Suy Tư THẦN HỌC TRONG BỐI CẢNH CHÂu Á [1]
MỤC LỤC
A. Nhập đề
B. Luận đề về Giáo Hội Địa Phương (GHĐP)
I. Giải nghĩa các từ ngữ
1- Tin Mừng
2- Văn hóa
3- Giáo Hội Địa Phương
4- Ghi chú mở đầu các luận đề
II. Nền tảng Kinh Thánh
Luận đề 1-4
III. Việc hình thành, cuộc sống và sứ mệnh của GHĐP
1- Công tác hội nhập văn hóa và GHĐP – Luận đề 5-11
2- Hướng tới một nền thần học về GHĐP – Luận đề 12-14
3- Các Hội Đồng Giám Mục – Luận đề 15
C. Kết luận
A. NHẬP ĐỀ
1. Người ta bảo rằng những đổi thay đã xẩy ra tại Á Châu trong khoảng 50 năm vừa qua, thì cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, quan trọng hơn hẳn những bước phát triển của 500 năm lịch sử trước đây. Nhận định như vậy, dù có lẽ là hơi quá đáng, nhưng không phải là không trung thực nói lên điểm nòng cốt của sự thật.
2.Những đổi thay to lớn ấy cũng chỉ là một phần của những thăng trầm lịch sử hiện đang xảy đến trong thời đại chúng ta. Riêng tại Á Châu, chúng tôi đã phải trải qua nhiều năm trời hỗn loạn trong thời Thế chiến thứ hai, rồi tiếp đến là giai đoạn kết thúc thời thực dân: các “nước mới” đã thành hình, và cái gọi là “ý thức về Thế Giới Thứ Ba” đã lộ diện nổi bật; sau đó, đã có hai “thập niên mở mang phát triển” —1960-1980 — với các làn sóng khổ đau và hy vọng đối nghịch nhau, làm cho hai thực trạng này càng sôi động thêm. Hiện nay, chứng cớ ngày càng hiển nhiên cho thấy rằng “thế giới mới của Á Châu” đang hình thành, như một khu vực mỗi ngày một quan trọng hơn của địa cầu và của một gia đình nhân loại ngày càng tùy thuộc vào lẫn nhau hơn. Có một nghi vấn làm cho người ta phải tự hỏi đi hỏi lại, đó là: Có phải Á Châu đã thực sự trở thành sân khấu cho cuộc diễn xuất một chương mới của lịch sử nhân loại rồi hay không?
3.Chắc hẳn là một khi “dưới chân đất đã động”, thì sớm muộn gì Hội Thánh Đức Kitô tại Á châu, và các Giáo Hội Địa Phương đang cùng nhau làm nên Dân Chúa tại phần đất này của thế giới, cũng sẽ không khỏi cảm thấy “nền móng chuyển rung” ngay từ giữa lòng cuộc sống của chính mình. Nếu tại Á Châu, một “thế giới mới” đang thực sự ló dạng, thì các trào lưu, cả hỗn loạn náo động lẫn mang đầy hứa hẹn, hiện đang tuôn chảy vào giữa thời đại mới này, tất cũng sẽ dâng lên tràn ngập ở giữa đời sống của các cộng đồng kitô tại Á Châu. Và dĩ nhiên là các luồng tư tưởng ấy sẽ chất vấn Tin Mừng và Hội Thánh, được gặp thấy qua dạng thức mà chúng ta đã học biết. Đối với chúng tôi, suy tư kitô giáo và việc nghiên cứu thần học phải nẩy sinh lên từ chốn này, vì chính tại đây chúng tôi gặp được lịch sử “đang lên” của các dân tộc chúng tôi.
4.Các Giám mục Á châu đã có dịp hội họp với nhau nhiều lân, kể từ khi chừng 200 vị đã gặp gỡ với Đức Phaôlô VI, vào tháng 12 năm 1970, tại Manila, trong dịp Đức Giáo Hoàng thăm Á Châu lần đầu tiên. Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (Federation of Asian Bishops Conferences: FABC) cũng đã được thành lập trong thời đó. Cuộc họp đầu tiên tại Đài Bắc (1974) và các cuộc họp khác, cùng hàng loạt các khóa hội thảo và đơn vị nghiên cứu, đã từ từ nắn đúc nên một bầu khí cộng đồng cho những suy tư và những mối quan tâm chung. Các cuộc hội họp này đã giữ vai trò giống như những buổi “bắt mạch” có định kỳ nhằm phát hiện những quan hệ liên đới giữa các biến chuyển đổi thay của lịch sử và cuộc sống của Hội Thánh tại các Giáo Hội Địa Phương rải rác trong khắp vùng này.
5.Suốt trong hành trình lịch sử với những đổi thay to lớn, và ngay cả giữa những biến động đột ngột, mối quan tâm của những người kitô và các Giáo Hội Địa Phương cũng vẫn không ngừng quy hướng về với sứ mệnh của Hội Thánh. Các mối quan tâm khác (đối với cộng đoàn và tinh thần hợp tác, đối với thừa tác vụ, đối với hoạt động xã hội và chính trị, đối với công tác đối thoại, việc phát triển và nổ lực giải phóng, đối với việc đào tạo và việc trao quyền cho giáo dân, v.v.) đều phải rút ra từ chính sứ mệnh ấy, lý tồn tại và bối cảnh sinh hoạt của mình. Đúng thế, vì theo một ý nghĩa rất sâu sắc, Hội Thánh chính là sứ mệnh: Hội Thánh tiếp tục gánh vác sứ mệnh của Thiên Chúa trong Đức Kitô ở giữa lòng lịch sử nhân loại, và làm nhiệm tích của Đức Kitô cũng như của tác vụ cứu chuộc Ngài đã mang lại trong thế giới. Thái độ quan tâm như thế đối với sứ mệnh của mình, khiến Hội Thánh cảm thấy cần phải suy tư về chính mình. Câu hỏi mà Đức Phaolô VI coi là chủ yếu đối với Công đồng Vaticanô II, cũng đã trở thành câu hỏi then chốt đối với Hội Thánh tại Á Châu: “Này Hội Thánh, Hội Thánh sẽ nghĩ gì về chính mình?” (Ecclesia, quid dicis de te ipsa ?)
Bản tuyên ngôn về việc rao giảng Tin Mừng của FABC I (cuộc họp đầu tiên của các Giám mục Á châu, 1974) đã phối hợp mọi cố gắng để minh định lại sứ mệnh của Hội Thánh ở trong một bối cảnh cụ thể, tức là ở vào tư thế phải ứng đáp “những khát vọng tìm kiếm tiềm ẩn sâu kín nơi tâm lòng của những anh chị em chúng ta” đang sống tại Á Châu ngày nay. Có lẽ điểm chủ yếu của văn kiện vừa kể, đã được nói lên trong đoạn sau đây:
“Muốn rao giảng Tin Mừng tại Á Châu hôm nay, thì cần phải làm cho sứ điệp và cuộc sống của Đức Kitô thực sự “nhập thể” vào trong tâm trí và đời sống của các dân tộc chúng ta. Thế nên, ở vào thời điểm này của lịch sử chúng ta, công tác cần phải lưu tâm đầu tiên trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng là việc xây dựng một Giáo Hội Địa Phương thực sự”. (FABC I,9).
6. Các Giáo Hội Địa Phương Á Châu nhận ra ngày càng rõ hơn rằng, muốn củng cố công cuộc truyền giáo cách cụ thể, muốn dấn thân vào những tác vụ hiện đại, thì cần phải có những Giáo Hội Địa Phương thực sự đóng vai thủ xướng và chủ động trong công tác loan báo Tin Mừng, chứ không còn đơn thuần thụ động tiếp nhận một nền kitô giáo Tây phương đang thời bành trướng truyền giáo, tức là không còn tiếp tục một mực “sao y bản chánh” Giáo Hội Âu Châu với những hình thái, những tác vụ và những kiểu mẫu thần học phát nguyên từ môi trường thực tế của chúng và chịu ảnh hưởng sâu đậm của những điều kiện lịch sử Âu Châu. Các “Giáo Hội mới” phải bừng dậy và mạnh mẽ dấn bước đi vào môi trường sống quanh mình; và trong tiến trình ấy, các Giáo Hội mới phải thật sự trở thành Hội Thánh đích thực, ngay tại ở chỗ thời gian và không gian đang gặp nhau để tạo nên thời điểm này của lịch sử. Là để cho muôn dân, thì từ tận trong thực thể xương thịt của mình, Hội Thánh cũng phải trở thành cho chúng ta, thực sự là Hội Thánh của mỗi một dân tộc chúng ta. Bằng không, Hội Thánh chẳng có thể thông dự vào trong những gì đang nảy sinh ra tại các đất nước chúng ta, nơi các quê hương chúng ta, trong thế giới mới này của Á Châu.
Nếu đếm số năm, thì sẽ thấy các Giáo Hội Địa Phương tại Á Châu (ít ra một số lớn) không còn phải là “trẻ”. Nếu có cái gì mới mẻ trẻ trung nơi họ, thì đó chính là một ý thức mới, một ước vọng và một ý muốn mới: muốn trở thành Hội Thánh thực sự. Nhưng phải là một Hội Thánh sống động ở trong và cho giây phút lịch sử hiện tại đây, ngay ở giữa lòng các dân tộc này và trong bối cảnh của những bước phát triển mau lẹ đang xảy đến cho cuộc sống cũng như cho các nền văn hoá của họ. Các cộng đồng địa phương phản ánh cho thấy “những hoài vọng mới, những ước mơ mới, những sáng tác mới” đang bừng nở ra chung quanh họ. Họ biết các điều mới ấy đang hoặc sẽ tiến hành, dù là với thành công hay thất bại, chậm hay nhanh, cùng với hay không biết đến Phúc Âm, và dù có Hội Thánh tham dự hay không. Đối với họ, đây là giờ phút của triệu tập và của thách đố; và đó cũng là cái kairos đối với hết thảy chúng ta.
7. Toàn bộ các cộng đồng kitô tại Á Châu này chưa chiếm tới 2% của dân số trong vùng. Trừ Phi Luật Tân ra, là nước có 83% tín hữu công giáo và 89% tín hữu kitô trong số 60 triệu dân, tại các nước khác, người kitô chỉ là những thiểu số rất nhỏ. Ở Á Châu, Hội Thánh thật sự là một đoàn chiên nhỏ, pusillus grex, một thiểu số hết sức nhỏ bé ở giữa một biển người mênh mông bát ngát theo những tín ngưỡng khác hoặc thuộc nhiều truyền thống tôn giáo khác. Bởi đó, các Giám mục và các người lãnh đạo mục vụ, các nhà thần học hoặc các quan sát viên ở Á Châu, đã nhiều lần nhận định cho rằng trong thời hậu thuộc địa, Hội Thánh tại đây đã lâm vào một tình trạng hầu như không thể hiểu nổi đối với các giáo hữu Tây phương, và như thế là bởi một số lý do lịch sử.
8. Ngoài thực trạng đa dạng tôn giáo này, và dính liền với thực trạng này, khắp nơi còn có rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Các cộng đồng kitô thường bị coi là ngoại lai, vì người ta cầm họ như là những tổ chức du nhập từ các nước ngoài vào, cũng như bởi vì họ có tín ngưỡng tôn giáo, và nhiều khi cả văn hóa nữa, khác với các cộng đồng sống chung quanh. Nhiều chánh phủ coi họ như là những lãnh vực ngoại lai, với những ý thức hệ Tây phương, với những thủ lãnh vâng theo chỉ thị của các thế lực nước ngoài, và với lối sống mô phỏng theo kiểu mẫu Tây phương. Đồng bào của họ thường nghĩ rằng các kitô hữu không quan tâm gì nhiều đến các phong trào dân tộc và những lo âu của nước nhà mình. Có thực tâm hay không thì đó là một chuyện khác; nhưng sự việc là nhiều khi họ cũng tố cáo đồng bào kitô là không chịu chia sẻ những nguyện vọng của các chính nghĩa quốc gia và các nhóm ái quốc, cũng như không biết ưu tư cho đủ đối với các nhu cầu và các khổ đau, đối với tình trạng bị áp bức và bóc lột của quần chúng không kitô, bởi vì họ vẫn còn liên hệ với những ai còn đang cố tiếp tục kéo dài cuộc bóc lột bằng hình thức đô hộ kinh tế.
10. Khác với các cộng đồng kitô Tây phương, Hội Thánh ở Á Châu và các Giáo Hội Địa Phương tại đây không có những “thời đại kitô” để mà nhìn lại. Đối với đa số các Giáo Hội Á Châu, “Truyền thống” thường chỉ là lịch sử xa lạ của Hội Thánh tại các lục địa và của các dân tộc khác, ít hoặc không dính dự gì với kinh nghiệm và lịch sử của mình cũng như của dân tộc mình cả.
11. Chính vì đang đứng ở giữa tình cảnh vừa phác họa trên đây, nên chúng tôi cảm thấy cần phải dốc toàn tâm toàn lực vào việc suy tư thần học về Giáo Hội Địa Phương tại Á Châu hiện nay. Ngoài một vài nét phác họa khái quát về các “Giáo Hội trẻ” (ecclesiae novellae ) đọc thấy ở trong sắc lệnh Ad Gentes (chương 3), Công đồng Vaticanô II đã không khai triển rộng về đề tài này, bởi lẽ thời ấy — ít nhất là trong thập kỷ 1960, — hình như đó không phải là mối băn khoăn cấp thiết đối với các Giáo Hội Địa Phương Tây phương.
12. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, những “Giáo Hội trẻ” tại Á Châu, việc cần phải suy tư về lĩnh vực thần học này cho sâu xa hơn, là một công tác cấp thiết. Từ nhiều năm nay, cả các Giám mục lẫn các nhà thần học đều đã ý thức được rằng vấn đề này là một trong những mối quan tâm bách thiết nhất cần phải làm cho các cộng đồng kitô chúng tôi thấu hiểu. Chỉ những ai không sống đụng chạm với những khát vọng, trông chờ của các dân tộc và của cộng đồng chúng tôi, thì mới không nắm được hoặc là không cảm nhận ra nổi mối quan tâm kia mà thôi: đúng họ là những “ngoại kiều” sống ở giữa chúng tôi.
13. Chính FABC (Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu) đã yêu cầu chúng tôi, là một nhóm các thần học gia, dành ưu tiên suy tư cho đề tài nghiên cứu này. Như vậy, đây là đề tài đầu tiên được Uỷ Ban Cố Vấn Thần Học (Theological Advisory Commission: TAC ) của FABC bàn đến, cũng ngay trong buổi họp đầu tiên, nhóm hồi mùa xuân 1986, tại Hồng Kông.
14. Sau gần năm năm (1986-1990), khi việc nghiên cứu đang tiến hành và ngày càng nắm chắc được điểm chủ chốt hơn, chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng chủ đề “Giáo Hội Địa Phương” cần phải được coi như là một cố gắng để thấu hiểu về cách thức một cộng đồng đức tin “tự hiện thực hóa chính mình” trong tư thế là Hội Thánh. Hiểu biết Giáo Hội Địa Phương là hiểu biết quá trình phát sinh Giáo Hội (ecclesiogenesis ) tại một nơi, vào một lúc, ở trong một nền văn hóa cụ thể.
Chúng tôi cũng ý thức rằng dự án và tiến trình này là một phương thức khác để tìm hiểu về công tác hội nhập văn hóa. Thực ra, đối với chúng tôi là những người đang sống trong các Giáo Hội Địa Phương tại Á Châu, công tác hội nhập văn hóa đồng nghĩa với nổ lực “tự hiện thực hóa” của Hội Thánh tại một nơi. Thành thử, chúng tôi đã đưa điểm nhận định sáng suốt này vào trong tài liệu nghiên cứu của chúng tôi đây. Đó là điểm nhận định mà càng tiến tới trong nổ lực tìm hiểu, thì chúng tôi càng nhận ra rõ hơn, qua cách nghiên cứu các thực tại lịch sử theo bối cảnh riêng và theo như kinh nghiệm chúng tôi nắm được. Thực vậy, suốt năm năm bàn luận, chúng tôi đã cố gắng đi từ những thực tại cụ thể và kinh nghiệm thực tế để nghiên cứu, chứ không phải chỉ biết giở trò múa rối với những ý niệm lý thuyết trên mây.
15. Chúng tôi xin giới thiệu tài liệu này như là cố gắng đầu tiên của chúng tôi để tiến hành một cuộc nghiên cứu thần học về “Giáo Hội Địa Phương trong bối cảnh Á Châu”. Trước hết, xin nói rõ rằng ở đây chúng tôi không chủ ý nhắm một điều gì ngoài việc mở ra một cuộc đối thoại với những ai cùng chia sẻ những quan tâm và khát vọng như chúng tôi. Thần học về Giáo Hội Địa Phương còn đang ở trong thời phôi thai, và như thế không những ở Á Châu thôi, mà còn ở trong Hội Thánh trên khắp thế giới nữa. Những nhà thần học để tâm suy tư và viết về đề tài này thì không phải là nhiều, và nếu chỉ ghi lại những tác phẩm thực sự đáng kể, thì thư mục về chủ đề này cũng không có là mấy. Nhiều Giám mục Á Châu đã yêu cầu chúng tôi khởi công cho tiến trình học hỏi và bàn luận này. Các luận đề sau đây là những hoa trái đầu mùa của công việc chúng tôi. Chúng tôi chỉ hy vọng là chúng sẽ gióng lên được một lời mời gọi và thối thúc những người khác đang sống trong các Giáo Hội Địa Phương Á châu, để họ cũng biết dành ưu tư cho vấn đề mà tiếp tục công tác chúng tôi đã bắt đầu, trong cùng một tinh thần như chúng tôi đã có khi thăm dò về đề tài — nghĩa là chỉ nóng lòng mong ước làm sao để tìm cho ra sự thật, — nhằm nói lên niềm hy vọng hỷ hoan vào một tương lai đầy hứa hẹn cho Hội Thánh tại các đất nước và giữa các dân tộc của chúng tôi.
B. LUẬN ĐỀ VỀ GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
I. GIẢI NGHĨA CÁC TỪ NGỮ
Giáo Hội Địa Phương phát tích từ cuộc gặp gỡ giữa một dân tộc với Tin Mừng. Và đã là một dân tộc thì thế tất phải sinh sống ở trong một bối cảnh văn hóa cụ thể. Nếu thế thì trước hết, cần phải giải nghĩa các từ ngữ căn bản gặp thấy trong cách đặt vấn đề như vừa nói; đó là các từ ngữ: “Tin Mừng”, “văn hóa” và “Giáo Hội Địa Phương”.
1. TIN MỪNG
Từ ngữ “Tin Mừng” hay “Phúc Âm” có nghĩa là “tin tốt” (evangelion ). Đây là từ mà ngôn ngữ của Tân Ước đã mượn từ Cựu Ước, nhưng với một ý nghĩa đặc biệt mà chính từ ấy cũng đã hàm ngụ, đó là: loan báo ơn cứu độ (Is 40, 1f), loan báo ơn giải phóng (Is 61,1f) và sự việc Nước Thiên Chúa đang đến (Is 52,7).
Tin Mừng về Vương Quốc Sự Sống
Đức Giêsu đã đến rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa; Ngài nói: “Thời kỳ đã mãn và Nước Trời đã đến gần” (Mc 1,14-15). Ngài “được xức dầu tấn phong để đi loan báo Tin Mừng cho những kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18tt). Lời loan báo Đức Giêsu ra đời được nhắc đến như là một tin lành cứu độ (x. Lc 2,10-11). Vì thế, trong Tân Ước, Phúc Âm là tin lành về tình trạng giải phóng, về ơn cứu độ và về Nước Trời. Gioan không dùng danh từ “Tin Mừng”. Ngài thay thế các từ ngữ “vương quốc Thiên Chúa” và “cứu độ” bằng từ “sự sống” (xem Ga 3,16-17). Đức Giêsu nói: “Tôi đến để cho mọi người được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10).
Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô
Tin Mừng cũng được đồng nhất hóa với chính Đức Giêsu. Chính bản thân của sứ giả đã trở nên trung tâm điểm của Tin Mừng. Phúc Âm là chính Đức Giêsu (Mc 1,1). Nơi Ngài, Nước của Thiên Chúa đã tỏ hiện (Mt 12,28). Người nào bỏ mọi sự vì Đức Giêsu và vì Tin Mừng, thì sẽ được thưởng gấp trăm lần ngay ở đời này (Mc 10,30).
Trong Công Vụ Tông Đồ và các thư Thánh Phaolô, việc đồng nhất hóa này còn được khai triển rộng hơn. Tin Mừng trở thành “tin mừng về Đức Giêsu” (Cv 8,35; 17,18), “về Chúa Giêsu” (Cv 11,20; Rm 1,3tt), “về danh Đức Giêsu Kitô” (Cv 8,12), “về Đức Kitô” (Rm 15,19tt; 2Cr 2,12), và “về vinh quang của Đức Kitô” (2Cr 4,4). Cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu trở thành trung tâm điểm của Tin Mừng (1Cr 15,1-5).
Tin Mừng là Lời nói (Ngôn từ) mà cũng là Chứng từ
Trong các văn bản của Gioan, việc đồng nhất hóa Tin Mừng với Đức Giêsu được diễn tả bằng các từ “Lời” và “Chứng tá”. Kinh nghiệm về Tin Mừng được miêu tả như là kinh nghiệm về “Lời sự sống” (1Ga 1,1). Chính Đức Giêsu đã đến để “làm chứng” cho Sự Thật (Lời) (Ga 18,37); và nếu tín hữu có được kinh nghiệm về Lời qua hành động công bố, thì cũng chính là nhờ ở sự việc “làm chứng” (1Ga 1,2).
Tin Mừng như là Ân sủng, Thần Khí và Quyền năng
Cộng đồng kitô tiên khởi có kinh nghiệm về Tin Mừng như là ơn tha thứ và ân lộc ban Thần Khí (Cv 2,38; 3,26; 10,43; 13,38; 17,30). Đó chính là kinh nghiệm về ơn cứu độ, được mô tả như là tin lành “bình an” do Đức Giêsu Kitô mang đến (Cv 10,36). Đối với Phaolô, Tin Mừng là quyền năng cứu độ, tức là quyền năng của Thiên Chúa để cứu rỗi tất cả những ai có lòng tin (Rm 1,16), là sức mạnh cứu độ Thiên Chúa đã tung ra trong thế giới loài người để cứu rỗi mhững ai có lòng tin. Vì vậy, Tin Mừng được công bố không những bằng lời nói mà cả với quyền năng và Thần Khí nữa (1Tx 1,5). Tin Mừng là phổ quát qua lời mời gọi gửi đến cho hết thảy mọi người và qua sự việc được áp dụng “cho bất cứ ai có lòng tin” – cả Do thái lẫn Hy lạp (Rm 1,16).
Tin Mừng như là Mầu nhiệm
Tin Mừng là mầu nhiệm (mysterion ), tức là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: giữ kín từ muôn thuở (1Cr 2,7), và đã được mạc khải và thể hiện trong và qua Đức Giêsu Kitô (1Cr 2,1-2). Tầm trọng yếu toàn diện của mầu nhiệm này nằm ở chỗ nó là một kế hoạch liên quan tới toàn thể vũ trụ trong thời viên mãn, và nhắm tới tiêu đích quy tập vạn vật trên trời cũng như dưới đất vào trong Ngài (Ep 1,9-10). Do đó, Tin Mừng cần phải được loan báo qua hình thức đối thoại, nghĩa là như một cuộc gặp gỡ giữa thực trạng biểu hiện của mầu nhiệm này ở giữa dòng lịch sử qua mạc khải Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Kitô, và sự hiện diện của mầu nhiệm ấy ở trong những gì khác mà vũ trụ vén mở cho thấy.
Hội Thánh: Hiện thân của Tin Mừng
Tin Mừng ấy, — hoặc là quyền năng của Thiên Chúa để cứu rỗi, là Nước Thiên Chúa, hay là sự sống viên mãn, — đã hoạt động nơi Đức Giêsu nhờ Thần Khí: khởi đầu từ thời Ngài công khai rao giảng , với các phép lạ là những dấu chỉ của Tin Mừng này (Mt 12,28); rồi tiếp đó, đã hoạt động một cách quyết liệt qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Sinh thời, Đức Kitô là hiện thân của Tin Mừng tỏ lộ một cách cụ thể trong lời rao giảng, lối sống và thái dộ dấn thân của Ngài. Qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài, Đức Giêsu Kitô đã trở thành Thần Khí đầy sức sống và ban sự sống (1Cr 15,45). Như vậy, Tin Mừng mà Đức Kitô là hiện thân, đã trở thành một sức mạnh hiện diện ở giữa tất cả những ai tin vào các giá trị như chân lý, tự do và công bằng; các giá trị này làm chứng về sự hiện diện của Nước Trời ở giữa loài người. Chính Tin Mừng ấy, chính quyền lực cứu rỗi ấy của Thiên, đang được thể hiện ở trong Hội Thánh, tức là ở trong cộng đồng các tín hữu, nhờ Thần Khí của Đức Kitô (Thiên Chúa). Như thế, Hội Thánh ngày nay đang giữ vai trò làm hiện thân cho Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô giữa lịch sử loài người. Do đó, Hội Thánh là “môi trường” để làm công tác loan báo Tin Mừng (Phúc âm hóa).
2. VĂN HÓA
Có hàng trăm cách để định nghĩa văn hóa. Dù vậy, không một định nghĩa nào đã thành công trong việc đưa ra một ý niệm đầy đủ bao gồm toàn bộ thực tại phức tạp của cái thường được gọi là văn hóa. Cho nên, Công đồng chung Vaticanô II đã chọn phương thức mô tả hơn là cố định nghĩa văn hóa cho chính xác (xem Gaudium et Spes , 53). Trong văn kiện về Giáo Hội Địa Phương này, chúng tôi không theo một định nghĩa nhất định nào về văn hóa cả, song sẽ hiểu văn hóa theo cách mô tả của Vaticanô II, và theo hiện tình khảo cứu của khoa nhân chủng học. Và chúng tôi sẽ nhìn văn hóa từ bốn góc cạnh như sẽ trình bày dưới đây. Nếu được phối hợp lại, thì những cách nhìn này sẽ giúp chúng ta có được một ý niệm khái quát về cái thường được gọi là văn hóa.
Văn hóa như là việc bồi dưỡng tinh thần nhân loại
Trong các ngôn ngữ gốc Latinh, từ văn hóa (cultura/culture ) phát nguyên bởi từ cultura , có nghĩa là trồng trọt, như thấy trong trường hợp các chữ “ agriculture” (nông nghiệp), “ horticulture ” (kỹ thuật làm vườn),v.v… Quan niệm cổ điển coi văn hóa như là tiến trình nội tâm của việc con người trau giồi hoặc uốn nắn trí tuệ cùng các năng lực tâm linh khác; và vì thế, văn hóa được coi như là một cái gì trực tiếp liên hệ với đời sống tri thức, với nghệ thuật, văn học, và các khoa nhân văn, vv… Dĩ nhiên, theo quan niệm này, văn hóa chỉ được áp dụng cho những cá nhân, những từng lớp hoặc dân tộc ưu tú và có học thức, khác hẳn với dân chúng vô học, bán khai, lạc hậu. Hơn nữa, một cách nào đó, văn hóa còn bao hàm cả tính chất phổ quát và trường tồn. Những cá nhân và những nhóm cần phải khép mình vào trong các kiểu mẫu và mô hình được coi là có văn hóa. Quan niệm cổ điển này đã xuất hiện tại Âu Châu trong thời Phục hưng và thế kỷ “Ánh sáng” (tk 18), và đã giữ được ưu thế rất lâu, nghĩa là cho đến thời gian gần đây. Đó cũng là quan niệm về văn hóa đã từng đi sát cánh với công cuộc truyền giáo trong thời thuộc địa. Rao giảng Tin Mừng cũng bao hàm công cuộc mang văn hóa tới cho các dân tộc và các quốc gia, và chính sứ mệnh kitô cũng đã được coi như là “sứ mệnh văn minh hóa”.
