Tin Mừng theo Thánh Marcô
Vừa hết ngày sabát, bà Maria Mácđala với bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê, mua dầu thơm để đi ướp xác Ðức Giêsu. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.
Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Ðừng hoảng sợ! Các bà tìm Ðức Giêsu Nadarét, Ðấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông”. Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.
Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Ðức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.
Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.
Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người sống lại. (Mc 16,1-14)
Suy niệm:
Câu chuyện Đức Giêsu sẽ trở nên ảm đạm biết mấy nếu chỉ dừng lại ở cái chết thảm sầu trên thập giá. Nếu những trang cuối của Tin Mừng chỉ là những đòn roi và thập giá thì nó chỉ có thể gợi lên trong lòng độc giả một cảm giác buồn thương, tội nghiệp cho số phận của một con người đã một đời sống công chính lại phải chịu cái chết thê thảm. Sẽ chẳng có gì gọi là niềm hy vọng, Nước Trời, vinh quang, hay bất cứ điều gì tương tự như thế. Lật sang một trang khác đằng sau chuyện kể về việc Đức Giêsu tắt thở và chịu mai táng trong mồ, ta sẽ một câu chuyện khác, nghe có phần khó tin, nhưng lại rất lý thú mà có thể mang đến cho người ta một cảm giác được bồi bổ cách lạ thường.
Thầy đã sống lại. Có nghĩa là Thầy đã chết thật rồi, nhưng Thầy đã phục sinh và sống một sự sống mới, chứ không phải là Thầy chỉ giả vờ chết hay chết lâm sàng, rồi bây giờ tỉnh lại. Khi Thầy sống lại, Thầy đã hiện ra với rất nhiều người. Những vết thương ở chân tay vẫn còn đó, nhưng thân xác Thầy không còn vẻ gì là yếu ớt hay tiều tụy. Thầy không những khỏe mạnh nhưng còn biểu lộ nhiều điều siêu phàm. Thầy vừa giống vừa khác với trước kia. Thầy thoát ẩn thoát hiện, lúc chỗ này, lúc chỗ kia, khác cả diện mạo bên ngoài đến độ nếu không để ý kỹ, sẽ không thể nào biết được người đang đứng trước mặt mình là Thầy. Thầy vẫn ăn, vẫn uống khi cần thiết, vẫn nói chuyện bình thường và có sức lôi cuốn như xưa, vẫn có thân xác cho người ta đụng đến chứ không phải là một bóng ma mờ mờ ảo ảo. Thầy thật khác với trước kia và khác hoàn toàn với bộ dạng lúc trải qua cuộc Thương Khó.
Có một sự sống mới đang tuôn chảy trong Ngài. Sự sống đó là sự sống mà Ngài đã “giấu” đi trong suốt quãng thời gian qua: một sự sống thần linh. Đó không phải là sự sống tạm bợ mà Ngài đã hạ mình nhận lấy lúc trước. Sự sống này hoàn toàn trỗi vượt hơn sự sống ấy. Nó nằm bên trên sự chết nên sự chết không còn có tác dụng gì đối với nó. Sự sống này khiến cho Ngài luôn an lạc và bình an. Đó là chính sự sống của Thánh Thần. Qua cái chết nhục nhã, Thiên Chúa Cha đã phục sinh Ngài từ cõi chết và Ngài đã nhận lại “vinh quang mà Ngài đã có trước khi thế gian được tạo thành”. Chưa hề có một con người nào có được sự sống này trước đó. Và nếu không có sự hy sinh của Ngài, cũng sẽ chẳng có một con người nào được hưởng nếm nó. Ngài là con người đầu tiên đã đánh bại cái chết và với sự sống mới trong người, Ngài khẳng định với mọi loài thụ tạo rằng cái chết không là cái kết, không phải là điểm cuối của hành trình dương gian. Còn có một sự sống sung mãn và mạnh mẽ hơn rất nhiều, đáng để người ta phấn đấu đạt được.
Mọi con người nói chung, giới tu sĩ nói riêng, được mời gọi để tin và hướng đến sự sống mới này. Sở dĩ phải tin vì nếu không tin, ta sẽ chẳng bao giờ cố gắng để có được nó. Nhưng để có được đó, ta phải can đảm băng mình qua cái chết. Chết để được sống: đó là nghịch lý nhưng cũng là định lý khôn ngoan. Người tu sĩ được mời gọi chết đi với chính mình hằng ngày qua những hy sinh trong đời tu không phải là một kiểu đọa đày hay sống một lối sống bệnh hoạn. Nhưng họ hy sinh là vì cứ mỗi lần hy sinh, họ cảm nghiệm được có một sự sống nào đấy trỗi dậy trong mình, mang đến cho họ một niềm vui không sao diễn tả nổi, không bạc tiền nào có thể mua được. Cái chết hay những hy sinh được thực thi với tình yêu thương trong cuộc sống không làm cho người ta tiều tụy, mệt mỏi, nhưng luôn làm bừng dậy trong người ta một sức mạnh và một sức sống rất mỹ mãn.
Niềm vui của đời tu đến từ một sự sống mới như thế. Họ sẽ như Giêsu, vừa là mới, vừa là cũ. Họ không còn bị không gian thời gian ràng buộc, vì với tâm hồn rộng mở và hướng về trời, tất cả những điều đó đã hóa thành vĩnh cửu. Họ cũng ăn cũng uống, nhưng không còn tìm kiếm niềm vui và sự hưởng thụ nơi ấy, mà chỉ nghĩ đến lợi ích tông đồ. Gặp gỡ ai, họ cũng trao ban bình an và nói lời nâng đỡ. Họ mang đến sự ngạc nhiên cho người khác, một sự ngạc nhiên làm cho người ta vui tươi hơn và không còn sợ hãi nữa. Họ giúp người ta vươn lên cao, bỏ qua mặc cảm, nối kết tình thân. Họ giúp xóa bỏ những con đường Emmaus cô đơn và làm cho nó được nồng ấm. Họ quy tụ mọi người lại và giúp họ sống hạnh phúc trong niềm hoan lạc vĩnh hằng. Họ sẽ trở thành người mà ai gặp họ cũng được cảm hóa và muốn biến đổi cuộc đời mình cho tốt hơn. Họ sẽ mang đến ánh bình minh rạng ngời cho những ai đang ù lì trong bóng tối. Họ sẽ đốt cháy cõi lòng người ta bằng những lời chan chứa tình yêu, lời tha thứ, lời tiếp thêm động lực…Với tất cả những điều đó, họ minh chứng cho thế giới rằng nếu người ta can trường bước qua cái chết thì họ sẽ tiến vào cõi phúc thiên thu.
Người ta sẽ không bao giờ chiến thắng nếu chưa bao giờ chiến đấu, vì phải chiến đấu thì mới chiến thắng được. Người ta cũng sẽ không bao giờ phục sinh, nếu người ta không chết, vì phải chết thì mới có cái gọi là phục sinh. Lại một lần nữa, các tu sĩ được mời gọi để suy xét lại bản thân mình. Tôi có tin là có một lợi ích lớn hơn sẽ đến từ sự hy sinh của tôi, mà người hưởng lợi đầu tiên là chính tôi không? Khi đã tin, tôi có dám chết đi cho con người cũ của tôi không, hay tôi vẫn cứ thích bám vào nó, tiếc nuối nó, chẳng chịu buông tay?
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