sự sung mãn tràn trề của ơn Chúa cho mọi người. Chúng ta lãnh nhận nhưng không, phải cho đi nhưng không. Cho đi như ánh sáng, vô điều kiện: “Anh em là ánh sáng thế gian”. Cho đi rồi gom lại kẻo phí đi. Gom lại để chỉ có một thân thể, một Thần Khí, một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa” Chúa Giêsu đến để  gom lại tất cả thành một.

Phép lạ này đã làm cho đám dân vui mừng nhưng đã kết thúc như một thất bại: đám dân chúng đã hiểu lầm về con người của ông Giêsu, người đã cho họ ăn một bữa no nê. Họ nghĩ rằng ông này là một vị ngôn sứ phải đến như sách Thánh đã nói. Họ muốn tôn Ngài lên làm vua. Họ không thể hiểu xa hơn.

Biết như thế, Chúa Giêsu lánh mặt và lên núi một mình. Ngài là Đấng Cứu Độ, nhưng không là một nhà giải phóng trần thế như dân đang mong đợi. Ngài đến mang sự sống cho thế gian nhưng không phải sự sống sung túc mà một sự sống dồi dào hơn, sung mãn hơn. Ngài biết sự mong manh của tính bộc phát của đám đông. Hôm nay hoan hô, ngày mai đòi đóng đinh trên thập giá. Ngài lên núi một mình để gặp Cha Ngài, suy tính đến những giai đoạn sắp tới.

Đây chỉ là khúc nhạc dạo đầu của một bản nhạc giao hưởng bất tận mà Chúa Giêsu là nhạc trưởng tài ba đã khởi xướng. Ngài tỏ lộ khuôn mặt quyền năng và đầy yêu thương của Ngài cho mọi người.

Xưa kia Ngài dùng năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi năm ngàn người trong sa mạc, hôm nay và mỗi ngày, trên bàn thờ hiến tế, qua tay các linh mục, Ngài lấy chính thịt máu Ngài nuôi mọi tâm hồn khao khát và nhờ đó, chúng ta lãnh nhận được sự sống muôn đời. Ngài mới là Bánh Trường Sinh, không hư hoại, là sự sống thật. Ăn lấy Ngài, chúng ta sẽ được no thỏa. Ngài mang lại cho chúng ta sức mạnh để lướt thắng mọi khó khăn trên đời và đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chỉ cần tin và đến với Ngài trong một tâm tình thành thật. Ngài là Tình Yêu trọn vẹn. Ngài cho đi mà không bao giờ lấy lại. Ăn lấy Ngài, chúng ta sẽ không còn thèm khát những bữa tiệc mong manh, chán buồn của trần gian. Ăn lấy Ngài chúng ta học được bài học cho đi vô điều kiện và hạnh phúc của chúng ta sẽ mãi mãi là cho đi như Ngài.

Lm Trầm Phúc