Luật luân lý tự nhiên

Nhập đề

“No freedom without law” – “không có tự do nào ở ngoài luật lệ”, câu nói của Gerald Flurry cho ta thấy, luật lệ là một điều kiện tất yếu để có được sự tự do. Con người, một hữu thể được trao ban tự do, được hiện hữu trong vũ trụ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Khi trao ban tự do cho con người, Tạo Hóa cũng đã ghi tạc trong tâm tính nhân loại một thứ lề luật thuộc linh đó là luật luân lý tự nhiên. Với năng lực của lý trí nơi mình, con người có khả năng nhận biết luật ấy. Nhờ đó, lý trí có thể giúp con người để hành xử thế nào là xứng hợp theo đúng luân thường đạo lý. Tuy vậy, việc nhận biết và áp dụng luật này trong cuộc sống vẫn luôn là điều cần được suy xét. Trong bài viết này, vấn đề được đặt ra trước hết là xem xét về định nghĩa và đặc điểm của luật luân lý tự nhiên. Tiếp đến, người viết sẽ trình bày về việc áp dụng và những giới hạn của việc áp dụng luật này.

Định nghĩa luật luân lý tự nhiên

Trong tự bản chất con người, khao khát kiếm tìm hạnh phúc vẫn luôn động thúc con người dấn bước. Tuy nhiên, khao khát chính đáng ấy vẫn luôn đòi hỏi một giàng buộc không bao giờ được nhượng bộ nơi lý trí và trong hành vi của con người: “làm lành lánh dữ”. Đây là một nguyên lý cơ bản để con người có thể tìm, gặp và ở lại trong an bình và hạnh phúc. Nói như thánh Thomas Aquino: “Sự tốt là cái gì mà tất cả mọi hữu thể đều ước muốn, giới mệnh thứ nhất của luật tự nhiên là phải làm và tìm kiếm sự tốt, tránh sự xấu. Đây là nền tảng cho mọi giới mệnh khác của luật tự nhiên.”[1] Luật luân lý tự nhiên là một quy tắc của lý trí tìm kiếm sự tốt lành, cái mà được công bố bởi người có quan tâm về cộng đồng.[2]

Quan điểm của Hội thánh Công giáo trích từ sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (GLGHCG) về luật này như sau: “Con người tham dự vào sự khôn ngoan và sự tốt lành của Đấng Tạo Hóa. Luật tự nhiên diễn tả cảm thức luân lý nguyên thủy, nhờ đó con người dùng lý trí mà phân định điều gì là tốt và điều gì là xấu, điều gì là chân lý và điều gì là dối trá. Lý trí con người ra lệnh hành động cách ngay thẳng và tránh phạm tội.”[3] Thêm vào đó, “luật tự nhiên có nền tảng là tâm tình khao khát và quy phục Thiên Chúa. Ngoài ra luật ấy cũng có nền tảng là cảm thức về tha nhân bình đẳng với mình.”[4]

Ngoài ra, luật tự nhiên không phải được làm bởi con người nhưng nó đặt nền trên cấu trúc thực tại của chính nó. Do đó, luật tự nhiên là chung cho tất cả mọi người, mọi thời đại, một nguyên lý hay cấu trúc không thay đổi.[5]

Với ĐGH Benedict XVI, trong hội nghị quốc tế về luật tự nhiên ngày 13/02/2007, ngài đã nói rằng: “luật tự nhiên xét như nguồn mạch của mọi quy luật vốn đi trước nhân luật và không một ai có thể thay đổi được. “Làm lành, lánh dữ” chính là nguyên tắc tiên khởi và phổ quát nhất, từ đó phát sinh ra các nguyên tắc biệt loại vốn điều hướng mọi phán đoán đạo đức về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người.”[6]

Như vậy, nguyên lý nền tảng của luật luân lý tự nhiên là làm việc lành tránh việc dữ. Đây có thể coi là định nghĩa cơ bản nhất về luật luân lý tự nhiên. Vậy đâu là những đặc điểm của luật này?

