Ơn Huệ Bánh Hằng Sống (7.6.2015 – Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô)

Ơn Huệ Bánh Hằng Sống
(Mc 14, 1-2. 10-25)

 

12 Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? “13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó.14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.”16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.

22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.”23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này.24 Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.25 Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”

26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.

***

Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi nhận ra, nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa trao ban ân huệ lớn nhất, là chính sự sống và ngôi vị của mình, như người cha nói với người con lớn trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu: “Tất cả những gì của cha là của con”; và chúng ta được mời gọi hiểu chữ “tất cả” trong lời của người cha không chỉ là của cải. Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa trao ban ân huệ lớn nhất để đáp ứng khao khát lớn nhất của con người, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên tự bản chất khát khao Thiên Chúa và những gì thuộc về Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức, tin hay không tin.

Nhưng ơn huệ lớn nhất này lại được trao ban trong một bữa ăn của Truyền Thống, để nói diễn tả sự liên tục và hoàn tất, trong một bầu khí tuy thân mật, nhưng chẳng ai hiểu gì, và ngang qua những tương quan đỗ vỡ và thù địch, để diễn tả tính nhưng không, và tình yêu đến cùng của Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi, sự dữ và sự chết.

Chúng ta hãy đến với Thánh Thể, nhìn ngắm Đức Giê-su, lắng nghe lời nói và quan sát cử chỉ của Người trong bữa tiệc ly, như thánh sử Mác-cô kể lại, để nhận ra tình yêu đến cùng của Người và để cho con tim chúng ta chinh phục.

 

  1. Thánh Thể và Sự Dữ

Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tương phản tuyệt đối giữa Sự Dữ, hành động nơi những con người cụ thể, và Đức Ki-tô Thánh Thể; dụ ngôn “Những tá điền sát nhân” diễn tả cách tuyệt vời sự tương phản tuyệt đồi này (x. Mc 12, 1-12). Chúng ta xin được hiểu tại sao Đức Giê-su lại phản ứng bằng cách “mang lấy”, thay vì lên án và tiêu diệt.

  1. Các thượng tế và kinh sư

Lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, được cử hành cùng một lúc, và là lễ lớn nhất trong năm của người Do Thái, nhằm tưởng nhớ ơn giải thoát khỏi Ai Cập và tưởng nhớ những ân huệ Thiên Chúa ban cho dân. Và chính trong bầu khí tưởng nhớ và hiện tại hóa ơn sự sống mà Thiên Chúa ban, mà các thượng tế và luật sĩ lập mưu, bắt lấy Đức Giêsu và giết đi. Những gì mà họ muốn làm cho Đức Giê-su, về những lần Ngài chữa bệnh vào ngày Sa-bát (x. Mc 3, 1-6), vốn cũng là ngày tưởng nhớ ơn huệ, đạt tới đỉnh cao ở đây:

Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, các thượng tế và kinh sư tìm cách dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi; vì họ nói: “Đừng làm vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động.”

(Mc 14, 1-2)

Chúng ta được mời gọi nhận ra chính Sự Dữ đang hành động nơi những con người cụ thể, đang để mình lộ diện nơi những con người cụ thể. Đức Ki-tô đến là vì giờ phút này, làm cho Sự Dữ hiện ra nguyên hình và giải phóng sự sống của loài người chúng ta khỏi Sự Dữ. Bởi lẽ, Ngài không thể tha thứ và giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và Sự Chết, mà không cho chúng ta thấy bộ mặt thật của Sự Dữ và Sự Chết. Chúng ta sẽ khám phá ra sự dữ từ từ trong suốt hành trình Thương Khó của Đức Ki-tô, nhưng ở đây, sự dữ đã để lộ ra ba đường nét thuộc về bản chất của nó:

  • Lên án người vô cớ. Như thế, điều xấu có nơi người lên án, chứ không phải nơi người bị lên án.
  • Dùng điều tốt, để thực hiện ý đồ đen tối, ý đồ loại trừ và giết chết. Ở đây là bầu khí lễ Vượt Qua; sau đó, trong những lần xét xử Đức Giê-su, là lề luật.
  • Dùng mưu để bắt và giết là cung cách hành xử của Con Rắn (x. St 3, 1-7), nghĩa là của Sự Dữ.

