Hôn nhân đồng tính ở Mỹ: Các nhân viên lục sự Công Giáo có cần phải thôi việc không?

…trong mọi trường hợp, một người nhân viên không bị bắt buộc phải từ chức, chịu phạt hoặc phải cấp giấy hôn phối bởi vì họ được bảo vệ bởi pháp luật hiện hành. Nếu một cơ quan chính phủ có hành động chống lại một nhân viên từ chối cấp hôn thú, nhân viên đó có thể viện dẫn Chương VII của Luật Dân Quyền.

Hôn nhân đồng tính ở Mỹ: Các nhân viên lục sự Công Giáo có cần phải thôi việc không?

Hôn nhân đồng tính ở Mỹ: Các nhân viên lục sự Công Giáo có cần phải thôi việc không?

Toàn thể các nhân viên hành chánh ở quận Decatur cuả Tiểu Bang Tennessee đã từ chức vì lý do tôn giáo. Họ từ chối cung cấp hôn thú cho các cặp đồng tính.

Cô lục sự Gwen Pope, có thâm niên từ năm 2008, tuyên bố với báo The Jackson Sun rằng:

“Tôi thành thật tin rằng Thiên Chúa sẽ chăm sóc cho chúng tôi.”

Nhưng ông Ken Connelly, tư vấn pháp lý cuả Alliance Defending Freedom (Liên Minh Bảo Vệ Tự Do), không hài lòng về những việc như vậy, ông nói:

“Thành thật mà nói, không có lý do nào làm cho họ phải từ chức.”

Giả định đây là một trường hợp mà trong văn phòng của quận đã có một nhân viên khác sẵn sàng cấp giấy hôn thú cho các cặp đồng tính.

Quyết định mới đây của Tòa án Tối Cao về vụ ‘Obergefell v. Hodges’ ra phán quyết rằng tất cả 50 tiểu bang phải cấp hôn thú cho các cặp đồng tính và phải công nhận các hôn thú như vậy từ các tiểu bang khác.

Tuy nhiên, nhiều nhân viên lục sự chịu trách nhiệm về hôn thú, đã bày tỏ sự phản đối vì lý do tôn giáo. Điều gì sẽ xảy ra cho họ là còn tùy theo những trường hợp khác nhau.

Thí dụ như ở Texas, ông chưởng lý Ken Paxton cam kết rằng “Văn phòng này sẽ làm tất cả mọi thứ có thể được để cung cấp một tiếng nói công khai” cho những nhân viên đang phải đối mặt với những khoản tiền phạt và các vụ kiện bởi vì họ không cấp giấy hôn thú.

Do đó, khi cô lục sự Katie Lang ở quận Hood từ chối cấp giấy hôn thú, một cặp đồng tính đã kiện. Quận cuối cùng đã phải cấp giấy cho họ, nhưng họ tiếp tục kiện cho đến khi văn phòng lục sự đồng ý cấp giấy phép “cho tất cả các cặp vợ chồng, đồng tính hay không, không chậm trễ”, và hoàn trả lệ phí luật sư của họ.

Nhưng một nhân viên lục sự khác ở quận Boone ở Kentucky thì ban đầu đã từ chối cấp giấy kết hôn cho các cặp đồng tính, nhưng ba ngày sau lại ‘xám hối’ , sau khi có quyết định của Tòa án tối cao.

Sẽ có nhiều rắc rối về pháp lý xảy ra cho các nhân viên như vậy, theo ông Roger Severino, Giám đốc Trung tâm Tôn giáo và Xã hội Dân sự DeVos của quĩ Heritage Foundation.

Những rắc rối sẽ khác nhau vì tùy theo từng tiểu bang. Một nhân viên lục sự có thể bị kiện trực tiếp từ một cặp đồng tính. Hoặc cặp đồng tính ấy có thể kiện cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về hôn thú. Hoặc một cơ quan chính phủ có thể xử phạt một nhân viên vì cớ phân biệt đối xử.

Tuy nhiên trong mọi trường hợp, một người nhân viên không bị bắt buộc phải từ chức, chịu phạt hoặc phải cấp giấy hôn phối bởi vì họ được bảo vệ bởi pháp luật hiện hành.

Đầu tiên, ông Connelly cho biết, người nhân viên có thể trích dẫn Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ tự do tôn giáo và ngôn luận. Và Hiến pháp của mỗi tiểu bang thì đều có những biện pháp bảo vệ tương tự và nhiều khi còn mạnh mẽ hơn cả Tu Chính Án Thứ Nhất nữa.

Nếu một cơ quan chính phủ có hành động chống lại một nhân viên từ chối cấp hôn thú, nhân viên đó có thể viện dẫn Chương VII của Luật Dân Quyền, ông Severino nói thêm.

Chương VII Luật Dân Quyền nói rằng việc tuyển dụng không thể phân biệt đối xử với nhân viên của họ trên cơ sở tôn giáo, chủng tộc, hoặc quan hệ tình dục.

