1. Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giordan
Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu
Bấy giờ, Ðức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Ðức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã, Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người.
Khi Ðức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: “Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. (Mt 3,13-17)
Suy niệm:
Hơn ba mươi năm sống ẩn dật để trau dồi bản thân, đã đến lúc Đức Giêsu lên đường thi hành sứ vụ cách công khai và dấn thân hơn. Hẳn là trong suốt thời gian qua, Giêsu cũng đã chờ đợi một dấu chỉ nào đó từ Cha để biết là mình nên khởi sự công việc của mình. Khi chưa thấy được dấu chỉ, Giêsu cứ kiên tâm mà chu toàn bổn phận hằng ngày nơi gia đình nhỏ bé của mình chứ chẳng vội vàng chi. Cha sẽ có cách của Cha. Cha sẽ tiên liệu mọi sự và chuẩn bị mọi sự chu đáo để Ngài thực thi sứ mạng của mình các tốt đẹp.
Cuộc sống đang êm ả trôi thì bỗng đâu xuất hiện một vị ngôn sứ, có đời sống kham khổ, nhưng những lời tiên báo của người ấy lại rất dũng mãnh và khiến nhiều người phải kinh sợ. Vị ngôn sứ này nói về một Đấng Mêsia sắp tới. Đấng này sẽ đến và thiết lập một vương quyền vững mạnh. Từ khắp nơi người ta tuôn đến với ông, xin ông làm phép rửa sám hối và hỏi ông cách thức sửa đổi đời sống để không bị Đấng Mêsia luận tội. Đức Giêsu nhận ra rằng giờ của mình đã gần đến. Ngài xếp hàng chung với hàng tội nhân, cũng tiến đến bên Gioan Baotixita, cúi đầu, xin ông làm phép rửa. Nhận ra thân phận cao quý của Đức Giêsu, Gioan Baotixita ngập ngừng, không dám thực hiện việc thanh tẩy, phần vì nó vô ích với một Đấng vô tội như Giêsu, phần vì ông thấy mình bất xứng khi đối diện với con người quá ư cao trọng này. Nhưng chiều theo ý muốn của Giêsu, ông cũng làm nơi Giêsu những cử chỉ mà ông làm trên những hối nhân khác.
Chính ngay lúc ấy, một dấu lạ xảy ra. Ba Ngôi Thiên Chúa biểu lộ chính mình. Thánh Thần ngự xuống với hình chim bồ câu trên Chúa Con đang mặc xác phàm và tiếng Chúa Cha vang vọng giữa thinh không. Chính giây phút này đã đánh dấu cho một chặng đường mới trong cuộc đời của Giêsu. Từ đây, Giêsu sẽ không còn sống ẩn dật để an cư lạc nghiệp hay để vui hưởng cuộc đời trong mái nhà nhỏ ở Nazaret với mẹ mình nữa. Thời gian sống âm thầm, ẩn đi căn tính để hòa nhập với con người, sống như con người, chia sẻ với con người những buồn vui thăng trầm là cần thiết, nhưng chỉ bấy nhiêu đó thôi thì chưa đủ để cứu độ con người. Người ta cần được nghe những lời giáo huấn để đi đúng đường đúng lối. Họ cần được chữa lành bởi bao tật bệnh thể xác cũng như tinh thần. Họ cần được cảm nghiệm tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ. Họ cần được biết là lời hứa năm xưa của Thiên Chúa dành cho cha ông họ, nay đã được kiện toàn.
Con người sẽ vui hơn biết mấy khi họ biết được rằng chính Thiên Chúa đã đến để đụng chạm họ và an ủi họ cách trực tiếp và hữu hình. Họ không còn mơ mơ màng màng tưởng tượng về một Đấng Tuyệt Đối vượt ra ngoài tầm suy nghĩ của họ, bởi vì vị Thiên Chúa ấy, giờ đây đã tự biến mình trở nên khả thị bằng con mắt của phàm nhân. Bởi thế, với sự xác chuẩn của Thiên Chúa qua tiếng nói và hình ảnh bồ câu, Giêsu chính thức công khai thân phận của mình. Ngài bước ra khỏi dòng nước, và cũng bước ra khỏi đời sống âm thầm và bình thường của trước kia. Từ bây giờ, với sự chứng giám và xác nhận của Gioan, một người có uy thế lúc ấy, Ngài được giới thiệu là Chiên Thiên Chúa, là Đấng Kitô, Đấng được xức dầu, Đấng được tuyển chọn, Đấng cao cả đến độ Gioan cũng không đủ tư cách cúi xuống mà cởi dây giày cho. Giêsu được xức dầu Thánh Thần để thực thi phận vụ cao cả của mình, để đưa tất cả những gì Thiên Chúa phán truyền xưa kia đến chỗ hoàn tất và ứng nghiệm trọn vẹn những lời tiên báo mà các ngôn sứ đã nói hàng thế kỷ trước.
Người tu sĩ cũng có giây phút “chính thức” lộ mình như thế. Đó có thể là ngày tuyên khấn hay ngày chịu chức, cái ngày mà Giáo Hội, thông qua vị đại diện, xác nhận họ trở thành một con người của Chúa, chuyên tâm lo việc của Chúa, là thông ngôn, sứ giả của Chúa giữa cuộc đời. Cái danh “tu sĩ” làm cho người sống đời dâng hiến thấy mình được công nhận, được có một chỗ đứng trong hành trình phục vụ của mình. Người ta có thể phục vụ rất tốt, dù không phải là tu sĩ. Nhưng sự phục vụ với tư cách một tu sĩ sẽ có một chút khác biệt nào đó với những kiểu phục vụ kia. Và thậm chí, có một số việc mà nếu không được Giáo Hội trao ban năng quyền, không ai có thể thực thi, dù đó có là điều tốt. Ví dụ, nếu không phải là linh mục thì không được cử hành thánh lễ, ban bí tích Giải Tội. Sự chứng giám và chứng nhận của Đấng Bản Quyền và của người khác dành cho mình giúp cho người tu sĩ được thuận lợi hơn trong quá trình phục vụ. Thực tế cũng cho chúng ta thấy, người ta sẽ tin vào các tu sĩ hơn là một người không có danh phận này. Các nhà trẻ mầm non do các sơ phụ trách có thể là một bằng chứng rõ nét nhất.
Nhưng người tu sĩ không công khai danh phận của mình để tìm kiếm sự tâng bốc hay một vị thế cho họ. Chiếc áo dòng không phải là phương tiện để họ trang điểm cho hình tượng của mình. Nhà dòng, các cơ sở hoạt động không phải là cơ ngơi để họ tìm thỏa mãn bản thân. Tất cả những điều này được trao ban cho họ chính là để họ có thể phục vụ tốt hơn cho công cuộc cứu thế của Chúa. Bằng chính lối sống tốt đẹp của mình, họ sẽ được Chúa, được người khác chứng nhận cho mình, chứ không cần họ phải bắt loa hay đăng thông báo để nói cho người ta biết. Họ phải sống sao để xứng đáng là người con ưu ái của Chúa Cha và khiến Ngài “hài lòng”. Cách hành xử của họ phải tràn trề niềm hoan lạc bình an, là dấu ấn của Thánh Thần hằng ngự trị trên họ. Họ trở thành dấu chứng của Ba Ngôi. Họ bước vào đời với tư cách là đại diện của Thiên Chúa. Mọi người tham dự thánh lễ khấn hay lễ truyền chức của họ, gửi đến họ lời chúc mừng, không phải vì họ đã lập nên được công trạng gì, cũng chẳng phải vì họ được xếp ở vị trí cao hơn người khác, nhưng là để chia vui với họ niềm vui được thánh hiến và nhắc nhở họ về đoạn đường dài của sứ mạng phía trước, về những lao tác với trăm ngàn đau thương mà họ sẽ gánh chịu khi dõi bước theo Giêsu.
Bước vào một giai đoạn mới cũng là nói lời từ giã với giai đoạn cũ. Để có thể lên đường, người tu sĩ cần có một xác tín mạnh mẽ về ơn gọi và sứ mạng của mình. Một thái độ không rõ ràng về tiếng gọi trong mình và một sự không dứt khoát đối với những gì đã thuộc về quá khứ sẽ là rào cản lớn lao để ta có thể toàn tâm toàn lực ở lại và lao tác với Chúa. Khi người ta gọi tôi là một tu sĩ, khi người tự xưng mình với người khác rằng tôi là một tu sĩ, tôi đang có ý diễn tả điều gì? Tôi có cảm giác như sống lại ngày mà mình được Ba Ngôi Thiên Chúa xác chuẩn trước mặt mọi người không? Khoảnh khắc đó mang đến cho tôi niềm rạo rực của niềm vui đời dâng hiến, hay chỉ là phút hãnh diện, tự hào về chính bản thân mình?
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