 

  1. Ông Giu-đa

Tại sao Giu-đa phản bội? Về hành động của Giuda, nếu chúng ta so sánh bốn Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra rằng, mỗi Tin Mừng nói về ông một cách khác nhau. Điều này, cho thấy, hành động của ông phức tạp hơn chúng ta tưởng, nhất là chúng ta chỉ biết hành vi thôi, chứ không thấy được những động lực phức tạp của nội tâm. Tin Mừng theo thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến lí do tiền bạc: “Tôi nộp ông ấy cho quí vị, thì quí vị muốn cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26, 15). Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó, cho thấy Giu-đa không phải hành động chỉ vì tiền: ông đã hội hận và trả lại tiền; tuy nhiên, ông đã không mở lòng ra để đón nhận lòng thương xót, nhưng tự làm quan tòa của chính mình. Lời loan báo của Đức Giê-su về Giu-đa ẩn dấu nhiều bí ẩn:

  • Lời loan báo hướng tới một người, nhưng ai cũng buồn rầu và thấy mình có liên quan: “Chẳng lẽ con sao?” (c. 19). Về chuyện này, không ai chắc chắn về mình cả. Có sức mạnh nào đó vượt quá các tông đồ, các môn đệ, vượt quá Giuđa, vượt quá mỗi người chúng ta.
  • Đức Giêsu biết trước, nhưng tại sao Ngài như vẫn chấp nhận và thậm chí đón nhận Giuđa, ít nhất là trong bữa ăn này? “Nhóm Mười Hai” cùng tới đầy đủ, cùng vào bàn, cùng ăn (c. 17); và lời nói này có nguồn gốc từ một Thánh Vịnh (x. Tv 41, 10). Và sự bao dung này vẫn diễn ra hằng ngày trong Thánh Lễ.
  • Lời của Đức Giê-su về Giu-đa là một lời than, chứ không phải chúc dữ: “Bất hạnh cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!”. Nhưng dù sao, lời này cũng quá nghiêm trọng. Biến cố hoài thai, vốn là một ân huệ, một công trình tạo dựng kì diệu (x. Tv 139, 13), trở nên không đáng có. Chúng ta cũng có thể, liên kết tội của Giu-đa với tội nguyên tổ: vô ơn, ham muốn, nghi ngờ. Nếu là như thế, tội của Giu-đa, là nơi hội tụ của mọi tội. Tội này có nguyên nhân là Con Rắn, và Tội này cũng dẫn đến ơn cứu độ là Thập Giá Đức Giê-su.

Nhưng đó lại là kế hoạch của Thiên Chúa: “như lời đã chép về Người”; điều này có nghĩa gì? Đây là mầu nhiệm trên hết mọi mầu nhiệm. Câu chuyện của Giuse trong sách Sáng Thế giúp chúng hiểu được phần nào mầu nhiệm này: “Ông Giu-se nói với họ: Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50, 19-20).

Như thế, bản chất đích thực của hành vi phản bội phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giuđa, còn có ma quỉ (x. Ga 13, 2 và 27; Lc 22, 3) và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Giuđa, và cùng với Giu-đa là Satan, không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giê-su, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy trở nên tuyệt đối và đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho các môn đệ, trong đó có Giuđa, cho từng người chúng ta.

 

  1. Thánh Thể và Lễ Vượt Qua

Các môn đệ muốn chuẩn bị cho Thầy mình ăn lễ Vượt Qua. Nhưng Thầy đã chuẩn bị trước đó từ khi nào rồi!

Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?

