Hài hước với bệnh nghề nghiệp

Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng thường áp dụng cho chiến tranh trong lịch sử, cho chiến lược kinh doanh thời hiện đại.

 

 HEALTH-EBOLA/LIBERIA

 

Chiến thắng như thế thường thuộc về cái tôi. Tại sao chiến thắng không phải cho chúng ta? Tại sao tôi muốn chiến thắng người khác mà né tránh cuộc chiến với chính mình? Tôi gọi tên sự ngộ nhận của tôi là bệnh nghề nghiệp.

 

 

+ Bệnh nghề nghiệp là tôi dễ nghĩ rằng: không ai khôn ngoan hơn tôi.

 

Triết gia Socrates kể câu chuyện rất hấp dẫn về sự khôn ngoan: Tôi (Socrates) cho rằng, nếu tôi không khôn ngoan nhất, thì phải có ai đó khôn ngoan hơn tôi, vì thế tôi lên đường đi tìm ai đó.

 

– Trước tiên, tôi gặp một quan chức được tiếng khôn ngoan. Tôi nói với ông ấy rằng, tôi không thể tin ông là người khôn ngoan. Thế là ông ấy ghét tôi, và sự ghen ghét đó lan truyền cho những người xung quanh nữa. Tôi rời bỏ ông và tự nhủ: tôi vẫn khá hơn ông ấy, vì ông không biết gì mà cứ tưởng mình biết, còn tôi không biết gì và tôi biết là tôi không biết.

 

– Sau đó, tôi tìm đến một nhà thơ nổi tiếng. Tôi đem đến cho ông một số đoạn thơ phức tạp nhất do ông sáng tác, để mong học được điều gì đó từ sự chỉ dạy của ông. Tôi phải xấu hổ thú nhận: không ai nói về thơ của ông hay như chính ông nói. Ông nói hay về thơ của mình, đến nỗi ông cứ nghĩ rằng, ông khôn ngoan trong các lĩnh vực khác nữa. Thế là, tôi rời bỏ ông.

 

– Cuối cùng, tôi đến với các người thợ, vì tôi biết là trong chuyện này tôi không biết gì, chắc chắn là tôi học được điều gì đó. Tôi không lầm, họ rất lành nghề. Họ biết nhiều kỹ năng mà tôi không biết. Buồn thay, người thợ giỏi nhất cũng mắc sai lầm như nhà thơ như vị quan chức. Họ đều tưởng là họ dường như biết hết mọi sự. Điều này che lấp sự khôn ngoan nơi họ.

 

Không biết tôi có nên đón nhận cái hiện tại của tôi của tôi hay không? Vì tôi vừa không có những kiến thức của họ, vừa không có cái ngu dốt của họ. Tôi nên có cả hai thứ như họ? Tôi tự nhủ: tôi nên như hiện tại, vì như thế tôi mới có thể khôn ngoan chút đỉnh.

 

+ Bệnh nghề nghiệp là tôi dễ tưởng rằng: tôi luôn đúng.

 

Nhà tâm lý Carl Gustav Jung kể câu chuyện rất đáng lưu tâm:

 

– Tôi (Jung) còn nhớ một giáo sư triết học đến gặp tôi vì ông bị ám ảnh bởi bệnh ung thư. Ông yên trí là mình bị một khối u, cho dù người ta đã chiếu điện 12 lần mà không thấy gì. Ông nói: “Ồ, tôi biết rằng không sao cả, nhưng cũng có thể có cái gì đó.” Ông lại yêu cầu người ta kiểm tra. Ý tưởng về căn bệnh đè nặng trên ông và ông không kiểm soát nổi mãnh lực của nó. Vị giáo sư không thể chấp nhận sự thực về mình. Ông không thoát được “bệnh”.

 

– Khi say mê nghiên cứu môn hóa thạch, tôi (Jung) không dám nói với nhà tâm lý Freud về sọ, xương hay tử thi. Vì theo kinh nghiệm của mình, tôi biết là Freud ghê tởm những đề tài ấy. Nếu tôi nói, Freud có ý tưởng lạ lùng là tôi mong Freud chết sớm. Sợ mất tình thân, tôi không nói ý kiến của mình cho Freud về những chủ đề ấy. Tôi nhận thấy: yếu tố chủ quan đóng vai trò quan trọng trong sự hiểu biết tâm lý. Để gìn giữ tương quan với Freud, tôi phải dùng cách không thanh nhã lắm về mặt đạo đức tức là nói dối. Vì nếu tôi nói thật, Freud không chịu nổi.

 

Ngay cả nhà khoa học và nhà tâm lý cũng không thể thoát ra được cái đúng của chính mình, để đến với cái đúng của người khác. Sự thật thú vị và trớ trêu!

 

Đời sống ngày càng bận rộn và chuyên môn hóa. Con người nhiều khi chạy như máy tính được lập trình nhiều phần mềm. Chú tâm chạy các chương trình, con người có thể quên mất vị thế của chính mình: vị thế của người sáng lập phần mềm, vị thế của người cài đặt chương trình, vị thế của người tắt hoặc mở máy tính, vị thế đi vào hoặc đi ra hệ thống. Có lẽ, con người cần những giây phút tĩnh lặng, để lương tri thức tỉnh đón lấy ánh sáng thuần khiết, để lương tâm rung động khơi dậy sức sống ấm nồng. Chiến thắng người khác có lẽ không quan trọng bằng chiến thắng chính mình! Hài hước tự cười chính mình, là niềm vui khó tả…

 

Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.

dongten.net 05.08.2015