Theo những gì thuật lại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một câu trả lời nguyên tắc khi được hỏi ngài nghĩ gì về Donald J. Trump vào đêm bầu cử của nước Mỹ: “Tôi không đưa ra phán xét về cá nhân hay chính trị gia nào, tôi chỉ muốn hiểu đâu là những khổ đau mà lối hành xử của họ đã gây ra cho người nghèo và những người bị loại trừ.”
Ảnh: CNN
La Repubblica, nhật báo bán chạy nhất của Ý hôm nay đã xuất bản những lời này như một phần của cuộc phỏng vấn giữa Đức Phanxicô và Eugenio Scalfari, nhà báo kỳ cựu người Ý và cũng là người thành lập tờ báo này. Cuộc phỏng vấn diễn ra vào ngày 7 tháng Mười Một tại nhà trọ thánh Matta, nơi Đức Thánh Cha đang tá túc.
Ông Scalfari cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với ông rằng “những người tị nạn và nhập cư” là mối bận tâm chính yếu của ngài ngay lúc này. Ông trích lời Đức Thánh Cha, trong khi chỉ “một phần nhỏ [những người này] là Kitô hữu, điều đó không thay đổi tình huống này đối với chúng ta, cũng như không thay đổi những nỗi thống khổ và khó khăn của họ.”
“Nguyên do thì có nhiều, và chúng ta cần làm những gì có thể để loại bỏ chúng,” Đức Thánh Cha nói. “Buồn thay, chúng là những điều khoản đơn thuần vốn bị phản đối bởi những người lo sợ điều này sẽ khiến họ bị mất việc hoặc chịu nhận lương [thấp hơn]. Đồng tiền chống lại những người nghèo này như thể nó đang phản đối những người tị nạn và nhập cư; và hơn thế, cũng có những người nghèo trong những quốc gia giàu có sợ phải đón tiếp đồng loại của mình đến từ những nước nghèo. Vòng luẩn quẩn ngoan cố này phải bị phá vỡ.”
Báo La Repubblica trích lời Đức Phanxicô, “Chúng ta phải phá đổ những bức tường chia cắt, tìm cách gia tăng hạnh phúc và khiến nó lan rộng ra, nhưng để đạt được mục tiêu ấy, chúng ta phải kéo sụp những bức tường này và cần bắc những chiếc cầu nối kết nhằm có thể giảm trừ những bất bình đẳng và gia tăng tự do cũng như các quyền lợi.”
Đức Thánh Cha lưu ý rằng “một trong những hiện tượng được cổ võ bởi sự bất bình đẳng là vấn đề di cư của nhiều người từ nước này đến nước khác. Nhưng sau hai, ba hay bốn thế hệ, những người này hội nhập được và những khác biệt của họ có xu hướng biến mất hoàn toàn.”
Ông Scalfari viết rằng ông cũng đã đề cập với Đức Thánh Cha về bài nói chuyện mà ngài gửi đến Hội Nghị Thế Giới về Các Phong Trào lần thứ ba. Hôi nghị đã quy tụ các phong trào “phổ biến” hay phong trào cơ sở vào ngày 05 tháng Mười Một vừa qua.
Ông Scalfari cho biết ông đã nói với Đức Phanxicô, rằng ông đã luôn xem ngài là “nhà cách mạng và ngôn sứ”, và ông càng được thuyết phục về điều này khi ông đọc thấy Đức Thánh Cha đã khích lệ hàng triệu người trong những phong trào cơ sở hãy quan tâm đến chính trị, nhưng không phải là loại chính trị liên quan đến “đấu đá quyền lực, chủ nghĩa vị kỷ, chính sách mị dân, hay chuyện bạc tiền” nhưng là liên đới trong “chính trị sáng tạo và cao quý hơn, là những tầm nhìn vĩ đại. Loại chính trị mà triết gia Aristotle đã đề cập trong các tác phẩm của ông.”
Theo một nguồn tin mà Vatican chia sẻ với tạp chí America, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận gặp ông Scalfari “để có một cuộc nói chuyện thay vì phỏng vấn” chí ít là ba dịp trước đó. Tuy nhiên, trong những cuộc nói chuyện này, ông không ghi chép hay thu âm. Sau mỗi cuộc nói chuyện dài như thế, ông viết lại chúng như một cuộc “phỏng vấn” chỉ dựa trên trí nhớ mà thôi. Nhà báo 92 tuổi người Ý cũng đã làm điều tương tự trong ngày hôm nay. Điều này đã gây ngạc nhiên cho nhiều người ở Roma. Tờ L’Osservatore Romano, nhật báo Vatican đã dùng bản đầy đủ được biên tập lại để xuất bản tối nay.
Gerard O’Connell
America Magazine
Minh Vương, S.J. chuyển ngữ
(dongten.net 14.11.2016)