(Mc 14, 12-14)

Xin cho chúng ta nhận ra kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa đang được hoàn tất; và kế hoạch này vượt quá mọi ý muốn và ý nghĩ của con người, kể cả ý muốn của Sự Dữ (x. 1Cr 1, 18-25). Như Thánh Phao-lô nói: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được !” (Rm 11, 33)

Để mừng lễ, người Do Thái sát tế chiên Vượt Qua (x. Mc 14, 12), bởi vì trong đêm Vượt Qua, theo lệnh của Đức Chúa, người Do Thái sát tế chiên con. Sự vô tội của con chiên tượng trưng cho sự vô tội của các con trai đầu lòng Ai Cập : « Ngài sát hại các con đầu lòng Ai Cập » ! (Tv 136, 10). Con chiên chính là món nợ của Israel. Khi nào Israel trả được nợ cho Ai Cập, và hai dân tộc được giao hòa ? Đó là lúc Đức Giê-su mang lấy chỗ của Con Chiên, Ngài sẽ làm cho Ai Cập (nghĩa là dân ngoại) và Israel (nghĩa là dân được tuyển chọn) trở thành một dân tộc duy nhất và thánh thiện bằng chính máu của Ngài ; và giữa chúng ta, nếu có mắc nợ hay hận thù gì, Ngài cũng hòa giải và làm cho chúng ta nên một, bằng chính máu của Ngài, được hiện tại hóa mỗi ngày nơi Bí Tích Thánh Thể.

 

  1. Ơn huệ Thánh Thể
  2. Lời nói và cử chỉ thân quen

Lời nói và cử chỉ của Đức Giê-su trong bữa tiệc li không chỉ thân thương, nhưng còn rất quen thuộc đối với chúng ta, bởi vì Ngài mời chúng ta ăn và mời chúng ta uống: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn…”, “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống…”. Bữa tiệc Thánh Thể và Thánh Lễ hằng ngày làm chúng ta trước hết nhớ đến những bữa ăn hằng ngày của chúng ta; và chúng ta phải ăn uống hằng ngày, bởi vì đồ ăn và đồ uống làm cho chúng ta sống.

Tuy nhiên, con người không thể ăn bánh ăn mà lại, ngang qua nhu cầu rất căn bản này, không ước ao sự hiện diện, không hướng tới sự hiện diện. Chúng ta vẫn nói: “rượu ngon, phải có bạn hiền”. Ngang qua việc đón nhận lương thực hàng ngày, con người chúng ta còn ước ao sự hiện diện nhân linh (nhân linh nghĩa là điều thuộc riêng con người, điều thuộc về nhân tính); và không chỉ sự hiện diện nhân linh, mà còn sự hiện diện thần linh nữa (ước ao trọn vẹn thay vì dở giang, tuyệt đối/tương đối, mãi mãi/mau qua).

Ước mơ có được “thần lương” nói lên ước ao này, đó là bởi vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên không thể không ước ao Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa gieo vào nơi sâu thẳm của con người lòng ước ao. Ngài làm thế, chính là để làm thỏa mãn; Thiên Chúa làm thỏa mãn ước ao của con người nơi Đức Giêsu Kitô. Chúng ta thử tưởng tượng: một quà tặng cho một người hoàn toàn không có ước ao gì hay khao khát nào, thì chẳng có ý nghĩa gì, và không thể tạo ra niềm vui. Lòng ước ao nơi con người là một khoảng trống mà chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy được thôi.

Chính Đức Giêsu là bánh đích thực, là lương thực đích thật đem lại sự sống. Bánh sự sống không phải là bánh ăn mãi không hết, cũng không phải là thứ bánh cải lão hoàn đồng, trường sinh bất tử, không phải thứ bánh ăn vào là no luôn, nhưng là căn tính của Đức Giêsu, là ngôi vị của Đức Giêsu, mà người ta được mời gọi đích thân “cảm nếm”. Đây chính là điều mới mẻ hoàn toàn so với Xuất Hành, với toàn bộ lịch sử cứu độ, lịch sử loài người.

Để đi vào sự sống mới, để đi vào sự sống phục sinh ngang qua cái chết, Đức Giêsu mời gọi chúng ta ăn và uống chính thịt và máu của Ngài. Điều này có nghĩa là chúng ta được mời gọi “ăn” và “uống” không phải một sự vật, giống như món ăn, hay như một thứ thần dược nào đó. Qua hành vi “ăn” mình Đức Giêsu và “uống” máu Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, nghĩa là đón nhận Ngài vào trong cuộc đời của chúng ta, để Ngài trở thành xương thành thịt, thành sự sống của chúng ta. Đức Giêsu ước ao trở thành lương thực cho chúng ta, nghĩa là muốn trở nên một với chúng ta.

