Hy vọng về tương lai hội thánh và quê hương

Hối cải và cầu nguyện, đó là hai việc quan trọng, mà thiết tưởng mọi người trong Hội Thánh tại Việt Nam chúng ta cần phải để ý nhận thức đúng …

DCBuiTuan.jpg1.

Cũng đã khá lâu rồi, nhưng nhất là thời gian gần đây, và chính những ngày này, tôi cảm thấy bản thân tôi như chìm vào cảnh cạn kiệt khủng khiếp. Cạn sức sống, cạn niềm vui, cạn ánh sáng. Tôi cảm thấy mình là gánh nặng cho bao người khác, và cũng cho chính mình. Tôi như kẻ ăn xin.

Không những thế, tôi còn là kẻ phải vác trên mình một khối nặng thảm khốc, đó là những cơn đau. Đau thân xác, đau tâm hồn, đau tận sâu thẳm tâm can. Tôi thực sự buồn khổ.


  1. Chính trong tình hình như thế, tôi mới hiểu phần nào việc Chúa Giêsu đã cầu nguyện xưa ở vườn Cây Dầu tối thứ năm, trước giờ chịu nạn.

Chúa nói với ba môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 19,34).

Người quỳ xuống đất mà cầu xin: “Abba, Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự. Xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36).

3.

Nhớ lại cảnh thê thảm, mà Chúa Giêsu đã trải qua tại vườn Cây Dầu, tôi mới thấy sự đau đớn tôi chịu, lúc đời tôi như sắp bước vào cơn hấp hối, nó là một đau đớn không có gì phải hổ thẹn.

4.
“Buồn sầu đến chết được”, cũng có nghĩa là “thà chết thì hơn”. Lời than đó cũng đã thấy thốt lên từ thánh Maisen (x. Ds 11,14-15) và từ thánh Êlia (x. 1V 19,4).

5.
Trước đau đớn, tự nhiên ai cũng muốn tránh. Cầu xin cho được thoát khỏi, đó là điều rất tự nhiên. Nhưng trong mọi lựa chọn, sự vâng phục thánh ý Chúa Cha là lựa chọn sau cùng. Đó là lựa chọn xứng đáng của người con đối với Cha của mình. Đó là lựa chọn cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ. Đó là lựa chọn nói lên sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong con người. Nếu lựa chọn đó có đau đớn, thì đau đớn ấy cũng mang niềm vui, đau đớn ấy cũng có sức cứu độ. 

6.

Chính nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, mà bao người đã có thể phấn đấu với chính mình, để vâng phục ý Chúa. Phấn đấu này không dễ chút nào. Đây là một sự thực mà tôi xin được phép nói lên.

7.

Thực tế cho thấy: Tránh đau đớn buồn khổ là chuyện bình thường. Nhưng tránh nó bằng cách nào, thì lại là một vấn đề phải luôn sáng suốt.

Tránh nó bằng sự lao mình vào những việc tội lỗi, thì tất nhiên là chọn lựa xấu. Nhưng, tránh nó bằng những việc ta tự coi là đạo đức, thì cũng chưa hẳn đã là hợp thánh ý Chúa.

8.
Tôi nhớ lại đoạn sau đây của Phúc Âm thánh Matthêu.

“Trong những ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,23). Lý do là vì: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Làm các việc coi như đạo đức, mà không hợp ý Chúa, thì cũng bị Chúa loại. Nếu đúng là như vậy, thì tôi không nên tự hào với cách giữ đạo hiện nay ở nhiều nơi tại Việt Nam đang rất ồn ào với nhiều việc coi như đạo đức. Nếu chẳng may Chúa sẽ bảo: Ta không biết các ngươi là ai, vì các ngươi làm các việc đó theo ý riêng mình, chứ không theoý Chúa. Lúc đó sẽ khốn khổ vô cùng.


  1. Riêng tôi, tôi tin chắc điều này: Tình hình hiện nay đang chuyển biến phức tạp, có vẻ sự ác đang thắng sự thiện, nhưng sau cùng sự thiện sẽ thắng. Tôi tin điều đó nhờ Phúc âm. Sách Khải Huyền là một ví dụ.

Theo sách Khải Huyền, thì tuy nhân loại có bị sự ác khống chế một cách thê thảm, nhưng trong các cộng đoàn vẫn sẽ có nhiều người hối cải, nhất là sẽ có nhiều cầu nguyện.

10.
Cầu nguyện là một việc, mà sách Khải Huyền đề cao. Thánh Gioan nhìn thấy một thiên thần cầm một bình hương bằng vàng trước toà Chúa. Thiên thần không ngừng bỏ vào bình hương đó những hạt hương thơm để dâng lên Chúa. Các hạt hương đó chính là các lời cầu nguyện. Thiên thần lại gắp lửa từ bình hương đó mà ném xuống đất. Việc đó ám chỉ những ơn, Chúa ban xuống cho những ai cầu nguyện (x. Kh 8,1-4; 8,5).

Và để kết, sách Khải Huyền gởi tới các giáo đoàn lời sau đây được nhắc đi nhắc lại của Chúa: “Và đây, Ta đến, không trì hoãn” (Kh 22,7.12).

Trên đây là một cách nhìn đầy hy vọng về tương lai lịch sử. Tôi tin Chúa sẽ thắng.

11.
Hối cải và cầu nguyện, đó là hai việc quan trọng, mà thiết tưởng mọi người trong Hội Thánh tại Việt Nam chúng ta cần phải để ý nhận thức đúng và thực hành đúng.

Để được như vậy, chúng ta rất cần đến đức tin. Riêng tôi, chính nhờ tin vào Chúa Giêsu một cách tuyệt đối, và hết sức sống động, mà tôi vượt qua được thử thách muôn vàn, để được trung thành với Chúa.

Tôi tin Đức Kitô là Chúa chiên nhân lành, đi tìm chiên lạc. Người hy sinh mạng sống vì chiên (Mt 18,12-14; Ga 10,2-4). Người là đường, là sự thực và là sự sống (Ga 14,6).

12.
Với đức tin, tôi phó thác mình cho Chúa. Một sự phó thác có mến yêu, khiêm tốn và tin tưởng tuyệt đối.

13.
Tới đây, tôi có cảm tưởng là Chúa Giêsu đang tạ ơn Chúa Cha, như xưa Người đã có lần nói lên một lời cảm tạ đầy xúc động:

“Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,31).

14.
Kẻ bé mọn và cũng  là kẻ tội lỗi, kẻ yếu đuối, kẻ ấy chính là tôi đây. Xin cảm tạ Chúa đến muôn đời. Người đã dùng cây thánh giá mà xót thương tôi, để tôi góp phần vào hy vọng cho Hội Thánh và Quê Hương yêu dấu của tôi. Người cũng đã nhờ nhiều người tốt mà đỡ nâng tôi, để tôi được cùng với họ, mà góp phần đưa nhiều đồng bào yêu dấu đến cõi sống đời đời, hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, bên Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót.

Long Xuyên, ngày 14.9.2016.

+ GB. Bùi Tuần