Hội ngộ để chia ly – Chia ly để cùng hội ngộ

Hôm nay Chúa Giêsu cùng các môn đệ ăn lễ vượt qua, lễ kỷ niệm dân Do Thái thoát đất Ai Cập. Nhưng thực chất, đây là một biến cố của con người được vượt qua từ cảnh nô lệ sang tự do, vượt từ lối sống cũ sang lối sống mới, cụ thể hơn là vượt qua khỏi sự phản bội để bước tới tình yêu vững bền.

Bữa ăn đặc biệt này hẳn nhiên có nhiều kỷ niệm đáng nói. Chính sau bữa ăn cuối cùng này, Chúa Giêsu đã chịu treo trên thập giá, đổ máu của mình ra cứu chuộc muôn dân. Máu cao cả cực quý của Chúa Giêsu đổ ra vì yêu nhân loại và không còn gì cao quý nơi Ngài mà Ngài lại không dành cho con người chúng ta. Máu Chúa Giêsu là dấu chỉ tình yêu vững bền, không bao giờ bội ước. 

Trong suốt 3 năm rao giảng, Chúa Giêsu và các môn đệ đã cùng ăn với nhau rất nhiều lần. Lúc thì thịnh soạn nơi nhà ông Gia Kêu, khi thì đạm bạc như ở nhà ông Phêrô được mẹ vợ ông ta mới ốm dậy nấu nướng phục vụ, hay lúc khác tại nhà chị em Matta và Maria. Nơi những bữa ăn ấy, Chúa Giêsu đã từng hướng dẫn, chia sẻ và đạy dỗ các môn đệ. Nhưng nơi bữa ăn cuối cùng, Ngài đã trao ban chính mình và máu Ngài làm của lễ đền tội cho muôn dân. 

Nói sao hết nỗi niềm trước lúc chia ly, nói sao hết cõi lòng của người trong cuộc, chỉ mình Chúa Giêsu mới cảm thấu được sự cô đơn, đau đớn thế nào khi phải ngồi ăn những những miếng bánh cuối cùng với các môn đệ, để lên đường chịu khổ nạn đau thương. Từ đây Thầy sẽ xa trò, còn trò sẽ hoang mang tan tác. Thầy chạnh lòng thương vì môn đệ không hiểu những gì Thầy sắp làm, không hay những điều Thầy sắp chịu đựng. Họ chỉ đơn sơ nghĩ rằng, Thầy mình là Đấng Mêsia phải đến để giải thoát họ khỏi nô lệ Rôma. Nhưng Chúa Giêsu không được sai đến để làm việc đó, Ngài đến để chịu chết cách oan khiên đau đớn, hầu cứu muôn người khỏi ách nô lệ tỗi lỗi mà thôi. 

Vậy tại sao Chúa phải chết? 

Từ khi phạm tội chống lại Thiên Chúa, Adam Eva đã đưa loài người vào tình trạng tội lỗi muôn đời. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, con người lại tiếp tục lún sâu trong đường tội lỗi. Nếu con người không phản bội thì Thiên Chúa đã không phải bận tâm, nhưng bản tính yếu đuối, hết lần này lượt khác, con người đã sa ngã và quay lưng lại với Chúa. Thiên Chúa đã gửi biết bao ngôn sứ đến cảnh tỉnh, nhắc nhở và rồi có cả án phạt nữa, nhưng con người vẫn cứng lòng. Đến lúc này, không còn cách nào khác để cứu con người, Thiên Chúa đã phải sai Con Một xuống thế làm người, dùng cái chết đau đớn của mình mà cứu chuộc muôn dân muôn nước. 

Hôm nay, trong bữa ăn ly biệt này, Chúa Giêsu muốn nói nhiều lắm, muốn dạy nhiều lắm, muốn làm nhiều lắm, nhưng sẽ không có gì quý giá hơn là trao ban. Ngài trao ban chính Mình và Máu Châu Báu của Ngài để nuôi sống các môn đệ, cũng là nuôi sống muôn người muôn nơi thuôc mọi thế hệ. Ngài sẵn sàng hy sinh chịu chết một cách oan khiên, đau đớn và thảm thương, Ngài hiến dâng chính mạng sống mình để chết thay cho toàn dân. Ngài nói: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là mình thầy, sẽ bị trao nộp vì anh em;” và nữa: “Anh em hãy cầm lấy mà uống, này là chén máu thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra vì anh em” (Mc 14, 23-24). 

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa cùng với các môn đệ đã hội ngộ, để rồi phải chia ly. Chúa ra đi trong đau đớn thập hình, các môn đệ cũng chia ly tan tác như ong vỡ tổ. Sau khi Chúa sống lại, Chúa tiếp tục quy tụ các môn đệ, nhưng rồi cũng phải chia ly. Nhưng cái chia ly sau hết này, là một cuộc chia ly để quy tụ, để cùng nhau về trời. Chúa lên ngự trị bên Chúa Cha còn các môn đệ ra đi muôn ngả loan báo tin mừng cứu độ, họ sẵn sàng chịu chết giống như Chúa để làm chứng về Chúa. Xin cho con hôm nay, biết chấp nhận Thánh Giá khổ đau, chấp nhận những oan khiên của cuộc sống, dám vượt qua mọi thách đố của cuộc đời nổi trôi để đứng lên làm chứng về Tin Mừng Phục Sinh của Chúa. Và lạy Chúa, xin cho con bén nhạy với tiếng kêu la của “MÁU”, là những tiếng thét gào của những người đau khổ, nghèo đói, bệnh tật bị gạt ra ngoài lề của xã hội. Những nơi đó họ rất cần sự vỗ về chăm sóc ủi an của những người như chúng con, họ là tha nhân, là anh em đồng loại của con, và cũng là hình ảnh hiện diện của Chúa nơi trần gian này. Vậy xin Chúa hãy cho con biết mẫn cảm với những hoàn khổ đau, và cho con can đảm dấn thân, đừng trì hoãn nữa. 

Và sau hết, lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết siêng năng chạy đến với Chúa qua thánh lễ, qua bí tích Thánh Thể. Xin cho con cảm nghiệm sâu xa tình yêu bao la của Chúa đã tự hiến vì con. Ðể từ đó con dám múc lấy tình yêu cũng như ân sủng của Chúa và trao ban lại cho tha nhân đồng loại của con. Amen.

 

Antôn Phêrô Nguyễn