  • Giống như tấm bánh hay chén cơm hằng ngày được chúng ta đón nhận như ân huệ, được ăn, được nghiền nát, được hòa tan để trở thành sự sống cho chúng ta; Đức Giêsu cũng muốn trở thành lương thực để mang lại sự sống cho chúng ta.
  • Giống như khi chúng ta đến dùng bữa do người thân, người bạn hay người yêu thiết đãi; khi dùng của ăn và của uống mà người thân yêu chuẩn bị và dọn ra mời chúng ta; chúng ta được mời gọi thưởng thức chính tình thương, tình bạn và tình yêu mà người kia dành cho chúng ta; Đức Giêsu cũng muốn chúng ta thưởng thức tình yêu đến cùng của Ngài dành cho chúng ta khi đón nhận mình và máu của Ngài.
  • Và cũng giống như sự sống thể lí của chúng ta tùy thuộc vào những gì chúng ta ăn, và những gì chúng ta uống; sự sống nhân linh của chúng ta, nghĩa là tương quan của chúng ta với mọi người và với chính bản thân chúng ta, cũng tùy thuộc vào của ăn và của uống đặc biệt, là chính

MÌNH và MÁU ĐỨC KITÔ.

Nhưng tại sao lại là rượu? Tại sao Người dùng rượu để diễn tả máu? Rượu là biểu tượng của niềm vui trong truyền thống tôn giáo của người Do Thái. Chính vì thế, rượu là đồ uống tiêu biểu của Lễ Vượt Qua; hơn nữa rượu còn diễn tả ơn huệ sáng tạo và lịch sử cứu độ, vì là “sản phẩm của cây nho và công lao của con người”, tương tự như bánh. Cùng mang ý nghĩa niềm vui, rượu được dùng trong trong tiệc cưới, chẳng hạn tiệc cưới Cana; rượu là sản phẩm tiêu biểu của vườn nho, vốn là hình ảnh của những gì Thiên Chúa ban (sáng tạo, sự sống, cuộc đời, “nén bạc”, sứ vụ…). Vậy tại sao, Đức Ki-tô lại dùng biểu tượng của niềm vui để diễn tả “máu đổ ra”, nghĩa là sự chết của chính Người? Bởi vì, máu của Người mang lại cho chúng ta niềm vui: tha tội, hòa giải, chữa lành, giải thoát, phục hồi tái sinh.

 

  1. Lời nói và cử chỉ hoàn tất lịch sử cứu độ

Chúng ta hãy đi vào chiều sâu và chiều rộng của bí tích Thánh Thể : tại sao Chúa lại thiết lập bí tích Thánh Thể ? Chắc chắn, là vì yêu thương; và chúng ta cũng có thể trả lời như thế về cái chết của Ngài trên Thập Giá. Tuy nhiên, vấn đề là tình yêu đó được bày tỏ như thế nào trong tương quan với ơn sáng tạo và lịch sử cứu độ, để có thể đụng chạm đến toàn nhân loại và đến từng người, không trừ một ai thuộc mọi nơi mọi thời. Bí tích Thánh Thể hoàn tất chương trình thông truyền sự sống của Thiên Chúa cho con người, ngang qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ.

