Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu
Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28,16-20)
Suy niệm:
Vâng lời Cha, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, trở nên một con người thật sự có tên là Giêsu, làm con của một đôi vợ chồng Do Thái. Trong khoảng thời gian vài chục năm ấy, Đức Giêsu đã nỗ lực hết sức để chu toàn ý Cha và thực thi tất cả những gì Cha đã truyền, mà đỉnh cao là cái chết trên thập giá. Chúa Cha đã dùng quyền năng Thánh Thần mà phục sinh Ngài từ cõi chết, và đã “siêu tôn” Ngài lên cao, trỗi vượt hơn mọi thần quyền và thế quyền trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ. Sau khi Phục Sinh, có đôi lần Ngài hiện ra với các môn đệ để củng cố đức tin cho các ông. Khi mọi chuyện đã được thu xếp đâu vào đấy, Ngài trở về Trời, về với Cha. Biến cố Đức Giêsu về trời được các Thánh Sử thuật lại rất vắn tắt và bình thường. Ngài nhắn nhủ với các ông những điều cuối cùng rồi từ từ biến mất giữa làn mây. Có lẽ ngoài các môn đệ là những người tận mắt chứng kiến, chẳng còn ai khác biết đến biến cố này. Không hề có một dấu lạ gì xảy ra vào ngày hôm đó để báo hiệu cho mọi người trên toàn trái đất biết. Chẳng có tiếng trống kèn, pháo hoa, đốm sáng, chòm lửa, hay bất cứ thứ gì làm cho cuộc thăng thiên được long trọng khiến nhiều người chú ý. Ngài xuống thế âm thầm thế nào thì cũng về trời âm thầm như vậy.
Biến cố Đức Giêsu lên trời hẳn là gợi lên trong chúng ta nhiều tâm tình lẫn suy nghĩ. Nó làm ta nghĩ tưởng tới hình ảnh một người vừa hoàn thành xong một công việc nào đó và rất mãn nguyện về nó, như một người từ công ty trở về với nét mặt vui tươi, như một bác nông dân vác cuốc về nhà sau một ngày vất cả, một người phụ nữ về nhà sau khi đi chợ xa. Có một cái gì đó vừa đi đến sự thành toàn và mình không còn có chút gì nuối tiếc nữa. Nó cũng giống như hình ảnh một em bé vừa làm tốt bài thi của mình, được điểm cao, hớn hở mong sớm về nhà để khoe với bố mẹ. Khi ấy, tâm tình mà một viên chức, một nông dân, một nội trợ hay em bé kia có chỉ là một niềm vui. Vui vì mình đã dốc hết sức để làm việc có ích, chứ không uổng phí hay bỏ lỡ điều gì. Vui vì tin rằng sẽ còn có một điều gì đó lý thú chờ đợi mình phía trước. Tất cả những khó khăn, mệt mỏi, những đau đớn, trằn trọc, lo lắng dường như đã trôi đi đâu hết, chỉ còn lại một niềm vui khôn tả đang tràn trề ngập ứ con tim.
Việc Đức Giêsu về với Cha, không còn hiện diện trên trần gian cách nhãn tiền và thường xuyên như trước cũng có nét gần gần như vậy, nhưng còn mang một ý nghĩa hay một chiều kích siêu vượt hơn thế. Từ sau khi phục sinh, Ngài đã không còn bị điều gì kìm kẹp. Cả không gian thời gian là cái giới hạn con người lại cũng chẳng thể có quyền chi trên Ngài. Tất cả mọi cái hữu hình lẫn vô hình đều nằm dưới quyền điều khiển của Ngài. Cái chết cũng chạy trốn khỏi Ngài mất dạng. Thiên Đàng và trần gian, đối với Ngài, đã không còn phân biệt. Ngài và Cha cũng không còn có điều chi ngăn cách. Con người Phục Sinh của Đức Giêsu là một con người mang trong mình sự trọn vẹn tuyệt hảo nhất, là con người đầu tiên đi vào trong thần nhiệm Ba Ngôi. Con số 40 ngày cũng trở nên biểu tượng. Đức Giêsu đã về nơi cung lòng của Thiên Chúa ngay khi Ngài sống sự sống phục sinh, chứ không phải đợi đến vài ngày hay vài tháng sau. Việc Đức Giêsu lên trời chỉ là một biến cố đánh dấu cột mốc và để biểu lộ cho các môn đệ biết là từ nay, Ngài không còn ở với các ông theo một cách thức giống như trước đây nữa. Ngài về trời, nhưng vì trời và đất đã giao duyên trong Ngài nên sự hiện diện của Ngài với các ông, ngay nơi thế trần này, cũng mang một màu sắc thiêng liêng hơn, huyền nhiệm hơn.
