Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu nhiệm Vui (thêm): Một đời sống âm thầm

shutterstock_120318682Khoảng thời gian ẩn dật

Tin Mừng theo Thánh Luca

Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là Nadarét, miền Galilê. Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Ðức Giêsu, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. (Lc 1,39-40.51-52)

Suy niệm:

Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, sống tại thế khoảng vài chục năm. Nhưng chúng ta chỉ biết về cuộc sống và những gì xoay quanh Ngài trong khoảng thời gian Người công khai thực thi sứ mạng của mình được các Thánh Sử trình thuật lại trong các sách Tin Mừng. Còn phần lớn thời gian trước đó, ta hoàn toàn mù tịt. Ngoại trừ biến cố lạc mất trong Đền Thờ lúc Ngài mười hai tuổi, ta không còn biết gì thêm về Ngài ngoài việc Ngài càng lúc càng “thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”. Chắc là có đôi khi ta cũng tự hỏi: Đức Giêsu sống ẩn dật tại Nazaret trong một thời gian dài như thế liệu có uổng phí quá không? Tại sao Ngài không thi hành sứ vụ sớm hơn một chút? Giá như Ngài công khai thân phận Mêsia sớm hơn một tí, chắc là sẽ có nhiều người được chữa lành hơn, người ta sẽ được nghe nhiều bài giảng hay hơn, người dân cũng bớt ngóng trông hơn, uy danh của Ngài sẽ vang lừng hơn… Nhưng sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã muốn Ngài phải ở ẩn rất lâu, phải âm thầm trong nhiều năm. Âm thầm và ở ẩn lâu như vậy, liệu có một ý nghĩa gì không?

Để có thể công khai thực thi sứ vụ, Đức Giêsu đã phải cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị. Dù không chắc chắn, nhưng ta có thể phỏng đoán rằng Ngài cũng phải đến trường học, phải tập đọc tập viết, giao lưu kết bạn, chơi thể thao, sinh hoạt giải trí. Đặc biệt, hẳn là Ngài đã phải rất chuyên chăm đọc Kinh Thánh, suy niệm Lời Chúa, học hỏi được nhiều điều từ gương sống và lời giảng dạy của mẹ cha. Nếu không, Ngài chẳng thể nào có thể đàm luận với các bậc thầy nơi Đền Thờ khi mới mười hai tuổi, Ngài cũng chẳng thể thuộc làu làu những trích dẫn nơi sách Ngũ Thư để trả lời người ta khi bị chất vấn. Ngài đã đọc Kinh Thánh dưới lăng kính của chính mình và mỗi ngày, Ngài ý thức thêm rằng tất cả những gì mà Kinh Thánh nói đến đều nói về Ngài. Ngài cảm thấy mình hiện diện ngay trong từ dấu chấm, dấu phẩy của Sách Thách. Không những thế, Ngài còn nghiên cứu Kinh Thánh kỹ đến mức không những biết về nó mà còn dựa vào đó để đưa ra giáo thuyết của mình. Nhiều lần, ta nghe Ngài dạy rằng “Anh em vẫn nghe luật dạy rằng…, còn Thầy, Thầy bảo anh em rằng.” Một người có kiến thức sơ sài và không có một kinh nghiệm thâm sâu thì chẳng thể nào nói được những lời ấy.

Việc những người họ hàng thân thuộc của Ngài ngạc nhiên khi nghe Ngài giảng dạy tại Đền Thờ cũng giúp chúng ta thấy ít là hai điều. Điều thứ nhất, những gì Ngài nói quả thực rất tuyệt vời và có sức thu hút đến kỳ lạ. Điều thứ hai, từ xưa đến nay, Ngài chưa bao giờ làm điều này cách công khai cả, Ngài bình dân và bình dị đến mức chẳng ai có thể nhận ra nơi Ngài một sự trỗi vượt nào so với những người khác. Bởi nếu như Ngài cũng bình thường như bao bậc thầy khác và nhiều lần họ đã được chứng kiến sự giỏi giang và tài năng của Ngài thì họ đã chẳng ngạc nhiên và tự hỏi về thân phận của Ngài rồi. Suốt mấy chục năm trời, Thiên Tính của Ngài hầu như vắng bóng. Ngài chỉ phô diễn ra bên ngoài một con người Giêsu với tất cả những thế mạnh và điểm yếu như bao người khác. Ngài học nghề từ vị dưỡng phụ Giuse, rồi cùng cha hành nghề để kiếm sống. Đến khi cha qua đời, Ngài tiếp tục công việc này để lo cho gia đình. Nhìn đến cuộc sống hết sức bình thường của một gia đình nhỏ nơi một vùng đất chẳng có gì nổi trội, chẳng ai có thể biết rằng vị Thiên Chúa tối cao đang hiện diện nơi ấy.

Sự ẩn mình của vị Thiên Chúa làm người mang tên Giêsu hẳn cũng làm cho những người tu sĩ chúng ta phải giật mình suy nghĩ. Chúng ta thường sợ khi nghĩ đến một đan viện kín cổng cao tường, suốt ngày chỉ lủi thủi trong một không gian nhỏ hẹp. Chẳng có gì vui, chẳng có gì hay! Chúng ta vẫn chuộng hơn những giây phút được người ta đón đưa, chào hỏi, xếp hàng dài chờ đợi với trống kèn có sẵn. Mang danh một tu sĩ, ta thường được kính trọng hơn những người khác. Đi lễ thì được không cần chen lấn như giáo dân nhưng được dành cho chỗ có ghế êm, có quạt mát, có bóng che. Ăn uống thì ngồi trên mâm cao, với đồ ăn ngon, thức uống bổ dưỡng. Nếu là một tu sĩ có quyền trong tay, ta càng cảm thấy mình oai phong và hãnh diện. Bởi thế, như một tâm lý bình thường, ta vẫn thích phô diễn mình ra, giới thiệu tư cách tu sĩ cao quý của mình cho người ta biết, để mình nhận được nhiều an ủi, nhiều lời khen.

Cũng chính vì vậy mà chẳng ai thích những công việc nhỏ bé trong cộng đoàn. Đi chợ, nấu ăn, quét nhà… có gì hứng thú đâu, vì có ai biết mà trân trọng và ghi ơn mình đâu. Được sai đến một giáo xứ nhỏ bé, suốt ngày chỉ biết giữ trẻ, tập hát, cắm hoa cho nhà thờ thì có gì lôi cuốn đâu, vì chẳng có người nào để ý mà chân nhận sự hy sinh của mình. Hay thậm chí, suốt ngày phải ngồi đọc sách, viết bài cũng làm mình chán ngán, phần vì phải chịu nhiều áp lực, phần vì thấy chẳng biết những gì mình phải vất vả tiếp thu đây, liệu có ích gì không. Rồi từ từ, ta mong sao thời gian trôi qua thật nhanh, để ta được khấn tạm, rồi khấn trọn, khấn cuối, thụ phong linh mục để được ra đời, sống cuộc sống công khai như Chúa năm xưa. Ta nôn nóng muốn đốt giai đoạn, muốn bề trên thỏa đáp ước nguyện cho ta ngay mà bỏ qua những bước thụ huấn quan trọng cần thiết cho đời tu. Rồi khi nền tảng thiêng liêng không vững, nền tảng tri thức chẳng tới đâu, ta vào đời và bị cuộc đời xô đẩy đến ngả nghiêng và mất phương hướng. Như con sâu chỉ mong ai đó xé lớp kén để nhanh chóng chui ra mà không phải gắng sức, ta cũng có cùng một khát vọng như thế. Nhưng nếu con sâu không tự dùng sức để từ từ thoát ra, nó sẽ chẳng thể nào trở thành con bướm xinh đẹp. Ta cũng thế!

Chiêm ngắm khoảng thời gian ẩn dật của Đức Giêsu thì ta tự thấy phải xin ơn Chúa nhiều hơn để có thể yêu mến những khoảnh khắc âm thầm và hạ mình trong giai đoạn huấn luyện. Ta cũng xin Chúa cho mình biết tận dụng thời gian này để trau dồi bản thân thật tốt, mỗi ngày biết Chúa, biết Dòng và biết mình nhiều hơn, để mai sau khi ra đời phục vụ, ta có thể thực thi những điều cao cả, hệt như Giêsu đã làm. Người ta sẽ không thể lao tác tốt trong vườn nho, nếu không được luyện tập để có một thể lực tốt. Người ta sẽ chẳng thể nào trở thành một thợ gặt lành nghề, nếu người ta không dành giờ để học cách sử dụng chiếc liềm trong tay. Sự vội vàng không bao giờ mang lại cho ta điều gì tốt cả.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