Thật vậy, điểm tới của sáng tạo là ơn lương thực, theo St 1, 29: với bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa ban chính mình ngài làm lương thực, để làm thỏa mãn khao khát sự sống viên mãn. Trong sáng tạo, ngang qua ơn lương thực, đã chất chứa, lời hứa ban sự sống đời đời rồi (x. Tv 104; Tv Ga 6, 30-58), nghĩa là sáng tạo mới. Thật vậy, sáng tạo mới được thực hiện nhờ, với và trong Đức Ki-tô:

Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói:
“Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”

  • Bánh, biểu tượng của lương thực. Đức Giê-su cầm lấy và dâng lời chúc tụng, bởi vì lương thực là ơn huệ Thiên Chúa ban: “Chúa ban bánh cho tất cả chúng sinh. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương!” (Tv 136, 25).
  • Đức Giê-su bẻ ra trao cho các môn đệ: Người thực hiện hành vi ban lương thực của Đấng Tạo Dựng (x. St 1 và Tv 104, nói về ơn lương thực, hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm sống và đức tin hằng ngày của chúng ta). Ban lương thực để nuôi sống, qua đó diễn tả ý muốn duy trì sự sống.
  • Và lương thực Người trao là chính Người: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”, vừa để diễn tả tình yêu đến cùng, bởi vì ơn lương thực hằng ngày đã diễn tả tình yêu Thiên Chúa, nhưng có thể nói, vẫn chưa đến cùng, hay đúng hơn, vẫn chưa đánh thức con tim chúng ta, chưa làm no thỏa con tim chúng ta; và vừa để trao ban cho chúng ta Bánh hằng sống, nghĩa là sự sống mạnh hơn sự chết của người. Sự chết vừa là cái chết, vừa là tất cả những gì gây ra bầu khí chết chóc: chia rẽ, hận thù, nghi nghờ, ghen tị, ham muốn, bạo lực, thú tính, loại trừ…

Nhưng mà trong lịch sử, con người lại phải trải qua đầy thăng trầm, phải sống thân phận chóng qua của mình, số phận bi đát, đầy tai họa, đầy thử thách, tội lỗi, và nhất là một lịch sử bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ. Lời hứa ban sự sống của Thiên Chúa có còn giá trị không? Qua bí tích Thánh Thể và được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua, chính Đức Giê-su trở thành nạn nhân của lịch sử, của những gì thuộc về lịch sử:

Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông:
“Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.”

Qua câu nói: “Đây là Máu Thầy”, Đức Giê-su muốn nói với chúng ta rằng, dù lịch sử có như thế nào, vẫn cứ là con đường dẫn chúng ta đến sự sống viên mãn, điều mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta từ thủa tạo thiên lập địa (x. Tv 136. Cùng với các Thánh Vịnh khác, Tv 136 được hát lên để kết thúc bữa ăn Vượt Qua: “Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu”: Mc 14, 26).

Ngay sau khi được tạo dựng và sau này, trong lịch sử cứu độ, loài người chúng ta đều vấp ngã về “chuyện ăn uống” (x. St 3, 1-7 và Ds 21, 4-9), biểu tượng của vấn đề sự sống giới hạn, thuộc thân phận và số phận con người: phải chăng Thiên Chúa không yêu thương con người đến cùng, khi ban cho con người sự sống giới hạn, thậm chí đầy thách đố và đau khổ? Vì thế, Đức Giê-su không thể không giải tỏa “vấn đề ăn uống” của loài người và của từng người chúng ta, ngang qua ơn huệ Bánh Hằng Sống, diễn tả ước ao trao ban và thực sự trao ban chính sự sống của Thiên Chúa cho con người. Xưa kia, trong Vườn E-đen, ma quỉ đã dựa vào “lệnh cấm ăn” để làm cho con người hiểu sai về tình yêu Thiên Chúa; thì nay, trong bữa tiệc ly, nơi Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa nói với chúng ta: “hãy cầm lấy mà ăn”!

Nhưng cách Thiên Chúa hoàn tất chương trình thông truyền sự sống, vẫn có cái gì đó “điên rồ”, giống như ông chủ vườn nho trong dụ ngôn những tá điền sát nhân. Xin cho chúng ta cảm nếm không chỉ tình yêu, nhưng cả sự khôn ngoan và sức mạnh nữa của Thiên Chúa, để con tim và trọn vẹn con người chúng ta được chinh phục. Xin cho chúng ta nhận ra Thánh Thể của Chúa, thật hiền lành và khiêm nhường, mang lấy trọn vẹn con người yếu đuối và tội lỗi của chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc