Sự sống và tình yêu
Ga 19,31-37
31 Bởi lẽ là Ngày Chuẩn Bị, và để tránh cho các tử thi không còn treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày sabbat là một ngày trọng đại, những người Do Thái xin Philatô cho hạ các tử thi xuống, sau khi đánh giập ống chân. 32 Bấy giờ những người lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. 33 Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; 34 nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra. 35 Và kẻ đã xem thấy, thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cả chư vị cũng tin. 36 Những điều đó đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: “Không một cái xương nào của Người bị đánh giập”. 37 Và lại có lời Kinh Thánh khác rằng: “Chúng sẽ nhìn vào Đấng chúng đã đâm thâu qua”.
“Một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19,34)
Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. “Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa và đã tin vào tình yêu đó”.
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là dịp Giáo Hội nhắc cho chúng ta nhớ đến tình yêu vô biên của Chúa và cố gắng đáp trả. Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài đã dùng mọi phương thế để chúng ta thấy được, cảm nhận được tình yêu của Ngài. Thiên Chúa đã yêu thương trần gian đến nỗi ban Con Một cho trần gian. Chúa đã thương chúng ta đến mức độ như thế, chúng ta có cảm thấy hạnh phúc không? Nhiều người trong chúng ta không cảm thấy gì cả. Đứa con yêu quí nhất, “đẹp lòng Ta mọi đàng”, Chúa đã ban trọn vẹn cho chúng ta. Nhưng không mấy người nghĩ đến hay nhìn thấy tình thương của Ngài.
Một chàng thanh niên, ngày cưới, sau khi khách đã về, đã dẫn vợ mình đến trước mặt cha mẹ vợ, quì gối xuống và nói: “Suốt đời con tạ ơn cha mẹ đã cho con đứa con yêu quí của cha mẹ. Con nguyện suốt đời sẽ yêu thương và săn sóc vợ con hết tình và không bao giờ quên ơn cha mẹ”. Và đúng thế, anh đã giữ lời.
Chúng ta lãnh nhận món quà quí giá nhất của Chúa Cha và chúng ta đã treo đứa con yêu đó lên thập giá, lấy đòng đâm thấu tim Ngài. Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samaria: “Nếu chị biết được hồng ân của Thiên Chúa”.
Chúng ta chưa biết những gì Chúa ban cho chúng ta khi ban cho chúng ta người Con Một của Ngài.
Chúa Con đã yêu thương chúng ta “đến tận cùng”, khi vâng lời Chúa Cha, đã nhập thể làm thân con người sống cho chúng ta và đã cứu vớt chúng ta bằng cách hiến thân chịu chết cho chúng ta. Nhìn Chúa Giêsu, chúng ta có thấy Ngài thương chúng ta không? Ngài đã dùng mọi cách để cho chúng ta thấy được tình yêu của Ngài… Chúng ta có thấy được không?
Giáo Hội cũng tìm mọi cách để thúc đẩy chúng ta đền đáp tình yêu vô biên của Chúa. Lễ Thánh Tâm không phải do Giáo Hội thiết lập mà chính do ý muốn rõ rệt của Chúa Giêsu, nhưng Giáo Hội đã vâng theo, đã làm hết cách để cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm như Chúa muốn.
Lễ Thánh Tâm bắt nguồn từ những lần Chúa hiện ra với thánh nữ Magarita-Maria Alacoque, là một nữ tu dòng Thăm Viếng từ năm 1673 ở Pháp.
Thánh nữ đã yêu mến nồng nàn Chúa Giêsu Thánh Thể, và trong một lần chị đang chầu Thánh thể, Chúa Giêsu đã hiện ra và cho chị biết những kho tàng ơn thánh và những ước muốn của Thánh Tâm Ngài. Ngài than phiền về sự vô ân của loài người đối với tình yêu vô biên của Ngài. Ngài cũng bảo chị phải làm hết cách để Giáo Hội chấp nhận thiết lập một thánh lễ riêng biệt vào ngày thứ Sáu sau lễ Mình Máu Chúa.
Vâng lời Chúa, chị đã tỏ ra cho cha linh hướng biết ý định của Chúa. Ngài ủng hộ hết mình khi biết rằng chính Chúa Giêsu đã muốn như thế.
Chị đã gặp không biết bao nhiêu khó khăn cản trở trong việc loan truyền lòng sùng kính Thánh Tâm nầy, nhưng chị không bao giờ nản chí. Một số các giám mục linh mục thời bấy giờ ủng hộ, nhưng cũng có một số phản đối gay gắt, cho rằng tôn sùng Thánh Tâm có tính cách tình cảm và xác thịt. Vào thời bấy giờ ảnh hưởng của chủ thuyết Giăngxênius xem Thiên Chúa như một vị Thiên Chúa nghiêm khắc, công thẳng, đe phạt mọi lầm lỗi của con người, xem xác thịt là nguồn gốc mọi tội lỗi. Vì thế, tôn sùng Thánh Tâm và tình yêu của Thiên Chúa là không thích hợp.
Mãi đến năm 1765, hơn một trăm năm sau, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XIII mới chấp nhận lập lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng Piô IX mới chấp nhận cho toàn thể Giáo Hội mừng lễ Thánh Tâm.
Giáo Hội không gấp rút chấp nhận những mạc khải tư và luôn cẩn thận xem xét và khi nhận thấy rằng những mạc khải tư nào hợp với đức tin và ích lợi cho các linh hồn mới chấp nhận.
Tại sao Chúa Giêsu muốn chúng ta tôn sùng Thánh Tâm Ngài và tại sao lại là trái tim?
