Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu Nhiệm Vui (3): Như Đức Kitô nghèo khó

final_vows_93. Đức Giêsu ra đời ở Bê-lem

Tin Mừng theo Thánh Luca

Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.  Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê, lên thành Bêlem, miền Giuđê, là thành vua Ðavít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Ðavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ“. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời.

bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. Họ liền hối hả ra đi. Ðến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.  Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. (Lc 2,1-20)

Suy niệm:

Thời gian trôi qua, câu chuyện Truyền Tin của Sứ Thần mới đây mà đã thuộc về một quá khứ xa của nhiều tháng trước. Cuộc gặp gỡ thân tình và khoảng thời gian ở lại với người chị họ Elisabeth cũng qua lâu lắm rồi. Những bối rối và khó xử của Giuse khi thấy bụng Maria càng lúc càng lớn lên mà mình không phải là tác giả cũng được Thiên Chúa lo liệu, dàn xếp tốt đẹp. Giờ đây, với sự bảo bọc và che chở của Giuse, Maria có thể yên tâm chờ ngày Đấng Cứu Thế uy phong lẫm liệt chào đời như lời Sứ Thần đã nói.

Bằng trí tưởng tượng, ta có thể hình dung ra sự bồi hồi và một niềm vui thiêng liêng của Maria và Giuse lúc ấy. Một hài nhi sắp sửa chào đời. Một mầm sống mới sắp được sinh ra. Chẳng có một người bố người mẹ nào yêu thương con mà không vui khi nghĩ đến chuyện ấy. Huống hồ, hài nhi này có thân phận không phải bình thường như những đứa trẻ khác. Đứa bé là Đấng Cứu Độ, là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa, Đấng sẽ giải thoát dân của mình khỏi ách nô lệ. Mặt mũi thằng bé trông sẽ ra sao? Hình hài có gì khác những người khác không? Liệu bé cũng sẽ khóc, cười, ăn, uống, nói chuyện … hệt như mình chứ? Lúc được sinh ra, liệu có sấm chớp, trống kèn, hay những điềm lạ nào chớp tắt trên không trung để mọi người trên dương gian này biết không? … Dù không chắc chắn, nhưng có thể là hai vợ chồng trẻ Giuse và Maria cũng đặt những câu hỏi tương tự như thế! Đứa bé này đặc biệt quá mà.

Rồi cái ngày hồng phúc ấy cũng đến. Con Thiên Chúa, sau một khoảng thời gian thành hình trong bụng mẹ, nay chính thức bước vào cuộc đời, nơi chuồng bò hôi tanh, giữa đồng không mông quạnh. Hài Nhi cũng biết khóc khi vừa chào đời, cũng biết lạnh khi ngọn gió đêm từ đâu thổi tới. Cũng có rất nhiều sự lạ xảy đến chung quanh cuộc hạ sinh này. Lạ lắm, nhưng không giống như những gì người ta có thể tưởng tượng được. Làm sao có thể hiểu nổi chuyện một Thiên Chúa giàu sang đến thế lại muốn chung chia phận người thấp hèn, rồi chọn cho mình một hoàn cảnh sinh trưởng nghèo nàn đến vậy! Ngài đã trút bỏ hết tất cả để nên ngang hàng với những con người thấp bé nhất, nhỏ hèn nhất, những người không hề có chỗ đứng và tiếng nói trong xã hội. Ngài không ham cung vàng điện ngọc, không thích chăn ấm gối êm, không chuộng bạc tiền châu báu. Ngài không xuống thế làm người để rồi chỉ ngồi trên ngai cao, ăn sơn hào hải vị, có người đấm bóp mát-xa hay dành cho những lời êm tai xua nịnh. Không! Nhưng hình ảnh máng cỏ, cọng rơm, các mục đồng và các đạo sĩ đến thăm… đã nói lên tất cả chọn lựa và ý muốn của Ngài.

Đời tu cũng có những hào nhoáng của nó, khi nghe đến thì ai cũng phải thèm thuồng. Nhớ ngày còn bé, cứ mỗi khi nhìn đến các linh mục, tu sĩ, ta thường ngưỡng mộ họ về nhân đức, tri thức cao thâm. Chiếc áo dòng mới thật quyết rũ làm sao. Ngày mới chập chững bước vào đời tu, lòng ta cũng rộn ràng biết bao nhiệt huyết. Nhưng sống được một khoảng thời gian rồi, đặc biệt là khi đã trải qua hết tất cả những “thử thách” rồi, có nhiều khi ta đánh mất đi lý tưởng đã có. Thậm chí, ta còn cho là những ước mơ và nhiệt huyết thời còn bé là viển vông, là mơ mộng, là ảo tưởng. Cái nghèo mà ta chiêm ngắm nơi máng cỏ Hài Nhi nhắc nhở chúng ta về căn tính đích thực của đời tu. Tu đi không phải là vơ vét vào, không phải là bù trừ, không phải là tìm thỏa mãn, nhưng là phục vụ, là cho đi, là khoét rỗng. Đi tu không phải là mượn chiếc áo dòng hay cái danh tu sĩ để được ăn sung mặc sướng, để được người ta nể trọng và dành cho những vinh hoa. Nhìn đến mẫu gương của Giêsu, một Thiên Chúa tự trút bỏ mọi sự, ta thấy cần phải duyệt xét lại lối sống và động cơ tu trì của mình.

Chẳng ai ngu dại gì mà chọn cho mình một kiếp sống nghèo và thiếu thốn. Nhưng nếu người ta đã chọn như thế thì hẳn là phải có một động cơ nào đó thật tuyệt đẹp thúc đẩy người ta. Người tu sĩ chọn cái nghèo làm căn bản cho đời sống của mình vì nếu không nghèo, họ không thể nên giống Đức Kitô, họ không thể thanh thoát để dấn thân phục vụ, không thể để mình tự do cho sứ mạng được trao. Người tu sĩ trở nên nghèo là để biến mình thành người của mọi người, đặc biệt là những người nghèo. Họ không chỉ trở nên nghèo về vật chất mà còn nghèo trong chính bản thân mình. Họ không được cố chấp với ý riêng, không được bảo thủ với quan niệm. Cả lối sống và con người họ là một sự mở ra với Thần Khí, để được bề trên hướng dẫn. Nhờ đó, họ trải rộng lòng mình với tất cả, mà không có sự phân biệt nào. Có thể nói, họ vét rỗng hoàn toàn để ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa đổ ngập tràn chính họ. Nói là vét rỗng nhưng thực sự là họ trao dâng hết tất cả mọi sự cho Chúa, không giữ riêng điều gì cho mình, để thuộc về Chúa cách trọn vẹn nhất. Cho dù họ có được trang bị cho tất cả những phương tiện tốt để hoạt động, họ cũng không được dính bén vào nó. Cho dù họ có được mọi người kính yêu ngưỡng mộ, họ cũng không xem đó là cái thuộc về mình.

Tôi đang bước theo một Đức Giêsu thích ở lại trong sự đầy đủ và an toàn của mình hay một Đức Giêsu ra khỏi mình, chấp nhận chịu thiệt thòi vì tình yêu? Thần tượng của đời tôi là một Giêsu chỉ thích lui tới và đàm đạo, ăn uống với người giàu, hay một Giêsu chấp nhận cúi xuống đến mức tận cùng nhất của cái nghèo và thiếu thốn? Lý tưởng của đời tôi là hòa mình với tất cả mọi con người, mang đến cho họ niềm vui và bình an hay tách ra, chỉ giữ lấy phần hơn cho mình và bỏ mặc người khác? Càng đi tu, tôi càng thấy mình thanh thản vì buông bỏ đi nhiều điều, hay tôi thấy mình càng lúc càng nặng nề hơn vì bao toan tính, bao sở hữu? …

Hãy nhìn đến máng cỏ Đức Giêsu, chiêm ngắm Ngài sinh ra trong sự thiếu thốn và nghèo hèn, rồi ta hãy tự hỏi: Tôi có đang sở hữu một máng cỏ nào không, hay quanh tôi chỉ toàn là nệm êm chăn ấm?

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