Hiệu ứng Phanxicô ngày càng tăng trong các chủng sinh

Cha Phillip Brown gặp Đức Phanxicô vào năm 2013

Hiệu ứng Phanxicô?

Có người hi vọng, có người lại e ngại.

Nhưng cha Phillip J. Brown, Hội Xuân bích, giám đốc Trường Thần học, chủng viện giáo phận quốc gia của Đại học Công giáo Hoa Kỳ ở Washington, nói rằng hiệu ứng Phanxicô đang sống và sống mạnh mẽ, ngày càng lớn, ít nhất là trong các chủng sinh. Hiệu ứng Phanxicô phát triển chóng mặt.

Cuối năm ngoái, khi một nhà báo hỏi về tác động của Đức Phanxicô trên chủng viện quốc gia Hoa Kỳ, cha giám đốc Phillip J. Brown đã nói rằng vẫn còn quá sớm để định lượng. Nhưng trong bài phỏng vấn mới đây với NCR, thì không còn thế nữa.

Cha nói rằng, thông điệp không ngừng được dạy trong chủng viện là ‘hãy vươn ra.’ ‘Bạn không làm linh mục để là một cảnh sát. Bạn phải là một mục tử. Đây là thông điệp của Đức Phanxicô.’

Cha cho biết, con số chủng sinh vẫn như cũ, nhưng thái độ của các chủng sinh mới đã bắt đầu biến đổi chủng viện.

‘Cách tiếp cận căn bản trong đào tạo của chúng tôi luôn luôn tương hợp với Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhất là cần các chủng sinh dấn thân trực tiếp phục vụ người nghèo, vốn luôn có nơi thủ đô này.’

Cha cũng biết nhiều người Công giáo than phiền rằng đôi khi các linh mục mới chịu chức đến các giáo xứ với ý định trong đầu là áp đặt thay đổi các quan điểm về phụng vụ và vai trò của linh mục. ‘Quan điểm này đi ngược lại những gì chúng tôi đào tạo các chủng sinh. Chúng tôi luôn luôn nói rằng hãy đến giáo xứ trong một hoặc vài năm, và nhìn xem giáo xứ thế nào. Nếu muốn tạo ra thay đổi, thì cần phải được giáo dân tin tưởng.’

Đức Giáo hoàng hỏi thăm các chủng sinh

Cha cũng thấy một chuyển biến về thái độ trong các chủng sinh, nhất là trong các lĩnh vực như:

Quan điểm về truyền thống giáo hội. Các chủng sinh cởi mở hơn với sự đa dạng, ngày càng bớt mang tính biện giáo, và càng theo một quan điểm đồng hưởng với Đức Phanxicô là ‘đi với người dân, thấy họ ở chính nơi họ ở … Các chủng sinh hiện giờ hiếu kỳ hơn, sẵn sàng áp dụng lời dạy này cho cuộc sống thực tế của mọi người.’

Ngày càng bớt tập trung vào tính cực tôn của chức linh mục, một quan điểm xem các linh mục là những người riêng biệt với quyền lực bí tích, và ngày càng tập trung hơn về cách các linh mục có thể làm giữa dân, giống như lời Đức Phanxicô đã mô tả là người mục tử có mùi của chiên.

Bớt nhấn mạnh về các dấu hiệu và biểu tượng kiểu chủ nghĩa truyền thống, chẳng hạn như mang áo chùng đen, chỉ rước lễ bằng miệng chứ không bằng tay. Nhưng trong những năm gần đây, những điều này giống như ‘biểu tượng của tính chính thống’ với ý rằng những ai không làm thế thì đáng ngờ. ‘Nhưng bây giờ không thế nữa,’ cha Phillip cho biết.

Các chủng sinh mới nhất ngày càng giống như Đức Phanxicô, nghĩa là theo quan điểm Công đồng Vatican II xem Giáo hội nên gắn bó với nền văn hóa chứ không nên xem mình là một cộng đồng tách biệt. Trước đây, các chủng sinh mang một nhận thức rất mạnh rằng mình khác với các bạn đồng lứa. Bây giờ, các chủng sinh lại xem mình khá là giống với các bạn đồng lứa, và mang trong lòng mục tiêu là biến đổi nền văn hóa với thông điệp Tin mừng.

Cha Phillip còn cho biết các chủng sinh ngày càng xa chủ nghĩa Calvin một kiểu thần học luân lý dựa trên luật lệ, để đến gần hơn với một nhận thức khác về vai trò của giáo huấn trong đời sống mọi người. Các chủng sinh cũng bớt ngờ vực việc cố vấn tâm lý. Thông điệp của Đức Phanxicô về môi trường cũng có nhiều tác động.

Và cha Phillip thấy những thay đổi này là tin tốt lành. Hiệu ứng từ các huấn giáo của Đức Phanxicô không chỉ tác động trên những chủng sinh mới, mà còn thấm vào trong văn hóa của cả hệ thống.

Theo cha Phillip, chỉ vài năm nữa thôi, giáo dân sẽ thấy hiệu ứng này trong những linh mục mới được truyền chức.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch