Lời Chúa: Thứ Tư tuần III Phục Sinh

Bánh Trường Sinh

 
Thứ Tư tuần III Phục Sinh
Lời Chúa: 

 Ga 6,35-40

35 Đức Giê-su bảo họ : “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ ! 36 Nhưng tôi đã bảo các ông : các ông đã thấy tôi mà không tin. 37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

(Nguồn: Ủy Ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! (Ga 6,35)

 
Suy niệm: 
THỨ TƯ TUẦN IIIPS
Ga 6,35-40.
A. Phân tích (Hạt giống…)
Nhắc lại: nghe Chúa Giêsu nói tới một thứ lương thực quý trọng hơn cả manna ngày xưa nữa, dân Do Thái tưởng đó là thứ thức ăn đặc biệt no lâu nên xin Chúa ban cho họ thứ thức ăn đó mãi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói trắng ra “Chính Ta là bánh ban sự sống”.
Chúa Giêsu trở thành bánh sự sống cho loài người thế nào?
Khi người ta đến với Ngài: “Ai đến với Ta sẽ không hề đói”.
Người ta tin vào Ngài: “Ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.
 Thực ra theo luật của cú pháp sóng đôi, “Đến với” và “Tin vào” không phải là hai việc khác nhau mà chỉ là hai cách diễn tả cùng một sự việc: Tin vào Chúa Giêsu, thể hiện ở thái độ đến với Ngài. Kết quả của công việc đó là không hề đói không hề khát.
B. Suy niệm (…Nẩy mầm)
1. Đức tin vào Chúa Giêsu phải thể hiện vào việc đến với Ngài. Một ngày tôi dành bao nhiên thời gian để “đến với” Chúa.
2. Chúng ta “đến với” Chúa bằng nhiều cách: tưởng nhớ, cầu nguyện, suy gẫm, và nhất là tham dự Thánh lễ. Hãy xem xét mình xem khi chúng ta làm những việc trên, lòng chúng ta có thực sự “đến với” Chúa không?
3. Khi tâm hồn tôi cảm thấy đói khát, tôi đã “đến với” ai, với cái gì? Có “đến với” Chúa không?
4. Buổi sáng bà già ra ngoài. Buổi chiều bà trở về, bà không tìm thấy chìa khóa.
Biết làm thế nào ? Bà chạy sang hàng xóm, mượn chìa khóa của họ mở thử, chẳng có cái nào hơp.
Cuối cùng một người góp ý: cứ mở them cài ra xem sao! Bà mở then và cánh cửa mở toang: Khi ra đi bà không khóa cửa.
Câu chuyện trên mô tả phần nào thái độ của chúng ta trước Chúa. Ta đứng ngoài lòng đầy băn khoăn lo sợ. Ta nghĩ phải làm việc này việc nọ mới đáng đến với Chúa. Trong khi đó, cánh cửa nhà Chúa luôn mở rộng và ưu ái đón ta vào (Góp nhặt).
5. “Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai”.
“…Đức Giêsu và Hội thánh bấy giờ xuất hiện với tôi như một cái gì khô cứng, sự khô cứng của những khái niệm thần học, những bổn phận “phải” làm hơn là một tình yêu thiết tha tung cánh…Rồi chẳng biết từ đâu, Triết đông và Phật giáo len lỏi vào tâm hồn tôi, phất phơ nhẹ nhàng nhưng sao có sứt giật tung những gì mòn mỏi. Tôi nằng nặc đòi nhà dòng cho ra độc cư trên núi, sống với nắng, gió, mưa, đói, khát, và sợ hãi nữa. Nhưng mỗi lần tôi nhất tâm thất niệm thì vấn đề Đức Giêsu lại vang lên, đeo bám mãi…Một năm, hết phép, thân tàn ma dại, tôi thua cuộc mò về nhà Dòng tay trắng!  Nhưng Giêsu cứ đeo bám tôi mãi; đang trong một năm nổi loạn, thất bại và hư hỏng cùng cực đó, tôi được gọi làm …Linh mục. Hoang mang và sợ hãi, tâm hồn rối bời, tan nát, tôi vào ngồi thù lù trong nhà nguyện như sự đay nghiến, một sự nức nở bắt đền…
Một đêm trước khi làm Linh mục vài hôm, tôi thử tiến lên đứng sát nhà Chầu. Có cái gì hơn là cảm giác, hơn là sự rung động, mà là sự phủ chụp lấy toàn bộ cuộc đời và con người tôi. Ngay giây phút đó, tôi hiểu rằng cho dù có là hòn đá hòn sỏi, dù tôi đã lấm bùn bê bết, dù tôi đã thân tàn ma dại, dù tôi đã hỏng hết cả cuộc đời, thì Đức Giêsu vẫn gọi và chọn tôi, làm tâm hồn tôi bừng sáng huy hoàng. Và tôi gọi Ngài là Chúa, Cứu Chúa của đời tôi…
 
Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, chứng từ này giúp con nghiệm ra rằng, dù phận hèn yếu đuối đến đâu, con vẫn được Ngài yêu thương và tỏ lòng khoan dung bền vững muôn đời. (Epphata)