Quan niệm văn hóa theo kinh nghiệm
Văn hóa không phải là đặc quyền của một ít cá nhân hoặc dân tộc. Không có dân tộc nào mà không có văn hóa. Nói tới văn hóa tức là nói tới các truyền thống, tập quán, phong tục và tổ chức của một dân tộc. Các khoa nhân chủng học và xã hội học đã nêu bật sự kiện này: văn hóa là một thực tại phát sinh từ kinh nghiệm, và không chỉ liên hệ tới tâm trí và các tiến trình bên trong của trí tuệ mà thôi, nhưng còn liên quan tới cả các tiến trình bên ngoài ở giữa cuộc sống xã của một dân tộc nữa. Theo ý nghĩa này, văn hóa là “toàn bộ tổng hợp ấy, bao gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tục lệ cùng bất cứ khả năng và thói quen nào mà con người thu thập được trong tư cách là thành phần của một xã hội”. Lối nhìn văn hóa như thế là một lối nhìn rộng mở để đón mọi hình thức khác biệt và đa dạng. Toàn thể nhân loại có thể được coi như là một đại gia đình của các dân tộc, trong đó mỗi dân nước giữ nguyên phong tục, truyền thống, tín ngưỡng, công trình mỹ thuật, v.v… riêng của mình.
Chiều kích tượng trưng của văn hóa
Văn hóa bao hàm không những các truyền thống, những cách cư xử, v.v., mà còn cả những biểu tượng, ý niệm, giá trị, ngôn ngữ, ý nghĩa nữa. Những phong tục, truyền thống và tổ chức của một dân tộc hàm ngụ hoặc tiêu biểu cho các giá trị, tư tưởng và quan niệm của dân tộc ấy. Nhờ thế, việc giao tiếp hoặc thấu hiểu nhau mới có thể trở thành sâu đậm thiết cốt hơn giữa nội bộ những nhóm hoặc những dân tộc có cùng một văn hóa chung. Về phương diện này, văn hóa “biểu thị một thứ mô dạng được truyền lưu theo dòng lịch sử và được coi là mực thước cho ý nghĩa tiềm ẩn ở nơi các biểu tượng, và đồng thời cũng biểu thị một hệ thống quan niệm diễn đạt theo hình thức tượng trưng, thừa kế từ các thế hệ trước, nhờ đó con người có thể trao đổi, lưu truyền và mở rộng kiến thức cùng thái độ của mình đối với cuộc sống”.
Theo ý nghĩa này, văn hóa gắn bó rất mật thiết với tôn giáo. Đặc biệt tại Á châu là nơi các hình thức và các biểu hiện của văn hóa đều mang viễn ảnh, quan niệm, cả đến những giá trị cùng biểu tượng nữa, của tôn giáo, và lấy đó làm căn bản cũng như làm nguyên lý hợp thức cho sự có mặt của mình.
Quan niệm xã hội như là một thực tại văn hóa
Có thể coi chính xã hội như là một hệ thống văn hóa. Vì cách tổ chức và quản trị của một xã hội, cách phát triển kinh tế, cách thức các phần tử xã hội trao đổi với nhau, v.v., thường là những gì xuất phát từ đặc tính văn hóa và thiên tư của một dân tộc. Vì vậy, tách biệt đà phát triển kinh tế và công tác cai quản chính trị ra khỏi nền văn hóa của dân tộc, thì sẽ gây ra những hậu quả tác hại trầm trọng, như lịch sử và kinh nghiệm đã chứng tỏ cho thấy, nhất là trong Thế giới thứ ba hiện nay. Có một sự thật đã được minh chứng, đó là: bao lâu văn hóa chưa đổi thay, thì không thể có một thay đổi hữu hiệu và lâu bền trong một xã hội được. Chính vì vậy, những thời gian gần đây, văn hóa đã trở thành vấn đề chính yếu trong mọi lãnh vực cuộc sống xã hội.
Dĩ nhiên là bốn cách nhìn và bốn phương thức tìm hiểu về văn hóa trình bày trên đây, bổ túc cho lẫn nhau. Có thể kết luận rằng, rốt cuộc, văn hóa chỉ là cách sống cụ thể của con người ở giữa một dân tộc, một nhóm hoặc một quốc gia nhất định. Trong khi đó, bản sắc loài người (humanum ) lại tiềm ẩn dưới mọi hình thức văn hóa, làm mối dây nối kết để mọi nền văn hóa có thể gặp gỡ lẫn nhau. Và bất cứ nền văn hóa cá biệt nào cũng đều biểu lộ sắc thái phong phú của bản sắc loài người trong một cách kiểu có một không hai.
3. GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
Công đồng Vaticanô II đã không dùng cùng một thứ từ ngữ nhất định khi đề cập đến những hình thái địa phương của Hội Thánh. Thành ngữ “Giáo Hội cá biệt” (Particular Church ) được dùng đến 24 lần — 12 lần ám chỉ đến các giáo phận, còn các lần khác thì để chỉ những nhóm các Giáo Hội thuộc cùng một tổ chức, chẳng hạn như là thuộc cùng một loại lễ chế (xem HN14; ĐP 2-4,10,16, 17,19). Từ ngữ “Giáo Hội Địa Phương” (Local Church ) được dùng 8 lần để chỉ hoặc là giáo phận, hay là các nhóm Giáo Hội, và cả đến giáo xứ nữa. Số 14 trong Sắc Lệnh về Hiệp Nhất dùng các từ “cá biệt” và “địa phương” như là những từ đồng nghĩa, để chỉ những nhóm các Giáo Hội Đông phương, đặc biệt là các Giáo Hội Thượng phụ.
Trong Bộ Giáo luật mới, “ ecclesia particularis ” luôn luôn có nghĩa là giáo phận. Cả từ ngữ ecclesia localis (“Giáo hội Địa Phương”) lẫn ecclesia universalis (“Giáo Hội Hoàn Vũ” đã không có mặt trong bộ Giáo luật; văn kiện này thường dùng hoặc là cách nói “toàn thể Hội Thánh” (thỉnh thoảng chỉ nói là “Hội Thánh”) hoặc là danh xưng “Giáo Hội cá biệt”.[2] Bộ Giáo luật cũng phân biệt “Giáo Hội Latinh” với các Giáo Hội khác, được gọi là “các Giáo Hội lễ chế có luật riêng” (ecclesiae sui juris ); có người đề nghị nên dịch thành ngữ này ra “Giáo Hội tự trị”. Còn “lễ chế” thì bộ Giáo luật định nghĩa là “di sản phụng vụ, thần học, tu đức và pháp chế, với những nét khác biệt về văn hóa và hoàn cảnh lịch sử của một dân tộc; di sản ấy được diễn đạt theo cách thức sống đạo riêng của mỗi Giáo hội với quy luật riêng của mình” (Schema Codicis Juris Canonici Orientalis , 1988, Cn. 27,2).
Dùng từ ngữ một cách thiếu thống nhất như vậy có thể gây ra một số khó khăn. Có những thần học gia đề nghị là nên đơn thuần đi theo cách nói của Giáo luật; họ gọi giáo phận “Giáo Hội cá biệt”, và dùng từ ngữ ” Giáo Hội địa phương” để chỉ các hình thức cụ thể khác của Giáo Hội. Có người khác lại chủ trương rằng các nhà thần học không cần gì mà phải chịu ràng buộc bởi cách dùng từ mới của Giáo luật, như là “Giáo Hội cá biệt” chẳng hạn, và họ đồng ý dùng thành ngữ “Giáo Hội địa phương”, rồi khi cần thì nói rõ là danh từ ấy dùng để chỉ một giáo phận, một giáo xứ, một cộng đồng kitô nhỏ, hoặc là một nhóm các địa phận.
Phía đằng sau việc lựa chọn các từ ngữ này, còn có cả một vấn đề thần học quan trọng: những điều kiện xã hội và văn hóa sẽ ảnh hưởng cho tới mức nào vào trong việc thần học định nghĩa một hình thức địa phương của Hội Thánh? Dựa theo đường lối của cha Henri de Lubac và Bộ giáo luật mới, Ủy Ban Thần học Quốc tế chủ trương rằng tiêu chí (criterion ) để xác định bản sắc của một Giáo Hội cá biệt (tức là một giáo phận), là một tiêu chí “thần học tự bản chất nó” (essentially theological ); còn tiêu chí để định nghĩa một Giáo Hội địa phương (tức là một tổ chức các Giáo hội cá biệt), chỉ mang tính chất “chủ yếu là văn hóa xã hội” mà thôi (xem H.de Lubac, L’unique Eglise du Christ , Paris, Centurion 1985, 33)
Liên quan đến ý kiến trên đây, có hai điểm đòi phải giữ thái độ dè dặt. Thứ nhất: cách đặt hai từ ngữ “thần học” và “xã hội/văn hóa” ngang nhau trên cán cân so sánh, có thể làm cho hiểu rằng bản sắc xã hội/văn hóa chẳng có một ý nghĩa nào trong bình diện thần học cả; điều này sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến khoa giáo hội học, và có thể cần phải được đặt lại vấn đề. Thứ hai: nếu thường xuyên dùng từ ngữ “Giáo Hội cá biệt” để chỉ một giáo phận nhằm phân biệt với “Giáo Hội Hoàn Vũ”, thì có thể gây ra cảm tưởng cho rằng công giáo tính của Giáo Hội cá biệt nằm đâu xa ở phía ngoài. Cũng vậy, từ ngữ “Giáo Hội Hoàn Vũ” dùng để phân biệt với “Giáo Hội cá biệt”, có thể gây ra hiểu lầm về phổ quát tính của Giáo Hội Hoàn Vũ, vì sẽ bị coi như là một tổ chức siêu quốc gia hay quốc tế.
Vì những lý do như thế nên chúng tôi đã quyết định dùng một cách thường xuyên thành ngữ “ Giáo Hội Địa Phương ” (Local Church ) trong văn kiện này; nếu cần, thì chúng tôi sẽ chỉ rõ đối với các trường hợp ứng dụng cụ thể khác.
Để chỉ những gì thường được gọi là “lễ chế” (Rites ), chúng tôi sẽ theo cách nói của các Hội đồng Giám mục Ấn độ, cũng như của các thần học gia các ngài, mà dùng từ ngữ “ các Giáo Hội Cá Thể ” (Individual Churches ).
LỜI CHÚ DẪN CÁC LUẬN ĐỀ
Để việc nghiên cứu văn kiện này được dễ dàng, xin nói thêm một vài lời về phương thức tiến hành, về cách tổ chức và thứ tự của các luận đề sau đây.
Đầu tiên là những viễn ảnh căn bản của Kinh Thánh về Giáo Hội Địa Phương (luận đề 1-4): có thể coi đó là nền móng của văn kiện.
Tiếp đó là những luận đề có tính cách kinh nghiệm và hiện sinh. Như vậy, tài liệu này không bắt đầu với việc định nghĩa Giáo Hội Địa Phương, rồi sau đó đem áp dụng định nghĩa ấy cho các Giáo Hội ở trong những môi trường với nhiều đặc nét văn hóa khác nhau của Á châu; trái lại, chúng tôi cố gắng nghiên cứu thực trạng của Giáo Hội Địa Phương như là một thực tại phát sinh từ cuộc gặp gỡ giữa Tin Mừng và văn hóa của một dân tộc (luận đề 5-9).
Các suy tư về công trình hội nhập văn hóa — một công trình tiến hành theo mẫu mực của mầu nhiệm Nhập Thể — sẽ tìm hiểu về cuộc gặp gỡ của Giáo Hội Địa Phương với toàn bộ bối cảnh của chính nơi Giáo Hội sinh sống: bối cảnh này tất nhiên phải bao gồm cả những thực tại xã hội, kinh tế và chính trị nữa. Dựa theo phương pháp học, các luận đề sẽ khởi đầu đi từ kinh nghiệm, từ những suy tư về kinh nghiệm, và sau đó, sẽ cố gắng tìm hiểu cho biết Giáo Hội Địa Phương là gì.
Trong bước kế tiếp, các luận đề sẽ lấy lại giáo huấn của Vaticanô II, và thử đưa ra một ý niệm thần học về bản chất, về các cấu tố và các đặc điểm cũng như về cuộc sống và sứ mạng của Giáo Hội Địa Phương (luận đề 10-14).
Trong phần kết thúc tài liệu, sẽ có một luận đề cuối cùng (số 15) bàn đến một vấn đề quan trọng và hiện đang làm đề tài cho nhiều cuộc bàn thảo: đó là vấn đề các Hội Đồng Giám Mục.
Những suy tư thần học và những luận đề nêu lên trong văn kiện này không nhằm một đích nào ngoài chủ đích thuần túy mục vụ: nghĩa là để giúp các thành phần trong Hội Thánh — các Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân — thấu hiểu cho rõ hơn, cảm nghiệm cho sâu đậm hơn, làm chứng và truyền thụ cho đắc lực hơn, mầu nhiệm về Giáo Hội Địa Phương, với toàn bộ thực tại thiêng liêng cũng như với bản sắc “trần tục” hết sức cụ thể đâm rễ sâu vào trong môi trường sống của chính Giáo Hội. Và cũng là để mở đường cho công tác hiện tại hóa Giáo Hội Địa Phương ngay tại trong bối cảnh của toàn bộ thực tại cuộc sống, trong đó Giáo Hội có bổn phận phải rao giảng Tin Mừng và hoàn tất sứ mệnh của mình ở giữa lòng lịch sử con người. Vì thế, phần cuối của văn kiện sẽ đề ra một số hệ luận và những lời nhắn nhủ có tính cách mục vụ, kỳ vọng rằng nhờ đó mà các suy tư kia sẽ được thể hiện qua hành động và lề lối hoạt động.
II. NỀN TẢNG TRONG KINH THÁNH
Luận Đề 1
Cho dù có phải nhận dạng các Giáo Hội Địa Phương trong Tân Ước bằng địa danh, thì điều chủ yếu được nêu bật chính là sự việc Dân Thiên Chúa đang ở tại một nơi nhất định. Hội Thánh là công trình hiện tại hóa ngay ở giữa lòng lịch sử, của mầu nhiệm Thiên Chúa trong Đức Kitô; là mầu nhiệm được thực hiện ở nơi mỗi Giáo Hội Địa Phương. Các Giáo Hội Địa Phương trong Tân Ước thì đa dạng. Hình ảnh “Thân Thể Đức Kitô” được dùng để chỉ Hội Thánh, cho thấy rõ sự kiện này là: Hội Thánh Hoàn Vũ là mối hiệp thông giữa các Giáo Hội Địa Phương.
1.01 Cho dù trong các thư của Phaolô và Sách Công vụ Tông đồ (1Cr 1,2; Gl 1,2; 1Tx 1,1), các Giáo Hội có phải được nhận dạng qua một địa danh cụ thể, thì điều chủ yếu được nêu bật hẳn chính là sự việc Dân Thiên Chúa đang ở tại một nơi nhất định . Công thức: “gửi về các Giáo Hội miền Galata”, dùng trong Thư gửi tín hữu Galata, cho thấy rõ là có thể có nhiều Giáo Hội cùng ở trong một miền đất nhất định, và các Giáo Hội trong vùng thường có những mối tương giao với nhau. Thế nên, không phải là một Hội Thánh duy nhất được chia ra thành nhiều Giáo Hội, và ngược lại, cũng không phải là tổng số các Giáo Hội đã làm nên Hội Thánh.
1.02 Tân Ước tỏ ra không mấy tán đồng cách phân biệt thông thường giữa “Hội Thánh Hoàn Vũ” được coi như là “Hội Thánh của Thiên Chúa”, và các Giáo Hội Địa Phương được hiểu là như những cộng đoàn địa phương (tức như là những phần tử hoặc bộ phận) làm thành phần của Hội Thánh Thiên Chúa. Thành ngữ “Hội Thánh của Thiên Chúa” có thể được dùng để chỉ một (1Cr 1,2; 10,35;15,9) hoặc nhiều cộng đoàn giáo hội (1Cr 11,16; 1Tx 2,14). Thế nên, văn bản Tân Ước cho phép xác định rằng công trình hiện tại hóa ngay ở giữa lòng lịch sử, của mầu nhiệm Thiên Chúa trong Đức Kitô, đã được thực hiện ở nơi mỗi Giáo Hội Địa Phương.
1.03 Trong thời Tân Ước, ý niệm về Giáo Hội Địa Phương mang tính cách loại suy hơn là đơn nghĩa, và có thể chỉ một cuộc tập họp dân chúng địa phương, một cơ sở thị thành, hoặc là các Giáo Hội trong vùng, hay là các Giáo Hội họp tại nhà riêng, v.v… Cũng vì thế mà các Giáo Hội Địa Phương trong thời Tân Ước mang những hình thái đa dạng đến độ cần phải nghiên cứu từng sách một trong Tân Ước thì mới có thể biết được Giáo Hội có mặt ở trong đó là thuộc mẫu Giáo Hội nào.
1.04 Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô (Cl 1,24; Ep 1,22). Đức Kitô và Hội Thánh cũng được đặt kề cạnh nhau trong những lần được nhắc tới (Ep 3,21; 5,22). Như vậy, trong một ý nghĩa nào đó, Đức Kitô và Hội Thánh được coi như là một. Là chi thể của Thân Thể Đức Kitô, các kitô hữu sống trong một mối liên hệ đối với nhau (1Cr 12,12-27), và mối liên hệ ấy nằm ở nơi Đức Kitô. Cho nên, đó không phải chỉ là một thứ tình đoàn kết thuần túy nhân loại mà thôi, song là một mối hiệp thông nẩy sinh từ sự việc được sáp nhập vào trong Đức Kitô nhờ đức tin và phép rửa (Gl 3,26-28).
1.05 Trong hình ảnh”Thân Thể Đức Kitô”, có thể nhận ra được cách thức minh họa về mối liên hệ giữa Hội Thánh Hoàn Vũ và các Giáo Hội Địa Phương. Đức Kitô được coi như đồng nhất hóa với mỗi Giáo Hội Địa Phương; vì thế, mỗi Giáo Hội Địa Phương là Thân Thể Đức Kitô. Khủng bố Giáo Hội tại Giuđêa, tại Galilêa và Samaria là Saolô cũng đã khủng bố chính Đức Kitô (Cv 9,1-6). Mầu nhiệm Đức Kitô đã được thực hiện ở nơi mỗi Giáo Hội Địa Phương thế nào, thì mầu nhiệm Hội Thánh cũng được thực hiện như vậy. Mỗi Giáo Hội Địa Phương là Hội Thánh một cách toàn diện (wholly the Church ), nhưng không phải là Hội Thánh toàn thể (not the whole Church ). Hễ càng hiệp thông với Thần Khí của Đức Giêsu, càng biết đâm rễ sâu vào trong Tin Mừng cũng như trong đời sống chung nơi Thân Thể duy nhất của Đức Kitô, và hễ càng biết mở lòng giao hảo với các Giáo Hội Địa Phương khác trong cùng một Lời và một Thần Khí, thì một Giáo Hội Địa Phương càng tiến xa trong công trình thực hiện mầu nhiệm Hội Thánh. Như vậy, nhờ chính các thực tại đã làm cho mình nên Hội Thánh và hiệp thông, mà Giáo Hội Địa Phương mang được tính chất hoàn vũ. Còn đằng khác, có ở trong và nhờ các Giáo Hội Địa Phương, thì Hội Thánh Hoàn Vũ mới mang được tính chất hoàn vũ. Hội Thánh Hoàn Vũ không có được một cuộc hiện hữu cụ thể nào cả ngoài các Giáo Hội Địa Phương. Do đó, Hội Thánh Hoàn Vũ chính là niềm hiệp thông của các Giáo Hội Địa Phương.
Luận đề 2
Vì loan truyền Tin Mừng là bản sắc sâu thẳm nhất của Hội Thánh, thế nên, nhân tố quyết định trọng yếu nhất làm phát sinh nên Giáo Hội Địa Phương, là việc loan báo Lời (biến cố Đức Kitô). Là động lực trong công tác loan báo Lời, Thần Khí giữ vai nguyên lý của hiệp nhất cũng như của dị biệt, và do đó, làm cho Hội Thánh có khả năng đón nhận mọi hình thái văn hóa vào trong mối hiệp nhất của mình mà không mảy may xóa bỏ các dị biệt của chúng, và đồng thời có khả năng giữ cho tính chất hoàn vũ của mình được luôn luôn cụ thể.
2.01 Ngay từ lời mở đầu của sách Công vụ Tông đồ (Cv 1,6-8), như một thần học gia chuyên về Hội Thánh, thánh Luca đã phác ra những nét đại cương cho đường hướng thần học của ngài. Trong đó, chúng ta thấy thời đại của Hội Thánh được miêu tả như là thời gian nằm giữa thời Đức Kitô và thời Chung cục. Tiêu đích của thời đại ấy là làm chứng về Đức Kitô cho đến tận chân mây cuối trời của thế giới; đó là sứ mệnh của cộng đoàn các môn đồ do các tông đồ dẫn dắt và được sức mạnh của Thánh Thần yểm trợ cho trong khi làm chứng. Vì vậy, Hội Thánh là một cộng đoàn môn đồ làm chứng cho Chúa Phục Sinh và cho Tin Mừng của Ngài. Bởi thế, tiến trình loan truyền Tin Mừng là lý do hiện hữu của Hội Thánh. “Loan truyền Tin Mừng” thật sự là ân sủng, là ơn gọi riêng và là bản sắc sâu thẳm nhất của Hội Thánh. Hội Thánh có hiện hữu, thì chính là để loan truyền Tin Mừng” (vangelii Nuntiandi14 ).
2.02 Trong tất cả các Phúc Âm, mệnh lệnh đi truyền giáo được gắn liền với các trình thuật kể lại những lần nhóm Mười Hai gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh (16,14-16; Mt 28,18-20; Lc 24,47-49; Ga 20,19-23). Như thế, nhân tố quyết định trọng yếu nhất trong tiến trình thành hình của một Giáo hội Địa phương, là sự việc được dự phần vào trong kinh nghiệm của các tông đồ về Đức Kitô, qua trung gian tác vụ tuyên bố Lời (1Ga 1,1tt). Ngay sau khi được ban cho đầy Thần Khí, các tông đồ đã tức tốc bắt đầu tuyên bố Tin Mừng Đức Kitô (Cv 2,4). Những người đón nhận Lời các ngài công bố cũng chính là những người đã được rửa tội và làm nên Giáo Hội Địa Phương tại Giêrusalem (Cv 2,41). Vai trò số một của các tông đồ là tiếp tục phục vụ cho Lời (Cv 6,2-4). Hễ có cơ hội thuận tiện là thành viên nào của Giáo Hội cũng cố nắm lấy để công bố Lời (Cv 4,34; 8,4). Từ đó, Hội Thánh sống nhờ Lời và nhận ra bản sắc của mình ở nơi công tác phục vụ Lời.
2.03 Thần Khí là động lực thôi thúc Hội Thánh phục vụ Lời. Theo Ga 20,21-22, thì lúc phái gửi các tông đồ đi, Đức Kitô cũng đã ban Thần Khí cho họ. Còn Lc 24,49 thì nhắc lại sự việc Đức Giêsu khuyên dặn các môn đồ hãy ở lại trong thành (Giêrusalem) cho đến khi nhận được quyền năng từ trời ban xuống. Cũng vậy, chính hiện tượng tuôn đổ tràn đầy Thần Khí trong ngày lễ Ngũ tuần đã đánh dấu biến cố khánh thành Hội Thánh (Cv 2,1-47). Là phần tử của Hội Thánh, tất cả những ai đã được sinh ra bởi nước và Thần Khí (Ga 3,5). Vậy, Thần Khí chính là trụ cột của Hội Thánh, và là Đấng truyền sức sinh động cho Hội Thánh.
2.04 Kinh nghiệm Hiện xuống đã tiên báo về bản chất đích thực của Hội Thánh đang lớn lên, trong đó Thần Khí giữ vai nguyên lý của hiệp nhất và của dị biệt. Trong Hội Thánh, có thể gặp thấy “người đến từ mọi dân nước trong thiên hạ” dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì Tin Mừng mà “mỗi người nghe được trong tiếng mẹ đẻ của mình” (Cv 2,5-12). Đó là lời Thần Khí mời gọi mọi người đón nhận mọi tiếng nói và mọi hình thái văn hóa vào trong niềm hiệp nhất của Ngài, mà không mảy may hủy diệt mất đi những đặc nét cá biệt và những màu sắc khác nhau của chúng. Đó cũng chính là lời mời gọi hằng vọng lên, cũng như hằng được đáp ứng suốt theo dòng lịch sử Hội Thánh, và đã làm nẩy sinh nên không biết bao nhiêu là Giáo Hội Địa Phương. Như thế nghĩa là Thần Khí hằng ban cho Hội Thánh một mối hiệp nhất có khả năng hấp thu những khác biệt mà không tiêu hủy chúng đi, và một tính phổ quát luôn luôn cụ thể. Do đó, đà phát triển đích thực của Hội Thánh là một đà sinh trưởng được phối hợp hài hòa với những lối diễn đạt đức tin bằng nhiều cách thức cá biệt mà mỗi Giáo Hội Địa Phương thừa kế được từ các thế hệ tiền bối: đó là những lối diễn đạt đã từng tỏ ra thích hợp đối với hoàn cảnh cụ thể cũng như đối với nhu cầu và nguyện vọng tôn giáo của dân tộc sống trong địa phương ấy.
Luận đề 3
Trong Hội Thánh, tác vụ loan truyền Lời được thi hành qua giáo huấn của các tông đồ, qua việc cử hành Lễ tạ ơn, qua cuộc sống cũng như đời hoạt động đượm nhuần Thần Khí, và qua việc công bố ơn cứu độ. Và đó chính là các nhân tố làm nẩy sinh nên và cấu tạo thành Giáo Hội Địa Phương. Nhưng chỉ khi nào được những nhóm người cụ thể chấp nhận làm của mình nhằm đáp lại Lời của Thiên Chúa, thì các nhân tố ấy mới thực sự có sức làm cho Giáo Hội Địa Phương nẩy sinh nên được. Thừa tác vụ của các tông đồ là một cấu tố làm nên Giáo Hội Địa Phương; Giáo Hội này phải được cấu tạo thế nào để có thể bảo dưỡng bản chất của chính mình, tức là bản chất của một cộng đoàn trong đó, hành động cứu độ của Thiên Chúa mà Đức Kitô là trung tâm, hằng liên tục hiện diện
3.01 Trong Hội Thánh, tác vụ Lời Chúa được thi hành chủ yếu theo bốn cách thức như sau: qua giáo huấn của các tông đồ về Lời, đưa tới kết quả làm phát sinh ra một cộng đồng tín hữu (Cv 2,41-42); qua Lời vang vọng trong niềm vui mừng và tán tụng Thiên Chúa, làm nẩy sinh nên một cộng đoàn cầu nguyện và thờ phượng (Cv 2,41-42); qua Lời dẫn lối đưa tới cuộc sống mới trong hoạt động đượm nhuần Thần Khí của Hội Thánh, để từ đó làm nẩy sinh nên một cộng đoàn biết sống tinh thần chia sẻ và phục vụ (Cv 2,43-45); và cuối cùng, qua Lời, tức là Tin Mừng của Đức Kitô, mà Hội Thánh không ngừng loan báo giữa lúc thực thi sứ mệnh cứu độ của mình ở trong thế giới và cho thế giới (Cv 2,47).
