Khao khát hòa bình – Đức Cha Phêrô

Mùa Vọng và Giáng sinh năm ngoái chứng kiến cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina. Năm nay, khi cuộc chiến Ukraina vẫn chưa ngã ngũ, thế giới lại chứng kiến thêm cuộc chiến giữa Israel và Hamas ngay trên miền đất quê hương của Chúa Giêsu. Hơn bao giờ hết, người dân khao khát hòa bình, và Đức Giáo hoàng Phanxicô liên tục kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình.

Hình ảnh chiến tranh Israel và Hamas

Thế nhưng lời kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình bị phê phán nặng nề, không những bị cho là vô ích mà còn bị coi là “cớ viện dẫn để không phải bứt rứt lương tâm, biện minh cho thái độ trung lập không thích hợp, và làm xói mòn đánh giá luân lý”. Đây là lời phê phán nặng nề của Riccardo Di Segni, Rabbi trưởng tại Rôma.

Sở dĩ có những phê phán nặng nề trên là vì thái độ của Đức Giáo hoàng Phanxicô về cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas. Ngài cho rằng cả Israel lẫn Hamas đều là “khủng bố”. Ngay lập tức, Hội đồng các rabbis tại Italia đã phản đối vì cho rằng Đức Giáo hoàng “đã đặt những người dân vô tội bị bắt cóc ngang hàng với những người bị giam giữ vì những hành động khủng bố”. Họ mong muốn Đức Giáo hoàng phân biệt rõ ràng giữa cuộc tấn công của Hamas với “những thiệt hại dân sự” trong “cuộc chiến tự vệ” của Israel.

Khi được hỏi về lời phê phán này, Đức hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã nói rõ quan điểm của Công giáo về cầu nguyện.

Về mặt tự nhiên, khi cầu nguyện là chúng ta đã khẳng định lập trường đứng về phía sự thiện và chống lại sự ác, chọn công bằng và chống lại bất công, chọn tình yêu và chống lại hận thù.

Sâu xa hơn, theo tầm nhìn đức tin Kitô, mọi căng thẳng và xung đột trong cuộc sống nhân loại đều phát xuất từ sự bất ổn trong lòng người, sự bất ổn ấy gắn liền với tội đầu tiên là tội không vâng phục Thiên Chúa, và bị đào sâu hơn bằng những tội cá nhân của mỗi người. Ai có thể chữa lành và ban bình an cho tâm hồn con người nếu không phải là chính Thiên Chúa! Ngài là vị thầy thuốc làm việc ở chiều sâu lòng người, và “Không có gì mà Chúa không làm được (Lc 18,27).

Vì thế, hãy cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, tha thiết cầu nguyện nhiều hơn nữa:

“Lạy Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của các tiên tri, Thiên Chúa của tình yêu.

Chúa đã dựng nên chúng con và kêu gọi chúng con sống như anh chị em với nhau.

Xin ban cho chúng con sức mạnh hằng ngày để chúng con trở nên khí cụ bình an, biết nhìn mọi người như anh chị em của mình.

Xin làm cho chúng con biết nhạy bén trước nỗi thống khổ của những người dân, đang mong ước chúng con biến vũ khí chiến tranh thành khí cụ hòa bình, biến sợ hãi thành niềm tin tưởng, biến những tranh cãi thành sự tha thứ.

Xin làm cho ngọn lửa hi vọng mãi bừng cháy trong lòng chúng con, để với sự kiên trì và nhẫn nại, chúng con dám chọn con đường đối thoại và hòa giải. Bằng cách đó, hòa bình cuối cùng sẽ chiến thắng, và những từ ngữ “chia rẽ”, “hận thù”, “chiến tranh” sẽ biến mất khỏi lòng người.

Lạy Chúa, xin làm cho bạo lực biến mất khỏi ngôn ngữ và hành động của chúng con. Xin canh tân lòng trí chúng con để từ ngữ “anh em” sẽ nối kết chúng con với nhau, và lối sống của chúng con sẽ là lối sống bình an, Shalom, Salaam!”