Làm thế nào để người ta có thể nói một cách có ý nghĩa về lời khấn khó nghèo? Cái nghèo vật chất tự nó biểu thị sự thiếu thốn và tước đoạt chẳng ai mong muốn. Cái nghèo này tự nó không có giá trị. Nó hằn vết đau thương ô nhục trên cuộc sống của nhiều người trong thế giới. Bằng mọi giá, cái nghèo phải được loại bỏ. Không lạ gì khi việc xóa bỏ cái nghèo đứng đầu trong Các Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ. Vậy việc tuyên khấn khó nghèo có ý nghĩa gì khi những người khác trong thế giới này đang tìm cách loại bỏ nó? Bên cạnh đó, văn hóa của chúng ta lại đề cao việc chiếm hữu và hưởng thụ vật chất. Việc chọn khó nghèo có nghĩa lý gì? Rõ ràng, khó nghèo tự nó không thể được chọn. Cũng như các lời khấn khác, nó chỉ là một phương tiện.
Theo truyền thống, nhiều lý do đưa ra cho việc chọn lựa khó nghèo xoay quanh những nguy hiểm của vật chất đối với đời sống thiêng liêng của con người. Người ta chọn nghèo để tự do khỏi những bận tâm và gánh nặng trong việc sở hữu và chiếm giữ của cải vật chất. Khó nghèo được thực hiện như một nguyên tắc khổ chế để vun trồng những giá trị từ bỏ, đơn giản và phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Nó làm cho người ta tự do khỏi bị dính bén và lôi kéo bởi tiền bạc của cải để tận hiến cho việc chiêm ngắm Thiên Chúa và những giá trị vĩnh cửu. Mặc dù cho đến nay những lý do này có thể còn giá trị với nhiều người, song vẫn cần tìm một lý do khác có ý nghĩa hơn cho việc sống khó nghèo tin mừng.
Cái nghèo của Chúa Ki-tô trên tất cả là một mạc khải về tình yêu trao ban của Thiên Chúa và tình yêu của ngài đối với nhân loại và thế giới. Nó là một thứ tình yêu tự hủy và quên mình, một tình yêu cho đi tất cả chẳng giữ lại cái gì vì người khác. Cái nghèo mà tu sĩ tuyên khấn cũng chính là cái nghèo này. Nó biểu lộ tình yêu trao ban của Thiên Chúa, một sự bác ái, một quà tặng được cho cách nhưng không. Cái mà người tu sĩ tự do từ bỏ qua việc khấn khó nghèo thay đổi tùy mỗi địa phương. Không có thước đo tiêu chuẩn mang tính hoàn vũ về cái tu sĩ từ bỏ để được xem là nghèo. Nó tùy thuộc ngữ cảnh. Nhưng có chung ý nghĩa là họ được gọi để sống lời khấn khó nghèo như là một “phương tiện và dụng cụ” của tình yêu trao ban của Thiên Chúa. Đúng ra, đây là thứ tình yêu làm cho tu sĩ truyền giáo cách hữu hiệu.
Thánh Phao-lô, nhà truyền giáo vĩ đại đã sống cái nghèo như vậy với tư cách là một tông đồ suốt cuộc sống và sứ vụ của ngài. Thánh nhân đã nêu gương về tình yêu tự hủy và quên mình, ngài thậm chí không nhận cái gì cho bản thân như việc trợ cấp tài chính là hoa lợi từ những công tác của mình, thay vào đó ngài đã làm việc chân tay để tự nuôi sống bản thân. Mẫu gương của ngài mời gọi chúng ta tránh để được phục vụ trong những tương quan và hoạt động với những người mà chúng ta phục vụ dù cho đó là những đặc ân và quyền lợi chính đáng.
Đây là một thách đố lớn cho việc đáp lại thời đại của chúng ta. Một đàng, ở nhiều nơi người ta có xu hướng tặng những món quà vật chất cho các chủ chăn và những người hướng dẫn thiêng liêng, có khi tới độ làm hư hỏng các ngài. Đàng khác, nhiều tổ chức cộng đoàn ngày nay hầu như cái gì cũng bị biến thành một thứ mặt hàng tiêu thụ để bán ở một cái giá nào đó. Chẳng có gì miễn phí. Trong cả hai trường hợp này, một phản chứng tình yêu trao ban cách nhưng không là vô cùng quan trọng.
Chia sẻ vì tình yêu
Khó nghèo của Chúa Ki-tô không chỉ là sự tự hủy của ngài mà còn đồng thời là sự tự trao ban vì yêu Thiên Chúa và yêu chúng ta. Sự tự hủy của ngài là trao ban tất cả những gì ngài là và có cho Chúa Cha và cho thế giới. Điều này làm cho tình yêu trao ban của Chúa Ki-tô hoàn toàn tích cực- đó là một món quà bản thân.
Cộng đoàn các Ki-tô hữu tiên khởi ở Giêrusalem đã làm gương trong việc hiểu cách tích cực về cái nghèo của Chúa Ki-tô ( x. Cv 4:32-35). Nhiều người trong cộng đoàn đó nghèo vật chất. Dĩ nhiên, một số người lại có nhiều hơn những gì họ cần. Vì thế một số trong họ đã từ bỏ và trao tặng những gì mình có cho những nhu cầu của cộng đoàn. Họ đã để mọi thứ làm của chung để san sẻ cho nhau. Vì họ chia sẻ mọi thứ mình có, nên không ai trong cộng đoàn đó phải thiếu thốn. Họ đã làm giàu cho nhau bằng chính cái nghèo của họ. Nhìn vào lối sống chia sẻ của họ, những người ngoại giáo đã phải thốt lên: “xem họ yêu thương nhau biết chừng nào!” Người ta hiểu việc chia sẻ căn bản giữa các Ki-tô hữu là yêu- một sự diễn tả tình yêu trao ban và hiểu biết thân phận nghèo nàn của họ. Sẽ thật ý nghĩa khi học nhìn mọi thứ từ viễn tượng của người nghèo, dưới ánh sáng trải nghiệm và tranh đấu, những ước mơ và hy vọng của người nghèo cho một thế giới mới tốt hơn. Thật nghịch lý, người nghèo bên cạnh những kém cỏi nhân loại của họ lại có nhiều thứ để dạy các tu sĩ: nghèo là gì và nghèo có ý nghĩa gì trong đó bao hàm cả ý nghĩa của việc tin, cậy, mến là gì. Những người giàu có và quyền thế cũng có cái cần học từ người nghèo và người yếu thế bên lề xã hội.
Thứ đến, nghèo có nghĩa là trở nên một với người nghèo trong sự nghiệp của họ trong việc vượt thắng bất công, áp bức và bóc lột như là sự nghiệp của Chúa. Đó là lắng nghe “những tiếng kêu cứu” của người nghèo và chung sức với họ trong những nỗ lực và công tác nhằm lên tiếng và công khai bày tỏ “ niềm vui và hy vọng, buồn phiền và đau khổ” của họ vốn không được nghe nhìn bởi những người có trách nhiệm cầm cân nảy mực trong xã hội của chúng ta. Đó là liên đới với người nghèo trong những hành động và đấu tranh chính nghĩa của họ để làm thay đổi số phận họ, không chỉ cho lợi ích của họ mà còn cho ích chung của các nhóm và các tổ chức mà họ thuộc về.
Không có cách thức cụ thể cho việc dấn thân nhân đôi này trong thực tế. Nó có thể đòi hỏi một quá trình phức tạp, nhưng rõ ràng nó phải được quyết định cụ thể với từng trường hợp trong một ngữ cảnh nào đó. Bản thân người tu sĩ đôi khi có thể nghi ngờ tính xác thực và vị thế liên đới với người nghèo trong việc sống ra lời khấn khó nghèo của mình. Với chọn lựa này, họ có thể không nhận được sự ủng hộ cần thiết từ người khác. Họ có thể bị đặt thành vấn đề, bị truy đuổi hay bị đặt ra bên lề bởi những người có thế lực chỉ vì dấn thân cho người nghèo. Nhưng, họ chỉ có thể được an ủi với niềm xác tín trong thâm tâm rằng liên đới với người nghèo là một phần chứng tá về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa; rằng với người nghèo và ở giữa người nghèo, việc khấn khó nghèo tìm thấy đích điểm và việc diễn tả đẹp nhất của nó là tình yêu ban tặng cách nhưng không.
Kết luận, lời khấn khó nghèo là một chứng tá tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Nó là một sự tham dự vào sứ vụ của Chúa, có nghĩa là, trong chính tình yêu của ngài tự nó tuôn đổ xuống cho thế giới cách tự do và quảng đại.
(Còn tiếp)
Nt. Maria-Stephano, fmsr chuyển ngữ
Nguyên bản: Quirico T. Pedregosa, Jr., OP, Paradigm shifts in understanding of the vows