Luật đó “đòi hỏi chủ nhân phải cung cấp những thích nghi cho sự tin tưởng và thực hành tôn giáo,” miễn là sự thích nghi đó không “tạo ra một khó khăn quá đáng cho cơ quan.”

Như vậy nếu một nhân viên đã nại cớ tôn giáo trong Chương VII với chủ nhân mà từ chối cấp giấy hôn thú, thì người chủ nhân lao động phải tìm một nhân viên khác để cấp giấy kết hôn.

Người chủ nhân cũng có thể thiết lập một hệ thống “ở hậu trường”, có những nhiệm vụ nhất định cho những nhân viên nhất định. Trong trường hợp này, việc cấp giấy phép kết hôn đồng tính sẽ là một công việc chỉ dành cho một nhân viên đồng ý làm như vậy.

“Vì vậy, có nhiều cách mà vấn đề tôn giáo có thể được thích nghi, và không có kẻ thua,” ông Severino nói.

Tất nhiên, nếu toàn bộ mọi nhân viên của một văn phòng đều từ chối cấp giấy phép hôn nhân đồng tính – như trường hợp văn phòng quận Decatur ở Tennessee – thì sự thích nghi này sẽ trở thành phức tạp, vì không có một người nhân viên nào cung cấp một giấy hôn thú cho cặp đồng tính cả.

Trong trường hợp Chương VII không áp dụng được, thì vẫn còn có những qui định (statutory) bảo vệ khác theo luật lệ cuả tiểu bang, một loại “quay ngược trở lại Tu Chính Án Thứ Nhất,” theo cách nói của ông Connelly. Một số tiểu bang đã có các qui định bảo vệ quyền tự do tôn giáo rất mạnh mẽ, ông lưu ý.

Ví dụ, một số tiểu bang đã có Đạo luật Phục hồi Tự do Tôn giáo (Religious Freedom Restoration Act ). Luật này ngăn ngừa chính phủ đưa ra một “gánh nặng đáng kể” trên một người thi hành sự tự do tôn giáo, trừ phi chính phủ chứng minh được rằng việc tăng thêm gánh nặng là vì “lợi ích đầy thuyết phục của chính phủ” và rằng gánh nặng đó là “phương cách hạn chế tối thiểu nhất”.

Như vậy các nhân viên có thể núp bóng dưới những luật lệ như thế mà tránh khỏi những hành động bất lợi từ chính quyền.

“Miễn là chính quyền có thể thích nghi mà không có kẻ bị thiệt thòi, trong một trường hợp như vậy thì khó mà nghĩ rằng một người nhân viên như thế có thể thua được”, ông Connelly nói thêm.

Một số tiểu bang hiện nay đang cung cấp thêm những quy định để bảo vệ (tôn giáo). Nhưng không chắc chắn sẽ có thêm nhiều tiểu bang nữa.

“Tôi nghĩ chúng ta cần một số pháp lý (cấp Liên Bang) mới để bảo vệ cho các nhân viên lục sự,” theo ý kiến của Tiến sĩ Chad Pecknold, giáo sư thần học và chính trị tại The Catholic University of America.

“Chúng ta cần có luật mới để bảo vệ cho những người tin rằng phán quyết (Obergefell) này là sai trái.”

Vì các tiểu bang sẽ dè dặt trong việc cung cấp bảo vệ, Pecknold dự đoán.

“Đây là một bi kịch của phán quyết ‘Obergefell,’ phán quyết này đã được đưa ra trong một cách mà các tiểu bang phải vội vàng áp dụng. Và nhiều tiểu bang không cảm thấy nhu cầu bảo vệ tự do tôn giáo là ưu tiên. “

Tuy nhiên ông Severino cũng cho biết riêng tiểu bang Bắc Carolina đã cụ thể cung cấp nhiều bảo vệ cho nhân viên của họ.

Sau khi văn phòng hành chính của tiểu bang gửi ra một thông cáo rằng tất cả các nhân viên phải cung cấp giấy hôn thú đồng tính hay là bị sa thải và có thể bị truy tố với một tội hình sự, thì nghành lập pháp của tiểu bang đã hành động tức thời.

Quốc hội cung cấp một thể thức “không tham gia” cho nhân viên, trên cơ sở tôn giáo, từ chối việc cung cấp giấy hôn thú. Khi ông thống đốc phủ quyết dự luật, thì hai viện lập pháp đã gạt quyền phủ quyết (override) của ông.

“Chúng ta cần mọi tiểu bang thực sự đứng lên để bảo vệ quyền lợi của các công chức,” ông Severino nói, và theo như luật của North Carolina, “Tôi nghĩ rằng đó là một sự bảo vệ tuyệt vời bởi vì không có kẻ thua cuộc. Tự Do tôn giáo vẫn được bảo vệ mà không có ai bị từ chối bất cứ điều gì. “

(Trần Mạnh Trác, VCN 09.07.2015)