3.02 Chỉ khi nào nhờ thừa tác vụ tông đồ, nhờ Lễ tạ ơn và mối hiệp thông yêu thương, nhờ sứ mệnh cứu độ ở giữa thế giới và cho thế giới, cũng như nhờ ân sủng và quyền năng của Thần Khí, có những người đạt tới chỗ cảm nghiệm được Lời hoặc biến cố Đức Kitô, thì lúc đó một Giáo Hội Địa Phương mới được khai sinh ra. Chính thế, Giáo Hội Địa Phương tại Giêrusalem đã sinh ra khi Lời các tông đồ rao giảng tiếp tục lưu ngụ ở giữa cộng đồng các tín hữu, nhờ thừa tác vụ các tông đồ, với ân sủng và quyền năng của Thần Khí (Cv 2,37tt)
3.03 Chỉ khi nào được những nhóm người đang sống ở một nơi và vào một thời rõ rệt, tiếp đón và chấp nhận làm của mình với tất cả lòng tin cậy mến cũng như với tinh thần hiệp thông và ý thức về sứ mệnh của mình, thì các cấu tố ấy mới thật sự tạo lập nên một Giáo Hội Địa Phương đích thực. “Vậy những ai đã đón nhận Lời Phêrô rao giảng, thì đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo. Họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự Lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,41-42). Như vậy, trong quá trình hình thành Hội Thánh, “nơi chốn” là một nhân tố quyết định của tính chất hội thánh (ecclesiality ). Bởi vì, có được đón nhận làm của mình và được giải thích nhằm ứng đáp những thách đố do nơi chốn và thời đại, do các nền văn hóa và những hoàn cảnh cụ thể đưa ra, thì Lời Thiên Chúa mới có đủ điều kiện thiết thực để làm phát sinh nên Hội Thánh.
3.04 Có một số đoạn trong các Phúc Âm cho thấy là trong thời đó, đã có một thứ trật tự cộng đồng ở giữa những người tin vào Đức Giêsu. Đức Giêsu tuyển chọn nhóm Mười Hai. Ngài tách riêng họ ra để khai mở cho họ hiểu về mầu nhiệm chịu khổ, chịu chết và sống lại của Người (Mt 20,17). Ngài dạy cho họ biết về cách lấy thái độ phục vụ với tinh thần khiêm hạ và yêu thương mà thi hành trách vụ lãnh đạo (Mt 20,20-28). Họ được tham dự vào bữa Tiệc Tạ ơn và được ban cho quyền tái diễn mầu nhiệm này. Ga 21,15-17 ghi lại sự kiện Phêrô được ủy thác cho việc chăm nom đàn chiên của Đức Giêsu.
3.05 Dù thừa tác vụ tông đồ là một trong những nhân tố cấu tạo Hội Thánh, thì Tân Ước cũng giới thiệu cho thấy cả một loạt những cơ cấu khác nhau trong Hội Thánh. Giáo Hội Giêrusalem có cơ cấu tập đoàn quy tụ chung quanh các tông đồ (Cv 2,42-43). Trong Cv 11,30, thì thấy là chính các niên trưởng làm đại diện cho quyền lãnh đạo trong Giáo hội Giêrusalem; trong khi đó, Cv 15,2,4-6 thì cho thấy rằng cả niên trưởng lẫn tông đồ đều có quyền lãnh đạo. Tại Antiôkhia, các ngôn sứ và các giáo sư giữ quyền lãnh đạo. Tại Ephêsô, các niên trưởng lãnh đạo Giáo hội (Cv 20,17); họ cũng được gọi là giám mục (Cv 20,28). Các Thư Mục vụ cho thấy có ba loại chức vụ: giám mục, niên trưởng và phó tế.
Vì thế, thừa tác vụ tông đồ trong Hội Thánh có thể mang nhiều hình thức cấu trúc thể chế khác nhau. Dù sao thì các cơ cấu ấy cũng cần phải có đủ khả năng để bảo toàn thực chất và bản thể của Giáo Hội Địa Phương là Hội Thánh của Thiên Chúa, trong đó, hoạt động cứu độ trường kỳ mà Thiên Chúa đã hoàn tất trong Đức Kitô, vẫn mãi hiện diện và tác động hữu hiệu nhờ Thần Khí.
Luận đề 4
Hội Thánh là đoàn ngũ các tín hữu Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà triệu tập: họ là những người đã được rửa tội trong Đức Kitô Giêsu, và sống theo Thần Khí. Đức Kitô là đầu dân riêng này của Thiên Chúa theo Giao Ước mới. Một khi đã được tập hợp dưới quyền lãnh đạo của những người kế nhiệm các tông đồ, thì chính nhờ bởi việc thực hiện ngay nơi bản thân mình, mầu nhiệm của ý định Thiên Chúa muốn liên kết toàn thể nhân loại và toàn bộ vũ trụ ở trong Đức Kitô, mà Hội Thánh trở thành bí tích phổ quát của Nước Thiên Chúa
4.01 Ekklesia là một từ Hy lạp dịch ra từ chữ Qahal của ngôn ngữ Hy pri, và đó là danh xưng được dùng để chỉ cộng đồng Ítraen, là dân tộc đã từng được Yahvê giải phóng khỏi ách nô lệ và dẫn đưa vào trong sa mạc để phụng thờ Ngài. Trong Tân Ước, danh xưng này chỉ về Hội Thánh trong tư thế là cộng đồng các tín hữu đã được Thiên Chúa dùng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô mà triệu tập để mạc khải và thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài ở trong thế giới (xem Ep 1,19; Rm 16,25tt; Ep 5,32).
4.02 Phản ứng chống lại khuynh hướng đề cao quá độ chiều kích thể chế của Hội Thánh, Công đồng chung Vaticanô II đã phục hồi lại chỗ đứng trọng yếu ở trong giáo hội học cho các nhân tố siêu việt, là những nhân tố giúp cho thấy rõ được rằng Hội Thánh mang một bản chất đặc thù hoàn toàn khác hẳn với bất cứ một kiểu mẫu xã hội nhân loại nào khác. Sở dĩ có đoàn ngũ những người như thế, là vì Thiên Chúa đã kêu gọi họ qua Lời Đức Kitô và ân sủng của Thần Khí. Chính nhờ chịu phép rửa trong cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô (Rm 6,3-4) để trở thành Thân Thể trong đó họ đã được dìm vào qua phép rửa, “bất chấp họ là người Do thái hay là người Hy lạp, người nô lệ hay người tự do” (1Cr 12,13), mà những người, nam cũng như nữ, đã được gia nhập cộng đồng ấy. Và đó chính là cộng đồng đang sống nhờ việc tưởng niệm Đức Giêsu Nadarét theo truyền thống các tông đồ, và đang tuyên xưng cùng tán dương Ngài là Chúa tể và là Đấng Cứu Độ trong mối hiệp thông có các người kế vị các tông đồ đứng đầu, cũng như đang hy vọng trông chờ Ngài trở lại trong vinh quang. Việc tụ họp để cử hành Lễ Tạ ơn nói lên mẫu mực đời sống bên trong của cộng đồng: một đời sống thông dự vào trong mầu nhiệm Đức Kitô, cũng như cho thấy công đồng ấy thật là Dân Thiên Chúa và là niềm hiệp thông trong Thần Khí: đó chính là Hội Thánh phát sinh bởi Thiên Chúa Ba Ngôi (Ecclesia de Trinitate ).
4.03 Đức Kitô và Hội Thánh thì đồng tâm nhất trí với nhau. Công trình hòa giải và ban bình an của Đức Kitô đang tiến hành và thành tựu qua hoạt động của Hội Thánh (Cl 1,15-23). Hội Thánh là một thực tại đang tiếp tục lớn lên, lớn lên để trở thành Đức Kitô: Ngài là Đầu của Thân Thể là Hội Thánh (Ep 4,15-16). Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh Thân Thể mà Đầu là chính Đức Kitô (1Cr 12; Rm 12,4-5). Các tín hữu là “những người đã được hiến thánh nhờ kết hợp với Đức Giêsu Kitô, nghĩa là được kêu gọi nên thánh cùng với tất cả những ai, ở bất cứ nơi nào, kêu cầu danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cr 1,2). Họ cũng được mô tả như là “những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3,12). Hội Thánh còn được giới thiệu như là “đền thờ của Thiên Chúa”, nơi Thần Trí cư ngụ (1Cr 3,16-17). Hội Thánh cũng là “gia thuộc (người nhà) của Thiên Chúa được xây dựng trên nền móng là các tông đồ và các ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu (Ep 2,20).
4.04 Được tập hợp dưới quyền lãnh đạo của mhững người kế nhiệm các tông đồ, Hội Thánh trở thành bí tích phổ quát, làm biểu tượng và dụng cụ của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một mầu nhiệm mang tính chất vừa cánh chung, nhưng cũng vừa hiện diện trong mọi thời. Cánh chung vì báo trước sự việc vương quyền Thiên Chúa sẽ tỏ rạng một cách hoàn toàn dứt khoát trong ngày tận thế. Những dụ ngôn nói về Nước Trời đã ám chỉ đến sự việc này (Mt 13,1-32). Nhưng đàng khác, Nước Thiên Chúa đã thực sự xuất hiện kể từ khi Đức Giêsu đến trong thế gian (Lc 17,20-21; Mt 11,4tt); Nước Thiên Chúa được đồng nhất hóa với chính Đức Giêsu Kitô (Ga 3,3-5; Mt 19,29; Lc 18,29).
4.05 Phép Thánh Tẩy chính là con đường khai tâm dẫn lối đến với lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, và đến với Nước Thiên Chúa. Vì vậy, một cách nào đó, Hội Thánh có thể được đồng nhất hóa với Nước Trời. Tuy nhiên, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa thì quảng mạc hơn tầm triển khai của Hội Thánh. Hội Thánh là bí tích của Nước Trời, tức là biểu hiệu có sứ mạng làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện một cách nhiệm mầu như là dấu chỉ và như là công cụ cứu độ thích ứng cho thời gian kể từ lúc Đức Kitô Chúa phục sinh cho tới ngày Ngài trở lại.
4.06 Nước Thiên Chúa mà Hội Thánh là hiện thân thì tự bản chất, thuộc lãnh vực thiêng liêng, và không nuôi một yêu sách trần tục hay là chính trị nào hết (Ga 18,36-37). Đức Giêsu là một nhà lãnh đạo tinh thần và là “hiến chương” của nước Trời. Bài giảng trên núi trước tiên là một lời mời gọi hãy trở nên hoàn hảo trong tình thương đặc thù của con cái Thiên Chúa, theo mẫu gương của Cha ở trên Trời (Mt 5,43-48). Để vào được Nước Thiên Chúa thì có một điều kiện thiêng liêng là: “cần phải hoán cải và trở nên giống trẻ thơ” (Mt 18,3), “cần phải được sinh ra bởi (nước và) Thần khí” (Ga 3,5). Vì thế, Nước Thiên Chúa là của những kẻ có tâm hồn nghèo khó (Mt 5,3).
4.07 Nhưng không phải vì bản chất của Nước Thiên Chúa là thiêng liêng mà Hội Thánh nhất thiết phải là vô hình, hoặc chẳng cần đếm xỉa gì đến các thực tại con người trên trần thế này. Trái lại, quyền năng Nước Thiên Chúa đang hoạt động ở trong Hội Thánh là một mãnh lức cách mạng có sức tác động đến mọi lãnh vực sinh hoạt của con người sống trên mặt đất. Những ẩn dụ nói về “thành trì xây trên núi” và về “ánh sáng thế gian” (Mt 5,14-16), chỉ rõ về một Hội Thánh hữu hình, và có hiện hữu thì chính là để mưu ích cho thế gian.
4.08 Là đầu của Hội Thánh, Đức Kitô cũng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình và là trưởng tử của mọi loài thọ tạo; chính nhờ Ngài và cho Ngài mà muôn vật được tạo dựng (Cl 1,15-18). Mầu nhiệm Đức Kitô là mầu nhiệm của ý định và của kế hoạch Thiên Chúa, đã biểu hiện cho chúng ta trong một cách thức hết sức khôn ngoan và sáng suốt (Ep 1,9). Đó là kế hoạch đã được vạch ra cho thời viên mãn, nhằm quy tập muôn vật trên trời dưới đất lại ở trong Ngài (Ep 1,10).
4.09 Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đang thành tựu ở giữa lịch sử của mọi dân tộc trên mặt đất, và đang tiến dần đến thời viên mãn, tức làeskhaton . Đó là điều Phaolô miêu tả một cách tài tình khi nói là: “muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19) và “ngày được giải thoát, để không còn phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà là được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,21). Vì thế, chỉ khi nào biết lưu ý đến các chiều kích nhân loại học và vũ trụ học của nó, thì mới có thể thấu hiểu thực thể lịch sử của Hội Thánh, tức là công trình hiện thực hóa mầu nhiệm Đức Kitô, một cách đúng đắn được.
III. VIỆC PHÁT SINH, CUỘC SỐNG VÀ SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
Luần đề 5
Giáo Hội Địa Phương là một Giáo Hội hình thành và được xây dựng qua cuộc gặp gỡ sâu đậm — có sức làm cho cả hai bên nên phong phú thêm — giữa Tin Mừng và một dân tộc có văn hóa cùng truyền thống riêng. Theo cách nói thông thường của thần học và Huấn quyền, thì điều đó được gọi là công cuộc hội nhập văn hóa (inculturation). Công cuộc hội nhập văn hóa này không phải chỉ đơn thuần là việc dùng phương cách của văn hóa địa phương để biểu đạt Tin Mừng và đức tin kitô mà thôi, nhưng còn bao gồm cả việc tiếp xúc qua kinh nghiệm và am hiểu các thực tại ấy, cũng như việc tiếp nhận chúng làm của mình qua trung gian các tài năng văn hóa của một dân tộc nữa. Kết quả là: một đàng, Giáo Hội địa phương sẽ mang hình thái ghi đậm những nét đặc thù của văn hóa địa phương; và đàng khác, văn hóa sẽ được phúc âm hóa nhờ đời sống và hoạt động làm chứng của Giáo Hội Địa Phương.
5.01 Hội nhập văn hóa là điều thiết yếu đối với việc tự hiện thực hóa (self-realization ) và phát triển của các Giáo Hội. Vì thế, trong khắp thế giới, đặc biệt là trong các nước đang mở mang, hiện đang có nhiều nổ lực nhằm thực hiện những cuộc thử nghiệm trong công tác bản xứ hóa (to contextualize ) đời sống và sứ mạng của Giáo Hội bằng cách đem đức tin và văn hóa địa phương xích lại gần nhau hơn. Thật vậy, trong Đại Hội lần đầu của FABC, các Giám mục Á Châu đã miêu tả Giáo Hội Địa Phương như là “một Giáo Hội nhập thể thực sự vào giữa lòng của một dân tộc, là một Giáo Hội bản xứ và đã thành công trong nổ lực hội nhập văn hóa. Cụ thể mà nói, thì đó là một Giáo Hội hằng không ngừng lấy thái độ khiêm hạ và yêu mến mà đối thoại với các truyền thống, với các nền văn hóa cũng như với các tôn giáo, và, tắt một lời, với hết thảy mọi thực tại cuộc sống của người dân ở nơi Giáo Hội đang đâm rễ sâu, và đang hân hoan tiếp nhận lịch sử cùng nhịp sống của họ làm của mình” (số 12). Đối với các Giáo Hội Á Châu, công tác hội nhập văn hóa là một công tác có tính cách vừa thách đố vừa gấp rút xét vì quá trình kéo dài nhiều thế kỷ ghẻ lạnh đối với văn hóa địa phương suốt trong dòng lịch sử truyền giáo thời thuộc địa, cũng như xét vì bối cảnh thức tỉnh văn hóa hiện đang bừng dậy tại nhiều dân tộc Á Châu.
5.02 Nổ lực hội nhập hóa có thể rút được nhiều cảm hứng từ những mẫu thái độ hành động của hai cha Mattêo Ricci ở Trung Hoa và Roberto de Nobili ở Ấn độ, cho dù trong thời đó, tầm hiểu biết của hai vị về mối quan hệ giữa Tin Mừng và văn hóa có còn hạn hẹp. Hai nhà truyền giáo vĩ đại này tại Á châu, đã chủ yếu áp dụng phương pháp thích nghi để cố gắng dùng ngôn ngữ cũng như những ý niệm rút ra từ văn hóa của một dân tộc, mà truyền đạt Tin Mừng và các chân lý mặc khải. Công cuộc hội nhập văn hóa còn tiến sâu hơn việc thích nghi bội phần, vì nó gồm hàm cả việc gặp gỡ giữa văn với Tin Mừng; và có một tầm bao quát rộng hơn, vì nó xác định rõ tiến trình hình thành và phát triển của Giáo Hội ở giữa lòng một dân tộc.
5.03 Ngày nay, các nổ lực nhắm tới việc xây dựng những Giáo Hội Địa Phương đích thực qua công trình hội nhập văn hóa, đều lần bước theo nhãn quan, tinh thần và các kỹ thuật Công đồng Vaticanô II đã đề ra, đặc biệt là qua các văn kiện Lumen Gentium (GH), Gaudium et Spes và Ad Gentes (TG). Hiến Chế về Giáo Hội (GH) nhìn mối quan hệ của Hội Thánh với các nền văn hóa và các truyền thống theo nhãn quan của mối hiệp nhất giữa toàn thể nhân loại (mà Hội Thánh là bí tích/dấu chỉ), và của tính chất hoàn vũ nơi Hội Thánh, trong đó, hết thảy mọi phần tử cá biệt với những đặc nét văn hóa, di sản và tài năng khác nhau, đều hiệp thông với nhau (GH 13). Còn trong Hiến Chế mục vụ (MV), thay vì giữ quan niệm hẹp hòi về văn hóa, coi đó đơn thuần như là một nổ lực trau dồi trí lực qua đường lối giáo dục và việc học tập các khoa nhân văn, v.v., để đối chiếu với người không học hành, không văn minh và “dân bán khai” (Naturvoelker ), thì Công đồng đã dựa theo các chiều kích lịch sử, xã hội và nhân chủng học mà miêu tả văn hóa. Các chiều kích này giữ một vai hết sức trọng yếu trong việc tìm hiểu về mối tương quan giữa Giáo Hội Địa Phương và các nền văn hóa. Và cuối cùng, qua Sắc Lệnh về Truyền Giáo (TG), Công đồng quan niệm các Giáo Hội Địa Phương như là những thực thể đang nảy sinh từ cuộc gặp gỡ của Lời Chúa với các nền văn hóa và các truyền thống của các dân tộc, và đồng thời nhấn mạnh rằng cần phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc hội nhập văn hoá vào trong các lãnh vực khác nhau của đời sống và sứ mạng kitô (TG 19-22). Trong những lần nhóm họp tại Roma, Thượng Hội Đồng Giám mục Thế giới cũng đã chú trọng nhiều đến chủ đề “hội nhập văn hóa”, đặc biệt là trong lần họp để bàn về sứ mạng rao giảng Tin Mừng, và qua Tông Huấn Evangelii nuntiandi ban hành tiếp sau đó. Qua các cuộc viếng thăm mục vụ của ngài, nhất là khi đi Á Châu và Phi Châu, và qua các bài nói chuyện nhân dịp đó, Đ.G.H. Gioan Phaolô II cũng đã nêu bật tầm thiết yếu của công tác hội nhập văn hoá tại các Giáo Hội Địa Phương, cũng như của công trình phúc âm hóa các nền văn hóa.
5.04 Chỉ khi nào Tin Mừng gặp gỡ được với văn hóa của một dân tộc, thì lúc đó Giáo Hội Địa Phương mới thực sự được khai sinh và thiết lập.Gặp gỡ nói lên tính chất hai chiều và qua lại . Những truyền thống, biểu tượng, cơ chế, phong tục, thái độ, v.v. khác nhau của một dân tộc thì phát nguyên từ tâm hồn, từ tinh thần của chính dân tộc ấy. Tin Mừng gặp gỡ với văn hóa không phải đơn thuần bằng cách đón nhận những hình thức và biểu tượng bề ngoài không thôi của một dân tộc, nhưng là bằng cách tiến sâu vào trong tinh thần và tâm hồn mà các hình thức và các biểu tượng ấy diễn đạt và biểu thị. Khi văn hóa và Tin Mừng đối thoại và gặp gỡ với nhau tận trong “thâm cung tâm hồn” của một dân tộc, thì lúc đó Giáo Hội Địa Phương đích thực có thể nẩy sinh lên. Một cuộc gặp gỡ như thế cũng là một cơ hội làm quen với vũ trụ quan của một dân tộc, tức là với nguồn cội của các hình thái văn hóa. Cũng chính nhờ vũ trụ quan ấy mà các phần bộ khác nhau trong một nền văn hóa được liên kết lại với nhau một cách có cơ cấu để làm nên một toàn bộ. Vũ trụ quan biểu hiện ở trong cách thức tổ chức địa phương, ở trong các thể chế, các cơ cấu, v.v. của một nhóm văn hóa.
5.05 Quan niệm mối tương quan giữa Tin Mừng và văn hóa như là một cuộc gặp gỡ , là cùng lúc nói lên sự việc văn hóa có quyền tự trị chính đáng với bản sắc riêng của mình. Vì trong tư cách là sản phẩm của trí tuệ con người tác động lên trên thiên nhiên và sáng tạo ra nhiều dụng cụ, nhiều thể chế, nhiều mối liên hệ trong xã hội, nhiều lối sống, v.v… khác nhau, văn hóa thực sự là một thành phần trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Ngoài ra, văn hóa của dân tộc nào cũng nhằm tới một thiên hướng chung, đó là: góp phần vào trong cuộc sống và ích chung của gia đình nhân loại duy nhất, mỗi dân nước theo một cách thức đặc thù. Mỗi văn hóa biểu lộ theo một cách thức riêng, tính chất phong phú của bản sắc loài người (huma-num ), và vì thế, cần phải được tôn trọng và bảo dưỡng.
5.06 Từ những gì vừa trình bày trên đây, có thể thấy rõ được rằng vì bắt nguồn từ kế hoạch Thiên Chúa sáng tạo con người và thiên nhiên, nên văn hóa phải được tôn trọng vì chính tiêu đích nội tại của nó, chứ không phải chỉ được đơn thuần coi như là một thứ phương tiện cho một cái gì khác. Cũng không được tách riêng các cấu tố làm nên một nền văn hóa ra khỏi tổng thể hữu cơ của chúng. Cho nên, công trình hội nhập văn hóa không thể nào thuần túy là một tiến trình chỉ biết kén chọn một số nhân tố đặc biệt nào đó của văn hóa để làm như một trang phục tiêu biểu khoác lên cho Tin Mừng. Hội nhập văn hoá theo kiểu ấy chỉ có tính cách hoàn toàn bên ngoài và nông cạn, vì không biết tôn trọng tâm hồn sâu thẳm bên trong và tính chất cấu trúc của văn hóa.
5.07 Không những mỗi văn hóa mang lại cho chúng ta một lối ngõ mới để tìm hiểu về con người, mà còn mở ra nhiều con đường mới để thấu hiểu về nguồn phong phú khôn lường của Tin Mừng nữa. Khi Tin Mừng gặp gỡ với truyền thống, thì kinh nghiệm và văn hóa của một dân tộc sẽ bừng dậy với những tiềm năng quý giá còn chưa được phát hiện của mình; nhiều khả năng và ý nghĩa vẫn còn ẩn khuất cho tới lúc ấy, sẽ lộ diện rõ ra. Chính vì thế, có một điều hết sức quan trọng cần phải làm, là dựa theo tiềm năng văn hóa của mỗi dân tộc mà giải thích Tin Mừng; nhờ vậy, Truyền thống kitô sẽ được phong phú thêm. Nhìn theo nhãn quan này, thì Giáo Hội Địa Phương cũng có thể được coi như là một hình thức đầy mới mẻ và sáng tạo của công trình tái hiện tại hóa (reactualization ) và tái giải thích (reinterpretation ) Tin Mừng và đức tin. Cách tái giải thích này không phải là một bước cắt đứt dứt khoát với Truyền thống, nhưng là một tiến trình liên tục tiếp diễn theo cấu trúc của nó, bởi vì quá khứ sẽ được kinh nghiệm hiện tại của một Giáo Hội Địa Phương tái thủ đắc (repossessed ) và phục hoạt (reactivated ) trở lại. Còn Truyền thống và di sản của quá khứ, thay vì gây cản trở, thì sẽ trở thành nguồn trợ lực cho đời sống ngày nay của Giáo Hội Địa Phương, trong đó, Chúa Phục Sinh và Thần Khí của Ngài đang cư ngụ và hoạt động.
5.08 Chỉ khi nào Tin Mừng và đức tin được cảm nghiệm và thấu hiểu qua các vốn liếng văn hóa của một dân tộc, thì lúc đó cuộc gặp gỡ nói trên mới thực sự trở thành sâu đậm được. Đó không những là một nguyện vọng, mà còn là một điều thiết yếu nữa. Bởi vì, hễ đã sinh ra làm người ở trong một bối cảnh lịch sử và một truyền thống nhất định, thì con người không thể nào nhận thức được chân lý, không thể nào hiểu biết và cảm nghiệm được thực tại cuộc sống —kể cả Tin Mừng và đức tin— mà không nhờ đến trung gian của một nền văn hóa cụ thể. Nói cách khác, việc thực sự thấu hiểu Lời Chúa và thái độ đáp ứng thiết thực bằng lòng tin chỉ có thể xẩy ra được ở giữa một dân tộc, qua vốn liếng văn hóa họ có: đó chính là cách thức biểu hiện của những kinh nghiệm và những truyền thống riêng họ. Các kinh nghiệm và truyền thống này là những tiêu chuẩn đối chiếu để dựa theo đó mà giải thích, tiếp nhận và hấp thu các kinh nghiệm và các biến cố mới. Nói cách khác, những dữ liệu, tức là những biến cố và kinh nghiệm mới sẽ được tổ chức hoặc — nói cho đúng hơn — được tổ chức lại, được tái cấu trúc theo thiên tư và lề lối tư tưởng riêng của một nhóm hoặc một dân tộc. Điều này cũng có thể được áp dụng cho trường hợp gặp gỡ giữa Tin Mừng với văn hóa của một nhóm, của một quốc gia hoặc một dân tộc.
5.09 Nếu Tin Mừng và văn hóa gặp gỡ nhau như thế, thì hình thái cụ thể của Giáo Hội Địa Phương tất cũng phải khuôn rập theo các điều kiện văn hóa của dân tộc ở nơi Giáo Hội đâm rễ. Sự việc Giáo Hội Địa Phương mặc lấy xương thịt của thân mình văn hóa một dân tộc sẽ làm cho Giáo Hội ấy mang những nét biểu trưng đặc thù khác biệt với các Giáo Hội khác. Như vậy, mỗi Giáo Hội Địa Phương sẽ mang ấn tín nền văn hóa của nơi mình đang nhập thể vào. Thế nên, các nền văn hóa khác nhau thế nào, thì các Giáo Hội Địa Phương cũng khác biệt nhau như vậy, cho dù hết thảy mọi Giáo Hội đều chia sẻ cùng một Tin Mừng, cùng một đức tin, cùng một lễ tạ ơn, v.v. Như vậy, niềm hiệp thông hoàn vũ giữa các Giáo Hội cũng chính là việc thông dự vào trong thực trạng đa dạng của các nền văn hóa và các truyền thống khác biệt nhau. Trong bài nói chuyện ngày 21 tháng, 1984, Đ.G.H. Gioan Phaolô II đã nhận định rằng: “Khó mà diễn đạt chính mình cho rõ ràng và sâu xa hơn được: Hội Thánh Hoàn Vũ được giới thiệu như là một mối hiệp thông giữa các Giáo Hội (cá biệt), và một cách gián tiếp, như là một cộng đồng các quốc gia, các ngôn ngữ, các nền văn hóa …” (Documentation Catholique số 1989 (1985) 167-172).
5.10 Trong tiến trình Giáo Hội Địa Phương tự hiện thực hóa chính mình (self-realization ) bằng phương thức hội nhập văn hóa, cần phải lưu ý đến hai khía cạnh này: thứ nhất, có mang hình thái cụ thể của một nền văn hóa nào đó, thì Tin Mừng mới được nhận ra; vì Tin Mừng không phải là một thực thể trừu tượng, mà là một thực tại cụ thể, được thể hiện nơi lòng tin mà một dân tộc đã tiếp nhận và nói lên qua bối cảnh văn hóa của mình. Vì vậy, trong thực thế, khi một dân tộc gặp gỡ với Tin Mừng, thì cùng lúc, cũng gặp gỡ luôn với một nền văn hóa khác đã được thấm nhuần bởi đức tin. Do đó, có tác giả đã thích dùng từ “hòa nhập văn hóa”( interculturation ) hơn là từ “hội nhập văn hóa” (inculturation ). Trong văn kiện này, chúng tôi dùng thành ngữ “hội nhập văn hóa” như là một ý niệm bao hàm cả sự kiện “các nền văn hóa gặp nhau” nữa.
5.11 Điều thứ hai cần lưu ý là không phải bao giờ Tin Mừng cũng cần gặp cho được một văn hóa thuần nhất; có thể xẩy ra là Tin Mừng gặp gỡ với những nhóm thuộc nhiều bộ tộc khác nhau, thuộc nhiều tiếng nói hoặc văn hóa khác nhau, nhưng lại sống trong cùng một nơi. Chính thế, tại nhiều nước ở Á châu, chúng ta thấy có những nhóm thuộc các chủng tộc và văn hóa khác nhau ở trong cùng một Giáo Hội Địa Phương. Thực trạng ghép mảnh gồm nhiều ngôn ngữ, văn hóa và chủng tộc như thế làm cho Giáo Hội Địa Phương càng trở nên phong phú hơn nhiều. Tiến trình hội nhập văn hóa có bổn phận phải quan tâm đến thực trạng này, cũng như cần phải lưu ý đến đà biến hóa và phát triển của các nhóm ấy, vì họ thực sự là những thành phần của một miền hoặc một quốc gia. Trong trường hợp có đụng độ xảy ra giữa các bản sắc chủng tộc hay văn hóa khác nhau, Giáo Hội Địa Phương có thể đóng vai trung gian giảng hòa và hợp nhất, bằng cách cố công làm mối giây hiệp thông giữa những nền văn hóa và truyền thống khác nhau; nhờ đó, Giáo Hội sẽ hình thành bản sắc riêng của mình, tức là bản sắc đặc thù của một Giáo Hội Địa Phương. Trong những môi trường có nhiều bộ tộc, có nhiều thứ ngôn ngữ và nhiều ảnh hưởng văn hóa khác nhau cùng sinh hoạt với nhau, thì tác vụ hội nhập văn hoá cũng còn bao gồm cả việc cổ vũ xây dựng cho tinh thần hòa hợp và thông hiệp nữa.
5.12 Nếu Giáo Hội Địa Phương là thành quả của tác động qua lại giữa Tin Mừng và văn hóa, thì nói rằng văn hóa ảnh hưởng đến hình thái của Giáo Hội Địa Phương là chưa nói cho đầy đủ: còn cần phải nói thêm là Tin Mừng cũng ảnh hưởng đến cả văn hóa nữa. Là Lời Thiên Chúa, Tin Mừng làm nổi bật và nâng cao văn hóa, nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều thách đố cho một số giá trị, thể chế, phong tục, lối sống, v.v… của văn hóa. Các văn hóa cũng mang nặng dấu vết tội lỗi của loài người, và vì thế có thể tích chứa những nhân tố phá hoại bản tính loài người và làm cho con người ra nô lệ. Ngày nay, sứ mạng phúc âm hoá của Giáo Hội Địa Phương cần phải nhằm tới công tác cải biến văn hóa từ bên trong, như men trong bột. Đ.G.H. Phaolô VI đã nhấn mạnh đến tầm trọng yếu của công cuộc biến cải các nền văn hóa nhờ Tin Mừng, khi ngài viết như sau trong Tông huấn Evangelii nuntiandi : “Điều trọng yếu là phải biết lấy Tin Mư2ng mà biến cải việc khai hóa con người và các nền văn hóa, không phải là bằng cách tô sơ một lớp sơn để làm cảnh mà thôi, nhưng là cố tiến sâu đến tận gốc rễ sống còn của đời con người. Không còn nghi ngờ gì nữa: hố phân cách Tin Mừng xa khỏi văn hóa chính là nguyên do gây ra thảm cảnh của thời đại chúng ta đang sống, hệt như đã từng thấy trong các thời đại khác. Vì vậy, cần phải ra sức bằng mọi cách để đảm bảo cho công tác đưa Tin Mừng vào trong văn hóa hoặc đúng hơn là vào trong các nền văn hóa được trọn vẹn. Các nền văn hóa cần phải được phục hưng qua một cuộc gặp gỡ với Tin Mừng” (EN20).
5.13 Phương thức cụ thể được dùng để thực hiện công cuộc đưa Tin Mừng vào trong các nền văn hóa, chiếm giữ một tầm trọng yếu rất lớn. Tin Mừng chỉ có thể cải biến được văn hóa, khi nào có những người tin và sống theo sự chỉ đạo của Tin Mừng để từ đó, lấy chính cuộc sống của mình mà làm chứng cho nó. Ngoài ra, công cuộc phúc âm hóa vừa nói cũng cần phải tiến hành cẩn trọng để tránh cho khỏi mọi hình thức huênh hoang đắc thắng, và hơn nữa, cần phải tiến hành như một công tác phục vụ văn hóa, với thái độ khiêm nhu và với ý thức rõ rằng cả Tin Mừng nữa cũng có thể thu nhận được nhiều điều từ văn hóa để nhờ đó mà thấu hiểu được văn hóa và tiếp thu nó làm của mình. Công đồng Vaticanô II đã công nhiên thừa nhận điểm này.
Luận đề 6
Giáo Hội Địa Phương là một Giáo Hội đang sống qua tiến trình hội nhập văn hoá hằng trường kỳ tiếp diễn ở giữa lòng lịch sử; bởi vì, một đàng, Giáo Hội là một cộng đồng đức tin không ngừng lớn lên, và đàng khác, văn hóa cũng lại luôn luôn biến hoá đổi thay. Ngày nay, đường lối mà một Giáo Hội Địa Phương phải theo đuổi để tự hiện thực hóa chính bản thân mình, là ra sức giải đáp cho thiết thực những thách đố của các thế lực mới xuất hiện trong dòng lịch sử; đó cũng chính là những gì đang khai sinh ra tiến trình hiện đại hóa (modernization), cũng như đang ảnh hưởng sâu đậm đến mọi lãnh vực và khía cạnh trong đời sống của một dân tộc.
6.01 Tiếp theo nhận định về sự việc Giáo Hội Địa Phương nẩy sinh nên từ cuộc gặp gỡ với văn hóa, luận đề này sẽ đứng từ một quan điểm năng động để thử nhìn về cuộc gặp gỡ ấy, quan niệm rằng văn hóa là một thực tại không ngừng biến hóa theo những bước phát triển trong xã hội. Chúng tôi sẽ đặc biệt lưu ý tới tiến trình hiện đại hóa, vì đây là một hiện tượng có ảnh hưởng sâu đậm đến cả văn hóa lẫn xã hội. Và tất cả những điều đó lại đều có tác dụng đối với cách thức các Giáo Hội Địa Phương tại Á châu hiểu về chính mình, cũng như về cuộc sống và sứ mạng của mình.
6.02 Văn hóa là một thực tại không phải là tĩnh nhưng là động: nó liên tục phát triển, tiến hóa và biến đổi do những nhân tố từ bên trong cũng như bên ngoài. Nền văn hóa nào cũng đều có biến đổi; có khác thì chỉ khác ở chỗ biến đổi ấy có quy mô và nhanh chóng hay không. Một trong những sức mạnh đổi thay đáng kể nơi một nền văn hóa, là sự việc gặp gỡ với các nền văn hóa khác. Khi tiến trình biến đổi qua việc gặp gỡ như thế không còn có mặt nơi một nền văn hóa nữa, thì nền văn hóa ấy sẽ bị cô lập và tàn lụi dần đi, như thường thấy xẩy ra đối với nhiều nền văn hóa và văn minh trong quá khứ. Nét xuất sắc nổi bật ở nơi các nền văn hóa trường tồn tại Á châu không phải biểu hiện đơn thuần ở nơi tính cách cổ xưa của chúng, nhưng còn ở cả sự kiện này nữa: trải qua biết bao thiên niên và thế kỷ, các nền văn hóa ấy đã biết biến hóa và hấp thu những yếu tố mới để tạo cho mình có khả năng thích nghi và ứng đáp với những thách đố và thăng trầm thiên hình vạn trạng xảy đến trong lịch sử. Tại Á châu cũng như ở bất cứ nơi nào khác, công cuộc hội nhập văn hóa đòi hỏi Giáo Hội Địa Phương phải biết lớn lên nhờ biết lắng nghe, nhận thức và ứng đáp đà diễn biến của văn hóa. Nếu chỉ coi công tác hội nhập văn hoá như là một việc cần phải làm một lần cho tất cả, và quên đi tác động hỗ tương đối với văn hóa không ngừng diễn biến ấy, thì không thể nào Giáo Hội tránh cho khỏi bị vong thân và trở thành xa lạ đối với những hoài bão, những khát vọng và chờ mong của quần chúng được. Đó là những gì mà kinh nghiệm của các Giáo Hội tại nhiều nơi trên thế giới đã để lại làm bài học cho chúng ta.
6.03 Có một điều lạ trong văn hóa ngày nay, đó là sự việc văn hóa biến đổi một cách đại quy mô chưa từng thấy. Và tốc độ của đà biến đổi này lại càng tăng thêm gấp bội bởi sức hối thúc của tiến trình hiện đại hóa với những hậu quả của riêng nó. Nói đến hiện đại hóa tức là nói đến tiến trình biến đổi mau lẹ trong xã hội xảy ra do ảnh hưởng của khoa học tân thời, của kỹ thuật và kỹ nghệ hóa, của những phương tiện truyền thông tân kỳ và công tác đô thị hóa, cũng như của những hệ thống mới trong các lãnh vực giáo dục, kinh tế và chính trị: tất cả những nhân tố ấy đã tác động sâu xa đến nền văn hóa, đến các thể chế, đến lối sống, v.v. cổ truyền. Và còn sâu xa hơn nữa, tiến trình hiện đại hóa đã biến đổi cả đến những thái độ sống và những giá trị, cũng như cả đến ý thức của những cá nhân và những nhóm nữa. Những đổi thay và biến hóa ấy, ai mà không thấy hiện rõ mồn một ngay tại giữa các độ thị Á Châu, là những thành phố hiện đang bành trướng với một nhịp độ kinh hoàng, do hiện tượng di dân tập thể và đô thị hóa đồng loạt.
6.04 Tại Á Châu, việc gặp gỡ giữa các nền văn hóa cổ truyền và trào lưu hiện đại hóa đã làm phát sinh ra vô số những trạng huống và những phản ứng rất khác biệt nhau. Trong một vài xã hội và một vài lãnh vực sinh hoạt tại Á Châu, đà hiện đại hóa tiến hành sát cánh với các nền văn hóa và lối sống cổ truyền. Trong các xã hội ấy, vì đã quá quen sống trực diện với những mâu thuẫn, nên người Á Châu cứ thản nhiên sống lối sống hàng hai: tân tiến cũng chọn, cổ truyền cũng ôm. Có một thái độ phản ứng khác, đó là cố vứt bỏ cho xong văn hóa cổ truyền đi — vứt cả chì lẫn chài — và lấy kiểu sống tân tiến mà thay vào đó. Còn có nơi thì cứ khăng khăng chống cự lại với lối sống hiện đại và các giá trị mới, để tiếp tục bảo vệ văn hóa, thể chế, lối sống, v.v. cổ truyền. Cũng có những nơi đã biết chuyển dịch các phong thái và giá trị cổ truyền vào trong các hệ thống, các công cụ, v.v. hiện đại; hay ngược lại, đem cái mới chồng chéo lên trên cái cũ. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận được rằng tại Á Châu, giữa các phản ứng khác nhau đối với đà hiện đại hóa, trội nhất là ước vọng thẳm sâu mong sao thu hoạch được những lợi ích của nền văn hóa hiện đại, mà vẫn không đánh mất đi bản sắc của di sản cổ truyền mình thừa hưởng, với những giá trị và lý tưởng hằng bao nhiêu năm tha thiết ấp ủ tận trong đáy lòng.
6.05 Việc gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại đặt Hội Thánh trước một thách đố hết sức to lớn (MV 56). Trong một bài nói chuyện với Ban Cố Vấn đặc trách Văn hóa của Tòa Thánh, Đức Gioan Phaolô II nêu rõ đặc nét của tình trạng đổi thay và biến hoá ngày nay như sau:
“Đứng trước một nền văn hóa mới đang lên, dĩ nhiên là mọi tín hữu cũng như mọi người thiện tâm thiện chí, đều có bổn phận phải biết sống can đảm và sáng suốt. Những đổi thay về mặt xã hội và văn hóa, những cuộc chính biến, những mầm mống ý thức hệ, thái độ tự vấn về tôn giáo, thái độ dò dẫm đối với nền luân lý đạo đức: tất cả đều chỉ cho thấy một thế giới đang thời thai nghén, đang độ kiếm tìm lẽ sống và hướng đi, kiếm tìm một tổng thể toàn vẹn, một cuộc canh tân có tính cách ngôn sứ” (L’Osservatore Romano, English edit. Dec. 16 1985).
Đó là những nhận định hoàn toàn đúng đối với hiện trạng tại Á Châu. Chỉ khi nào biết ứng đáp thích đáng những cảnh huống phức tạp trong các nước Á châu, thì lúc đó các Giáo Hội tại lục địa này mới có thể trở nên những Giáo Hội Địa Phương đích thực được.
6.06 Trong khi ra sức để ứng đáp như vậy, trước hết Hội Thánh cần phải nhìn nhận và tiếp thụ giá trị của cả truyền thống lẫn văn hóa, cũng như vai trò trọng yếu mà tiến trình hiện đại hóa đang đóng giữ. Một thái độ thủ thế tất sẽ không đóng góp được gì cả cho đà phát huy của Giáo Hội Địa Phương và cho việc chu toàn sứ mạng mà ngày nay Thiên Chúa đang ủy thác cho Giáo Hội. Gia sản của các nền văn hóa và các truyền thống Á Châu phải được tích cực cổ xúy và phát huy, vì Thiên Chúa và Thần Khí của Ngài đã từng hoạt động mạnh mẽ trong lịch sử các dân tộc Á Châu. Những biểu hiện văn hóa muôn hình thái của chúng phản ánh bản thể chân-thiện-mỹ của Thiên Chúa. Hệt như vậy, tiến trình hiện đại hóa cũng nói lên sự kiện Thiên Chúa hằng có mặt ở trong lịch sử hiện đại của chúng ta. Do đó, Giáo Hội Địa Phương phải biểu thị một thái độ hết sức cởi mở — như công đồng Vaticanô II đã từng nêu cao — đối với các nền văn hóa các dân tộc cũng như đối với thế giới hiện đại và các bước phát triển của nó.
6.07 Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes đã miêu tả rõ về một trong những vấn đề cốt tuỷ gặp phải tại Á Châu cũng như tại các nơi khác, với những lời lẽ như sau: “Phải làm thế nào để có thể phát huy sức sống và đà phát triển của một nền văn hóa mới, mà không đánh mất đi lòng trung thành sinh động đối với di sản của truyền thống?” (MV 56). Các Giáo Hội Địa Phương tại Á Châu có bổn phận phải ứng đáp thỏa đáng cho ưu tư và ước vọng kia, là những tâm tư hiện đang trải rộng trong khắp Á Châu. Khi ứng đáp như thế, Giáo Hội cần phải lưu ý đến sự kiện này là nếu chỉ chồng chéo lên trên những gì đã có, những nhân tố mới lấy từ bên ngoài hoặc rút ra từ một quá trình dị sinh (phát sinh từ giống loài khác =heterogenetic ), thì không thể nào có một cuộc thay đổi thực sự sâu rộng và lâu bên nơi một nền văn hóa được. Trong một nền văn hóa hay trong một xã hội, một cuộc đổi thay chỉ xảy đến, lúc nào nó phát sinh từ nội giới của chính nó, tức là do một tiến trình trực sinh (phát sinh thẳng từ giống loài của mình =orthogenetic ). Cuộc gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại phải tiến hành thế nào để tiến trình thay đổi văn hóa phát động từ nội giới, có đủ khả năng dùng óc sáng tạo mà đáp ứng những yêu cầu thích nghi của tân thời, và dùng tài khéo léo tổng hợp mà làm cho cả tân thời nữa cũng trở thành của riêng mình.
6.08 Muốn đóng góp để kiến tạo một công trình phối hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, thì Hội Thánh tại Á Châu cần phải biết lấy óc phê bình mà phân định. Vì các nền văn hóa Á Châu vẫn còn tỏ ra khá mập mờ, chưa dứt khoát; điều đó muốn nói rằng bên cạnh vô số những lý tưởng, nhãn giới và giá trị cao siêu, chúng vẫn còn ngang nhiên chứa chấp nhiều nhân tố đàn áp và phi nhân; chẳng hạn như là thảm trạng phân biệt đẳng cấp tiếp tục đi ngược lại với quyền bình đẳng giữa mọi con người, hoặc là thái độ kỳ thị phụ nữ, v.v.
Đàng khác, cho dù có góp phần lớn lao và kỳ diệu vào trong tiến trình nhân đạo hóa xã hội loài người, thì trào lưu hiện đại cũng vẫn còn chất chứa nhiều mâu thuẫn sâu xa. Nó đang xói mòn một số các giá trị hằng được quý mến trong các xã hội Á Châu, gây nên cảnh đem đồi phong bài tục làm thương mãi, đưa tới chỗ dựng lên một guồng máy bất nhân khổng lồ chưa từng thấy nhằm bóc lột những đám dân nghèo yếu. Trào lưu hiện đại hóa cặp song đôi với hiện tượng kỹ nghệ hóa tiên tiến, đang gây hại trầm trọng đến môi sinh thiên nhiên ở Á Châu. Nạn nhân là những tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội, chẳng hạn như là các người dân bộ lạc và các thuyền chài phải sống nhờ vào các lâm sản và hải sản. Đà kỹ nghệ hóa hiện đại cũng đang đè nặng nhiều nhất lên trên vai của các phụ nữ Á Châu vì phải chịu cảnh di dịch từ nơi này đến nơi khác, chịu bóc lột và bị đem ra làm mồi cho mãi dâm.
6.09 Trong bối cảnh gặp gỡ như thế giữa truyền thống và hiện đại, Giáo Hội Địa Phương cần phải biết lấy óc phê bình mà phân định bằng cách ý thức cho tỉnh táo rằng cả truyền thống lẫn hiện đại đều có những ưu và khuyết điểm của chúng. Giáo Hội có bổn phận phải góp phần vào trong tiến trình biến hóa hướng tới một nền nhân bản mang bản sắc Á Châu thực sự: đó là thành quả gặt hái được từ cuộc gặp gỡ và phối hợp hài hòa giữa các yếu tố hay đẹp nhất tìm thấy ở trong văn hóa cổ truyền và trong trào lưu hiện đại. Như thế, qua sự việc tích cực dự phần vào trong dòng lịch sử quá khứ và hiện đại của các dân tộc Á Châu, bởi biết lấy óc phê bình mà đồng nhất hóa mình với truyền thống, và văn hóa, với những khát vọng và hoài bão họ đang ấp ủ, Hội Thánh sẽ mang bản sắc Á Châu thực sự. Hình thái của các Giáo Hội Địa Phương Á Châu ngày mai sẽ tùy thuộc vào tiến trình hội nhập văn hóa đang thành hình hôm nay ngay trong bối cảnh gặp gỡ giữa truyền thống và trào lưu hiện đại tại Á Châu.
Luận đề 7
Muốn tự hiện thực hóa chính mình tại Á Châu, thì Giáo Hội Địa Phương cần phải biết thắt nối những mối quan hệ mới với những tín đồ láng giềng thuộc các tôn giáo khác, và cần phải biết dấn thân vào trong các hoạt động nhằm mục đích cổ xuý công lý, nhân phẩm và nhân quyền, cũng như vào trong công tác thực thi một cách thiết thực, lòng thương đặc đãi (preferential love) đối với người nghèo.
7.01 Để có thể triển nở một cách trọn vẹn (hiện thực hóa chính mình = self-realization ) ngay trong môi trường sống của mình, thì các Giáo Hội Địa Phương tại Á Châu cần phải lưu ý cách riêng tới hai lãnh vực hoạt động đặc biệt quan trọng, đó là: đối thoại và hội nhập văn hóa . Hai mối quan tâm này (như bản tuyên ngôn của FABC I đã khẳng định với những lời lẽ hết sức mạnh mẽ) phải là cốt tủy của đời sống và sứ mạng các Giáo Hội này. Nếu Hội Thánh là bí tích của mối hiệp thông với Thiên Chúa và của tình liên đới giữa loài người (HT 1), thì hết thảy mọi Giáo Hội Địa Phương ở trong phần đất Á Châu này của thế giới, cũng phải biết giao hảo với những người láng giếng chung quanh đây hệt theo cách thức mà các Giáo Hội này cụ thể cảm nghiệm về chính mối hiệp thông và chính tình liên đới ấy trong truyền thống tôn giáo của mình. Đối thoại với các tôn giáo khác là một việc làm gắn bó mật thiết với tiến trình hội nhập văn hóa mà các Giáo Hội Á châu chúng tôi theo đuổi, bởi vì tại nhiều dân nước Á Châu, kinh nghiệm tôn giáo và tín ngưỡng cũng như việc hành đạo đều là những gì làm nên linh hồn cho văn hóa. Tôn giáo và văn hóa gắn bó khăng khít với nhau đến nỗi không thể nói tới một bên mà không đề cập đến bên kia được. (Vấn đề này đã được bàn tới trong các Luận đềchúng tôi đưa ra, liên quan đến Việc đối thoại giữa các tôn giáo ).
7.02 Với hàng triệu triệu người sống với hai bàn tay trắng, thiếu thốn ngay cả đến những nhu yếu phẩm cơ bản nhất, như: thức ăn, nước uống, nhà ở, phần đông các dân nước tại Á Châu chúng tôi đều mang nặng dấu vết của nghèo khổ và bần cùng tập thể. Theo gương mẫu mầu nhiệm Nhập Thể, các Giáo Hội Địa Phương chúng tôi cần phải lấy tinh thần liên đới mà chia sẻ thực sự số phận của những người nghèo đói, của những người bị bỏ rơi ngoài lề xã hội và của những người bị bóc lột. Công tác loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn (Lc 4,18), đòi hỏi các Giáo Hội Địa Phương chúng tôi phải trở nên Giáo Hội của người nghèo. Chúng tôi vui mừng nhận thấy những cố gắng mới trong việc đẩy mạnh tình liên đới đối với người nghèo, và cả trong hành động quả cảm của một số anh chị em quyết sống đồng nhất hóa thực sự với họ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hết sức đau lòng mà nhận rằng nhiều thể chế hoặc cơ sở của các Giáo Hội chúng tôi vẫn còn phản ánh quá rõ giàu sang và quyền thế, và thường xảy ra là các trường học, các bệnh viện, v.v. của chúng tôi hầu như chỉ có giúp ích cho những người giàu có không thôi. Lối sống của một số người lãnh đạo các Giáo Hội, của một số linh mục và tu sĩ, không biểu thị được tinh thần bình dị và từ bỏ của Tin Mừng.
7.03 Năm 1974, FABC I đã kêu gọi các Giáo Hội Địa Phương Á Châu xúc tiến công tác đối thoại với người nghèo:
“Trong rất nhiều nước tại Á Châu, đối thoại với người dân có nghĩa là Giáo Hội đang đối thoại với người nghèo. Cuộc đối thoại này phải hình thành theo cái mà người ta gọi là một công trình “đối thoại bằng chính cuộc sống”. Điều đó đòi hỏi cần phải có kinh nghiệm thực sự và hiểu biết đích xác về đời sống nghèo túng… của không biết bao nhiêu người trong các dân nước chúng ta. Chúng tôi tin chắc rằng tiếng của Đức Kitô còn đang vang vọng ra từ cảnh thiếu thốn bần cùng vật chất của các dân nước chúng ta, cũng như từ tiềm năng khủng khiếp của con người họ, và từ khát vọng của lòng họ mong sao cho có được một thế giới nhân đạo và huynh đệ hơn, để gióng lên một lời kêu gọi khẩn thiết gửi đến các Giáo Hội Á Châu” (FABC I,19, 20, 22).
7.04 Cách tiến hành công cuộc hội nhập văn hóa ngay ở giữa môi trường sống của người dân như thế, sẽ mở rộng đường cho Giáo Hội Địa Phương tiến bước đến tận cùng chân trời của Nước Chúa. Nước Chúa thì mênh mông rộng lớn hơn Hội Thánh, và Hội Thánh chỉ là khí cụ của Nước Chúa. Và như vậy, Giáo Hội Địa Phương bước vào trong một thế năng động có đầy sức để đẩy mạnh công cuộc rao giảng Tin Mừng, và đạt tới mức thành tựu của chính bản thân mình nhờ biết mang nhân phẩm, công bằng và tự do đích thực đến với cuộc sống của những người nghèo khổ và của những kẻ bị áp bức. Chúng tôi xin nhắc lại sau đây lời của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, nhóm họp năm 1971: “Chúng tôi nhận thức rõ rằng hoạt động cho công bằng và tham dự vào trong công cuộc biến cải thế giới là những hoạt động làm nên một trong những chiều kích cấu thành của việc rao giảng Tin Mừng”.
7.05 Văn hóa thì gắn bó rất mật thiết với các lãnh vực xã hội và chính trị. Ngày nay, người ta nhận thấy là càng ngày văn hóa càng chiếm giữ một vai trọng yếu hơn trong bình diện xã hội chính trị. Thế nên, trong tiến trình hoàn thành chính mình qua công tác hội nhập văn hóa, các Giáo Hội Địa Phương phải hết sức lưu ý đến hai khía cạnh sau đây: thứ nhất , trong nhiều xã hội hoặc dân nước chúng ta, thường có hai loại văn hóa: văn hóa của những lớp người nắm giữ quyền hành về mặt chính trị và kinh tế, và văn hóa của những từng lớp yếu thế vô quyền. (Đô hộ văn hóa đi đôi với đô hộ chính trị và kinh tế, và là một yếu tố chủ yếu để củng cố nền đô hộ này. Đô hộ chính trị và kinh tế thì coi thường, nếu không nói là xóa bỏ văn hóa của dân nghèo và của những bị gạt ra ngoài lề xã hội). Nếu muốn “đối thoại bằng chính cuộc sống” với người nghèo tại Á Châu, thì Giáo Hội Địa Phương phải biết lưu tâm đặc biệt đến “truyền thống nhỏ bé” của các từng lớp dân nghèo yếu thế vô quyền này. Không nên nhầm lẫn đồng nhất hóa việc hội nhập văn hóa với hành động oa nhập vào trong văn hóa của các từng lớp thống trị nắm giữ quyền hành ở trong một xã hội; nhưng trái lại, cần ý thức rõ là việc hội nhập văn hóa phải trở thành một tiến trình qua đó, Giáo Hội Địa Phương sống liên đới với người nghèo, với truyền thống và phong tục, với lối sống và cách thức suy nghĩ, v.v. của họ.
7.06 Và điểm thứ hai cần lưu ý là: không nên khoán trắng tiến trình hiện đại hóa cho riêng các lớp người nắm quyền hành trong xã hội để rồi họ giữ trọn độc quyền mà lèo lái hầu trục lợi cho riêng mình. Có được thanh lọc qua mối quan tâm đối với những người nghèo và những người bị xô đẩy ra ngoài lề cuộc sống tại các xã hội Á Châu, thì công cuộc hiện đại hóa mới được giải độc cho khởi những tác dụng bất nhân, và mới có thể đứng trong tư thế sẳn sàng để phục vụ chính nghĩa công bình và tự do được. Cho nên, đối với chúng tôi, tiến trình hội nhập văn hóa còn phải bao gồm cả nổ lực này nữa: nổ lực đem các thách đố mà tiến trình hiện đại hóa đặt ra, lồng vào trong cuộc thoại với vô số những người nghèo khổ và yếu thế vô quyền đang sống ở giữa chúng ta.
Luận đề 8
Cộng đồng kitô là chủ thể chủ động trong công tác hội nhập văn hóa, là công tác ăn sâu vào trong hết mọi khía cạnh của cuộc sống và hoạt động làm chứng tá, cũng như của sứ mạng người kitô.
8.01 Công tác hội nhập văn hóa là một việc làm mà toàn thể cộng đồng kitô hữu có bổn phận phải dấn thân chu toàn. Như thế là vì, trước hết, Hội Thánh là một dân tộc. Vì vậy, mọi tầng lớp trong dân đều có bổn phận phải tham gia bằng một cách nào đó, vào trong tất cả mọi sinh hoạt chung. Sau nữa là vì công tác hội nhập văn hóa là một sinh hoạt toàn diện, có tác dụng trên mọi khía cạnh của đời sống và sứ mạng kitô của toàn Dân Chúa. Thế nên, công tác ấy không thể thực sự thành tựu được, nếu để lo cho nó, chỉ có một nhóm chuyên viên tinh hoa mà thôi.
8.02 Trong khi sống đúng theo “cảm thức về đức tin được Thần Khí chân lý khơi dậy và duy trì” (GH 12) ở giữa môi trường riêng biệt của mình, các tín hữu cần phải học cho biết cách biểu thị lòng tin của mình: nghĩa là không những bằng thái độ trung thành bước theo truyền thống tông đồ mà thôi, nhưng còn cả bằng thái độ ứng đáp thích nghi với những trạng huống cụ thể của văn hóa mình nữa. Việc ứng đáp này là trách vụ của toàn thể cộng đồng, vì cộng đồng có trọng trách nhận thức cho rõ Lời của Chúa và Thần Khí của Ngài ngay ở giữa lòng văn hóa và lịch sử của mình. Đó là trọng trách có một không hai; không ai có thể khoán trắng trọng trách riêng ấy cho một người khác được, và cũng không có gì thay thế nó được. Bởi vì đều có môi trường sống riêng, khác biệt nhau, cho nên trong khi vẫn duy trì bền chặt mối thông hiệp hoàn vũ, mỗi Giáo Hội Địa Phương đều được hưởng quyền tự trị chính đáng, để nhờ đó, có thể đem sáng kiến mình ra mà tổ chức nhịp sống và các cơ chế riêng, cùng chu toàn ngay tại trong bối cảnh văn hóa cá biệt của mình, sứ mạng Thiên Chúa đã trao phó cho. Trong thông điệp Octogesima adveniens , Đức Phaolô VI đã viết rằng: “Đứng trước những hoàn cảnh rất ư là khác nhau như thế, thật khó mà đề ra cho được một giải pháp thích đáng cho khắp nơi. Thực ra, đó cũng không phải là tham vọng của chúng tôi, và cũng chẳng phải là sứ mạng của chúng tôi nữa. Các cộng đồng kitô có nhiệm vụ phân tích một cách khách quan tình trạng riêng ở nước mình, và lấy ánh sáng nơi Lời bất di dịch của Tin Mừng mà soi chiếu cho tình trạng ấy” (OA 4). Được phát biểu để thừa nhận trách nhiệm của Giáo Hội Địa Phương trong nổ lực ứng đáp cho thỏa đáng các vấn đề xã hội trong môi trường sống của mình, những lời lẽ trên đây của Đức Phaolô VI cũng có thể được áp dụng cả cho trường hợp của công tác hội nhập văn hóa nữa.
8.03 Phụng vụ của cộng đồng kitô là một lãnh vực rất quan trọng trong công trình hội nhập văn hóa. Phụng vụ diễn đạt đức tin của Hội Thánh (lex orandi lex credendi ). Phụng vụ phải là thành quả của kinh nghiệm đức tin tại một môi trường văn hóa cá biệt. Và ngược lại, kinh nghiệm phụng vụ ấy phải nở hoa từ một đời sống kitô đã hoàn toàn hội nhập văn hoá. Vì thế, việc đưa phụng vụ của cộng đồng kitô hội nhập vào trong văn hóa không phải là một việc gán ghép từ bên ngoài bằng một tiến trình ngoại lai và giả tạo; nó phải bộc phát một cách tự nhiên từ nhịp sống đức tin hoàn toàn đâm rễ vào ngay tại trong bối cảnh văn hóa và trong thực thể cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, vì đã từ quá lâu, đời sống phụng vụ của các Giáo Hội Địa Phương đứng ở một vị thế xa lạ tách biệt khỏi những truyền thống văn hóa trong vùng, cho nên, trong gian đoạn quá độ này, là lúc đang nổ lực để sống một đời sống giáo hội hoàn toàn hội nhập văn hóa, việc thử nghiệm hoặc đề ra những kiểu mẫu trong lãnh vực phụng vụ là một việc làm rất chính đáng và rất cần thiết để giúp cho quá trình hội nhập văn hóa do toàn thể cộng đồng cùng chung sức xúc tiến, được dễ dàng hơn. Đúng thế, những thử nghiệm ấy không được phản ánh chỉ có mối quan tâm của một số chuyên viên không thôi, nhưng trái lại, cần phải biết đối thoại với toàn thể cộng đồng kitô.
8.04 Một lãnh vực khác trong công trình hội nhập văn hóa: việc huấn luyện lòng tin, tức là việc dạy giáo lý để dẫn dắt các tín hữu bước những bước đầu đi vào trong đời sống đức đạo, và để giúp họ đạt tới mức trưởng thành trong đức tin. Về phương diện nội dung cũng như phương pháp và thuật ngữ, việc dạy giáo lý phải được tổ chức làm sao cho hoà hợp với kinh nghiệm, với các truyền thống sư phạm, với bản chất tâm lý và với thiên tư ngôn ngữ của người dân. Là một trong những yếu tố cấu thành đời sống Giáo Hội Địa Phương, việc huấn luyện lòng tin có bổn phận phải phản ánh trọn mọi chiều kích của cuộc sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đã đành là phải giữ vững chân lý các tín điều, nhưng không phải vì thế mà việc dạy giáo lý có quyền thu hẹp đóng khung mình lại ở trong một bộ công thức tín lý và sách bổn, coi đó như là có giá trị bất di dịch để diễn dịch và biểu đạt tín ngưỡng trong mọi thời và nơi mọi nền văn hóa. Trong Tông huấn Catechesi tradendae , Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II cũng đã nhấn mạnh đến tiến trình cần yếu của công tác hội nhập văn hóa việc dạy giáo lý với những lời lẽ như sau:
“Có lẽ từ “thích nghi văn hóa” (acculturation) hoặc “hội nhập văn hóa” (inculturation) là một từ ngữ mới, nhưng dù sao thì nó cũng diễn tả rất đúng một nhân tố trong mầu mhiệm lớn lao của công trình Thiên Chúa Nhập Thể: Đối với tác vụ dạy giáo lý, cũng như đối với công tác rao truyền Tin Mừng nói chung, chúng ta có thể nói rằng ơn gọi của tác vụ ấy là mang sức mạnh của Tin Mừng đưa vào tận trong tâm can của các nền văn hóa và tận trong các yếu tố cấu thành chúng. Tác vụ dạy giáo lý cần phải học hỏi để biết cho sành những cách thức diễn đạt đặc trưng nhất của các nền văn hóa, cũng như phải biết tôn trọng các giá trị đặc thù và phong phú của chúng” (Số 53).
8.05 Đời sống trong Thần Khí, tức là đời sống thiêng liêng, phải biết gióng theo và phản ánh kinh nghiêm về Thần Khí mà một dân tộc phát hiện được ngay tại trong văn hóa và truyền thống của họ. Bởi vì chúng tôi biết rằng Thần Khí đang hiện diện và hoạt động ở giữa các dân tộc Á Châu, ở trong lịch sử và truyền thống, ở trong văn hóa và tôn giáo của họ. Và do đó, công trình hội nhập văn hóa sẽ là một cuộc gặp gỡ của Thần Khí với Thần Khí, có sức tăng cường cho các mối liên kết của niềm hiệp thông và của tình liên đới thiêng liêng đối với dân tộc tại nơi Giáo Hội Địa Phương đang sinh sống và phát trển. Di sản tinh thần và những giá trị đạo đức qua bao thiên niên thế kỷ đã từng nuôi dưỡng nhân dân lục địa này, thì bây giờ tất phải tuôn chảy vào trong đời sống của Giáo Hội Địa Phương để làm cho các Giáo Hội được nên phong phú hơn. Các giá trị như: ý thức sâu xa về Thiên Chúa, suy gẫm, chiêm niệm, đời nội tâm, khổ hạnh, từ bỏ mình, lối sống bình dị, lòng tin sâu đậm, thinh lặng, tinh thần phó thác, cảm thức nhiệm mầu, hiệp thông sâu thẳm, là một số trong các giá trị thiêng liêng được các truyền thống của chúng tôi đề cao, quý trọng và cổ xúy. Kỳ Đại Hội khoáng đại lần thứ hai của FABC với đề tài thảo luận: “Cầu nguyện: Sức sống của Giáo Hội Á Châu”, đã nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải sáp nhập những lề lối cầu nguyện và phụng tự của các dân tộc chúng ta, vào trong đời sống của các Giáo Hội Địa Phương tại Á Châu. Các Giám mục đã khẳng định rằng:
“Càng ngày chúng tôi càng thâm tín hơn rằng ngày nay Thần Khí đang dẫn dắt chúng tôi, không phải là đến với một thứ chủ thuyết hỗn hợp mờ ảo nào đó (đó chính là điều mà toàn thể chúng tôi nhất tề gạt bỏ), nhưng là đến với một nổ lực điều hợp – sâu rộng và có tổ chức – nhằm đưa hết thảy những gì tốt đẹp nhất ở trong các lề lối cầu nguyện và phụng tự cổ truyền của chúng ta vào trong kho tàng của di sản kitô… Và như vậy, cuối cùng rồi vô số những di sản bản xứ phong phú ấy sẽ tìm thấy được vị trí tất nhiên của chúng ở trong kinh nguyện của các Giáo Hội tại Á Châu chúng ta, và sẽ làm cho đời sống cầu nguyện của Hội Thánh trong khắp thế giới được thêm bội phần phong phú” (số 31,33).
8.06 Thiết tưởng không cần phải nói thêm rằng đời sống kitô và nổ lực dấn thân truyền giáo của các Giáo Hội Địa Phương tại Á châu cũng phải được một đường hướng suy tư thần học đi kèm: một đường hướng biết lưu tâm để ứng đáp thiết thực những thắc mắc và những vấn đề nảy sinh từ kinh nghiệm và hoạt động giữa cuộc sống. Sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vaticanô II, về hoạt động truyền giáo, đã xác nhận tầm quan trọng và sự cần thiết của suy tư thần học đi liền với bối cảnh (contextualized /bối cảnh hóa) như thế, bằng những lời lẽ như sau:
“Tất yếu, việc nghiên cứu thần học cần phải được đẩy mạnh tại mỗi vùng văn hóa xã hội rộng lớn (major socio-cultural area), như người ta thường gọi (những người sống trong cùng một vùng như thế thì đều hấp thụ ảnh hưởng của cùng một hình thái văn hóa xã hội). Nhờ thế, mới có được một đà học hỏi sưu tầm mới mẽ biết lần bước theo ánh sáng Thánh Truyền của Hội Thánh Hoàn Vũ soi dẫn mà thấu hiểu cho sâu sắc hơn những điều Thiên Chúa mạc khải qua hành động và ngôn từ của Ngài, tức là những gì đã được ghi chép trong Kinh Thánh cũng như đã được các Giáo Phụ và Quyền Giáo Huấn của Hội Thánh giải thích” (số 22).
8.07 Để thành công trong nổ lực đưa thần học tới chỗ hội nhập văn một cách sâu rộng, thì điều thiết yếu là phải sáng chế ra những phương pháp thần học và những cách thức giải thích mới, có sức phản ánh văn hóa và truyền thống, tâm tính và lối suy nghĩ của các dân tộc Á Châu. Về điểm này, chúng tôi thấy cần phải nêu rõ vị trí nổi bật của kinh nghiệm. Tất cả các truyền thống triết lý của Á Châu đều dành cho kinh nghiệm và/hoặc việc liên hệ trực tiếp với thực tại, một vị trí đặc biệt. Như thế, kinh nghiệm phải là khởi điểm của bất cứ một nền thần học nào muốn mang tính chất Á Châu thực sự. Tiến trình hình thành của các khái niệm cần phải đâm rễ một cách vững chắc vào trong kinh nghiệm. Một khi đã đâm rễ sâu vào trong kinh nghiệm và trong đời sống như vậy, thì suy tư thần học sẽ có đủ khả năng để giúp các Giáo Hội Địa Phương chúng tôi thấu hiểu và giải thích đức tin của mình, cùng biểu đạt đức tin ấy qua những cách thức đầy sáng tạo thật sự.
8.08 Có một phạm vi khác đang đòi phải được “bén rễ vào trong lòng đất mẹ của các nền văn hóa và các truyền thống Á Châu chúng tôi” cho sâu rông hơn; đó là đời sống tu trì ở trong các Giáo Hội chúng tôi. Đời tu hành là nhằm mục đích làm cho thấy rõ hơn ý nghĩa của một lối sống hoàn toàn dành riêng cho các giá trị của đức tin kitô. Qua viêc phụng tự và làm chứng tá, qua đời sống chung và phục vụ, các tu sĩ, nam cũng như nữ, phải nêu rõ cho thấy phương cách các môn đồ của Đức Giêsu đưa đời sống và sứ mang của Ngài nhập thể theo một đường lối trung thực nhất, vào giữa lòng một dân tộc và giữa lòng một nền văn hóa.
Bằng những phương thức đáng ca ngợi, nhiều cộng đoàn và cá nhân các tu sĩ đã đứng ở những hàng đầu trong các nổ lực nhằm xúc tiến quy mô công cuộc hội nhập văn hóa và việc xây dựng tình liên đới đối với người nghèo. Tuy nhiên, buồn thay, tại một vài nơi và trong một số hoàn cảnh, các cộng đoàn tu sĩ vẫn còn giữ nguyên nhiều yếu tố ngoại lai và xa lạ đối với môi trường chung quanh mình. Có thể thấy rõ điều đó trong cách dùng ngôn ngữ và trong lối sống, trong các chương trình đào tạo (thường khi bị chi phối nặng bởi các thành viên nước ngoài) cũng như trong việc tiếp tục du nhập các nhân tố tha hóa thuộc các nền văn hóa khác. Chẳng hạn, có khi những thành viên người Á Châu lại bị bắt buộc phải xử dụng cho mình, một cách thiếu phê bình, những phương pháp tâm lý thường được dùng trong các nền văn hóa khác; cũng có những trường hợp, việc thích nghi với các nhân tố xa lạ ấy được coi như là tiêu chuẩn để được nhận vào dòng tu. Không thiếu chi trường hợp các thành viên người địa phương bị buộc phải “sống như Tây”, nếu họ muốn “ở yên” trong nhóm. Thường thì các cơ quan đầu nảo quyết định nằm cả ở nước ngoài; và ở đó, những người có quyền quyết định lại không có khả năng để phân định đâu thực sự là yếu lĩnh của đời tu trì và đâu chỉ là những phong cách và quy lệ thuần túy văn hóa của một địa phương. Như vậy, nhân danh một thứ phổ quát tính giả mạo nào đó, công tác hội nhập văn hóa sẽ bị cản trở, hoặc là có thể bị chặn đứng hẳn đi nữa, bởi những bậc bề trên và những người không thể hoặc không biết rung cảm trước những ước vọng và nhu cầu của các thành viên Á Châu, hay là bởi những người cho đến giờ này vẫn còn (có thể là họ không hoàn toàn ý thức) mang khư khư trong mình thái độ tự cao tự đại, nghĩ là mình có văn hóa cao hơn.
8.09 Những chương trình đào tạo, trước tiên, cần phải được thấm nhuần ngôn ngữ và lối sống của những tầng lớp nghèo ở các miền xứ chúng ta. Việc thể hiện ra trong cuộc sống hằng ngày, lòng ưu ái đặc biệt đối với các người nghèo thường là cách thế hữu hiệu nhất để tiến hành công tác hội nhập văn hóa thực sự cho đời tu trì. Chung chung mà nói, thái độ xa tránh hình thức giữ đạo của người nghèo hèn thấp kém, là kết quả của những phong cách đào tạo sai lệch, tưởng rằng nếp sống thường thấy tại các xã hội Tây phương (thường bị tục hóa đến mức trầm trọng) phải là nếp sống bắt buộc đối với hết thảy mọi người. Đó là điều cần phải cẩn trọng đề phòng.
8.10 Việc duyệt xét lại đường lối tu trì tại các Giáo Hội Địa Phương Á Châu như thế— một cuộc duyệt xét còn rất cần thiết đối với nhiều nước— cho thấy là có một số đặc nét trong các truyền thống tâm linh của các nền văn hóa địa phương, như là lý tưởng sannyasa (lối sống từ bỏ) trong Ấn độ giáo, hoặc hình thức sống tăng hội trong Phật giáo, có thể đóng góp nhiều về mặt gây cảm hứng, nêu gương mẫu và làm cho thêm phong phú dồi dào hơn. Nếu biết trở thành hăng say và năng động hơn, nếu biết chăm chỉ nhận định cho sáng suốt hơn, thì công cuộc hội nhập văn hóa của đời tu trì tại Á Châu có thể dẫn lối đưa đường đến một cuộc sống làm chứng tá và phục vụ, khuôn rập đúng với lý tưởng đích thực của Tin Mừng hơn, ngay ở giữa lòng các dân tộc tại vùng đất này.
Luận đề 9
Các giáo đoàn cơ bản là những môi trường đặc biệt quan trọng để tiến hành công cuộc hội nhập văn hóa và xây dựng Giáo Hội Địa Phương.
9.01 Ngày nay, nhiều nơi tại Á Châu, có những giáo đoàn cơ bản (GĐCB hoặc các cộng đoàn nhỏ sống đức tin) hiện đang sinh sôi nẩy nở ra nhiều theo đà ứng đáp cho những nhu cầu của đời sống và sứ mạng kitô. Trong các cộng đoàn này, nhờ biết cầu nguyện dựa theo Lời Chúa và Lễ Tạ ơn, nhờ biết gặp gỡ hội họp, nhờ biết sống tinh thần phục vụ lẫn nhau và chia sẻ cho nhau, nên các tín hữu kitô đã đi đến chỗ cảm nghiệm được bản chất đích thực của Hội Thánh: nghĩa là phải như thế nào mới gọi là Hội Thánh. Các cộng đoàn này cũng là nơi các kitô hữu thực sự quen biết nhau bằng danh tánh, và giúp củng cố lòng tin cho nhau; hiệp thông và hợp tác trở thành những thực tại sống động. Và vì biết dựa theo ánh sáng Lời Chúa mà vật lộn với những vấn đề ở trong cuộc sống, nên họ có đủ sức mà hấp thụ Lời Chúa làm ý nghĩa cho chính đời mình, cũng như nhận ra những thách đố và những đòi hỏi cụ thể đi kèm theo Lời Chúa. Trong khi có những GĐCB chú tâm vào việc đào sâu cầu nghuyện tập thể và giúp đỡ lẫn nhau, thì cũng có những cộng đoàn khác lại cố tìm cách phát hiện và cải cách những căn nguyên gây ra tình trạng kém mở mang và bất công, cũng như đẩy mạnh công cuộc cải tiến xã hội.
Như vậy, các GĐCB trở thành những môi trường và những tác nhân đặc biệt hữu hiệu trong công trình đưa Tin Mừng hội nhập vào trong văn hóa. Trong các cộng đoàn đó, Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô trở thành Tin Mừng cho người dân.
9.02 Vì thế, để khỏi bị cô lập hóa và bị các ý thức hệ lèo lái, cũng như để bảo toàn tính cách giáo hội của mình, thì các GĐCB cần phải duy trì mối giây hiệp thông với các chủ chăn trong Hội Thánh. Một trong các phương tiện hết sức hiệu lực để củng cố niềm hiệp thông ấy là việc huấn luyện liên tục cho những người lãnh đạo trong các cộng đoàn (xem Evangelii nuntiandi , 58).
9.03 Tại nhiều vùng trong các dân nước chúng tôi, ở những nơi mà họ chỉ là một thiểu số rất ít ỏi và sống rải rác, người kitô lắm khi phải đương đấu đối phó với cùng một loại vấn đề giống hệt như những người theo các tín ngưỡng khác. Vì họ cùng sống và cùng đấu tranh với những vấn đề giống nhau như thế, các người kitô và những đạo hữu các tôn giáo khác đều có thể coi như là thành viên của các cộng đoàn cơ bản giữa loài người. Trong các cộng đoàn này, đời sống đức tin của các thành phần kitô có thể lớn lên nhờ cuộc “đối thoại bằng đời sống” với tín đồ các tôn giáo khác, cũng nhờ sự việc cùng với họ, đương đầu đối phó với các vấn đề trong cuộc sống, chẳng hạn như là đấu tranh để chống lại nghèo đói, đấu tranh cho công bằng và các quyền con người, và những nổ lực nhằm xây dựng một thế giới hòa bình giữa những khác biệt đa dạng. Các cộng đoàn cơ bản loài người có thể trở thành những môi trường đặc hiệu để cảm nghiệm và chứng thật về sự việc Thần Khí thực sự hiện diện ở giữa những người thiện tâm, cũng như để có những dịp thuận lợi mà làm chứng một cách cụ thể và thiết thực về Đức Kitô cho những người thuộc các tín ngưỡng khác. Hơn nữa, trong khi trao đổi các sinh hoạt hỗ tương với các đạo hữu cùng với mình làm nên các cộng đoàn cơ bản loài người này, các kitô hữu còn có thể tác động như là men để biến đổi con người và xã hội.
Luận đề 10
Giáo hội địa phương tự hiện thực hóa chính mình qua tiến trình hội nhập văn hóa, và bằng cách dõi bước theo đà năng động của các mầu nhiệm Nhập thể, Phục sinh và Hiện xuống.
10.01 Qua hành động mạc khải chính mình ra cho nhân loại và thực hiện kế hoạch cứu độ trong lịch sử loài người, Thiên Chúa đã thích nghi chính mình với bản tính loài người cũng như với những lối sống của chúng ta, đã mang lấy thời gian cùng những trạng huống của chúng ta, và đã chia sẻ số phận làm người như chúng ta. Lời Chúa đã được đón nhận và truyền thông qua trung gian của các ngôn ngữ và các nền văn hóa trong loài người, cũng như đã được truyền thụ qua các biến cố trong lịch sử nhân loại. Qua lịch sử của Ítraen và qua cuộc đời của Đức Giêsu, Thiên Chúa nhập cuộc và dự phần vào trong lịch sử loài người. Lịch sử của Ítraen, như chúng ta đã biết, là một quá trình liên tục dệt nên bởi những cuộc gặp gỡ với hết mọi thực tại cuộc sống của các dân tộc và các nền văn hóa lân cận.
10.02 Thế nên, sự việc Thiên Chúa tự thông truyền chính mình cho chúng ta — một cách tuyệt đối và tối hậu qua mầu nhiệm Nhập Thể của Con Một Ngài — như vậy, phải được coi là mẫu mực cho mọi hình thức hiện diện và hoạt động cứu độ của Thiên Chúa ở giữa lịch sử loài người. “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Từ eskenosen (=ở) theo nghĩa đen muốn nói là “cắm lều”.
Điều này làm cho liên tưởng tới sự việc Chúa Yahvê cư ngụ ở giữa dân Ítraen suốt cả cuộc hành trình băng qua sa mạc và hoang địa hướng về Đất Hứa (Xh 40,34-38). Thư gửi giáo đoàn Do thái nói rằng Đức Giêsu “đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, chỉ khác là đã không phạm tội” (Dt 4,15). Như vậy, Ngôi Con nhập thể đúng là Emmanuel , Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt 1, 23) và, như các Giáo Phụ dạy: “để có thể ban những gì là của Người cho ta, thì Người đã nhận lấy mọi sự của ta làm của Người”.
10.03 Như thế, Nhập Thể là mẫu thức và là tiến trình, là lý do và là động lực của hành động Thiên Chúa hằng tiếp tục tự trao ban chính mình để cứu độ, ở trong “thời trung đại”, tức là thời gian lịch sử loài người kéo dài từ thời đại Đức Kitô cho đến ngày Người quang lâm (parousia ), cũng là thời kỳ của lịch sử Hội Thánh. Do đó, trong lịch sử của mọi dân tộc, chúng ta có bổn phận phải cố mà nhận cho ra diễn biến của cùng một “định luật Nhập Thể” này. Tiến trình và mẫu thức này được tiến hành ở nơi công trình đưa đức tin và đời sống kitô hội nhập vào trong văn hóa, tại mỗi Giáo Hội Địa Phương; và đó chính là cuộc hiện thực hóa sự việc Thiên Chúa hiện diện và hoạt động ban ơn cứu độ ở giữa lòng lịch sử của mỗi dân tộc, và đó cũng chính là cách thức dân tộc ấy và nền văn hóa của họ đáp lại ơn Chúa gọi qua tiến trình lịch sử của mình, ở trong Thân Thể Ngài là Hội Thánh. Theo ý nghĩa này, mọi dân tộc đều được mời gọi để làm công tác hội nhập văn hóa như là công cuộc thực hiện ơn gọi của chính mình ở trong chương trình lịch sử cứu độ, ngõ hầu tình trạng “viên mãn trong hiệp nhất” của Hội Thánh (Catholica unitas ) được thành sự.
10.04 Bởi vậy, mỗi Giáo Hội Địa Phương tự hiện thực hóa chính mình qua tiến trình hội nhập văn hóa như thế: tức là một tiến trình diễn biến theo “định luật” hoặc là theo đà năng động của các mầu nhiệm Nhập thể, Phục Sinh và Hiện xuống, cũng như của cuộc đại quy tập muôn loài vào trong Đức Kitô (Ep 1,10).
10.05 Ngôi Lời Nhập Thể là chính Con Một của Thiên Chúa mặc lấy tính chất cá biệt của loài người. Ngôi Con thực sự đi vào trong một gia đình của loài người, và như thế, Người khởi đầu một cuộc đời con người, gắn chặt vào một miền xứ và một nền văn hóa cá biệt, cũng như vào một khúc quanh nhất định của lịch sử. Chào đời nhờ bởi Lời và Thần Khí cũng như nhờ bởi hành động của thừa tác vụ, Hội Thánh tiến bước trên nẻo đường của chính mầu nhiệm Nhập Thể, và mặc lấy trọn tính chất cá biệt của loài người mà mầu nhiệm ấy đã mặc lấy. Như đã xẩy ra qua mầu nhiệm Nhập Thể và từ đầu nơi Đức Giêsu, thì qua các thời đại lịch sử, tại một nơi chốn và một thời gian nhất định, theo đúng cùng một phương cách như vậy, Hội Thánh cũng đã và đang tự hiện thực hóa chính mình cùng hoàn thành sứ mạng cứu độ của mình ở giữa trần thế.
10.06 Trong đời sống Đức Giêsu, mầu nhiệm Nhập Thể tiến dần về với cuộc chịu khổ, chịu chết và sống lại. Vì đã hoàn toàn tự hiến và tự hủy vì tùng phục và yêu thương, nên Đức Giêsu đã trở nên nguồn suối ban Thần Khí, sự sống và hiệp thông cho tất cả những ai tin vào Người (2Cr 3,17; Ga 7,37-38). Như thế, mầu nhiệm Phục sinh là quy luật và là ý nghĩa của sự sống và của sứ mạng Hội Thánh. Vì vậy, tiến trình nhập thể-nhập thế/hội nhập văn hóa cũng đòi hỏi phải có tiến trình chết đi và sống lại, ngõ hầu Hội Thánh và Giáo Hội Địa Phương tại trong thời đại và trong môi trường của mình, có thể thực sự trở thành dấu chỉ và khí cụ (ở trong nền “văn hóa mới”) của sự sống và của hiệp thông trong Thần Khí, là Đấng xuất phát từ Chúa đã chịu chết và đã sống lại.
10.07 Thứ nhất: là dấu chỉ của công cuộc hội nhập văn hóa đích thực, quá trình chết đi và sống lại ấy đòi hỏi phải được áp dụng cho mọi dân tộc và nền văn hóa của họ. Chỉ như vậy thì họ mới có thể bước vào con đường làm môn đồ Đức Kitô và đón nhận chân lý cùng sự sống của Tin Mừng để đưa vào trong chính con người cũng như cuộc sống của mình. Vì những giới hạn và tội lỗi của loài người, nên tất yếu, văn hóa của bất cứ dân tộc nào cũng đều mang theo trong những tín ngưỡng và giá trị, trong những tục lệ và truyền thống của mình, những nhân tố đi ngược lại với chính những gì hay đẹp nó chứa đựng và có thể giúp cho con người được nên người thực sự, cũng như đi ngược lại với những gì Tin Mừng và Thần Khí mời gọi con người trở thành. Thế nên, mọi nền văn hóa đều cần phải được tinh luyện, và những gì trong chúng còn gây cản trở hoặc làm giảm thiểu đi niềm hiệp thông (đối với Thiên Chúa và đối với các dân tộc cùng các nền văn hóa khác), thì đều phải được thanh lọc, tẩy xóa và lột bỏ cho hết đi. Còn tất cả những gì tốt đẹp và thực sự là thuộc về bản chất con người thì đều phải được củng cố và làn cho nên hoàn hảo. Như thế mới có lý để bàn tới hiện tượng chết đi và sống lại đối với mọi nền văn hóa trong loài người và đối với tất cả những thành tựu của chúng — cũng như đối với cả những gì là nhân loại trong Hội Thánh nữa.
10.08 Đúng như Gaudium et Spes đã nói rõ: “Tin Mừng của Đức Kitô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hóa của con người đã sa ngã, đánh dẹp và khử trừ các sai lạc và tai họa phát sinh từ sức quyền rũ thường xuyên của tội lỗi hằng mãi đe dọa. Tin Mừng không ngừng tinh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Còn những tài năng và thiên tư tình thần của mọi và mọi dân nước thì được Tin Mừng tiếp nhận và dùng những ân huệ siêu nhiên mà làm cho nên phong phú từ bên trong, cũng như được củng cố, bổ túc và tái tạo trong Đức Kitô” (MV 58). Như thế, Tin Mừng trở thành tiêu chí nhận định cho tiến trình tinh luyện các nền văn hóa (xem TG 8).
10.09 Thứ hai: Còn có một tiến trình chết đi và sống lại khác nữa, đó là tiến trình của chính Hội Thánh, và để nói cho rõ hơn, là: của Hội Thánh “bằng xương bằng thịt”, mang diện mạo và màu sắc cụ thể của các nền văn hóa mình sống qua (tỷ dụ như là văn hóa của một “Giáo Hội phái gửi người đi truyền giáo” đối với hoàn cảnh trong các vùng truyền giáo). Công cuộc hội nhập văn hoá đích thực không có thể khởi đầu cũng như không có thể tiếp tục được, trừ phi Hội Thánh chịu chấp nhận những giới hạn vì thiếu hiểu biết, vì lầm lẫn hoặc là vì những lỗi lầm do các phần tử của mình gây ra, và chịu sẳn sàng chết đi trong bất cứ những gì ngấm ngầm đục khoét dần đi tác vụ làm chứng cho Tin Mừng cùng cản trở không để cho các nền văn hóa khác đón nhận Tin Mừng. Hội Thánh không vượt lên trên, nhưng là hằng không ngừng phục tùng Lời Chúa (xem MK 10). Cứ nhìn vào thực trạng bất lực hoặc bất tài để sống trọn vẹn Lời Chúa, thì sẽ thấy rõ khả năng giới hạn của Hội Thánh. Là điều thường thấy tỏ rõ mồn một trong đời sống và trong sinh hoạt của Hội Thánh, tính cách giới hạn này cũng hiện rõ đặc biệt qua những lần Hội Thánh bắt buộc chấp nhận như là Lời Chúa, ngay cả đến các nhân tố thuần túy văn hóa mà mình đã mặc lấy, hoặc là trong những khi, vì hẹp hòi, Hội Thánh đã tuyên bố cho rằng một điều nào đó là không phù hợp với đức tin kitô, chỉ vì điều ấy có vẻ đi ngược lại với phong cách và đường lối mình đang theo. Do vậy, có nhiều lần Hội Thánh đã bỏ lỡ mất đi dịp tốt để nhìn thấy những “hạt giống đích thực của Lời Chúa” (semina Verbi ) tiềm ẩn trong các nền văn hóa và các dân tộc khác. Lịch sử truyền giáo tại Á Châu trong thời kỳ thực dân, đã minh họa đầy đủ về sự kiện này: các sắc diện cá thể của “Giáo Hội phái gửi đi” đã được đơn thuần đồng nhất hoá với bản chất của đức tin và đời sống kitô; những nét nhân bản tốt đẹp và cao quý tiền ẩn trong văn hóa của những dân tộc vừa đón nhận Tin Mừng, lắm khi lại bị phán xét như là ngoại đạo và trái nghịch với kitô giáo. Vì thế, chính Hội Thánh cũng cần phải chết đi trong những gì mà cuộc sống và cơ chế của mình còn cản ngăn không cho thấu hiểu cùng đón nhận những ý nghĩa và những giá trị tiềm ần nơi các nền văn hóa coi như còn “mới” đối với mình, nhưng đồng thời cũng được coi như là đã rộng mở cho mình nếu mình biết giữ thái độ cởi mở và chịu sống qua một thứ kinh nghiệm mới. Chỉ như vậy thì Tin Mừng và đời sống trong Thần Khí mới được đón nhận theo một cách thức mới mẻ vào trong tiến trình hội nhập văn hóa; và nhờ thế, những hình thái mới của niềm tin và đời sống kitô mới bừng phát lên một cách đầy sáng tạo được.
10.10 Phép lạ Hiện xuống (Cv 2) cung ứng cho công trình hội nhập văn hóa, một nền tảng kinh thánh. Hiện xuống biểu thị tính chất hiệp nhất của Hội Thánh ở giữa những khác biệt đa dạng làm nên niềm viên mãn của tính chất công giáo (Catholica unitas ). Hiện xuống xây dựng công giáo tính đích thực của Hội Thánh ở trên nền móng sức năng sáng tạo của Thần Khí. Chỉ có một mình Thần Khí mới đủ quyền năng để ban cho Hội Thánh có khả năng trở nên một ở giữa những dân nước và những chủng tộc khác biệt nhau, cũng như ở giữa vô số những trạng huống muôn hình sắc. Bởi lẽ, nói cho cùng thì mầu nhiệm công giáo tính của Hội Thánh, như thấy thể hiện ra ở trong lịch sử loài người, cũng phát nguyên từ sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí ở giữa lòng Hội Thánh.
Những cố gắng của con người nhằm kiến tạo một mối hiệp thông hoàn vũ ngoài Thiên Chúa, rồi cuối cùng cũng chỉ đưa đến hoặc là tình trạng đơn điệu độc khối của tháp Babel ngày trước (St 11,1-9), hoặc là một cảnh thái hỗn độn theo kiểu cá nhân chủ nghĩa ngàn đầu vạn ý, như đã từng thấy qua dòng lịch sử loài người. Chỉ có quyền năng của Lời và Thần khí mới xây dựng được ngay ở dưới đất này, một thế giới trong đó, con người sống hiệp thông thực sự với nhau, ngõ hầu có đủ điều kiện để đưa hết mọi giá trị phong phú trong các nền văn hóa của loài người và các thành tựu của chúng, đạt đến độ khai hoa kết quả và mức kiện toàn viên mãn.
10.11 Hội Thánh là bí tích hiệp thông của mọi người và của mọi dân tộc giữa họ với nhau và với Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu (GH 1). Mối hiệp nhất ấy sẽ được hình thành qua nhiều bước gặp gỡ và trao đổi, thông cảm và đối thoại với nhau trong tinh thần cởi mở đầy sáng tạo. Một cộng đoàn gồm nhiều dân nước như vậy sẽ là một quang cảnh đảo ngược của hỗn cảnh tháp Babel, bởi vì, đó sẽ là một cuộc sum họp của mọi dân tộc với tất cả những nét đặc thù và cá biệt, với tất cả những tài năng phong phú muôn hình thái của họ. Như vậy, tài năng thiên tư của mọi dân nước sẽ đoàn tụ lại với nhau và cùng nhau chia sẻ tình hiệp thông hoàn vũ thực sự, rồi cuối cùng, sẽ được mang đến đặt ở dưới bệ chân của Thiên Chúa Cha.
10.12 Thánh Thể là Bí tích của cuộc đại đoàn tụ của toàn thể nhân loại với toàn bộ tạo vật về với Đức Kitô (Ep 1,10). Thánh Thể xây đắp Thân Thể Đức Kitô ở dưới đất này như là dấu tiên báo về niềm hiệp thông viên mãn ở trong đời sống vĩnh cửu. Qua các cố gắng đưa ra nhằm xúc tiến công cuộc hội nhập văn hóa, Giáo Hội Địa Phương tiến dần tới cảnh hiệp thông hoàn vũ ấy; vì nó phải được bắt đầu ngay ở dưới đất này, nhưng sẽ được hoàn tất ở trong Vương quốc sự sống và tình thương: ở trong thành thánh trên trời mà Dân Chúa đang trên đường lữ hành nhắm tới – ở trong niềm hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, là tiêu đích và là mức thành tựu viên mãn của toàn bộ lịch sử loài người. Và chung cục, đó chính là ân huệ nhưng không Thiên Chúa đã tự ý ban cho chúng ta.
Luận đề 11
Qua cuộc gặp gỡ đầy năng động giữa Tin Mừng và một dân tộc có một nền văn hóa cá biệt, mầu nhiệm đơn nhất của Hội Thánh được hiện thực hóa ở trong nhiều Giáo Hội Địa phương. Mỗi Giáo Hội Địa Phương là Hội Thánh với thực thể toàn bộ và trọn vẹn (full and integral) của mình, và Hội Thánh Toàn Vũ là mối hiệp thông của các Giáo Hội Địa Phương, một “Hội Thánh (bao gồm) các Giáo Hội”, một giây hiệp thông (thống nhất) các mối hiệp thông.
11.01 Đại hội khoáng đại lần thứ ba của FABC (FABC III, Bangkok 1983) đã bàn thảo về một vài “thành tố hằng tồn (hằng tố =constants ) trong bản chất và đời sống của Hội Thánh” như sau: hiệp thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi, tòng thuộc đối với Tin Mừng và Thần Khí của Đức Giêsu, chủ đích là làm môn đồ, tiến bước theo Thần Khí hướng dẫn, kiến tạo và sinh sống nhờ các bí tích, hợp tác và đồng liên đới trách nhiệm giữa mọi phần tử, hiệp nhất với và dưới quyền các chủ chăn kế nhiệm các tông đồ, liên kết với các cộng đồng đức tin khác, sứ mạng giảng hoà trong và cho thế giới (FABC III, 7). Các nhân tố ấy miêu tả toàn bộ thực thể mà danh từ “Hội Thánh” hàm ngụ; nơi nào hội đủ các nhân tố ấy, thì nơi đó có Hội Thánh duy nhất và phổ quát hiện diện với tất cả thể chất viên mãn đặc thù của mình. Như vậy, các nhân tố ấy cấu thành hình thái duy nhất và phổ quát làm mẫu mực cho việc kiến tạo của hết mọi Giáo Hội Địa Phương (xem GH 23). Cộng đồng nào thiếu một trong các thành tố trên đây, thì tất thiếu hẳn điều kiện thiết yếu để trở thành Hội Thánh của Đức Kitô. Hội đủ hết các thành tố ấy, thì bất cứ đoàn thể tín hữu địa phương nào cũng đều lập tức được coi là Hội Thánh của Đức Kitô. “Hội Thánh hiện diện ở nhiều nơi, nhưng không phải là có nhiều Hội Thánh; toàn bộ Hội Thánh có mặt ở trong mỗi thành phần (=cộng đồng): một trong nhiều, và toàn vẹn ở trong mỗi một thành phần, theo một cách thức nhiệm mầu” (Henri de Lubac, Splendour of the Church , New York, Sheed & Ward 1956, tr. 105).
11.02 Công đồng đã mạnh mẽ nói lên chân lý này khi dạy rằng Hội Thánh duy nhất và phổ quát hiện diện tại trong và rộng ra ngoài các Giáo Hội Địa Phương (GH 23): đó là lời một khẳng định cần phải được cân nhắc một cách hết sức cẩn trọng mới tránh được khỏi rơi vào tình trạng lẫn lộn ý niệm công-giáo-tính với bất cứ những mẫu thức hiệp nhất và phổ quát nào khác. Ủy Ban Thần học Quốc tế giải thích rằng:
“Cần phải phân biệt tính chất phổ quát công giáo với những hình thức phổ quát giả hiệu theo kiểu những chủ thuyết cực quyền, những hệ thống duy vật, hay là những ý thức hệ lừa bịp về khoa học và kỹ thuật, hoặc là những sách lược của bất cứ một đế quốc chủ nghĩa nào đó. Cũng không được lẫn lộn công-giáo-tính với tình trạng độc dạng đơn điệu có khuynh hướng hủy bỏ hết những nét cá biệt chính đáng, hoặc là đồng hóa tính chất ấy với chủ trương nhất định đòi cho được quyền giữ lại hết thảy những gì là dị biệt, tức là với một lập trường trực tiếp đe dọa đến cốt tủy của mối hiệp nhất (trong Hội Thánh) (L’unique église du Christ, tr. 35).
Không phải là: trước tiên có một Hội Thánh Hoàn Vũ, rồi sau đó, do những thể thức phân lập hành chánh nào đó, mới có các Giáo Hội Địa Phương. Mối liên hệ giữa một Giáo Hội Địa Phương với Hội Thánh Hoàn Vũ là hoàn toàn khác hẳn với cách thức một tiểu bang hoặc một tỉnh liên hệ với một quốc gia. Cũng không phải là trước tiên có các Giáo Hội Địa Phương, rồi sau đó, nhờ phương cách liên minh, Hội Thánh Hoàn Vũ mới thành hình. Hội Thánh Hoàn Vũ không phải đơn thuần là một tổng số của hết các Giáo Hội Địa Phương. Mỗi một Giáo Hội Địa Phương chính là thực thể toàn bộ và trọn vẹn của mầu nhiệm hiệp thông trong Đức Kitô, còn Hội Thánh Hoàn Vũ thì chính là giây hiệp thông (thống nhất) các mối hiệp thông, tức là: một “Hội Thánh (bao gồm) các Giáo hội”.
11.03 Kinh Thánh cho thấy một mẫu thức của mầu nhiệm này: đó là biến cố Hiện xuống. Hội Thánh đã chào đời tại một nơi được xác định rõ ràng là thành phố Giêrusalem, trong giờ phút Thần Khí hiện xuống trên các môn đệ, và trong lúc họ bắt đầu tường thuật về các kỳ công của Thiên Chúa.
Nhưng, đang khi họ cùng chung nhau loan báo một sứ điệp duy nhất, thì sứ điệp ấy lại được nghe biết trong mọi tiếng nói trên trần thế, và được đại diện của mọi dân nước tin nhận. Như vậy, ngay từ giây phút mới chào đời, Hội Thánh đã mang tính chất cả địa phương lẫn hoàn vũ. Và Sách Công vụ Tông đồ tiếp tục tường thuật cho thấy là những gì đã xảy ra trong mầu nhiệm vào lúc khai nguyên Hội Thánh, thì cũng đã xảy ra trong tất cả những nơi khác có Tin Mừng đặt chân tới, đặc biệt là tại những chân trời của thế giới các anh chị em lương dân, vượt ra ngoài biên cương của Do thái giáo. Hội Thánh duy nhất vẫn mãi duy nhất, cho dù các Giáo Hội có tăng số ngày càng nhiều.
Luận đề 12
Nói rằng Giáo Hội Địa Phương hình thành qua tiến trình hội nhập văn hóa có nghĩa là Hội Thánh duy nhất và công giáo được sinh ra bởi Lời của Đức Kitô, bởi ơn của Thần Khí và do Thừa tác vụ tông đồ, vào một thời điểm nhất định, tại một nơi cụ thể và trong một nền văn hóa cá biệt.
12.01 Giáo Hội Địa Phương hình thành qua tiến trình hội nhập văn hóa, và dĩ nhiên là sự kiện này gồm hàm cả cuộc gặp gỡ đa diện giữa Tin Mừng với những thực tại và trào lưu trong nền văn hóa cũng như trong dòng lịch sử đương thời: dó là những đề tài đã được khai triển qua các suy tư trên đây của chúng tôi. Bây giờ, chúng tôi xin quay trở lại với một quan niệm thần học cơ bản về cách Giáo Hội Địa Phương hình thành vừa như là một ân huệ mà cũng vừa như là một tác vụ: ân huệ Thiên Chúa ban và tác vụ chúng ta đảm nhận.
12.02 Trước đây, chúng tôi đã lược kê ra (luận đề 3) các nguyên lý tác tạo nên Hội Thánh, đó là: tiếng gọi của Thiên Chúa, Lời của Đức Kitô, ơn của Thần Khí, và thừa tác vụ tông đồ. Các nhân tố ấy cấu thành Hội Thánh theo bản sắc một cộng đồng cá thể ở trong thế giới, và làm cho nhiều Giáo Hội thành có một Hội Thánh mà thôi. Các Giáo Hội biểu thị cho thấy các nguyên lý qua đó, Hội Thánh thật là công trình của Thiên Chúa,creatura Verbi, Ecclesia de Trinitate , một ân huệ mà chúng ta đón nhận với tất cả lòng biết ơn sâu xa.
12.03 Nhưng công trình này của Thiên Chúa chỉ được hiện thực hóa tại trong các cộng đoàn tín hữu cụ thể; trong đó, ơn của Chúa làm cho họ có khả năng để hoạt động như “một cộng đoàn sống niềm tin-cậy-mến” (GH 8). Hội Thánh phát nguyên từ ý định của Thiên Chúa Ba Ngôi (Ecclesia de Trinitate ), chỉ hiện hữu thực sự ở nơi Hội Thánh “họp thành” từ những con người (ecclesia ex hominibus ), làm nên công trình của loài người trong việc nhờ vào Lời Chúa và ơn của Ngài mà kiến tạo nên một cộng đồng vừa mới mẻ lại vừa siêu việt. Những gì Thiên Chúa ban cho trong các nguyện lý cấu thành làm phát sinh nên Hội Thánh, thì đó cũng chính là những gì mà con người cần phải làm cho nên trọn qua thái độ tự do đón nhận và sống niềm tin-cậy-mến của mình.
12.04 Vì thế, bao lâu một cách thức quan niệm về giáo hội học chưa lưu tâm đủ đến các biến cố cụ thể qua đó tự do của Thiên Chúa gặp gỡ với tự do của con người để làm phát sinh nên các Giáo Hội Địa Phương, thì bấy nhiêu lâu cách thức ấy vẫn còn bị giam hãm ở trong vòng trừu tượng mơ hồ. Không phải ơn huệ của Chúa đơn thuần làm phát sinh ra Hội Thánh; các ơn huê ấy phải được những cộng đoàn sống niềm tin-cậy-mến cụ thể đón nhận làm của riêng mình; và đó là một điều không bao giờ có thể xẩy ra trên bình diện trừu tượng hoặc theo một mức độ tổng quát nào đó được. Điều đó xẩy ra khi Lời Đức Kitô được rao giảng tại trong những cảnh huống cụ thể để soi sáng và cải hóa, để củng cố và làm giàu một cách thiết thực cho những cãnh huống ấy. Điều đó xẩy ra khi có những người, một khi đã được Thần Khí đánh động và soi dẫn, thì biết nhận ra ở trong Lời giảng, một ánh sáng để dẫn lối cho mình, và một lời hứa để mà hy vọng. Điều đó xẩy ra khi kinh nghiệm về hiệp thông kitô, đặc biệt là qua cuộc họp mặt Thánh Thể, đạt tới mức độ chữa lành những thái độ tha hóa, và làm cho những kinh nghiệm đích thực đã sẵn có về cuộc sống cộng đoàn được thêm phong phú hơn. Điều đó xẩy ra khi một cộng đoàn đức tin dù phải sống trong những bối cảnh văn hóa riêng biệt và phải đối phó với những thách đố đặc biệt, mà vẫn biết nhớ lại kỷ niệm của Đức Kitô và bước theo niền hy vọng Ngài mang lại, để đảm nhận những công tác cụ thể đối với lịch sử và xã hội. Đấy là cách thức Hội Thánh được gầy dựng nên, hoài mãi không ngừng, từ thế hệ này sang thế hệ khác, và cả mỗi ngày nữa. Hội Thánh Công giáo được gầy dựng nên trong và qua cuộc hình thành mỗi ngày như thế của các Giáo Hội Địa Phương.
12.05 Đó cũng là phần nào lý do tại sao cuộc họp mặt Thánh Thể luôn luôn được coi như là hình mẫu của Hội Thánh. Luôn luôn Thánh Thể được cử hành trong một thời gian và tại một nơi chốn nhất định, và do những cộng đoàn tín hữu cụ thể. Một giảng viên có thể giải thích một đoạn Kinh Thánh, mà ngày ấy cũng được đọc lên tại tất cả mọi cuộc họp mặt khác trên khắp thế giới; nhưng người giảng viên ấy chỉ cắt nghĩa Lời kia của Thiên Chúa như là tấm Bánh sự sống được ban cho cuộc họp mặt ở đây mà thôi; và một lần nữa, cộng đoàn đức tin hình thành khi cử tọa cuộc họp mặt đón nhận Lời được công bố cùng giải thích và cùng nhau đồng thanh đọc lên kinh Tin Kính (Lời kinh Tuyên Tín) để tự do tuyên xưng đức tin của mình. Lúc Bánh hằng sống lại được bẻ ra để phân chia cho họ trong kinh nguyện Thánh Thể trọng đại, thì một lần nữa, họ lại được kết hợp với nhau qua lời thưa Amen cũng như qua việc rước lấy cùng một Bánh; và như thế, vượt lên trên những gì là cá thể của mình và khắc phục hết mọi nguyên nhân tha hóa gặp phải, họ trở nên chính Thân Thể của Đức Kitô. Chẳng thế mà châm ngôn người kitô thời xưa nói rằng: “Hội Thánh làm (cử hành) Thánh Thể; còn Thánh Thể thì làm nên Hội Thánh” (Ecclesia facit eucharistiam, eucharistia facit ecclesiam ).
12.06 Như Hội Thánh duy nhất chỉ hình thành trong và qua việc hình thành của các Giáo Hội, thì cũng vậy, Hội Thánh duy nhất chỉ có thể chu tất sứ mệnh cứu độ của mình trong và qua các sứ mệnh của nhiều Giáo Hội Địa Phương mà thôi. Hội Thánh chỉ thực sự là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” (GH 48), khi mà sống trong những trạng huống cụ thể khác nhau, các Giáo Hội Địa Phương vẫn biết đảm trách việc “tìm hiểu những dấu chỉ của thời đại (mình đang sống) và giải thích chúng theo ánh sáng của Phúc Âm” (MV 4). Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã kết thúc bản thảo luận rất xác đáng bàn về mối liên quan giữa Hội Thánh được hiểu như là một mầu nhiệm và Hội Thánh theo tư thế là một chủ thể lịch sử, với đoạn viết sâu sắc và sáng suốt như sau:
“Đặc tính Dân mới của Thiên Chúa không nằm ở chỗ có một lối sống hoặc là một sứ mạng khả dĩ thay thế cho lối sống hay cho những dự án đã sẳn có của loài người. Trái lại, lòng hoài niệm và niềm trông chờ Đức Kitô phải là những động lực có sức biến cải và đổi thay, từ bên trong, lối sống và các dự án loài người đang được một nhóm dân chúng theo đuổi. Nếu thế, thì có thể nói rằng lòng hoài niệm và niềm trông chờ Đức Giêsu Kitô, tức là những gì làm cho Dân mới của Thiên Chúa sinh tồn, cũng là những gì làm nên cái mà Phái Kinh viện gọi là yếu tố “mô thức”, tức là yếu tố cấu tạo nên cuộc hiện hữu cụ thể của con người. Còn lối sống và các dự án nói trên đây thì phần nào cũng giống như cái mà họ gọi là “chất thể”, lẽ dĩ nhiên là có tự do và trách nhiệm, và chúng sẽ nhận được những định tố khác nhau để làm nên một lối sống “theo Thần Khí”. Các lối sống này không hiện hữu một cách tiên thiên, và cũng không thể đặt định trước được. Chúng rất khác nhau và vì thế, không bao giờ có thể đoán trước được, cho dù luôn luôn chúng có liên hệ với hoạt động liên tục của cùng một Thần Khí. Trái lại, có một điểm chung và thường trực trong các lối sống ấy, là chúng biểu thị những đòi hỏi và những niềm vui mà Tin Mừng Đức Kitô ra “giữa những cảnh sống thường nhật trong gia đình và ngoài xã hội, tức là ra giữa những gì làm như dệt thành cuộc sống của họ” (GH31) (L’unique Eglise du Christ, tr. 25).
Mầu nhiệm duy nhất và công giáo của Hội Thánh trở thành thiết thực hữu hiệu về mặt hoạt động cứu độ qua sự việc các Giáo Hội Địa Phương thi hành trách vụ của mình ở giữa dòng lịch sử.
12.07 Việc Công đồng phục hồi ý nghĩa của công-giáo-tính cụ thể như thế, đặc biệt là sau nhiều thế kỷ đi theo chiều hướng tập quyền và độc dạng, đã khiến cho khắp nơi trong Hội Thánh, biết quan tâm trở lại đối với hai nhân tố chủ yếu của sự việc Hội Thánh duy nhất phát sinh ở trong và từ nhiều Giáo Hội khác nhau. Nhân tố thứ nhất là công tác hội nhập văn hóa , tức là đề tài của các luận đề từ 5 đến 9 trên đây.
12.08 Và nhân tố thứ hai là việc khám phá và ý thức lại, về quyền tự trị chính đáng của các Giáo Hội Địa Phương. Điểm này đã được nêu rõ trong bản tuyên ngôn của Thượng Hội Đồng Giám mục Thế giới, nhóm họp năm 1985: Bởi vì Hội Thánh là một cộng đồng hiệp thông, nên mọi tầng lớp đều có bổn phận hợp tác và cùng chia sẻ trách nhiệm chung. Không một phần tử nào được quyền giữ thế thụ động đối với việc phát sinh và xây dựng Hội Thánh (xem TĐ 2). Điều đó đúng đối với hết thảy mọi tầng lớp trong Hội Thánh: từ các giáo đoàn cơ bản (xem luận đề 9 trên đây) cho đến giáo xứ, từ giáo xứ cho đến giáo phận, từ giáo phận cho tới các nhóm của mỗi miền, từ miền cho đến cộng đồng hiệp thông toàn vũ chung quanh Giám mục Roma. Nơi nào có tình trạng chối bỏ hoặc cản trở việc hợp tác và chia sẻ trách nhiệm chung như vậy, hay là từ chối không để cho các cơ cấu thể chế được triển dương đúng mức, thì nơi ấy việc thể hiện công giáo tính cụ thể cũng như mức độ sáng tỏ của niềm hiệp nhất công giáo — tức là tính chất catholica unitas mà các Giáo phụ đã từng hết lời ca tụng — sẽ bị thiếu mất đi một điều gì đó.