Là một tu sĩ, tôi nghĩ gì về việc Chúa Giêsu lên trời?
Ngài dường như muốn nói với chúng ta về một cõi phúc mà Ngài dành sẵn cho chúng ta, chuẩn bị cho chúng ta bằng giá máu của mình. Cõi phúc ấy là cõi phúc mà có lần Ngài đã nói đến trong các Mối Phúc trên núi. Phúc cho kẻ nghèo hèn, sống hiền lành, chịu sầu khổ, khao khát công chính, xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, vì Thầy mà chịu bách hại. Cõi phúc ấy cũng được Ngài ví như viên ngọc quý giữa đồng, người ta tìm thấy thì vui mừng đến độ bán hết những gì mình có để mua viên ngọc ấy, hay như hạt cải nhỏ xíu lúc khởi đầu nhưng to lớn và mạnh mẽ về sau. Cõi phúc ấy chứa đầy vinh quang, còn hơn cả khi Ngài biến bình trên núi, lúc đàm đạo với Elia và Môsê. Trời hay Thiên Đàng là một tình trạng hạnh phúc, nơi mà người ta được tình yêu Thiên Chúa đong đầy và làm cho thỏa mãn. Đó là một tình trạng ngây ngất bởi men yêu, làm người ta cảm thấy mình đã là mình cách trọn vẹn nhất, được thỏa sức nằm nghỉ giữa đồng cỏ xanh, uống nước trường sinh, thỏa thuê ăn bánh hằng sống, “chiều chiều được đi dạo mát với Chúa” như trong Vườn Địa Đàng năm xưa. Nơi ấy, ta sẽ vui một niềm vui bất diệt tựa như mình đã tìm thấy được điều mà bấy lâu nay mình tìm kiếm, đã được cho thỏa mãn những gì mình khao khát, cái trống vắng của hữu thể mình đã được lấp đầy.
Ngài cũng muốn nói với ta về một sứ mạng cứu thế. Đức Giêsu đã can đảm chiến đấu và Ngài đã chiến thắng cách vẻ vang. Ngài đã nêu gương trước cho chúng ta để chúng ta cũng biết noi gương Ngài mà can trường xông pha trên trận tuyến. Có một sứ mạng được trao phó cho chính chúng ta. Cuộc chiến cam go nhất và chung cục đã diễn ra và tử thần cùng những tướng lĩnh nguy hiểm của sự dữ đã bị đánh bại. Ta được mời gọi để tiếp tục tham gia vào những cuộc chiến nhỏ hơn để làm lan tỏa sự chiến thắng ấy của Thầy cho mọi loài khác. Ơn cứu độ đã được ban cho nhân loại rồi. Nhưng ơn cứu độ ấy có được tuôn tràn trên những con người khác hay không là tùy ở thái độ và sự sẵn sàng ra đi của ta. Ta như thể được đưa vào trong một bộ phận các “nhân viên” hoạt động tích cực và không ngừng để chuyển ơn cứu độ cho người thế. Lời truyền dạy của Đức Giêsu bỗng biến ta trở nên quan trọng, dù sức ta yếu đuối, con người ta mọn hèn.
Đời sống của người tu sĩ chính là phác họa sự sống của Thiên Đàng. Họ từ bỏ, hy sinh, chính là để hưởng nếm sự sống mới từ Trời. Họ chứng minh cho thế giới thấy là thực sự có Trời tồn tại, như người ta hằng khao khát và ước mong, chứ đó không phải là sản phẩm trí tưởng tượng của những nghệ sĩ hay các nhà văn. Họ sống nghèo mà vui, hy sinh mà hạnh phúc, bằng lòng chịu mọi khó khăn và thử thách với niềm hân hoan, họ sống sự thứ tha chứ không oán trách, họ phục vụ chứ không tìm thỏa mãn, họ cho đi mà chẳng kiếm bù trừ, họ coi lợi ích của người khác quan trọng hơn của mình… Sở dĩ người tu sĩ có đủ sức để làm những điều ngược ngạo này, chính là vì họ được niềm vui của Thiên Đàng thêm sức. Hay nói cách khác, khi thực thi những điều đó, họ chẳng những thấy mình không thiệt thòi, nhưng còn được lãnh nhận rất nhiều điều cao quý và thiêng liêng. Với gương sáng của Thầy Giêsu, họ xác tín rằng Trời hay Thiên Đàng là nơi mà chỉ có thập giá mới đưa họ vào được bởi nó nằm ẩn đằng sau những vòng gai, lưỡi gươm, cây gỗ… mà cuộc đời gửi đến. Có can đảm bước qua thì mới đáng được vui hưởng niềm vui và sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