Chúng ta có thể thấy rõ ước muốn của Chúa khi đọc các sách Tin Mừng. Trong đó chúng ta có thể thấy tình yêu của Chúa đối với chúng ta như thế nào, không cần một cái gì khác. Nhưng con người chúng ta hướng về vật chất và chú trọng đến vật chất, vì thế Chúa muốn dùng những gì có thể gây sự chú ý cho chúng ta để giúp chúng ta hiểu rõ hơn.
Tại sao lại dùng hình ảnh trái tim? Thông thường, trái tim là biểu tượng của tình yêu. Tôn sùng Thánh Tâm, chúng ta không chỉ tôn sùng trái tim bằng thịt máu Chúa mà thôi mà cả tình yêu vô biên của Ngài. Tình yêu đã đưa Ngài đến việc chấp nhận mọi đau khổ, và chết cho chúng ta, và nhất là đã ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài làm của ăn cho chúng ta.
Thánh Tâm và Thánh Thể liên hệ mật thiết với nhau. Hai khía cạnh của một tình yêu, hai cách Chúa dùng để diễn tả tình yêu của Ngài. Yêu mến Thánh Tâm cũng là yêu mến Thánh Thể. Thánh Thể chính là tuyệt tác và là dấu lạ của tình yêu Chúa, là cách biểu lộ rõ nét và sung mãn nhất của tình yêu Chúa. Ngài đã đưa tình yêu của Ngài đến tột đỉnh đến nỗi ở lại với chúng ta và trong chúng ta cho đến tận thế. Thánh Thể chính là dấu hiệu của tình yêu chứa đựng trong Trái Tim của Chúa Giêsu.
Trong việc tôn sùng Thánh Tâm, nét được chú ý nhất đó là tình yêu của Chúa bị lãng quên, bị khinh miệt, bị chà đạp bằng nhiều cách. Con người đã vô ơn bội nghĩa với Đấng đã yêu thương họ đến nỗi không tiếc gì với họ.
Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến Trái Tim bị đâm thâu của Chúa. Và từ Trái tim rộng mở đó tuôn trào cho chúng ta nguồn suối ơn lành không thể nói được. Tôn sùng Thánh Tâm là nhớ đến trái tim Chúa bị đâm thâu, nhưng cũng nhớ đến tất cả những đau khổ Chúa đã chịu vì tội lỗi chúng ta. Thánh Tâm tức là trung tâm của mọi đau khổ Chúa Giêsu phải chịu vì loài người. Thánh Tâm chính là tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu, những tâm tình buồn vui, đau khổ của Ngài.
Nhớ đến những đau khổ của Chúa Giêsu, chúng ta có nhớ rằng chính chúng ta cũng là nguồn gốc của những đau khổ của Ngài không? Tại sao chúng ta sợ mất lòng người khác mà chúng ta lại không sợ làm cho Chúa chúng ta đau khổ? Vì thế, chúng ta hãy nhìn nhận tất cả những gì chúng ta đã làm cho Ngài để yêu mến Ngài thực tình hơn, can đảm hơn. Chúng ta hãy hết mình vâng theo ý Ngài để đền lại những sự yếu đuối của chúng ta và của những anh em chúng ta. Ngài muốn chúng ta yêu mến Ngài vì Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc với Ngài. Ngài đau khổ vì thấy quá nhiều người hư mất. Chúng ta hãy tiếp tay với Ngài cứu vớt anh em chúng ta và cả chúng ta bằng cố gắng hy sinh, bằng sự trung thành. Chúng ta đang sống trong một thế giới hỗn loạn, dã man. Con người không còn biết yêu thương nhau là gì. Đó là nguồn cội của mọi đau khổ của Chúa. Dù chúng ta nhỏ bé, chúng ta không thể làm gì, nhưng chúng ta có một khí giới hữu hiệu để cứu vớt anh em chúng ta là cầu nguyện. Hãy cầu nguyện nhiều, cầu nguyện bằng mọi cách, cầu nguyện luôn. Chính Chúa sẽ cứu các linh hồn chứ không phải chúng ta.
Hôm nay, khi đến ăn lấy Chúa, chúng ta hãy ăn lấy Ngài với tất cả thiện chí và niềm tin, với tất cả tình yêu của con tim nhỏ bé của chúng ta. Chúa đang khao khát, một cơn khát không nguôi. Chúa đang khao khát tình yêu của chúng ta. Hãy làm dịu bớt cơn khát của Ngài bằng tất cả khả năng của chúng ta. Hãy mang lại cho Chúa niềm vui vì có người chia sớt cơn khát triền miên của Ngài.
(Lm. Trầm Phúc)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đã tạo dựng chúng con theo hình ảnh Chúa. Chúa đã phú bẩm cho chúng con một trái tim biết yêu thương. Xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống trong yêu thương, nhất là yêu thương và phục vụ những người nghèo khổ chung quanh chúng con.
Lạy Chúa, hôm nay là ngày thế giới xin ơn thánh hóa các Linh mục. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ các Linh mục là những người Chúa chọn để chăm sóc đoàn chiên Chúa. Xin cho các Ngài ơn khôn ngoan thánh thiện. Một đời sống thánh đức sẽ toát lên qua việc cầu nguyện trong khiêm tốn. Để trong cầu nguyện, các Linh mục sẽ tiếp nhận được nguồn tình yêu và sức mạnh từ trái tim nhân hậu của Chúa hầu chuyển trao cho đoàn chiên sức sống dồi dào. Amen.