Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo – Chương 16: Loan Báo Tin Mừng Tại Việt Nam
CUỘC LỮ HÀNH ÐỨC TIN
LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Chương 16: CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNGTRÊN ĐẤT VIỆT
(Thế kỷ XVI-XVII)
SJ=Dòng Tên ; MEP=Hội thừa Sai Paris
I. VIỆC TRUYỀN GIÁO THẾ KỶ XVI (1553-1615)
Sau khi đến Goa (1510) và Malacca (1511), Bồ Đào Nha liền cử nhiều sứ giả đến các miền Đông Á. Ông Perez đi Quảng Đông bị bão đánh dạt vào Chiêm Thành (1516). Tám năm sau Duarte Coelho đến liên lạc với dân Việt, gặp lúc nhà Mạc đang dấy binh, ông phải rút lui để lại một Thánh Giá ở Cù Lao Chàm có khắc chữ INRI, số MDXXIII (1523) và tên ông. Năm 1556, ông Fernandez Pinto có gặp lại Thánh Giá này.
Thời điểm đầu tiên Việt Sử nói tới các thừa sai là năm 1533. Theo Khâm Định Việt Sử (XXXIII, 6B) : “Nguyên hòa, nguyên niên, đời Lê Trang Tôn có một dương nhân tên là I-ni-khu đi đường biển, lén vào giảng đạo Giatô ở làng Ninh cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy”. Có lẽ vị này người Bồ Đào Nha, nhưng không ai biết rõ thuộc dòng Đaminh, Phanxicô hay giáo sĩ triều ?
Thời điểm chắc chắn khởi sự việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam là năm 1550. Cha Gaspar de Santa Cruz (OP, Bồ) từ Malacca đã đến Cần Cảo, Hà Tiên giảng đạo, 5 năm trước khi đến Quảng Đông. Cha Gaspar là người sáng lập tỉnh dòng Đaminh Santa Cruz-Malacca để truyền giáo cho vùng Đông Á.
1,1. Các thừa sai từ Malacca
Năm 1558, Malacca có giám mục tiên khởi Georgio de Santa Lucia (OP, BĐNha). Đất Việt thuộc ranh giới địa phận này. Cũng năm 1558, hai cha Lopez và Azevedo (OP, BĐNha) đến hoạt động ở Chân Lạp được 10 năm thì bị trục xuất. Năm 1580, hai cha Đaminh khác là Luis de Fonseca (BĐNha) và Grégoire de la Motte (Pháp) đến giảng đạo ở vùng Quảng Nam. Tám năm sau, hai vị bị vua Chiêm Thành kết án tử hình. Cha Fonseca bị giết đang khi dâng lễ (+1588). Còn cha Grégoire bị thương nặng và chết trên tàu về Malacca (+1589).
Người tín hữu Việt Nam đầu tiên được nhiều người công nhận là cụ Đỗ Hưng Viễn, làng Bồng Trung, Vĩnh lộc (Thanh Hóa). Dựa vào gia phả họ Đỗ, có lẽ cụ đã chịu phép rửa nhân một chuyến đi sứ đến Macao thời vua Lê Anh Tông (+1573).
1,2. Các thừa sai từ Macao, Trung Hoa
Từ 1576, phía Bắc Việt Nam thuộc giáo phận Macao. Người Bồ Đào Nha đã mở thương điếm ở Macao từ 1555. Mười năm sau, cha Fr. Perez (SJ, BĐNha) đã lập tại đây cơ sở truyền giáo. Giám mục tiên khởi Melchior Carneiro (SJ, BĐNha từ 1568). Các cha Phanxicô (TBNha) qua ngả Manila đến Macao từ 1578, nhưng chủ yếu để hoạt động tại Trung Hoa.
Việt Nam từ 1542 đến 1592 bị chia đôi : Nam Triều của vua Lê từ Thanh Hóa trở vào với Tây Kinh ở Thọ Xuân. Còn Bắc Triều của nhà Mạc từ Sơn Nam trở ra với Đông Kinh là Thăng Long (Hà Nội). Đời vua Lê Anh Tông (+1573), một tu sĩ Phanxico bị đắm tàu đã dâng tặng vua một ảnh “Phán-xét-chung” có phụ đề tiếng Hán. Vua cảm ơn và chuyển thư đến Macao xin thừa sai, nhưng Macao không sẵn người để gửi đi. Năm 1573, Trịnh Tùng giết Lê Anh Tông và đưa Lê Thế Tông lên ngai vàng (6 tuổi). Chị cả của nhà vua là Công chúa Ngọc Hoa làm nhiếp chính. Để thắt chặt tình hữu nghị với Chiêm Thành, vua Lê Anh Tông cưới công chúa nước này. Ngọc Hoa thừa kế đất của mẹ nên là công chúa Chiêm, tục quen gọi là bà chúa Chèm.
Năm 1579, công chúa cử sứ giả đến Macao. Đức Cha Carneiro liền nhờ các cha dòng Phanxico. Cha Alfaro (Ofm, TBN) viết thư về Manila mời anh em trong dòng đến : “Khu đất mà Chúa đang cho một mùa gặt phong phú”. Thế nhưng, cũng năm 1580, Tây Ban Nha thôn tính nước Bồ Đào Nha, nên người Bồ cố bảo vệ những khu vực Đông Ấn. Cha Alfaro bị người Bồ trục xuất Ngài liền đi Goa để khiếu nại và bị bão chết tại Bình Định. Dân Chiêm Thành hỏa táng và xây mộ cho Ngài. Một cha dòng khác là Pesaro (Ofm, Ý) cũng bị trục xuất. Ngài đi lập tu viện mới ở Malacca nhưng trở lại được Macao. Cha Pesaro cho vẽ tranh tôn giáo gửi đến các vua chúa trong vùng và mở trường thầy giảng. Cuối năm 1582, tu sĩ Anton (Ofm) và một thầy giảng từ Macao vào được đất Chiêm Thành (Trần Phổ, sđd, 16-17).
+ Mai Hoa công chúa
Năm 1588, cũng theo lời mời của công chúa Chiêm, Macao cử hai linh mục triều Alfonso de Costa và João da Sá (Bồ) đến Thanh Hóa. Hai vị được đón tiếp nồng hậu và được giảng đạo. Thế nhưng năm sau, Lê Thế Tông đủ tuổi cầm quyền, hai vị bị cấm dâng lễ. Cuối năm 1590, hai vị được tự do trở lại nhờ có giáo sĩ Pedro Ordonez de Cevallos, vị này gặp bão tạt vào cửa Lạch Trường (Thanh Hóa).
Tiếp xúc với Ordonez nhiều lần, công chúa Ngọc Hoa tỏ lòng quí mến và ngỏ ý xin kết hôn. Đến khi vị giáo sĩ cho biết về luật linh mục độc thân, nàng cảm phục và xin học đạo. Trịnh Tùng nghe biết tin công chúa học đạo, thì ra lệnh trục xuất vị giáo sĩ. Công chúa liền xin rửa tội ngày 22-5-1591, lấy tên thánh Maria, ghép với tên thành Mai-Hoa. Theo gương công chúa, nhiều cung nữ và con cháu họ xin rửa tội, tất cả được 77 người. Mai Hoa biến nhà mình thành đan viện “Đức Mẹ Vô Nhiễm” và cùng 50 nữ tu tiên khởi tuyên khấn ngày 26-6 (C.A. Poncet : La Princesse Marie(Bulletins des Amis du Vieux Huế, th.12.1941, tr. 351-358) cho biết gần An Trường hiện còn một nền nhà nguyện và một giếng gọi là giếng Giatô do Mai-Hoa công chúa cho đào).
Cuối tháng tám, Ordonez lên thuyền xuống Nam để về nước. Ngang qua cửa biển Thuận An (Huế), ngài gặp chúa Nguyễn Hoàng. Quân đội của ông đã học đạo với hai cha Costa và Da Sá. Cha Ordonez liền rửa tội cho Tiên Vương Nguyễn Hoàng với tên thánh Grêgorio ngày 17-9-1591. Chiều hôm đó ngài rửa tội 20 người và sáng hôm sau 20 người nữa.
1,3. Các cha Phanxico và Đaminh từ Manila
a. Dòng Phanxico với nhà Mạc
Mạc Mậu Hợp ở Bắc Triều cũng gửi thư đến Macao (1578 và 1581). Vì thiếu nhân sự, đức cha Macao liền gửi thư xin dòng Phanxico ở Manila. Đoàn truyền giáo người Tây Ban Nha đến bến An Quảng (Quảng Yên) gổm tám vị. Các cha D. Oropesa, Bart. Ruiz, Fr. Montilla, ba thầy trợ sĩ và một thương gia Nhật Manuel de Santiago. Ông đã góp toàn bộ tài sản và xin khởi đầu năm tập trên thuyền. Vài tuần sau các vị cho thuyền ra cửa cấm để về Thăng Long thì bị bão giạt vào Hải Nam, bị dân Trung Hoa bắt về Quảng Châu. May nhờ cha Mateo Ricci can thiệp, các vị được thả về Macao (1583).
Năm sau cha Ruiz trở lại với một phụ nữ Việt đã được rửa tội ở Macao làm thông ngôn. Một linh mục bạn đi theo nhưng không ở lại. Cha Ruiz được Mạc Mậu Hợp tiếp đón nồng hậu và cho phép giảng. Cha dùng tranh ảnh để cắt nghĩa đạo. Dân chúng tỏ vẻ cảm phục nhưng không ai theo. Cha chỉ rửa tội được một em nhỏ gần chết. Năm 1586, do áp lực của các thương gia Bồ, Cha phải về Macao rồi đi giảng ở Nhật. Vùng đất nhà Mạc sau đó còn có hai cha Dos Anjos và Da Conceicão (Ofm, BĐNha) rời Bắc Hà trước 1605.
b/ Dòng Đa-minh vùng Chân Lạp
Các vua quan Chân Lạp khi tìm cách liên kết với quân đội Tây Ban Nha ở Manila thường cũng mời các thừa sai. Nhờ đó dòng Đaminh ở Manila thực hiện được 4 chuyến truyền giáo (Tỉnh dòng Đa-minh Mân Côi thành lập ở Manila năm 1587).
* Năm 1596, theo lời mời vua Chey-Chetta I, hai cha Jimenez, Aduarte và thầy Deza đã đến Châu Đốc. Nhưng đến nơi vua Chiêm đã bị vua Xiêm truất phế, phải trốn qua Lào. Phái đoàn vòng lên cửa Hàn (Hội An), được tồng trấn nhà Nguyễn hứa cho xây Thánh đường. Các vị có gặp và dự lễ tổ phụ hai cha dòng Augustin đang làm tuyên úy cho các tín hữu Bồ Đào Nha trên thuyền. Đoàn tàu Tây Ban Nha đụng độ với hải quân vua Lê nên rút về trước. Cha Jimenez bị kẹt lại. Trước khi trở về, Ngài rửa tội được hai tù nhân bị án tử hình.
* 1598, theo lời mời vua Ponthea Tan, hai cha Jimenez, và Aduarte trở lại Chân Lạp, nhưng bị bão giạt qua Macao. Trên một tàu khác, hai cha Maldonado, và Bastida đến vùng sông Cửu Long. Tiếc rằng Pontea Tan băng hà, tân vương lại ủng hộ đạo Hổi, các vị đành trở về tay không.
* 1603, ấu vương Srey Sauryeper lại mời. Ba cha Inigo, Bellen và Collar đến tận Kinh thành Lovea En, dựng được một nguyện đường. Khi Ấu vương đỗi chính sách, các vị về Manila.
* 1629-31 : Theo lời mời quan tòa quyền Chân-Lạp, cha Morales dẫn đầu một phái đoàn năm người đến khu vực Cửu Long. Các vị dựng được một nhà nguyện dâng lễ. Dân địa phương hiếu kỳ đến xem khá đông nhưng chẳng ai theo đạo. Các cha chỉ rửa tội được một em bé gái, con một tín hữu Nhật. Khi vua Chey Chetta II lên ngôi hạ lệnh cấm theo đạo, các vị được gọi về Manila hết.
1,4. Nhận định
Nói chung việc truyền giáo thế kỷ XVI ở Việt Nam chưa thành công lắm. Điều này cũng dễ hiểu. Các thừa sai Tây Ban Nha thì mới tiếp xúc với môi trường Á Châu. Các thừa sai Bồ Đào Nha, tuy đã bước qua giai đoạn hai với chủ trương thích nghi văn hóa (mở trường Thày giảng), nhưng vì nhân sự ít ỏi còn đang bận tâm với hai quốc gia lớn là Trung Hoa và Nhật bản. Vì thế thường các vị đến Việt Nam theo lời mời của nhà cầm quyền
* Vùng Chân Lạp : chỉ mới có những cuộc thăm dò của các cha Đa-minh.
* Vùng nhà Mạc : Có các cha của Phanxico và bị Bồ Đào Nha cản trở.
Riêng vùng vua Lê : đã lưu lại trong ký ức dân Việt những kỷ niệm đẹp về Mai Hoa và Nguyễn Hoàng, hứa hẹn một ngày mai tươi sáng.
Đặc biệt cần ghi nhận nhiệt tình của các thừa sai Bồ Đào Nha, đã xé rào “luật bảo trợ” để mời các thừa sai Tây Ban Nha. Tiếc rằng thời gian hoạt động quá ngắn ngủi, các vị thừa sai chưa kịp học tiếng và xây dựng những cộng đoàn lâu dài.
II. NỬA THẾ KỶ DÒNG TÊN ĐẶT NỀN MÓNG 1615-64
2,1. Bối cảnh chung
Việt Nam đầu thế kỷ XVII thuộc hai thế lực Trịnh và Nguyễn. Trịnh Tùng tái chiếm Thăng Long (1592) đuỗi nhà Mạc lên Cao Bằng rồi xưng vương (1599) và điều hành mọi việc trong nước. Còn tiên vương Nguyễn Hoàng đã vào Thuận Hóa (1558) cai quản Quảng Nam (1570) nay lập thêm tỉnh Phú Yên (1611). Năm 1653, Nguyễn Phúc Tần mở thêm tỉnh Diên Khánh (Khánh Hòa). Từ đầu thế kỷ XVII, dân Việt đã di cư lập nghiệp ở Thủy Chân Lạp, đông nhất là vùng Mỗi Xuy (Biên Hòa). Người Việt Nam mau chóng hòa mình với phong tục địa phương và chinh phục trong ôn hòa lãnh thỗ như hiện nay vào thế kỷ sau.
Năm 1627, Nguyễn Phúc Nguyên từ chối nộp thuế cho Trịnh Tráng, khởi đầu 45 năm Bắc Nam phân tranh. Bảy trận chiến lớn đã diễn ra ở vùng Nghệ Tĩnh, Quảng Bình (Các năm 1627; 1640; 1643; 1648; 1655; 1660 và 1672). Sông Gianh trở thành ranh giới Đàng Ngoài – Đàng Trong của Chúa Trịnh – Chúa Nguyễn. Bối cảnh này khiến các thừa sai gặp nhiều khó khăn. Các nhà chúa thường nỗi giận khi tàu Âu châu chậm đến hoặc giúp đỡ phía đối phương. Các thừa sai từ Nam ra Bắc phải tế nhị đi vòng qua tỉnh Macao.
Các thừa sai dòng Tên giai đoạn này đã đứng hẳn về lập trường thích nghi với văn hóa địa phương (cha Valignano ở Nhật, cha De Nobili ở Ấn, cha Ruggieri và M.Ricci ở Trung Hoa). Tiếng Hoa và Nhật lúc này đã được Latinh hóa. Tự điển Bồ-Hoa hoàn tất năm 1588, tự điển La-Bồ-Nhật in tại Amacusa 1595. Cuộc bách hại tại Nhật với chiếu chỉ Daifusanna 1614 trở thành vận may cho dân Việt, được tiếp xúc với những thừa sai đầy kinh nghiệm này (Các thừa sai thời này đa số là người Bồ, chúng ta chỉ ghi chú những vị khác quốc tịch).
2,2. 50 năm Giáo Hội Đàng Trong (1615-64)
Việc truyền giáo Đàng Trong có thể chia làm hai giai đoạn chính : thời bề trên F. Buzomi (+1639) và từ lúc cha Đắc Lộ trở lại miền Nam (sau 1640).
a/ Thời bề trên Buzomi
Nhằm giúp đỡ các tín hữu Nhật ở Hội An, cha Buzomi (Ý), cha Carvalho và hai tu sĩ Nhật đến đây ngày 18-01-1615. Các vị dựng một nhà nguyện, nhờ các thông ngôn Việt và Nhật để giảng đạo bằng tiếng Việt. Lễ phục sinh, cha Buzomi rửa tội được 10 người, trong số đó có cậu Augustin tình nguyện ở lại giúp các cha và trở thành thầy giảng đầu tiên ở xứ Nam (Việc thông ngôn lúc đầu cũng có những ngộ nhận. Cha Buzomi được xem vở trò “Con gnoc muon bau tlom lam Hoa laom chiam” nghĩa là : Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa lang chăng ?. Cha phải cho sửa lại từ “hoa laom” thành “Christiam”). Năm sau, cha A.Fernadez đến thay cha Carvalho trở về Nhật (tử đạo 1624). Cha Buzomi lập cơ sở mới ở Quảng Nam rồi Nước Mặn (Qui Nhơn).
Năm 1617, hai cha Pina (Ý) và Baretto (Ý) đến, nhưng vài tháng sau cha Barento và cha Fernandez đi Cao Miên. Bù vào đó có thêm cha P. Marquez và cha Borri (Ý, 1618) rồi ba cha E.Fernandez, E. Borges, J. Leira (Ý) và thầy Romano Niti (1622). Năm 1624, cha Giám tỉnh G. Mattos đến cùng với bốn cha Anton Fontes, Gaspar Luis, Alexandre de Rhodes, (Đắc Lộ, Pháp), Giro-lamo Majorica (Ý) và thầy Ribero (Nhật) nâng tồng số thừa sai lên 15 người (11 linh mục).
Việc giảng đạo bằng tiếng Việt đem lại kết quả khả quan. Năm 1616, số tín hữu được 300. Ở Qui Nhơn năm 1621, cha Buzomi rửa tội 172 người, trong đó có hai ông bà Inhaxu-Ursula và gia đình. Ông Inhaxu là sứ thần nhà Nguyễn tại triều đình Chân Lạp. Ở Quảng Nam, cha Pina năm 1620 rửa tội được 275 người. Trong đó có nhiều người thuộc giới trí thức như các cụ nghè Giuse, Pherô, Phaolo và sư cụ Manuel. Các cụ hỗ trợ cha nhiều trong việc học tiếng Việt. Riêng cụ Phaolô trở lại nhờ sách bổn tiếng Hán của cha M.Ricci.
Những cản trở giai đoạn đầu do các “ongsai” (ông sãi). Ngoài việc thầy Tư Bình ở Nước Mặn tổ chức tranh luận với cha Buzomi. Các ông phao tin thiên tai hạn hán là do thần Phật nỗi giận ; bịa chuyện người chết hiện về cảnh cáo ; hoặc phá chùa miều rồi vu cáo cho các tín hữu. Giai đoạn sau giới cầm quyền kết tội bỏ thờ cúng tổ tiên ; các cha cho đặt bàn thờ ông bà và cổ võ đọc kinh, làm phúc vào các ngày lễ giỗ kỵ, nhưng cấm cúng thực phẩm và vàng mã.
Năm 1625 cha Pina đi lên Thuận Hóa và rửa tội được cho bà Maria Minh Đức Vương Thái Phi (bà dì của Sãi vương). Theo cha Đắc Lộ “Bà là chỗ nương thân của Giáo hội mới chớm nở. Gương mẫu và thế lực của bà đã giúp nhiều cho việc truyền giáo và làm những người đã chịu phép rửa thêm vững tin”. Cuối năm đó, vì tàu Bồ ngưng tiếp tế võ khí, các thừa sai bị tập trung về Hội An … Độ vài tháng, có tàu từ Macao đến, các ngài lại được tự do.
Tháng 7-1626, hai cha Đắc Lộ và Marquez ra Bắc, hai cha Mattos và Leira đi Macao, cha Pina đã qua đời. Bù vào đó có thêm hai cha Nhật Mic. Machi và Mathias Machida, hai năm sau thêm cha Ben. Mattos và thầy A. Torres. Năm 1629, số tín hữu đã là 15.000 nhưng các thừa sai bắt đầu 10 năm thử thách cuối đời Sãi Vương (chỉ trừ năm 1634). Các vị phải trốn trong khu rừng hoang nước độc, phải tạm thời di tản, nhưng số tín hữu vẫn gia tăng. Năm 1639, khi tất cả thừa sai bị trục xuất, giáo hữu miền Nam đã lên đến 40.000.
b/ Từ 1640 – 64
Trong vài năm (1640-45), nối tiếp công việc của cha Buzomi, cha Đắc Lộ ba lần bị trục xuất, ba lần cha trở lại. Chuyến đầu, cha mang quà cho chúa thượng ở Kim Long, rồi ở dinh bà Minh Đức, rửa tội 92 người. Chuyến hai, cha đi thăm các họ đạo ở Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Ran-ran, chỉ có 6 tháng, ngài rửa tội 1305 người. Cha Ben. Mattos thì giảng ở Thuận Hóa, Quảng Bình. Chuyến ba (1-1642 đến 9-1643) cha tổ chức lại hội Thầy Giảng như ngoài Bắc và nhận lời khấn 10 thày ngày 31-7-1643. Các thầy khấn độc thân, để tài sản chung và vâng lời thày bề trên. Các thày chia làm hai nhóm lo vùng Bắc và Nam. Trong chuyến bốn, từ tháng 7-1644 giáo đoàn xứ Nam bắt đầu có bách hại đỗ máu. Thày giảng Anrê Phú Yên bị bắt ở nhà cha Đắc Lộ, trở thành vị tử đạo tiên khởi miền Nam ngày 26.7.1644. Khi bị chém, môi thày vẫn còn mấp máy thánh danh Chúa Giêsu.
Trong khi đó tại Qui Nhơn, 700 tín hữu ra trình diện, Quan Trấn chỉ chọn 35 người “đàn anh” để đánh đòn. Cha Đắc Lộ bị trục xuất, ngài ra đi nhưng bí mật trở lại, đến nhiều nơi an ủi giáo hữu. Cuối cùng ngài bị bắt với 9 thầy giảng. Ngày 3-7-1645 ngài vĩnh biệt Việt Nam. Ngày 26, thày Ignatio và thày Vinh Sơn bị trảm quyết, bảy thày kia bị chặt mỗi người một đốt ngón tay.
Năm sau, 1646, cha Metello Saccano đến thay thế. Cuối năm đó hai ông Augustin và Alêxi bị trảm quyết ở Quảng Bình, lệnh thiêu hủy sách đạo và ảnh tượng cũng được ban hành. Thế nhưng, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan cần khí giới của người Bồ Đào Nha, nên vẫn để cha Saccano và cha Rocca vừa mới đến ở lại Hội An. Các ngài dùng thày giảng làm trung gian để đến với giáo hữu. Năm 1655, hai cha Fr. Rivas và P. Marquez đến thay thế hai vị. Sau cái chết của ông Phêrô Văn Nết (1656) các cha được một thời hòa hoãn. Hiền Vương nhờ các cha môi giới liên lạc với người Bồ. Nhưng đến 1661, khi chúa Nguyễn mất bảy huyện phía nam sông Lam Giang, cuộc bách hại lại tiếp diễn. Số người làm chứng cho đức tin để lại danh tánh khoảng 12 vị. Tháng 7-1664, cha chính Chevreuil, đại diện đức cha Lambert de la Motte tới Hội An. Số tín hữu miền Nam lên đến 50.000.
2,3. 37 năm truyền giáo xứ Bắc (1626-63)
Trước những thành công của xứ Nam, năm 1626 Macao gởi đến xứ Bắc cha G. Baldinotti (Ý) và thày Julio Piano (Nhật). Các vị được Trịnh Tráng tiếp đón niềm nở, nhưng vì không thạo tiếng, nên gửi thư xin bề trên cử thừa sai trong Nam ra. Hai vị về Macao để đi Nhật, sau khi rửa tội bốn trẻ sắp chết.
Theo ý hướng đó, cha Đắc Lộ và Marquez từ miền Nam qua Macao đến cửa Bạng, Thanh Hóa ngày 19-3-1626 nhằm ngày lễ thánh Giuse. Cha Đắc Lộ liền chọn thánh Giuse làm quan thày xứ Bắc (Công Đồng Định Hiến 1670 xác nhận thánh Giuse là bổn mạng GHVN). Bài giảng về “Viên ngọc Nước Chúa” đã khiến hai người xin rửa tội ; vài ngày sau được 32 người, trong đó có cụ Gioakim ở An Vực. Cụ xin được vinh dự ghi chép kinh sách theo chữ Nôm. Chỉ hai tháng, họ đạo An Vực được 200 người. Nhờ việc an táng trọng thể một lính vệ, hai vương phi phủ chúa xin rửa tội.
Với món quà “đồng hồ cát” và bản đồ thế giới ghi chữ Hán, hai vị linh mục được theo Chúa Trịnh về Kẻ Chợ (Thăng Long, Hà Nội) và được phép giảng đạo. Dân chúng đến nghe giảng rất đông. Căn nhà Chúa Trịnh cất cho các cha trở thành nhà thờ Kẻ Chợ. Mỗi ngày các cha phải dạy từ bốn đến sáu lớp, mỗi lớp năm ba chục người. Trong số người trở lại, cha Đắc Lộ có nói đến Công chúa Catarina : “Đặt thơ vãn lịch sử Đạo từ tạo thiên lập địa đến Chúa xuống thế…và lên trời, lại thêm chuyện chúng tôi đến Đông Kinh giảng đạo”. Còn thày sãi Antonio làng Vũ Xá, thỉnh thoảng lại đưa đến hai ba chục, có khi 80 người xin rửa tội. Số tín hữu cuối 1627 là 1200; 1628 là 2000 và 1629 trên 3500.
Trong thời gian này cha Đắc Lộ đã có nhiều sáng kiến mới, như đặt ca vãn lễ Giáng Sinh, Cổ võ ba ngày tết kính Chúa Ba Ngôi, thay cây nêu bằng cây Thánh giá, dùng lá dừa ngày lễ lá và đặc biệt là soạn 15 ngắm thương khó. Cha đúc kết kinh nghiệm dạy giáo lý trong cuốn “Phép giảng tám ngày”, sẽ được in tại Roma 1651. Ngoài ra, cha liên kết các thày giảng thành một “hội” tình nguyện sống độc thân, để tài sản chung và vâng lời một bề trên do các cha đặt. Các thày sẽ tuyên khấn tạm trước khi khấn trọn đời.
Do các cung nữ kêu ca về luật một vợ một chồng, do những lời vu cáo các cha bắt hồn người chết (xức đầu) và vì chờ lâu không thấy tàu Bồ Đào Nha đến, Trịnh Tráng trục xuất hai cha vào tháng 3-1629. Nhưng nhờ cảm tình của viên thuyền trưởng, hai cha lén vào Nghệ An giảng đạo tám tháng, rửa tội gần 600 người, rồi theo một tàu Bồ Đào Nha trở lại Kẻ Chợ. Tháng 5-1630, cha nhận lời khấn ba thày giảng đầu tiên là Phanxicô (bề trên), Anrê và Ignatio. Các cha vĩnh biệt xứ Bắc trở về Macao. Số tín hữu đã lên đến 5000. Cũng năm 1630, xứ Bắc có vị tử đạo tiên khởi, làanh Phanxicô. Dù bị chủ là một ông hoàng cấm đoán, anh vẫn tiếp tục “chôn xác kẻ chết” nên bị giam, tra tấn và bị giết.
Ngày 1-3-1632, bề trên Gaspar d’Amaral và hai cha Ant. Fontes, Ant. Cardim đến Kẻ Chợ. Các ngài vui mừng vì thấy ba thày giảng đã rửa tội thêm 3340, lập 20 họ đạo và nhà thờ mới. các cha cho ba thày khấn vĩnh viễn. Đến tháng 10, có thêm hai cha Majorica và Reggio (cha Cardim qua Lào). Cha Majorica và cha Fontes lập thêm cơ sở ở Thanh Hóa và Nghệ An. Cha Majorica đã biên soạn nhiều sách bằng chữ Nôm như chuyện các thánh và sách thiêng liêng để các ông trùm đọc ngày chủ nhật … Năm 1635 vùng Thanh Nghệ bị bão tàn phá. Trịnh Tráng ra lệnh cấm đạo, các tín hữu phải lấy liếp ngăn nhà thờ thành nhiều gian mỗi khi quân lính tới.
Các thừa sai sau vẫn tiếp tục đến Việt nam : Ant. Barbosa, Felix Morelli (1637), Gio. Bonel (Ý), Ray. Govea, Mart. Coelho (năm 1638) rồi Bart. Caldeira và Giuse Mauro (Ý) năm 1639. Hai cha Bonel và Mauro mới hoạt động được vài tháng thì bị bệnh mất. Cũng năm 1639, hai cha Amaral và Barbosa bị bệnh phải trở về Macao. Vị trước hoàn tất tự điển Việt-Bồ vị sau biên soạn tự điển Bồ-Việt, là những tác phẩm cha Đắc Lộ sẽ dùng để biên soạn từ điển Việt-Bồ-La (được in tại Roma 1651).
Năm 1640 cha Morelli làm bề trên, đón nhận cha Borges (Thụy Sĩ), và ba cha khác. Hai năm sau mỗi năm thêm một vị. Năm 1643, Chúa Trịnh cấm đạo độ 3 tháng, nhưng số tín hữu mỗi ngày càng gia tăng. Năm 1646 bốn thừa sai từ Macao đến Việt Nam trong đó có cha Amaral bị chết đuối. Bù vào đó Macao gửi thêm năm vị (3 Bồ Đào Nha ; 2 Ý), đến cuối năm lại thêm cha Marini từ Cao-Miên lên.
Năm 1649, Trịnh Tráng chờ lâu không có thuyền người Bồ, lại giận vì thua trận với chúa Nguyễn, nên nhân cơ hội một số tín hữu tổ chức rước sách ồn ào, ông ra lệnh cấm đạo năm 1649. Được vài tháng tàu Macao đến, lệnh cấm được giải tỏa.
Từ năm 1650, thời bề trên Majorica, giáo đoàn xứ Bắc tiến triển cách mau lẹ. Theo cha Marini số giáo dân lên đến 350.000 với 414 nhà thờ. Số thày giảng là 70, quán xuyến tất cả mọi việc không đòi chức linh mục. Năm 1656, cha Majorica qua đời, cha Borges lên thay. Năm sau Trịnh Tráng băng hà, Trịnh Tạc lên nối nghiệp khởi đầu cho một giai đoạn cấm cách mới. Tháng 6-1658, Trịnh Tạc trục xuất toàn bộ các thừa sai, chỉ còn cha Borges và Tissanier được ở lại. Mọi sinh hoạt phải nhờ các thày giảng và hoạt động Tông đồ giáo dân. Năm 1662, chúa Trịnh cho phép thêm cha Albier, nhưng ba vị không được ra ngoài khu Kẻ Chợ. Dầu vậy, mỗi năm Giáo hội vẫn thêm được 6, 7 ngàn tân tòng. Đến năm 1663, Macao bị nhà Thanh phong tỏa, ba vị cuối cùng cũng bị trục xuất ngày 12-11. Sáu năm sau các cha dòng Tên trở lại xứ Bắc thì Việt Nam đã có Giám mục Đại diện Tông tòa rồi.
2,4. Nhận định
Thừa kế kinh nghiệm truyền giáo tại Ấn, Nhật và Trung Hoa, các cha dòng Tên đến Việt Nam đã chọn hẳn hướng thích nghi văn hóa. Từ việc học tiếng Việt, các cha đã nghiên cứu văn phạm, biên soạn chữ quốc ngữ. Việc xuất bản từ điển Việt-Bồ-La và “Phép giảng tám ngày” của cha Đắc Lộ tại Roma 1651, quả là điểm son trong lịch sử văn học Việt Nam. Ngoài ra, các ngài còn Cổ võ sự đóng góp hết sức đặc biệt của những tín hữu tiên khởi. Chính nhờ họ, đạo đã đi vào dân Việt với những vần thơ phong phú, những cung điệu ngắm nguyện, dâng hoa đặc sắc và những tuồng vãn xúc tích cảm động. Những tín hữu tiên khởi này tỏ ra rất tích cực trong việc loan báo Tin Mừng mình mới đón nhận được.
Tổ chức thày giảng Việt Nam cũng được cả thế giới kính phục. Các thày rất đắc lực : dạy giáo lý, chủ sự giờ kinh, thăm viếng người bệnh khích lệ người khô khan, nhắc nhở các trùm trưởng, rửa tội người hấp hối và cả người khoẻ mạnh nếu vắng thừa sai. Các thày là chỗ dựa của giáo đoàn khi các thừa sai bị trục xuất, và nhà Đức Chúa Trời trở thành chủng viện đào tạo linh mục cho tương lai.
Hơn nữa, các cha dòng Tên còn xuất bản ở Âu Châu nhiều sách giá trị về sử địa đất Việt đầu thế kỷ XVII. Đáng kể nhất là các cuốn : “Lịch sử xứ Tonkin” của cha Đắc Lộ; “Delle Missioni de padri della Compagnia di Giesu” của cha Marini cũng như các tập “Relationes” của cha Borri và Tissanier đã giúp biết bao người hiểu biết nước Việt … Riêng cha Đắc Lộ còn có công lớn trong việc vận động ở Roma, xin đặt Giám mục cho Việt Nam năm 1658 và góp phần không nhỏ trong tài liệu “Những Chỉ Thị” của Thánh bộ truyền giáo vào năm sau.
Cuối cùng, một lý do quan trọng của những thành công này chính là lý do địa lợi nhân hòa. Các thừa sai đã gặp những người Việt Nam “thuần hậu tốt lành”, đã gặp một dân tộc rộng mở trước những gì ngay chính. Phật giáo và Khỗng giáo đã chuẩn bị cho họ những ý niệm về Thượng Đế, về từ bi, về tam cương ngũ thường. Xin trích lời cha Đắc Lộ : “… Điều làm tôi cảm động hơn hết là thấy ở xứ đó, bao nhiêu người tín hữu là bấy nhiêu thiên thần, ơn phép rửa đã cho họ tinh thần mà ta thấy nơi các Tông đồ và tử đạo của Giáo hội tiên khởi …”.
TOÁT YẾU
Lịch sử Giáo hội Việt Nam thời sơ khai có hai giai đoạn.
1. Thế kỷ XVI
Việc truyền giáo tại Việt Nam còn trong thời kỳ thăm dò, do các thừa sai Triều, Đa-minh, Phanxicô, xuất phát từ Malacca, Macao và Manila. Theo khâm định Việt sử, dân Việt Nam bắt đầu nghe giảng Tin Mừng từ năm 1533. Thế nhưng tín hữu đầu tiên là cụ Đỗ Hưng Viễn, tỉnh Thanh Hóa lại được rửa tội tại Macao sau đó khoảng 40 năm.
2. Các cha dòng Tên xây dựng nền móng
Chỉ trong vòng 50 năm (1615-64) các cha dòng Tên đã hoàn thành một công trình vĩ đại, nổi tiếng là các cha Buzomi, Đắc Lộ và Majorica. Các vị đã :
– San định chữ quốc ngữ : tự điển Việt-Bồ-La (1651)
– Biên soạn sách giáo lý : Phép giảng tám ngày (1651)
– Tổ chức hội thày giảng : Miền Bắc (1630) và Miền Nam (1643)
– Biên soạn các vãn, ngắm, tuồng, tích.
– Viết sách giới thiệu về Nước Việt.
Các tín hữu Việt Nam tiên khởi gia tăng nhanh chóng và đã góp phần không nhỏ trong tất cả công trình ấy. Do những dư luận và hiểu lầm, các vị đã sớm phải đối đầu với gian nan bắt bớ và tử đạo, trong đó đáng nhớ nhất là anh Phanxicô tại Thăng Long (1630) và thầy Anrê Phú Yên (1644).
BÀI ĐỌC THÊM
Dân Việt đón nhận Tin Mừng từ bao giờ ?
Cuốn Lê Triều Thượng Cổ Truyền Giáo (Hồng Kông 1919) dựa vào Gaillaud (Gaillaud : Essai sur les origines du Chritianisme au Tonkin et dans les autres pays Annamites, Paris 1915) cho rằng : Từ thời Thánh Tôma Tông đồ :
“Ông thánh Tume giảng đạo nước Annam, mà nhà vua giữ đạo được bốn đời, đến đời thứ năm mới bỏ đạo, song không dám phá thánh giá các tiên đế đã dựng trong đền, thì truyền xây tường mà che khuất đi”.
Thái thú sĩ Nhiếp (187-226) : “Sĩ vương là người hiền hậu, đức hạnh, hoặc có phải bởi ông ấy hiểu biết đạo thánh Thiên Chúa mà nên người nhân đức dường ấy chăng ?”
Năm 980, một giáo sĩ Cảnh Giáo (Nestorio) tên là Aboul Faradge “đi làm một cùng năm thầy khác, đến thăm bổn đạo Trung Hoa thì kể rằng : khi đến nước Lâm-Ấp, gặp vua Lư Kinh”. Năm 980 vua Lê Đại Hành đóng đô ở Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Ngoài ra theo chân phước Odorico di Portunaon (+1331, Ofm) trên hành trình đến Trung Hoa, ngài có ghé vào Dondiin, Bình Định (Trần Phổ, Dòng Phanxicô trên đất Việt, 1975, tr.9-10).
Riêng thánh Phanxicô Xavie thuật lại trong thư rằng tháng 7-1549, trên đường đến Nhật, ngài gặp cơn bão ở biển Cochinchina, phái đoàn có tấp vào bờ để kiếm củi. Theo sử gia Gispert thánh nhân đã ghé vào cửa Bạng, Thanh Hóa (Monumenta Xaveriana q I, tr.89. Gispert : Historia de Las Misiones Dominicanas en Tungkin, Avila 1928).
GIA PHẢ CỤ ĐỖ HƯNG VIỄN
“Nhánh thứ hai, đời thứ bảy, ông tổ là Đỗ công Biều, đậu cống sinh khoa thi Hương năm Kỷ Dậu, đời vua Chính Trị năm thứ bảy (Lê Anh Tôn 1558-1571) … Con đầu là Viên Đức, con thứ là Hưng Viễn theo đạo Hòa Lang”
Đó là một trong những người Việt đầu tiên trở lại đạo. Có lẽ ông là người đầu tiên chịu phép rửa tội, nhưng không để lại một người con cháu nào có đạo cả. Cũng dễ đoán tại lý gì. Được rửa tội tại Nam Dương hoặc Macao, nơi người Bồ Đào Nha không biết dùng tiếng Việt Nam, mà thâu thập một đôi điều đạo lý Thiên Chúa Giáo, bèn là nhờ dùng tiếng Bồ Đào Nha, mà thứ tiếng ấy hẳn ông cũng chỉ biết được một ít chữ thôi. Hết sức lắm thì cũng biết làm dấu Thánh Giá hoặc tôn kính một cái ảnh tượng nào người ta đưa cho ông, đọc đôi ba câu kinh là cùng…
(Trích Cadière, Lịch Sử Đạo TC ở Việt Nam
– Nxb Đại Việt, Huế, 1944, t. 126-130)
LÒNG ĐẠO ĐỨC CỦA DÂN XỨ BẮC
“… Họ có một đức tin sâu xa vững mạnh, không gì có thể nhổ khỏi lòng họ được … Lòng mến chuộng đức tin đã được lĩnh nhận, cho họ một lòng kính trọng không thể tưởng được đối với tất cả những nghi lễ dù nhỏ mọn mà họ được dự. Họ coi các thừa sai đến giảng đạo cho họ như những thiên sứ và lấy làm hân hạnh được vâng phục các ngài trong cả những điều nhỏ mọn. Không lần nào tôi trình bày cho họ về Thánh Giá mà không thấy họ cảm động rơi lệ.
Có những người ở xa 15 ngày đường đến xưng tội chịu lễ. Còn những người ở xa nhà thờ không đuá năm hoặc sáu dặm đường, thì không bao giờ chịu mất lễ các ngày lễ buộc. Họ đến từ chiều hôm trước và ở mãi đến hôm sau, sau khi đã dự hết các lễ nghi rồi mới trở về, nghĩa là lúc chiều tà. Suốt cả ngày hôm đó, họ ở nhà thờ, quì gối, chắp tay cầu nguyện, khiêm nhượng sốt sắng hết sức. Thấy họ như thế, tôi cảm động đến rơi lệ”
Đắc Lộ, Lịch Sử xứ Đông Kinh, tr 102
THƯ BỔN ĐẠO XỨ BẮC NĂM 1630
GỬI BỀ TRÊN CẢ DÒNG TÊN
Đọc bản chữ nôm (Arch. SJ. Roma, Jap-sin, N. 80 F.12v-13r)
“An Nam quốc, các bổn đạo thần đẳng bái tạ Thiên Địa chân Chúa, thư túc trình Đại Sư tại Tây Phương, Ý-Đại-Lỵ-A quốc, sứ tôn sư vãng Đông phương giáo hóa chúng sinh. Hạnh ngộ hữu sự đáo An Nam quốc, giảng Thiên Chúa thánh đạo, cố bản quốc hâm mộ bất thăng. Văn đạo thậm tảo, kế đắc ngũ thiên dư nhân, kỳ như tín đạo dũ đa. Nhiên bản quốc quân thần thượng vị thông hiểu, phỉ báng bất đắc dĩ tắc viết sơ vị hữu kim hà xử đắc lai. Độc bản đạo tâm vô nghi nhị ý đốc kính nhạ. Vi thử cảm thư túc trình Đại Sư thùy lân mẫn chi dân tình, cứu man di chi tiểu quốc. Hữu hà kẻ sứ An Nam quốc, quý tiện cộng đắc thánh đạo, tận khí tha kỳ, dĩ thoát trầm luân thụ phúc chỉ tắc kỳ tứ hữu di hỉ.
Thần bổn đạo, đẳng, kê thủ, túc trình hư thư.
Tự Thiên Chúa giáng sinh chi kim nhất thiên lục bách tam thập niên
Bản dịch
Tất cả các bổn đạo nước Annam, đều lạy tạ Chúa thật Trời Đất, cúi mình dâng thư lên Đại Sư ở Phương Tây, nước Ý-Đại-Lị-A, xin sai thày đáng kính sang phương Đông dạy dỗ chúng sinh. Thực vạn hạnh chúng tôi được các thày đến Annam giảng đạo thánh Chúa Trời. Nước chúng tôi hân hoan khôn xiết. Nghe theo đạo rất sớm, kể được hơn năm nghìn người, mà còn nhiều người nữa muốn tin đạo. Dẫu vua quan nước chúng tôi chưa hiểu biết, có những lời phỉ báng, nhưng đến nay vẫn chưa lên án đạo. Còn bổn đạo chúng tôi không bao giờ nghi ngờ hai ý, vẫn rất mực tôn kính đạo.
Vì thế chúng tôi cả dám kính đệ lá thư này lên Đại Sư, đấng rất chân tình thương xót, xin cứu lấy nước nhỏ mọn này (man di chi tiểu quốc). Xin liệu cách nào sai đấng làm thày sang nước Annam, để chúng tôi hết thảy, sang hèn, đều được đạo thánh, bỏ hết đường tà, thoát khỏi chìm đắm (dĩ thoát trầm luân), được phúc lành tức là được ơn thanh nhàn vậy”
(Theo bản dịch của Nguyễn Hồng, Sđd, tr. 140-141)
CUỘC XỬ ÁN THÀY ANRÊ PHÚ YÊN (1644)
… Một toán 40 người lính dẫn thày ra pháp trường cách tỉnh lị độ nửa dặm. Thày vui vẻ ra đi, vai mang gông nặng mà chân đi vẫn mau, cha Đắc Lộ phải rảo bước mới theo kịp. Đến nơi, thày quì gối ngửa mặt lên trời miệng luôn kêu thánh danh Chúa Giêsu. Một tên lính cầm giáo đâm vào ngực thày một nhát mạnh, lưỡi thày lè ra đằng trước đến gần bằng một lòng bàn tay. Thày Anrê âu yếm nhìn cha Đắc Lộ như gửi lời vĩnh biệt cuối cùng, cha ra dấu bảo thày nhìn lên trời, nơi Chúa đang đợi trao cho thày triều thiên tử đạo.
Rút giáo ra, tên lính đâm nhát thứ hai rồi thọc tìm quả tim đâm nhát thứ ba. Lạ quá, thày Anrê vẫn quì ngay ngắn, mắt nhìn lên trời. Thấy thế một người lính khác vung đao chém cổ thày, lát thứ nhất chém hụt, lát thứ hai đúng cổ họng, đầu đứt ngả về phía bên phải chỉ còn dính lại một chút da cổ. Chính lúc đó cha Đắc Lộ, như chính ngài thuật lại “nghe rõ ràng tiếng kêu tên cực trọng Chúa Giêsu, vì không kêu bằng miệng được, đã thoát ra ở vết thương nơi cổ, và cùng một lúc, linh hồn bay về trời, còn xác thì ngã xuống đất” Đó là ngày 26 tháng 7 năm 1664.
Nguyễn Hồng, Sđd, tr 177-178
MAI HOA CÔNG CHÚA XIN RỬA TỘI – 1951
Trang 33-34 :
Bà Chúa phán rằng : “Phàm sự việc ở đời có lúc chấp kinh có khi tòng quyền, lẽ đâu lại chấp kinh mãi ; những lúc này là lúc phải tòng quyền, nào việc khó gì ? thày hẵng tạm bỏ đạo đi mà kết bạn vuối ta thì xong, kết bạn rồi thày sẽ ăn năn lở lại, lúc ấy cả dân ăn năn lở lại đạo cả, thế là xuôi trơn như không, việc hay mọi đàng, thày đã nghe ra chưa ?
Ông Odonez thưa:”Thân bà chúa, tôi thà chết chẳng thà bỏ đạo”
Bà chúa thấy tâu cứng cát làm vậy, thì thở dài và nghĩ ngợi một chốc, đoạn cho ông Odonez về mà bàn lại…
Trang 51-52 :
Bấy giờ có một phi nữ đi lấy một bình nước. Mà bà chúa quì xuống; đoạn ông Odonez hỏi rằng :”Bà muốn nhận tên gì?”
Bà Chúa rằng : “Xin nhận tên Maria”
Ông Odonez rằng “Maria, có muốn đi đạo Đức Chúa Giêsu chăng?”
Bà thưa rằng : “Có, muốn”
Ông Odonez rằng : “Nếu vậy bà phải tin các điều hội thánh tin”
Bà ấy thưa rằng : “Xin tin như vậy”
Ông Odonez lại hỏi về các điều cần phải tin trong đạo, mà tra từng điều một, xem bà ấy tin thể nào ; vậy hễ ông Odonez hỏi về điều gì, thì bà ấy thưa ngay rằng : “Có tin cả”
Sau hết ông Odonez hỏi rằng :”Khi bà đã chịu phép rửa tội đoạn, dù người ta có dâng cho bà cả và thiên hạ làm của mình mà bỏ đạo, thì bà có bỏ đạo chăng ?”
Bà chúa thưa rằng : “Dù có phải chịu chết mặc lòng, thì cũng chẳng bỏ”.
Đoạn ông Odonez làm phép rửa tội cho bà ấy nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Ngày ấy là ngày hai mươi hai tháng Mai (5) năm 1591.
… Khi làm các phép ấy đoạn, ông Odonez bảo bà chúa rằng: “Bây giờ ta có họ thiêng liêng vuối nhau, tôi là cha và bà là con riêng tôi”
Bà chúa nghe thì mừng rỡ lắm mà rằng : “Nếu vậy bây giờ tôi chắc cha chẳng dám quên tôi nữa, tôi sẽ gửi thư cho quan toàn quyền tỉnh Goa, để quan ấy cho cha làm khâm sai mà trở lại đây, bấy giờ tôi sẽ được xử vuối cha như người họ hàng chí thiết”
(R. Caillaud, Lê Triều Thượng Cổ truyền giáo, HongKong 1919)
CÁC TÁC PHẨM CHỮ NÔM CỦA CHA MAJORICA
Một mình cha Majorica đã biên soạn 48 cuốn sách bằng chữ nôm. Ta có thể kể những tác phẩm chính :
– Thiên Chúa Thánh Gia hối tội kinh
– Chuyện thánh I-nha-xu
– Ngắm lễ mùa Phục Sinh
– Thiên Chúa Thánh Mẫu
– Thánh Phanxicô Xavie chuyện
– Thiên Chúa thánh giáo khai mông
– Đức Chúa chi thu
– Những điều ngắm trong các ngày lễ trọng
– Những kinh lễ mùa phục sinh
(Võ Long Tê, Lịch sử Văn học Công Giáo VN, Nxb Tư Duy, 1965, tr 172-176)
TRÍCH CHUYỆN THÁNH I-NHA-XU
“Ban đêm, dù giá rét, ông thánh Y-na-xu nằm trên ván không mà thức suy nghĩ sự Đức Chúa Blời. Khi người đỗ nhà ông ấy tên là Giu-ông, hễ là đêm, thì ông thánh Y-na-xu khiến ông Giu-ông đi nằm trước. Mà ông Giu-ông có nhiều lần làm thinh, rình ngó xem, bèn thấy ông thánh Y-na-xu khi quì gối, khi sấp mình xuống đất, khi ngửa mặt lên, mà thấy người nổi lên không, chân khỏi (đất), ở mặt mũi có hào quang sáng láng mà than thở cùng Đức Chúa Blời rằng : “Chúa chữa lòng tôi, chớ gì thiên hạ biết Chúa tôi mà thờ”.
Có kẻ thấy mặt mũi ông thánh Y-na-xu chẳng phải kẻ mọn thì mắng người rằng : Sao ông đi ăn mày làm vậy, hay là có sự lỗi chi trọng mà sợ người ta bắt mình thì ẩn, giả chước làm vậy chăng? Khi người ta mắng làm vậy, thì ông thánh Y-na-xu vểnh cổ trở lại, vui mặt mà nghe hết lời ấy, đoạn mới trả lời rằng “Ơn ông làm phúc cho tôi”
Võ Long Tê, Sđd, tr 179
GIOAN THANH MINH (1588-1663)
Thanh Minh là tên một làng thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Gioan Thanh Minh được coi là một trong những tác giả sách tôn giáo đầu tiên của Việt Nam.
Mãi đến năm 34 tuổi, nhờ đọc các sách giáo lý chữ nho, ông Gioan Thanh Minh mới xin rửa tội, sau vào nhà chung làm thày giảng. Năm 1629, ông bỏ nhà chung và được phái đi thu thuế mỏ cho triều đình. Giai đoạn này ông sinh ra tật nghiện rượu.
Năm 1648, ông được Đức Mẹ hiện ra (?) trách ông về việc lâu năm bỏ xưng tội, nhiều giáo hữu khác khuyên nhủ, ông thay đổi đời sống và tích cực hoạt động tông đồ. Mỗi ngày ông suy gẫm sự thương khó cả giờ, và mỗi khi nhớ lại chuyện cũ đều khóc. Cuối cùng ông tử đạo thời chúa Nguyễn Phúc Tần.
Ông viết tất cả 15 tác phẩm : hạnh tích thánh Constantinô Cả, thánh Giosaphát, thánh nữ Mađalêna, thánh Inhatiô, thánh Phanxicô, thánh Đôminicô, thánh Catarina… và cuốn “Tuần chay suy niệm Đức Giêsu trong sa mạc” …
(Võ Long Tê, Sđd tr. 182)
BÀ THÁNH TIÊN-DU-LA TRUYỆN
Bà thánh này là gương cho kẻ phạm tội được xem, mà quê người sinh ra ở thành A-lê-xan-ri-a, trong nước I-gi-tô, là con nhà sang trọng. Đến khi đã lớn lấy chồng cũng là người sang trọng mà ở cùng nhau lâu năm thì một lòng một ý. Song le, ma quỉ thấy hai vợ chồng phụng thờ Đức Chúa Trời cùng yêu nhau, vì vậy nó giục lòng thằng kia, dỗ bà ấy làm sự lỗi nghĩa vợ chồng. Đến khi đã phạm tội đoạn thì bà ấy lo buồn lắm, sảy một chút nữa mà chết, nhưng mà Đức Chúa Trời đã chọn người làm thánh cả thì mở lòng lấy tội làm bực mà lên thiên đàng …
Bỗng chốc có một ngày người cắt tóc đi cùng mặc áo đàn ông mà đi tu nhà thờ ngoài thành mười tám dặm đường, là nơi các thày tu hành trên rừng vắng vẻ, mà xin vào đấy dâng mình cho Đức Chúa Trời… Người làm mọi việc hèn trong nhà này : làm bếp, kín nước, coi sóc cùng mọi việc khác. Người chịu làm việc ấy cho được đền vì tội mình làm vậy tám năm. Người chịu lụy trong nhà mà vui mặt liên, cho nên các thầy thấy làm vậy thì hãi mà khen …
Vậy thầy cả dạy người đem ca-mê-lô đi mà mua gạo cho các thày ăn, ví bằng chẳng có về đến nhà, thì đỗ nhà thờ giữa đường. Khi người mua gạo về thì đã tối, phải vào nơi ấy mà đỗ đêm, thì nằm tầu ca-mê-lô ở coi sóc nó. Bấy giờ gái kia ngờ là đàn ông, thì giục làm sự chẳng nên, thì người mắng lắm. Nó liền hỗ ngươi mà đi tìm kẻ khác ác nghiệp cùng, đến khi có thai, thì chờ cho đến ngày sanh mà đem con đến trước mặt các thày, cáo thày ấy là kẻ người ta khen có nết, rày làm sự xấu hổ cho các thày làm vậy. Người nghe sự lạ thì chối, song le muốn chịu khó cho được phúc hơn nữa, thì ở lặng chẳng chối, cho nên các thày giận xua người ra mà trao thằng bé ấy cho nuôi.
Bấy giờ người chịu sự xấu hổ làm vậy, nhưng mà chẳng dám lìa nơi nhà thờ, một làm chút lều ngoài ngõ mà ở nơi các thày ra vào, chịu nhiếc nhục xấu hổ. Thằng bé thì xin sữa chiên mà nuôi, mình thì ăn những rau cỏ trên rừng, đói khát liên, nước mắt chảy ra, gầy guộc võ vàng lắm, bởi người đi nắng thì đen như mực, mà quỉ thấy người mạnh sức làm vậy, thì nó làm nhiều chước cho bỏ lều ấy mà về nhà quê. Có khi nó xui lòng nhớ sự sang trọng nhà mình xưa, cùng tưởng chồng hãy còn trông vợ về, mà chồng khóc chẳng khi nào đừng vì chẳng biết tin vợ ở đâu…
Đoạn người biết ngày rình ra khỏi xác, thi nói tiếng cùng thằng nhỏ ấy : con tôi, đã đến ngày cha rình sinh thì, phó con cho Cha ở trên trời vì là Cha thật kẻ mồ côi, cùng phó thác cho các thày cả ở nhà này, mà con xem các thày bằng anh vậy, chớ muốn cho người ta khen, Đức Chúa Trời khen thì hơn …
Song le Đức Chúa Trời đã tỏ mọi sự người ra cho thày cả biết, cùng cho thấy phúc đức người đã được trên trời. Bấy giờ, thày cả nói sự ấy ra, các thày liền vào phòng mà làm phúc cho người. Thiên hạ mới biết là đàn bà thì thương mà kính người lắm, khen phúc đức cùng tiếc để bảy năm chịu những sự khốn khó mà chẳng ai thương…
Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Hiệu đính tháng 9/2006