Luận đề 13
Qua những nét khác biệt về mặt văn hóa, các Giáo Hội Địa Phương phản ánh công giáo tính (hoặc đặc tính phổ quát) của Hội Thánh duy nhất Thiên Chúa đã thiết lập; bởi vì, chính nhờ hành động chu toàn sứ mạng của mình ở giữa cũng như đối với những xã hội và những nền văn hóa khác biệt nhau trong môi trường sống của mình, mà Hội Thánh hiện thực hóa được bản chất của mình
13.01 Đặc tính phổ quát hoặc công giáo của Hội Thánh thì hàm ngụ nhiều điều hơn là đơn thuần sự kiện Hội Thánh triển dương rộng lớn về mặt địa dư. Hiến chế về Hội Thánh nói rằng:
“Đặc tính phổ quát này, sáng chói nơi dân Thiên Chúa, là một ân huệ do chính Chúa ban, nhờ đó Hội Thánh Công Giáo không ngừng ra sức tìm những phương cách hữu hiệu để quy tập toàn thể nhân loại, cùng những gì tốt lành nơi họ, về dưới một Thủ lãnh là Đức Kitô, vào trong niềm hiệp nhất với Thần Khí của Ngài. Nhờ đặc tính công giáo ấy, mỗi phần tử mang những ân huệ riêng của mình đến cho các phần tử khác và cho toàn thể Hội Thánh; nhờ đó, toàn thể và mỗi phần tử tăng triển nhờ hiệp thông với nhau và nhờ cùng nhau nỗ lực để tiến đến tình trạng viên mãn trong hiệp nhất” (GH 13).
Đặc tính công giáo chính là “tình trạng viên mãn trong hiệp nhất” ấy.
13.02 Vừa đây, trong dịp kính mừng công trình của hai thánh Xyrilô và Mêthôđiô là những vị đã từng nêu gương nổi bật giữa các gương mẫu xuất chúng nhất trong lịch sử Hội Thánh, của lòng hăng say sống cũng như quảng bá ý niệm phong phú và cụ thể ấy về công giáo tính, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khai triển đoạn viết trên đây của Công đồng, như sau:
“Hội Thánh là công giáo vì cả lý do này nữa: là vì Hội Thánh có khả năng trình bày chân lý mạc khải, được chính Hội Thánh gìn giữ cho toàn vẹn đúng như nội dung Thiên Chúa đã truyền ban, trong mọi bối cảnh sống giữa loài người, với một cách thức làm sao để mang chân lý ấy đến gặp gỡ với những tư tưởng cao thượng và những nguyện vọng chính đáng của mỗi cá nhân cũng như của mỗi dân tộc. Hơn nữa, toàn bộ di sản của những gì là tốt đẹp mà mỗi thế hệ truyền lưu lại cho hậu thế, cùng với món quà vô giá của sự sống: tất cả những điều ấy làm nên như là một bộ tập hợp vĩ đại và muôn màu sắc của vô số những mảnh cùng ghép lại thành bức tranh thể khảm sống động của Đấng Toàn Năng, là Đấng sẽ hiển linh trong huy hoàng sáng chói tột bực lúc Quang lâm.
“Tin Mừng không làm cho ra nghèo nàn hoặc là dập tắt hút đi những gì mà qua dòng lịch sử của mình, mỗi quốc gia dân tộc cá thể và mỗi nền văn hóa cá biệt đã chấp nhận và giữ gìn lại ở trong đời sống, coi đó là những giá trị của chân-thiện-mỹ. Ngược lại, Tin Mừng ra sức thu nhận và phát huy tất cả các giá trị ấy, mở rộng lòng mà hân hoan ứng dụng chúng vào trong cuộc sống, và làm cho chúng nên hoàn hảo nhờ bởi ánh sáng nhiệm mầu cao quý của mạc khải.
“Chiều kích cụ thể của công giáo tính, mà Đức Kitô đã ghi khảm vào tận trong chính bản chất của Hội Thánh, không phải là một điều gì tĩnh, nằm chết một chỗ ở ngoài lề lịch sử, độc điệu tẻ nhạt. Theo một ý nghĩa nào đó, thì cần phải hiểu rằng đặc tính công giáo hằng tuôn trào ra và tăng triển lên mỗi ngày tựa như một cái gì mới phát nguồn từ niềm tin đồng tâm nhất trí của hết thảy những ai tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi, mà Đức Giêsu Kitô đã mặc khải và Hội Thánh hằng tuyên giảng, nhờ quyền năng của Thần Khí. Chiều kích ấy xuất phát một cách tự khởi từ tâm tình ngưỡng mộ tôn trọng — là tâm tình đặc trưng của tình thương huynh đệ — giữa mọi dân nước đối với nhau, nước lớn cũng như nước nhỏ, cũng như từ thái độ thành thực nhìn nhận đặc tính và quyền lợi của hết mọi anh chị em trong đức tin” (Slavorum apostoli, 18).
13.03 Các nguyên lý kiến tạo nên công-giáo-tính toàn vẹn cũng đồng thời là những nguyên lý kytô học, thần khí học và cả nhân chủng học nữa. Công trình của Đức Kitô không phải chỉ có giới hạn ở nơi việc hòa giải các tội nhân với Thiên Chúa mà thôi, nhưng trên nguyên tắc, còn hòa giải trọn cả nhân loại bị tha hóa nữa. “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình, nhờ máu Người đổ ra trên thập giá đem lại bình an…” (Cl 1,19-20). “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay được kết hợp với Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên những người ở gần, nhờ máu Đức Kitô đổ ra. Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm có những điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho hai bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người cả đôi bên chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2,13-18). Vì thế, trong Đức Kitô “không còn phân biệt Hy lạp hay Do thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ hay tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3,11). Công giáo tính của Hội Thánh là phương thế để nhờ đó Hội Thánh trở thành “thân thể” của Đức Kitô, “sự viên mãn của Đấng làm cho tất cả được sung mãn mọi bề” (Ep 1,23).
13.04 Ngày Hiện xuống, Phêrô công khai xác nhận là lời Thiên Chúa hứa đã thực sự ứng nghiệm: “Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên mọi người phàm” (Cv 2,17). Luca cũng miêu tả một hiện tượng được cầm như là một cuộc Hiện xuống thứ hai, khi kể lại rằng: “các tín hữu thuộc giới cắt bì đã cùng đi với Phêrô đến đó, đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thần Khí xuống trên cả các dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người này cũng nói tiếng lạ và tán dương Thiên Chúa” (Cv 10,45-46). Và nếu bây giờ “Thần Khí Chúa chan hòa càn khôn” (Kn 1,7), thì không thể coi là bất chính việc nhận ra được hoạt động của Thần Khí mở đường cho công cuộc loan Tin Mừng giữa những người đã từng nghe Phaolô thuyết giảng tại Athen, để kêu mời họ đi “kiếm tìm Thiên Chúa, may ra dò dẫm mà họ tìm thấy được Người, tuy rằng thực ra Người cũng chẳng ở cách xa bất cứ một ai trong chúng ta” (Cv 17,27). Vaticanô II nhận định rằng: “Vì Đức Kitô đã chết cho mọi người, và vì thực ra, mọi người đều được kêu gọi để đi về cùng một tiêu đích tối hậu duy nhất, trong Thiên Chúa, cho nên, ta phải cầm chắc rằng Thần Khí hằng ban cho mọi người có cơ hội thông dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy, trong cách thức mà chỉ có Chúa mới biết” (MV 22). Đức Gioan Phaolô II dựa theo nhận định trên đây của Công đồng mà xây dựng giáo thuyết của ngài về sự việc Thần Khí hiện đang hoạt động ở trong thế giới, ở trong các cá nhân, ở trong hết thảy những ai nhờ Người tác động mà biết “phụng tự Thiên Chúa bằng tinh thần và bằng sự thật, trong những ai đang hoạt động để hiệp nhất toàn thể nhân loại nên một; và như vậy, Hội Thánh cũng là bí tích, là dấu chỉ và là khí cụ qua đó, Thần Khí của sự sống hiện diện và hoạt động”, tại bất cứ nơi nào Hội Thánh đang sinh hoạt (Dominum et vivificantem , 53-54,64).
13.05 Xét theo quan điểm nhân chủng học, thì công giáo tính có nền tảng ở trong công trình tạo dựng vạn vật; nhìn công trình ấy, Thiên Chúa đã thấy là những tạo vật muôn màu muôn vẻ mà Ngài đã dựng nên trong sáu ngày thì đều “rất tốt lành” (St 1,30). Thiên Chúa ra lệnh cho người nam và người nữ là “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và hãy thống trị mặt đất” (St 1,28). Kết quả tiếp theo mệnh lệnh ấy là vô số những công cuộc vĩ đại do xã hội và văn hóa loài người làm ra, mang muôn hình thái và màu sắc rực rỡ. Theo Công đồng thì những thành quả kia của trí khôn và tự do, của thiên tài và cố gắng loài người, chẳng những không làm cho con người trở thành “đối thủ cạnh tranh với Đấng Tạo Hóa, nhưng ngược lại, các thắng lợi của loài người là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa cao cả, và là thành quả phát nguyên từ ý định khôn lường của Người” (MV 34). Nếu các thành tựu của loài người cần phải được tinh luyện và chữa lành cho khỏi mọi tỳ vết tội lỗi và khiếm khuyết, thì không phải vì thế mà một thiên năng cảm nhận đích thực công giáo lại không nhận ra ngay được là ở trong “hoa quả ruộng đất và lao công của con người” như thế, có những yếu tố không phải là để hủy bỏ, nhưng là để được nâng lên tới mức viên mãn siêu việt, khi chúng được thu nhận vào trong mầu nhiệm của Đức Kitô …, Và “hễ càng biết tôn trọng những đặc nét của các nền văn hóa khác nhau bao nhiêu, thì càng có sức để cổ xúy và biểu thị hữu hiệu mối hiệp nhất trong nhân loại hơn bấy nhiêu” (MV 54). Chống lại mọi thành kiến trái nghịch khác, Công đồng đã khẳng định rằng Hội Thánh không bao giờ “bị ràng buộc một cách chuyên nhất và bất khả phân ly với bất cứ một chủng tộc hay một quốc gia nào, với bất cứ một lối sống đặc thù hoặc một tập tục cũ hay mới nào” (MV 58). Trong chiều hướng đó, Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu thêm rằng: “Mọi cá nhân, mọi dân nước, mọi nền văn hóa hay văn minh, đều đóng một vai trò và có một chỗ đứng ở trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, và ở trong lịch sử cứu độ phổ quát” (Slavorum apostoli , 29).
13.06 Vì các lý lẽ nêu trên đây, những khác biệt dị đồng và những sắc thái đa dạng trong Hội Thánh không phải là những gì làm cản trở hoặc gây đe dọa cho sự hiệp nhất, nhưng là những nhân tố cốt yếu của điều mà Đức đương kim Giáo Hoàng gọi là “chiều kích cụ thể của công-giáo-tính”, và đã miêu tả với những hình ảnh đầy thi vị, “như là một bản đại hòa tấu được dệt thành do nhiều hình thức phụng vụ khác nhau với đủ mọi thứ tiếng nói trên thế giới cùng hợp lại trong một quy điển phụng vụ duy nhất, hoặc như là một ca đoàn du dương cất lên tiếng hát uyển chuyển của vô số quần chúng nhân gian từ mọi nơi trên quả đất và trong mọi thời đại lịch sử, hân hoan gióng cao muôn khúc ca nhịp nhàng trầm bổng để ca tụng tán dương Thiên Chúa” (Slavorum apostoli , 17).
13.07 Công đồng đã đưa ra nhiều cách phác họa ý nghĩa được phục hồi của công giáo tính. Thí dụ: miêu tả công giáo tính như là công cuộc của “Chúa Quan Phòng đã muốn các Giáo Hội khác nhau, do các tông đồ và những đấng kế vị thành lập tại nhiều nơi khác nhau theo dòng thời gian, tụ họp lại thành nhiều nhóm liên kết với nhau như trong cùng một hệ thống. Các nhóm này có kỷ luật và phụng vụ riêng, thừa hưởng di sản thần học cùng thiêng liêng riêng mà vẫn không phương hại đến sự hiệp nhất đức tin và bản chất duy nhất cũng như thần linh của Hội Thánh phổ quát”. Rồi bằng một câu tuyệt diệu, Công đồng đã đề cập đến các bước phát triển theo đường hướng ấy: “Cùng sát cánh hướng về với hiệp nhất, nên càng có những nét khác biệt nhau như thế, thì các Giáo Hội Địa Phương càng minh chứng rõ ràng đặc tính công giáo của một Hội Thánh không phân rẽ” (GH 23). Sau đó, trong Sắc lệnh về các Giáo Hội đông phương, Công đồng đã nhắc lại niềm xác tín ấy, nói rằng:
“Các Giáo Hội này hiệp thông với nhau một cách lạ lùng đến nỗi những sắc thái khác biệt trong Hội Thánh không những không phương hại đến hiệp nhất mà còn làm cho hiệp nhất tỏ rạng thêm. Thật ra, Hội Thánh Công giáo hằng muốn bảo toàn hết các truyền thống của từng Giáo Hội hay các lễ chế riêng biệt, và đồng thời cũng hằng muốn thích nghi nếp sống của mình với các nhu cầu khác nhau tùy theo thời gian và nơi chốn” (ĐP2)
Công đồng còn nhắc lại như sau về một điểm đã được đề cập đến ở trong Sắc lệnh về Hiệp Nhất:
“Ngay từ buổi đầu, các Giáo Hội Đông phương đã theo những quy luật riêng được các thánh Giáo Phụ, các Công đồng địa phương và cả các Công đồng chung phê chuẩn. Vì các khác biệt về phong tục và tập quán đã nhắc tới trên kia, chẳng những không mảy may cản trở sự hiệp nhất, mà còn tăng thêm vẻ đẹp của Hội Thánh và góp phần không nhỏ vào việc chu toàn sứ mệnh của Hội Thánh nữa; thế nên, để đánh tan mọi nghi ngờ, Thánh Công đồng tuyên bố là: các Giáo Hội Đông phương có quyền tự trị theo các kỷ luật riêng, miễn là biết ý thức rõ về mối hiệp nhất thiết yếu của toàn thể Hội Thánh, vì các quy luật riêng này phù hợp với bản chất của tín hữu họ hơn và có đủ điều kiện hơn để mưu ích cho các linh hồn. Tuân thủ cho trọn nguyên tắc truyền thống này, – mà thực ra, không phải bao giờ cũng được tôn trọng, – là đã ứng đáp được một trong những điều kiện tiên quyết để tái lập hiệp nhất” (HN 16).
13.08 Truyền thống đáng kính này về đặc tính công giáo với muôn vàn sắc thái khác biệt nhau trong cùng một Hội Thánh duy nhất, cũng đã khơi hứng cho Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo. Văn kiện này có thể được mệnh danh là sách giáo khoa để thực hiện công tác “công giáo hóa” Hội Thánh một cách cụ thể. Sắc lệnh khuyến dụ các tín hữu hãy quan tâm làm sao để tránh cho Hội Thánh khỏi phải bị coi là một nhân tố xa lạ tại trong các nền văn hóa và các xã hội của họ (xem GH 31).
Đảm nhận phận vụ này là các kitô hữu sẽ làm cho mầu nhiệm công giáo của Đức Kitô nên trọn:
“Đâm chồi nẩy lộc từ trong lòng đất mầu mỡ đượm nhuần sương thiêng, hạt giống, tức là Lời Chúa, hấp thu, biến đổi và tiêu hóa mầu mỡ ấy, để sau cùng mang lại những hoa trái dồi dào. Thật vậy, cũng hệt như trong chương trình Nhập Thể, các Giáo Hội trẻ, một khi đã được đâm rễ vào trong Đức Kitô và đã được xây dựng trên nền tảng các tông đồ, thì có được sức năng kỳ diệu để hấp thu tất cả những gì là phong phú nơi các dân nước đã từng được trao cho Đức Kitô làm gia nghiệp (xem Cv 2,8). Các Giáo Hội ấy sẽ biết rút ra từ những tập quán và truyền thống, từ lẽ khôn ngoan và nền văn hóa, từ những nghệ thuật và khoa học của các dân tộc mình, tất cả những gì có thể góp phần vào việc ca ngợi vinh quang của Đấng Tạo Hóa, làm tỏ rạng ân sủng của Đấng Cứu Thế, cũng như vào việc tổ chức đời sống kitô cho tốt đẹp” (TG 22).
13.09 Như vậy, không có gì là nghịch lý khi đưa ra nhận định nói rằng việc quan tâm trở lại kể từ thời Công đồng, đối với thần học về Giáo Hội Địa Phương, cho thấy là Vaticanô II đã thực sự phục hồi ý nghĩa của đặc tính công giáo, coi nó như là “tình trạng viên mãn trong hiệp nhất”. Vì đặc tính công giáo và sắc thái địa phương không đối nghịch lẫn nhau. Sắc thái địa phương chính đáng — nghĩa là sự việc đâm rễ vào trong những thực tại khác biệt phong phú của những gì là con người với muôn hình thái đa dạng — là cuộc hiện thực hóa, là mức thành toàn của đặc tính công giáo cụ thể. Hội Thánh duy nhất chỉ đích thực và cụ thể là công giáo ở trong và nhờ bởi thực trạng đa dạng của đông đảo các Giáo Hội Địa Phương khác nhau; và các Giáo Hội Địa Phương thì chỉ đích thực là công giáo ở trong niềm viên mãn của cùng một mối hiệp thông duy nhất.
13.10 Thế nên, phân cách Hội Thánh phổ quát và các Giáo Hội Địa Phương ra làm hai phía, và coi đó như là những thực thể đối chọi nhau, là một việc làm hết sức nhầm lẫn. Hội Thánh phổ quát chỉ có thể hiện hữu sinh tồn ở trong và từ bởi các Giáo Hội Địa Phương mà thôi, và các cộng đồng địa phương sẽ không phải là những Giáo Hội, nếu không phải là công giáo. Nơi nào có sự việc đối chọi giữa hai thực thể ấy, thì nơi đó hẳn đang có một ngộ nhận xảy ra. Ngộ nhận cũng xảy ra những khi đặc tính phổ quát được quan niệm không phải như là công-giáo-tính cụ thể, song như là một thứ liên minh, một chính sách đồng hóa về mặt hành chánh, cơ cấu tổ chức hay chính trị; hoặc những khi tính chất địa phương được quan niệm một cách ẹp hòi, nhuốm mùi vị chủng, như là một cái gì chỉ thu gọn ở trong một dân nước, một chủng tộc. Điều chủ chốt ở đây là cần phải tìm lại cho được ý nghĩa cụ thể của tính chất công giáo: không giống với tính chất hoàn vũ hay phổ quát, tính chất công giáo không đối ngược lại với tính chất cá biệt; nhưng ngược lại, nó duy trì, nâng cao và hòa nhập những gì là cá biệt vào trong một mối hiệp nhất lớn rộng và đầy đủ hơn, quanh một tâm điểm chung là Chúa Kitô.
Luận đề 14
Từ tận trong tâm can của mình, các Giáo Hội Địa Phương mang bản chất công giáo; điều đó có nghĩa là các cộng đoàn này chỉ thực sự là những Giáo Hội khi họ được cấu thành bởi sự kiện thông dự vào trong mầu nhiệm Đức Kitô, là Đầu của toàn thể Hội Thánh. Như vậy, trong Đức Kitô cùng Thần Khí của Người, và nhờ những mối quan hệ của hiệp thông phổ quát, về mặt thiêng liêng cũng như luật pháp, các cộng đoàn ấy được liên kết với tất cả các Giáo Hội Địa Phương khác, để cùng nhau hợp quần trong một Hội Thánh duy nhất phổ quát.
14.01 Một cộng đoàn địa phương sống đức tin, thì dự phần vào trong niềm viên mãn của Đức Kitô và Thần Khí Người. Vương quyền của Đức Kitô và quyền năng của Thần Khí vượt lên trên mọi tính cách riêng biệt và hòa nhập tất cả chúng vào trong cùng một niềm viên mãn của hiệp nhất. Vì thế, hết thảy mọi Giáo Hội cũng chỉ là một Hội Thánh duy nhất, bởi vì có thể nói lại với mọi Giáo Hội những gì Phaolô đã từng nói với cộng đoàn Ephêxô: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã nhận được ơn kêu gọi để chia sẻ cùng một niền hy vọng. Chỉ có một Đức Chúa, một niềm tin, một phép rửa, chỉ có một Thiên Chúa, là Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, giữa mọi người, và trong mọi người” (Ep 4,4-6). Và chính nhờ vào nền tảng của ơn hiệp nhất ấy, mà tín hữu Ephêxô gắn bó với bổn phận tuân theo lời chỉ bảo của tông đồ dạy rằng: “Hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (câu 3). Mối giây gắn bó một Giáo Hội Địa Phương lại thành một Thân Thể trong cùng một Thần Khí, cũng chính là mối giây gắn bó Giáo Hội ấy với các Giáo Hội Địa Phương khác, tức là với chính Hội Thánh Công giáo duy nhất. Thế nên, tính chất công giáo không phải chỉ là một danh xưng để chỉ một thuộc tính ngoại tại và thứ yếu của Giáo Hội Địa Phương, nhưng thực sự là cấu tố làm cho bản chất của Giáo Hội ấy nên toàn vẹn, như là Thân Thể của Đức Kitô.
14.02 Nếu đã có mối nguy nhầm lẫn công-giáo-tính với một hình thức phổ quát độc điệu nào đó, thì cũng có mối nguy bóp méo biến dạng công-giáo-tính trở thành một thái độ duy cá biệt mang nặng khuynh hướng phân rẽ, đưa đến chỗ phản bội sự duy nhất của niềm viên mãn công giáo. Mối nguy phân rẽ này, Tân Ước cũng đã vén mở cho thấy ở trong các Giáo Hội Địa Phương đầu tiên. Tông đồ Phaolô đã phải đối phó với những mối chia rẽ ở trong các Giáo Hội tại các nơi như Corintô, Galata, và Ephêxô. Tại thành Ephêxô này, có thể những lời kêu gọi hợp nhất mà Phúc Âm thứ tư tha thiết gióng lên, cũng chỉ là để ứng đối với một tình thế đang bị nguy cơ ly khai đe dọa. Trong hầu hết mọi thời đại của lịch sử Hội Thánh, cũng đã thấy có những mối đe dọa ly khai còn rộng lớn hơn thế nữa, và thường thì các cuộc ly khai đều xảy ra chỉ vì người ta lo nhấn mạnh quá nhiều đến những đặc nét chủng tộc, văn hóa hay quốc gia, đến độ chối bỏ mất đi niềm hiệp nhất công giáo.
14.03 Vì thế, từ thời Tân Ước trở về sau, trong các Giáo Hội đã thấy xuất hiện những thừa tác vụ phụng sự hiệp nhất, có trách nhiệm gìn giữ cho các cộng đoàn sống liên kết với nhau trong đức tin tông truyền và trong tình yêu thương đối với nhau. Việc xuất hiện chức vụ giám mục và vai trò đặc biệt của Giám mục Roma cho thấy nhu cầu cần phải tiếp tục vai trò liên kết hiệp nhất của các Tông đồ, nghĩa là của những Vị sáng lập Hội Thánh. Do đó, Vaticanô II đã gọi các Giám mục là “nguyên lý và là nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo Hội Địa Phương”, và Giám mục Roma là “nguyên lý và là nền tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa các tín hữu” (GH 23). Phận vụ của các vị là làm những người phục vụ hữu hình cho niềm hiệp nhất trong đức tin và đức mến, tức là cho niềm hiệp nhất mà chính Thần Khí là nguyên lý vô hình. Phận vụ ấy là dấu chỉ của giây liên hệ mật thiết giữa hai nguyên lý thần linh và nhân loại. Không đâu Hội Thánh biểu thị sắc thái vừa địa phương mà vừa là công giáo rõ cho bằng ở trong Thánh Thể; trong đó, cùng một lúc, cộng đoàn cầu nguyện cho được hiệp thông với Giám mục địa phương và với Giám mục Roma.
14.04 Trong khi trình bày giáo lý về tập thể tính (collegiality ), Vaticanô II đã cố tìm cách diễn đạt trách nhiệm của phận vụ nói trên đây đối với mối hiệp nhất tại địa phương cũng như phổ quát trong toàn cầu, làm sao cho cân xứng với tính chất công giáo thật sự cụ thể mà Công đồng vừa phục hồi lại. Công đồng dạy rằng: “Vì gồm nhiều thành viên khác nhau, nên đoàn thể các Giám mục thể hiện tính cách đa dạng và tính chất phổ quát của Dân Thiên Chúa; nhưng đồng thời, vì quy tụ dưới một (người đứng đầu) vị thủ lãnh duy nhất, nên đoàn thể các Giám mục biểu hiện niềm hiệp nhất của đàn chiên thuộc về Đức Kitô” (GH 22). Rồi Công đồng nói tiếp: “Mỗi Giám mục đại diện cho Giáo hội mình, còn tất cả các Giám mục cùng với Giáo Hoàng thì đại diện cho toàn thể Hội Thánh, trong một mối liên kết hoà bình, yêu thương và hiệp nhất” (GH 23). Nếu các Giáo Hội Địa Phương khác nhau cùng biểu dương sáng chói đặc tính công giáo của một Hội Thánh không phân rẽ, thì đó chỉ vì tất cả đều có cùng một khát vọng chung, khát vọng hiệp nhất. Nếu có những Giáo Hội Địa Phương duy trì các truyền thống cá biệt của mình một cách chính đáng, thì cũng có “Tòa Thánh Phêrô chủ trì toàn bộ cộng đoàn đức ái, và bảo quản các dị biệt chính đáng cùng đồng thời lưu tâm để những gì là khác biệt không phương hại, nhưng trái lại, còn sinh ích cho hiệp nhất nữa” (GH 13). Cũng như Giám mục Roma có nhiệm vụ bảo quản những nét cá biệt của các Giáo Hội Địa Phương, thì cũng vậy, các Giám mục địa phương “có nhiệm vụ phát huy và bảo vệ sự hiệp nhất đức tin cùng kỷ luật chung của cả Hội Thánh, cùng dạy cho các tín hữu biết yêu mến toàn bộ Nhiệm Thể Đức Kitô” (GH 23).
14.05 Tiếp theo sau nhiều thế kỷ dài sống quen với hình thức tổ chức tập quyền độc dạng gây cơ nguy làm mờ đục các chiều kích cụ thể của công giáo tính đi, nếu có một vài tình trạng giằng co căng thẳng gặp thấy trong khi tiến hành cuộc phát huy cảm thức về “niềm viên mãn trong hiệp nhất” của Hội Thánh mà Công đồng đã phục hồi lại được, thì đó là chuyện rất dễ hiểu. Những tình trạng căng thẳng ấy đã xuất hiện rõ hầu như trong mọi kỳ họp Thượng Hội Đồng Giám mục kể từ sau Công đồng. Nhìn theo ánh sáng của khoa giáo hội học về ”Một Hội Thánh duy nhất trong nhiều Giáo Hội” mà chúng tôi đã đặc biệt căn cứ vào giáo huấn của Công đồng để trình bày ở đây, thì sẽ nhận ra rằng mối nguy trầm trọng còn đang đe dọa nhiều nhất hiện nay, là quan niệm coi hoặc đối xử với các thực trạng căng thẳng ấy như thể là những thái cực đối nghịch giữa “các Giáo Hội Địa Phương” và “Hội Thánh Hoàn Vũ,” và dồn trách nhiệm đối với các Giáo Hội kia lên trên vai của chỉ một mình các Giám mục địa phương; còn trách nhiệm đối với Hội Thánh Hoàn Vũ thì lại để trọn lên tr6en vai của chỉ một mình Giám mục Roma mà thôi. Giáo huấn của Công đồng về hiệp thông công giáo không cho phép quan niệm theo kiểu những thái cực đối nghịch nói trên đây, bởi lẽ, Hội Thánh toàn thể chỉ hiện hữu ở trong và từ bởi các Giáo Hội Địa Phương; còn các Giáo Hội Địa Phương thì chỉ khi biết hội nhập và lưu lại ở trong niềm hiệp thông hoàn vũ, mới được trở thành thực sự là Giáo Hội. Và chỉ khi biết quy hướng về với hiệp nhất, thì các khác biệt mới thật sự thực hiện được tình trạng viên mãn trong hiệp nhất đích thực. Rồi cùng lúc, giáo huấn của Công đồng về tập thể tính của hàng giám mục cũng đã ngăn ngừa một quan niệm không đúng đắn trong cách thức phân bổ trách nhiệm giữa các Giám mục và Giám mục Roma, bởi lẽ những thủ lãnh của các Giáo Hội Địa Phương không phải chỉ đại diện riêng cho các cộng đoàn đức tin của các vị mà thôi, nhưng còn cho cả Hội Thánh toàn thể nữa; và vị thủ lãnh của Hội Thánh Toàn Vũ chưa có thể chủ trì một Hội Thánh thực sự toàn vẹn được, bao lâu Hội Thánh ấy chưa thực sự là công giáo một cách thiết thực và cụ thể.
Luận đề 15
Những mối dây hiệp thông và liên đới giữa các Giáo Hội Địa Phương và giữa các Giám mục của họ được thể hiện qua các Hội đồng Giám mục. Về phương diện lịch sử và thần học, các Hội đồng này bắt nguồn từ những bước phát triển trong các cơ cấu Hội Thánh thời sơ khai. Các Hội đồng Giám mục là những khí cụ đặc biệt cần thiết và hữu hiệu đối với công tác cổ xúy sứ mệnh của Hội Thánh tại mỗi dân nước và trong vùng Á Châu, cũng như đối với nổ lực để thể hiện các chiều kích cụ thể của công giáo tính.
15.01 Những mối dây hiệp thông và liên đới giữa các Giáo Hội Địa Phương đòi phải được thể hiện một cách cụ thể bằng những cơ cấu có tính cách cố định của việc hợp tác và liên đới giữa các Giám mục. Một hình thức hiện hành của cơ cấu ấy là các Hội đồng Giám mục trong một nước, một miền hoặc trong cả một lục địa.
15.02 Xét về mặt lịch sử và thần học, những hình thức Hội đồng giám mục như vậy bắt nguồn từ những bước phát triển trong các cơ cấu Hội Thánh thời sơ khai. Vào hầu như cùng một thời với cách quan niệm chức giám mục theo thể chế quân chủ được chấp nhận ở khắp nơi trong mọi Giáo hội, các Giám mục đã bắt đầu nhóm họp với nhau trong các Hội đồng miền (regional synods ), để bàn thảo và lấy ý kiến chung về những vấn đề cần phải giải quyết. Như vậy, các Hội đồng đã phát nguồn từ ý thức về nhu cầu cần phải sống tinh thần hợp tác, liên đới và hiệp thông ở trong Hội Thánh.
Hơn nữa, Công đồng còn dạy rằng:
“Do sự an bài của Chúa Quan Phòng, theo dòng thời gian, các Giáo Hội khác nhau … đã tụ họp lại thành nhiều nhóm liên kết với nhau như trong cùng một hệ thống. Các nhóm này có kỷ luật riêng, phụng vụ riêng, và thừa hưởng di sản thần học cùng thiêng liêng riêng mà không phương hại đến sự hiệp nhất đức tin cũng như bản chất duy nhất và thần linh của Hội Thánh phổ quát. Một số trong các Giáo Hội ấy, nhất là những Giáo Hội cổ xưa do các Giáo chủ lãnh đạo, đã như các bà mẹ trong đức tin, sinh ra nhiều Giáo Hội khác như là con cái của mình, và cho đến ngày nay, các Giáo Hội ấy vẫn còn liên kết với nhau bằng mối dây đức ái mật thiết trong đời sống bí tích và trong sự tôn trọng quyền lợi cùng nghĩa vụ lẫn nhau. Các Giáo Hội Địa Phương tuy có khác nhau như thế, nhưng cũng đều quy hướng về với hiệp nhất, cho nên càng minh chứng rõ ràng hơn tính chất công giáo của một Hội Thánh không phân rẽ” (GH 23).
15.03 Cuối cùng, từ những thời xa xưa, đã thấy có những Giáo Hội cá thể (individual Churches ) với di sản phụng vụ, thần học, tu đức và kỷ luật riêng: di sản ấy mang những nét cá biệt dính liền với những trạng huống văn hóa cũng như lịch sử của một dân tộc, và được thể hiện qua một lối sống đạo thính ứng cho riêng từng Giáo Hội theo luật lệ riêng (xem Schema Codicis Iuris Canonici Orientalis , 1988, điều 27,2). Công đồng ca tụng về “mối hiệp thông kỳ diệu” của các Giáo Hội này, và tỏ lòng kỳ vọng mong sao cho các truyền thống của họ được bảo toàn “trọn vẹn và nguyên tuyền” (ĐP 2). Hơn nữa, Công đồng đã long trọng nói lên ước nguyện muốn cho nguyên tắc cổ truyền về việc tôn trọng quyền tự trị của các Giáo Hội ấy, được tuân thủ nghiêm chỉnh hơn, chứ không phải là một cách lơ là như đôi lúc vẫn thấy ở trong quá khứ (xem HN 16).
15.04 Không một kiểu mẫu nào trong các hình thức cổ xưa dùng để thể hiện mối hiệp thông giữa các Giáo Hội trong cùng một miền, hoặc tình liên đới giữa các Giám mục trong vùng, có thể được coi là hoàn toàn giống đúng với cơ chế hiện hành của các Hội đồng Giám mục. Nhưng dù sao, các hình thức ấy cũng chỉ cho thấy một hướng đi để theo đó mà tìm kiếm một căn bản thần học cho cơ chế của các Hội đồng Giám mục. Đúng thế, Vaticanô II đã coi các Hội đồng Giám mục có liên hệ trước tiên với các tổ chức quy tập nhiều Giáo Hội thời xưa: “Cũng thế, ngày nay các Hội đồng Giám mục có thể góp phần bằng nhiều thể cách khác nhau và hữu hiệu để cụ thể hóa tinh thần tập thể (giữa giám mục đoàn)” (GH 23). Còn trong Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục, thì sau khi nhắc nhở lại những mẫu gương liên đới giữa các Giám mục trong các Hội đồng hay Công đồng địa phương, Công đồng cũng đã khuyên là hãy nên chính thức công nhận các Hội đồng Giám mục (xem GM 36-37).
15.05 Muốn xây dựng căn bản cho một nền thần học về các Hội đồng Giám mục, thì chỉ cần nêu lên ở đây một số điểm xem ra vững chắc về phương diện thần học. Thứ nhất: ngày nay, cả các thần học gia lẫn các giáo luật gia đều nói đến những cấu tố chủ yếu của Hội Thánh mà chính Đức Kitô và các tông đồ đã thật sự để lại cho chúng ta, nhưng còn cần phải được thể hiện (hiện thực hóa) qua nhiều hình thái khác nhau, tùy vào những thời điểm và những hoàn cảnh khác nhau. Những mẫu gương hiệp thông giữa các Giáo Hội trong cùng miền nêu trên đây, minh họa rõ về điểm này. Nếu thế, thì có thể dùng các thuật ngữ cổ truyền de jure divino (thuộc thần luật) và de jure ecclesiastico (thuộc giáo luật) mà nói rằng các Hội đồng Giám mục là thuộc lãnh vực giáo luật, nhưng lại có căn bản ở trong thần luật.
Cần phải lưu ý đến điểm này là dù trên nguyên tắc, việc phân biệt giữa những gì thuộc thần luật với những gì thuộc giáo luật, xem ra hết sức rõ ràng và chính xác, thì thường là rất khó (và có lúc không thể nào) mà phân biệt cho được trong cuộc sống thực tế và trong các cơ chế cụ thể của Hội Thánh, những gì thuộc thần luật và những gì (chỉ) là thuộc giáo luật.
15.06 Thứ hai: liên quan tới uy thế và vai trò của Hội đồng Giám mục theo tư thế là những dấu chứng của tập thể tính (của giám mục đoàn), cần phải lưu ý là Công đồng Vaticanô II hiểu từ ngữ và thực thể “tập thể tính” theo hai ý nghĩa hẹp và rộng. Tập thể tính theo nghĩa hẹp bao hàm hoạt động của toàn bộ giám mục đoàn trên khắp thế giới, cùng hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, khi bàn thảo về đề tài này (xem GH 22-23), Công đồng đã kể ra nhiều trường hợp trong đó, tập thể tính của giám mục đoàn được hiểu theo một ý nghĩa rộng hơn; nếu thế, thì trong thực tế, Công đồng hiểu “tập thể tính” một cách loại suy, và đến một mức độ nào đó, như là một khái niệm còn chưa xác định hẳn. Vì vậy, khái niệm này cũng có thể bao gồm được cả thể chế hiện hành của các Hội đồng giám mục nữa.
15.07 Căn cứ vào những điểm vừa được bàn đến (15.05, 15.06), sau đây, chúng tôi xin trình bày những đường nét đại cương của một nền thần học về Hội đồng Giám mục:
Chỉ khi nào việc tự cấu thành chính mình (own self-constitution) như là mầu nhiệm của Đức Kitô, đạt tới mức độ thực sự trở thành một thái độ dấn thân ứng đáp cho những yêu cầu và thách đố gặp thấy nơi các xã hội và các nền văn hóa, trong đó mình đã được Lời Đức Kitô và ơn của Thần Khí làm phát sinh nên, thì lúc đó, Hội Thánh mới thực sự là công giáo một cách thiết thực và cụ thể. Trong tiến trình ấy, Hội Thánh thu nhận, duy trì, cổ vũ và hòa nhập vào trong niềm viên mãn của hiệp nhất, những di sản xã hội, lịch sử và văn hóa của các dân tộc trong nơi mình sinh trưởng. Những mối dây liên đới tự nhiên giữa các cộng đoàn và các truyền thống đó không bị tiêu tán đi, song được đón nhận vào trong niềm hiệp thông của Hội Thánh. Thật sự thì chính những mối dây liên đới ấy phần lớn đã từng làm nền móng cho các tổ chức quy tập nhiều nhóm Giáo Hội thời xưa mà Công đồng không ngớt đề cao. Vì vậy, trong cùng một Hội Thánh duy nhất, không những có hai mối hiệp thông mà thôi: tức là hiệp thông cá thể trong trong giáo phận và hiệp thông phổ quát trong khắp thế giới, nhưng còn có những hình thức hiệp thông trong từng miền với những dây liên hệ nối kết về phương diện tự nhiên, cũng như về mặt lịch sử và văn hóa nữa. Và như thế, chính ở trong các hình thức hiệp thông xưa và nay như thế giữa các Giáo Hội cá thể, cần phải khám phá cho ra nền tảng thần học đích thực của những hình thái hiệp thông và hợp tác, tương tự như trong trường hợp hiện hành của các Hội đồng Giám mục.
15.08 Nếu những gì Công đồng dạy liên quan đến tính chất công giáo cụ thể được đón nhận một cách nghiêm chỉnh, thì thế tất giáo huấn ấy cũng phải được thể hiện ra trong thực tế bằng những hình thức biểu đạt thích đáng về mặt pháp lý. Hội đồng Giám mục hẳn là một trong các hình thức biểu đạt ấy. Và nếu Bộ Giáo luật mới đã nới rộng rất nhiều vai trò của các Hội đồng ấy, thì chính là để cho các Giáo Hội Địa Phương trong một miền riêng biệt, đảm nhận trách nhiệm nhiều hơn đối với công tác làm cho Hội Thánh được hiện thực hóa ngay ở trong những bối cảnh và trạng huống riêng biệt của họ.
15.09 Các Hội đồng Giám mục của một nước hoặc một miền — và có thể kể thêm vào đó cả những Liên hiệp các Hội đồng Giám mục trong một vùng lớn rộng hoặc là trong một lục địa (thí dụ: FABC, CELAM, CCEE, SECAM, AMECEA, v.v.) — là những cơ cấu hiện đang tỏ ra đặc biệt hữu hiệu và hữu ích cho thời đại này, cả trên bình diện lý thuyết lẫn trong bình diện thực hành. Đức Phaolô II đã nhận định về các Hội đồng Giám mục và coi đó là những tổ chức “rất cần thiết, rất hữu ích, và đôi lúc không thể thiếu được”, bởi vì, những Hội đồng như thế ứng đáp thích đáng cho những đòi hỏi của thời đại và tỏ ra thực sự là khí cụ hữu hiệu để đảm bảo cho hoạt động của các Giám mục có được sự hiệp nhất cần thiết” (Phần mở đầu văn kiện của Bộ đặc trách về các Giám Mục: “ Theological and Juridical Status of Episcopal Conferences ”).
15.10 Các Hội đồng Giám mục làm cho các Giám mục có cơ hội gặp gỡ và học hỏi nghiên cứu — trong tư thế là một cơ cấu tập thể (collegial body ) — về các vấn đề và hoàn cảnh chung mà mỗi giáo phận đang gặp phải, cũng như có dịp để bàn thảo một cách sâu rộng hơn và với những dữ kiện đầy đủ hơn, về các vấn đề ấy, để rồi nhờ Thần Khí hướng dẫn mà đạt tới chỗ thỏa thuận một cách chắc chắn và mau lẹ hơn, về những gì được coi như là một quyết định chung, hoặc là một hành động chung nếu hoàn cảnh cho phép và nếu các vị muốn. Cho dù còn có nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong phương cách tiến hành, thì không ai có thể phủ nhận được những lợi ích do các Hội đồng Giám mục mang lại.
15.11 Để kết thúc phần bàn thảo về Hội đồng Giám mục, chúng tôi xin được lưu ý đến nhận định đánh giá rút ra từ kinh nghiệm sống của Liên Hiệp các Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), mà Kỳ họp khoáng đại lần thứ ba của Liên hiệp (Bangkok-Sampran 1982) đã đưa ra trong bản tuyên ngôn cuối cùng.
Bản tuyên ngôn đã nêu ra một số những ích lợi của FABC, như sau:
-
việc quen biết và hiểu nhau, cũng như sống tình bạn và có những mối dây liên đới sâu đậm giữa các Giám mục Á Châu đối với nhau đã tăng triển thêm nhiều;
-
-tinh thần chia sẻ suy tư mục vụ và truyền giáo, chia sẻ nhận định về những lập trường cần phải có, về cách xử sự, về các chương trình và sáng kiến, cũng như chia sẻ cả đến nhân sự, khả năng chuyên môn và những tài nguyên hoặc phương tiện khác;
-
việc cùng nhau giải quyết những vấn đề và những khó khăn chung, cũng như cùng nhau tiến dần tới chỗ có một lập trường đồng nhất hơn trong cách nhìn về cuộc sống và tương lai, trong cách nhận định các giá trị và các thứ bậc ưu tiên cho các dự án;
-
thái độ đóng góp đối với công tác suy tư đối với việc phân định và chọn lựa trong các lãnh vực thần học và mục vụ, đang tiến hành trong các Giáo Hội tại các lục địa khác , cũng như đối với đường hướng tư tưởng và những phương sách hành động của các cơ chế hành chính trung ương của Hội Thánh ;
-
và (cần phải nhấn mạnh đặc biệt đến) mức hiểu biết cao rộng hơn cũng như lòng quý trọng sâu đậm hơn đối với ý nghĩa cùng vai trò của Tòa Thánh Phêrô trong Hội Thánh Công giáo Hoàn vũ.
15.12 Bản tuyên ngôn của FABC III kết thúc với những lời lẽ như ghi lại sau đây, vén mở cho thấy một công tác khác — có lẽ là bất ngờ — mà các Hội đồng Giám mục và Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á Châu quyết định thực hiện để phục vụ Hội Thánh và thế giới:
“Sứ điệp của cuộc họp mặt lịch sử giữa các Giám mục Á Châu, vào năm 1970, đã nói đến việc ‘hợp tác để liên kết thế giới mới của Á Châu lại thành một đại gia đình quy tập hết mọi dân nước sống trong phần đất này của thế giới, không phải đơn thuần bằng những mối liên hệ về mặt địa dư không thôi, nhưng còn bằng cả những mối dây cảm thông và trọng kính lẫn nhau, cùng những mối dây cao quý của tình huynh đệ và yêu thương nữa’.
“Mong rằng trong một cách thức nhỏ bé nào đó, Hội Thánh tại Á Châu trở thành bí tích – tức là dấu chỉ và là khí cụ (xem GH 1; MV 40) – của mối hiệp nhất ấy giữa các dân tộc chúng ta: đó chắc chắn là một trong những hoài bão mà FABC hằng tha thiết ấp ủ trong lòng, và chúng tôi thâm tín rằng trong nhiệm ý của Chúa, những năm vừa trôi qua không phải là khoảng thời gian vô nghĩa đối với việc thể hiện niềm khát vọng ấy”.
15.13 Hội Thánh không hiện hữu cho riêng mình, không sống cho một mình mình, nhưng là để làm người tôi tớ phục vụ cho công cuộc cứu độ của Đức Kitô trong lịch sử, ngõ hầu Nước Thiên Chúa trị đến: Nước Thiên Chúa đang hiện diện, nhưng đồng thời cũng đang đến gần. Giáo Hội Địa Phương đảm nhận cùng một ơn gọi và cùng một sứ mệnh ấy, ở tại nơi và ở vào thời điểm mà Thiên Chúa đã đặt định: tại đó, Giáo Hội có bổn phận phải mang hy vọng và tình thương mà “tuôn đổ cho tràn đầy mọi khoảng trống”; tại đó, Giáo Hội có bổn phận phải thu góp các di sản của đất nước và dân tộc mình, để rồi cùng với hết thảy mọi Giáo Hội Địa Phương trên khắp thế giới, nắn đúc nên mối hiệp thông giữa mọi dân tộc, là mối hiệp thông hiện đang lớn lên ở giữa lòng lịch sử loài người, và đó cũng chính là những gì Thiên Chúa đã hứa ban cho con tim và cho bàn tay của những con người thiện chí sống khắp nơi trong thế giới.
KẾT LUẬN
1. Uỷ ban Cố vấn Thần học của FABC chúng tôi xin đề xuất các luận đề trên đây gửi đến các Giám mục và các Hội đồng Giám mục, đến các trường thần học và chủng viện, cũng như đến các thần học gia và các sinh viên thần học, như là một khởi điểm suy tư chung về Giáo Hội Địa Phương , đặc biệt là về Giáo Hội Địa Phương tại trong bối cảnh Á Châu. Chúng tôi mong rằng nhiều cộng đoàn kitô sẽ lưu tâm tìm hiểu, có lẽ là lần đầu tiên, về ý nghĩa và tầm trọng yếu của Giáo Hội Địa Phương trong đà tiến triển đổi thay của những trạng huống mà Hội Thánh đang phải trải qua tại những đất nước của chúng ta. Chúng tôi xin nhắc lại điểm này: chúng tôi không hề có chủ ý đề xuất các trang viết này như là “câu giải đáp cuối cùng” cho các vấn đề đang nghiên cứu và các quan điểm đang có. Đây chỉ là những lineamenta (điểm dự thảo) nêu lên để bàn luận, và có hay lắm thì cũng không hơn không kém, chỉ là một instrumentum laboris (tài liệu nghiên cứu). Điều chúng tôi ước mong tha thiết nhất là được thấy khai diễn ra một cuộc thảo luận thật sự, để giúp chúng ta đẩy mạnh việc nghiên cứu tìm hiểu thêm về Giáo Hội Địa Phương, trong những bối cảnh và ở vào thời điểm lịch sử mà chúng ta đang sống.
2. Cũng như trong phần mở đầu văn kiện này, chúng tôi đã nêu lên một số các “dấu chỉ của thời đại” (MV 4.44) trong môi trường Á Châu hiện đại, và đã thử miêu tả sứ mệnh của Hội Thánh ngày nay trong bối cảnh biến hóa sâu rộng theo đà phát triển như đã thấy, thì bây giờ, trong phần kết thúc này, chúng tôi cũng xin trở lại với chính những mối quan tâm ấy.
3. Như chúng tôi đã lưu ý trên đây, trong kỳ họp đầu tiên, FABC đã coi việc xây dựng Giáo Hội Địa Phương như là tiêu điểm hiện thời của sứ mệnh Hội Thánh tại Á Châu. Nhận định ấy vẫn còn thích đáng cho ngày nay. Cũng vẫn còn thích đáng việc đặt công tác đối thoại ba chiều làm ưu tiên hàng đầu trong các dự án: đối thoại với các nền văn hóa dân tộc, với các truyền thống tôn giáo và với những cảnh trạng bần cùng và áp bức. Theo chúng tôi thì không những vẫn thức thời, mà trong giai đoạn hiện tại này, chương trình hành động ấy còn trở nên cấp thiết hơn cả trong thời mới được đề xuất ra, tức là cách đây ngoài 15 năm.
4. Các Giáo Hội Địa Phương tại Á Châu cần phải ý thức ngày càng rõ ràng hơn về trách nhiệm chủ động của mình đối với công trình Hội Thánh đang theo đuổi nhằm tự hiện thực hóa chính mình ở giữa loài người. Cần phải làm sao để cho “ý thức mình là Hội Thánh” thấm nhập ngày càng sâu đậm hơn vào trong hết mọi tầng lớp của các cộng đoàn kitô chúng ta. Càng ngày việc xây dựng tinh thần “hiệp thông và tham dự” cũng như việc cổ xúy “công tác truyền giáo và phục vụ” trong thế giới càng phải được coi như là bổn phận dấn thân của toàn Dân Chúa, nhưng đặc biệt — và với những lý do ngày càng thúc bách hơn — là của giới giáo dân. Kiên nhẫn tìm kiếm và trung thành đáp ứng tác động đầy sáng tạo của Lời và Thần Khí hằng hiện diện trong cuộc sống mỗi ngày của các cộng đoàn chúng ta, phải là một cố gắng liên lỉ không chỉ là của một mình hàng giáo phẩm, mà là của tất cả chúng ta.
5. Sở dĩ phải làm như vậy, là vì sứ mệnh của Hội Thánh, khuôn rập theo kế hoạch mà Chúa của lịch sử đã đề ra, đòi hỏi như thế. Trong thập kỷ 80, chúng ta đã từng chứng kiến những cuộc đổi thay vĩ đại ở trong nhân loại, làm phát sinh nên những biến cố mà ít năm trước đây không ai ngờ là có thể xẩy ra được. Và bây giờ, chúng ta đã có thể mường tượng nhận ra được thế giới của thiên niên thứ ba đang hiện rõ ra đằng trước mắt, với những khát vọng tự do và tình liên đới bừng lên như những dòng suối mới mang theo đầy hy vọng cho con người, với những cơ cấu còn mới mẽ và còn phải khắc phục nhiều trở ngại mới xác định được hình thái rõ rệt của mình. Tin Mừng sẽ có mặt hay không ở trong thời đại mới này, với những xoay chuyển bất ngờ và những khác biệt muôn hình thái của nó: đó điều tất sẽ tùy thuộc rất nhiều ở sự việc các Giáo Hội Địa Phương có chu toàn sứ mệnh của mình trong chính thời điểm lịch sử mình đang sống đây hay không. Giữa bối cảnh như thế, chúng ta có cơ hội để thấu hiểu được phần nào ý nghĩa về tầm trọng yếu của Giáo Hội Địa Phương và của công tác hội nhập văn hóa; những ai không thấu hiểu nổi điểm này, thì cũng chẳng có thể ứng đối thích đáng được với những dấu chỉ của thời đại và với nhịp đập trong con tim thổn thức của các dân nước chúng ta.
6. Chắc hẳn chúng ta phải biết ơn Chúa vì đã cho chúng ta ngày nay cảm nghiệm được “luồng đại phong của Thần Khí” đang ồ ạt thổi mạnh vào trong các Giáo Hội chúng ta. Vì đây là một thời điểm biệt đãi cho việc suy tư thần học và phân định tại các địa phương, cho công cuộc hợp tác và phục vụ, cho công trình xây dựng Giáo Hội Địa Phương đích thực tại phần đất này của thế giới. Đây là lúc cần phải dùng đến những sáng kiến táo bạo cho công tác mục vụ và truyền giáo, để đáp trả cho lời của Đức Kitô, Chúa chúng ta, giờ đây đang kêu mời chúng ta đứng sát bên Người: giờ đây là chính lúc, bằng không biết bao nhiêu cách thức đầy sức sáng tạo, Người đang tiếp tục thích nghi chính con người của mình với nếp sống của bản tính nhân loại, và đang nắn nên hình thái cho tương lai của mỗi dân nước chúng ta.
7. Chỉ còn một điều là chúng ta phải cầu xin cho biết lắng nghe và vâng theo Thần Khí, để Ngài dẫn dắt chúng ta với sức năng sáng tạo của Ngài, và để chúng ta nhận được tràn đầy nghị lực can đảm và tinh thần dấn thân, là những ân huệ Ngài ban cho. Có vậy mới mong được rằng thiên niên thứ ba của lịch sử kitô giáo sẽ phản ánh ngày càng rõ hơn, Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta, và sẽ thể hiện trung thực bản chất đích thực của Hội Thánh, một Hội Thánh của mọi dân tộc, một Hội Thánh làm tôi tớ phục vụ cho Nước Thiên Chúa. Có vậy, chúng ta mới mong góp được phần mình vào trong công trình làm cho “danh Thiên Chúa cả sáng dưới đất cũng như trên Trời”, và vào trong thế giới hiệp thông ấy, một thế giới đang lớn dần lên như là một ân huệ xuất phát từ lòng bàn tay của Thiên Chúa Cha, Con và Thần Khí, và như là một tác vụ đặt ngay ở giữa lòng nhân loại để gửi đến cho mọi người thiện chí đang sống ở khắp nơi trên mặt đất.
[Ngô Minh chuyển dịch, HTTH SỐ 5, NĂM THỨ HAI (1992)]
Lưu ý : Ở đây, chúng tôi không trình dịch Phần D của văn kiện, tức là Phần mang tựa đề Những hệ quả mục vụ và những lời nhắn nhủ.
—————
1 Các “Luận đề về Giáo Hội Địa Phương” này đã do Ủy Ban Cố Vấn Thần Học của Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) soạn thảo ra. Tất cả các Hội Đồng Giám Mục thuộc FABC đều có đại diện làm thành viên trong Ủy Ban vừa nói. Tài liệu giới thiệu các Luận đề này là thành quả của cuộc nghiên cứu và bàn thảo mà các thành viên của Ủy Ban và các nhà thần học khác đã tiến hành suốt trong năm năm, và cuối cùng đã chấp thuận trong lần Ủy Ban họp tại Hồng Kông hồi tháng tư năm 1990. Các Luận đề chỉ nhằm mục đích đề ra một số điểm căn bản làm nền tảng chung cho các cuộc liên tục trao đổi và bàn thảo rộng lớn hơn với các chủ chăn và các thần học gia. Các thành viên của Ủy Ban Cố Vấn Thần Học ước mong nhận được những ý kiến nhận định của các quý vị đọc Luận đề, nhằm đẩy mạnh đà suy tư thần học cũng như mục vụ trong Hội Thánh. Xin gửi các ý kiến nhận định về FABC, 16 Caine Road, Hong Kong.
2 Bộ Giáo Luật bằng tiếng Việt, do Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ xuất bản (1987), dịch ecclesia particularis bằng Giáo hội địa phương