Đặc điểm

Luật tự nhiên có giá trị phổ quát trong các mệnh lệnh và quyền bính của nó trải rộng đến tất cả mọi người. Luật này diễn tả phẩm giá của nhân vị và đặt nền tảng cho quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của nhân vị.[7] Ngoài ra, luật tự nhiên làbất biến và trường tồn qua mọi thay đổi của lịch sử. Mặc dầu những nguyên lý của luật tự nhiên có bị chối bỏ thì chính nó cũng không thể bị hủy diệt và không thể bị gạt ra khỏi trái tim con người.[8]

Trong thông  điệp Veritatis Splendor (Ánh Quang Chân Lýcủa Thánh Gioan Phaolô  IIhai đặc điểm phổ quát và bất biến cũng được ngài triển khai một cách phê bình chính đáng. Cụ thể là các phân đoạn 51- 53 kết thúc với những nhận định liên quan đến vấn đề tính chất phổ quát  bất biến của luật tự nhiên:

Vì đã được Thiên Chúa  ghi khắc vào trong tâm khảm của bản tính con người có lý trí, nên luật tự nhiên là luật buộc đối với mọi hữu thể có lý trí và sống trong lịch  sử. Thế nên, luật tự nhiên là luật phổ quát. Tuy nhiên, cũng không […] phủ nhận tính cá thể nơi mỗi người, và tính cá biệt nơi mỗi nền văn hóa. (số 51)

Trong phân đoạn 53 bàn về tính bất biến của luật tự nhiên: chính bản tính con người (vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa) mới là tiêu chuẩn để đánh giá văn hóa chứ không phải ngược lại. Hơn nữa, bất kể một cuộc hiện hữu nào của bản tính con người cũng mang hình thái cá biệt của một nền văn hóa nhất định. Tuy nhiên, chỉ một mình văn hóa không thôi thì cũng chưa đủ để có thể xác định tất cả về con người. Do đó, có thể lấy luật tự nhiên làm nguyên tắc phê bình để phán định về tính chất luân lý của một tập tục văn hóa.[9]

Cách hiểu về luật tự nhiên: có bốn cấp độ của luật khởi đi từ phổ quát cho tới cụ thể:[10]

  • Nguyên lý đệ nhất (the first moral principle): làm lành lánh dữ. Nguyên lý này là phổ quát không cần chứng minh vì nó hiển nhiên, vì ai ai (được coi là người bình thường) đều thừa nhận nguyên lý này. Nó được minh chứng một cách tiên thiên.
  • Những nguyên tắc chung hay châm ngôn đạo đức (moral axioms): được rút ra từ nguyên lý đệ nhất thông qua những suy luận đơn giản của lý trí. Chúng diễn tả khuynh hướng tự nhiên như bảo vệ chính mình, duy trì nòi giống…
  • Những hệ quả của phép suy luận (reasoned conclusions) như vấn đề luân lý trong an tử, trợ tử, ly dị, phá thai…
  • Những áp dụng cụ thể (particular applications) trong từng trường hợp của những cá nhân, hoàn cảnh cụ thể.

Nếu vậy, luật tự nhiên vừa mang tính tuyệt đối và vừa mang tính tương đối. Nó tuyệt đối ở chỗ, luật tự nhiên không loại trừ một ai (một người có lý trí bình thường) đều nhất nhất tuân theo nguyên lý làm lành lánh dữ. Tuy nhiên, nó tương đối ở chỗ, khi áp dụng luật tự nhiên vào những trường hợp cụ thể, người riêng biệt thì ta không thể không nghĩ tới những lỗ hổng, khiếm khuyết ở cả chủ thể và khách thể. Ở chủ thể, có thể là những định kiến, thói quen, sở thích, nhận thức…; ở khách thể có thể là chế độ chính trị, văn hóa, hoàn cảnh lịch sử… Đây cũng là những giới hạn (sẽ được trình bày ở phần sau của bài viết) mà luật tự nhiên không dễ đứng vững trước sự tấn công của những hệ thuyết khác mà đặc biệt là hệ thuyết tương đối dẫn đến một trong những quan niệm hết sức nguy hại đó là quan niệm “luân lý tương đối”.!

Việc áp dụng

Vì mang đặc tính phổ quát và bất biến, khả thể áp dụng luật tự nhiên cho tất cả mọi người bất kể họ có niềm tin tôn giáo hay vô thần là có thể chấp nhận được. Thực vậy, cả người tin hay không tin thì đều được Tạo Hóa ban tặng lý trí; nhờ đó, con người lắng nghe lý trí mách bảo và để nó hướng dẫn họ có thể đi tới cùng đích.[11] Tuy vậy, dưới sức mạnh của yếu tố môi trường – kế thừa những hủ tục, sự chỉ dẫn nghèo nàn, cấp độ văn hóa thấp…đã dẫn tới những cách hiểu mập mờ về khái niệm luật tự nhiên[12]. Hệ quả tất yếu là sự đa dạng trong việc áp dụng luật tự nhiên. Dẫu vậy, dù có khác biệt của nền văn hóa, luật tự nhiên vẫn là một quy tắc nối kết con người với nhau, ấn định những nguyên tắc chung, trừ những khác biệt không thể tránh khỏi. Nhờ nền tảng vững chắc của luật tự nhiên, con người có thể xây dựng tòa nhà của các quy luật luân lý để hướng dẫn con người chọn lựa. Nó đặt nền móng luân lý để xây dựng cộng đồng nhân loại. Ngoài ra luật tự nhiên còn là căn cứ cho luật dân sự được thiết lập.[13]

Giới hạn trong việc áp dụng luật tự nhiên

Khi nói tới việc áp dụng luật luân lý tự nhiên, ta thấy có những xuất hiện những giới hạn sau: Trước hết là giới hạn trong chính nội tại của luật này. Quả thực, luật tự nhiên mang tính phổ quát và bất biến nhưng đó là ở cấp độ cao nhất: làm lánh lánh dữ. Trong khi ở những hệ quả được suy diễn và những trường hợp riêng lẻ như phá thai, an tử, trợ tử… (có thể xem những cấp độ của luật trong phần cách hiểu về luật tự nhiên, trang 3) thì luật tự nhiên sẽ không đủ sức mạnh để giải quyết những bất ổn hay khiếm khuyết của luật này. Nó phải nại tới những nguyên tắc luân lý khác như nguyên tắc song hiệu, nguyên tắc sự xấu ít hơn.[14]

Thứ đến, ta cũng phải nói tới giới hạn của chủ thể trong khả năng nhận thức, những định kiến cá nhân, sở thích đam mê, quan điểm riêng…mang tính chủ quan cá nhân. Luật tự nhiên là luật của lý trí mà ai cũng được phú bẩm. Tuy nhiên, lý trí ấy chắc gì đã hoàn toàn đúng đắn (ngay thẳng) – right reason (recta ratio) ngay từ đầu. Quả thật, với tự do sẵn có, lý trí con người cần phải được huấn luyện để dần trưởng thành. Công việc huấn luyện này không phải ai cũng đều như nhau bởi luôn có nhiều người ở trong những điều kiện khác nhau. Do vậy, đây là một trong nhiều lý do khiến có sự đa dạng trong quan điểm không chỉ về luân lý đạo đức, cái liên quan đến “Nhân” mà còn về rất nhiều lãnh vực khác liên quan tới “Thiên, Địa”. Ngoài ra, yếu tính (esse) của con người thì không thể thay đổi “con người là con vật có lý trí” (Aristotle). Tuy nhiên, những gì là thuộc tính (attributes) vẫn có thể bị thay đổi như thân thể thì nhờ tập luyện thể dục mà lớn mạnh, lý trí được đào luyện nhờ giáo dục, tính cách được hình thành với những thói quen thường ngày.[15] Đây chính là nguyên nhân dẫn tới những khó khăn trong việc áp dụng luật luân lý tự nhiên cho mỗi hành vi của cá nhân để quy kết trách nhiệm luân lý.

Giới hạn thứ ba phải kể đến đó là giới hạn của khách thể để áp dụng luật. Khách thể ở đây có thể được hiểu như những điều kiện về chính trị, tôn giáo xã hội, văn hóa, lịch sử… Nghĩa là, có một sự đa dạng về môi trường để áp dụng luật tự nhiên. Chẳng hạn như vấn đề về chính trị xã hội tác động tới luật tự nhiên. Thực tế, không ai phủ nhận xã hội tính nơi con người, bởi nếu chỉ sống với luật tự nhiên (tính chủ thể được xem trọng) thì điều gì đảm bảo xã hội tính nơi con người phát triển một cách hoàn bị nếu không muốn nói là chủ thể khó có thể tồn tại. Con người sống trong xã hội với các tương quan chằng chịt, họ không những phải tuân theo luật tự nhiên song còn phải chịu sự chi phối của những luật khác như luật pháp quốc gia, quốc tế… Ngoài ra, luật tự nhiên thường cho phép một sự lựa chọn phương tiện để đạt được mục đích theo cách của riêng mỗi người. Tuy nhiên, khi sống trong tập thể, phương tiện và mục đích của cá nhân đều bị chi phối bởi quy luật của tập thể đó chứ không chỉ riêng luật tự nhiên.[16] Vậy, vấn đề đặt ra là làm sao có thể dung hòa và giải quyết sự xung đột ấy nếu xã hội chỉ đánh giá và ưu tiên cho lợi ích tập thể mà loại trừ ích lợi cá nhân?

Hơn nữa, đời sống xã hội phức tạp, thay đổi liên tục, cách áp dụng luật tự nhiên phải phù hợp với những tình huống mới. Chẳng hạn, dưới tác động của cách mạng công nghiệp, nguyên lý về sự công bình vẫn không thay đổi, song việc áp dụng nó thế nào vào các tổ chức thì vẫn luôn là vấn đề không dễ có được giải pháp chính đáng.[17]

Một giới hạn nữa khi áp dụng luật tự nhiên vào cuộc sống dường như cũng rất thực tế đó là: ngày nay, luật tự nhiên có nhiều người đã coi nhẹ nếu không muốn nói là bị xem thường. Bên ngoài Giáo Hội Công Giáo, lý thuyết về luật tự nhiên ngày nay đã không còn ủng hộ vì nhiều lý do khác nhau. Nguyên nhân thứ nhất là ý tưởng về những gì tự nhiên là tốt mở ra một sự mâu thuẫn hiển nhiên bởi trong cuộc sống vẫn có cái tự nhiên là xấu. Chẳng hạn như bệnh tật, trẻ quy kỉ tự nhiên mà cha mẹ nghĩ đó là xấu. Nguyên nhân thứ hai, luật tự nhiên đã tự mình rơi vào sự lẫn lộn cái  (is) và cái phải (ought), những người chống đối luân lý tự nhiên đã chỉ ra sự khác biệt giữa hai khái niệm này và không thể có kết luận về sự kéo theo hay suy diễn từ is sang ought. Nguyên nhân khác nữa đó là quan điểm luật tự nhiên được Thiên Chúa phú bẩm cho con người thì dường như mâu thuẫn với quan điểm khoa học hiện đại. Các nhà khoa học dựa theo định luật nhân quả để giải thích hiện tượng tự nhiên. Họ xem luật tự nhiên chỉ là luật của vật lý, hóa học, sinh học; chúng hoạt động không có mục đích nào hết. Nó xảy ra là xảy ra. Vấn đề luân lý và các giá trị chỉ là những phát kiến từ lý trí con người. [18] Vậy thì lý thuyết ấy chỉ mang tính tương đối mà thôi!?

Vậy đứng trước những giới hạn lớn lao ấy: từ chính nội tại của luật, giới hạn nơi chủ thể và khách thể áp dụng; phải chăng luật tự nhiên đã hoàn toàn bị coi nhẹ và mất dần vị thế để lượng định hành vi luân lý? Đứng trước thách đố của thời đại: một nền văn hóa chỉ coi khoa học là hữu lý và phó mặc sinh hoạt luân lý cho chủ nghĩa tương đối; chủ nghĩa duy cá nhân đầy tính tương đối; chủ nghĩa duy tục hung hãn chỉ muốn loại các tín hữu khỏi cuộc tranh luận công cộng; chủ nghĩa toàn trị, lạm dụng quyền lực để áp bức; chính Giáo Hội Công Giáo đã nại tới luật tự nhiên để giúp con người định hướng lại con đường đi tìm chân lý. Một khi luật lệ dân sự đi ngược lại với phẩm giá, quyền lợi, lương tâm thì công dân nào cũng có quyền tuân theo luật cao hơn – luật tự nhiên (nền tảng chung nhất)[19] và niềm tin tôn giáo phải được tôn trọng. Bởi mất đi luật tự nhiên, con người sẽ trở nên quay cuồng và khốn quẫn trong cảnh tìm đường về với Chân Lý, Sự Thiện Hảo và Tuyệt Mỹ. Không điều gì có thể phá bỏ đi nền tảng mang tính thiết yếu của luật tự nhiên. Luật ấy được nhận biết vừa nhờ lý trí tự nhiên của con người (gọi là luật tự nhiên), vừa nhờ Mạc Khải siêu nhiên của Thiên Chúa (gọi là Luật Chúa); nhờ Mạc Khải, việc nhận biết kia đạt đến mức trọn vẹn và hoàn hảo. Hành động được coi là tốt về phương diện luân lý khi việc tự do lựa chọn phù hợp với lợi ích đích thực, với những gì thực sự tốt lành cho con người, tức là phù hợp với những yêu cầu của Luật đời đời, nhận biết được vừa qua luật tự nhiên, vừa qua Luật Chúa. Lấy lý trí mà định đoạt hành vi nhân tính cho đúng với sự thật, với lẽ phải của nó, và lấy ý chí tự do mà tìm kiếm điều tốt lành mà lý trí đã nhận biết như thế: đó chính là những gì làm nên đời sống  luân lý (số 72).[20]Như vậy, luật tự nhiên vẫn còn nguyên giá trị của chính mình.

Joseph Nguyễn Văn Lương, S.J.

THƯ MỤC THAM KHẢO

Books and Authors:

  • Austin Fagothey, S.J., Right And Reason, Ethics In Theory And Practice, 4thedition, The C.V.Mosby Company
  • Daniel J.Sullivan, An Introduction to philosophy, Tan Book and publishers, INC., 1992,
  • James Rachels, The Elements of Moral Philosophy, Sixth Edition by Stuart Rachels, McGraw-Hill
  • Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo
  • Summa Theology, quyển II tập 5
  • Thông  điệp Veritatis Splendor (Ánh Quang Chân Lý) của Đức Gioan Phaolô II gửi các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo, bàn về một số vấn đề cơ bản trong giáo huấn luân lý của Giáo Hội, đề ngày 6/8/1993, và công bố ngày 04/10/1993, Nguyễn Thế Minh, S.J. trình dịch, trích từ trang Hợp tuyển Thần học, http://www.htth.org/so/so09/09a_anh_quang_chan_ly.html

Websites:

[1] Summa Theology, quyển II tập 5, câu hỏi 94, tiết 2, trang 56-57

[2] Austin Fagothey, S.J., Right And Reason, Ethics In Theory And Practice, 4thedition, (The C.V.Mosby Company), 113

[3] GLGHCG số 1954

[4] GLGHCG số 1955

[5] Daniel J.Sullivan, An Introduction to philosophy, (Tan Book and publishers, INC., 1992), 141

[6] http://www.vietcatholic.net/News/Read.aspx?id=41589, Nguyễn Kim Ngân chuyển dịch, truy cập 02/02/2015

[7] GLGHCG số 1956

[8] GLGHCG số 1958

[9] Thông  điệp Veritatis Splendor (Ánh Quang Chân Lý) của Đức Gioan Phaolô  II gửi các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo , bàn  về một số vấn đề cơ bản trong giáo huấn luân lý của  Giáo Hội, đề ngày 6/8/1993, và công bố ngày 04/10/1993, Nguyễn Thế Minh, S.J. trình dịch, trích từ trang Hợp tuyển Thần học, http://www.htth.org/so/so09/09a_anh_quang_chan_ly.html, (truy cập 1/2/2015)

[10] Austin Fagothey, S.J., Right And Reason, Ethics In Theory And Practice, 4thedition, (The C.V.Mosby Company), 123-126

[11] James Rachels, The Elements of Moral Philosophy, Sixth Edition by Stuart Rachels, (McGraw-Hill), 57

[12] Daniel J.Sullivan, An Introduction to philosophy, (Tan Book and publishers, INC., 1992), 141

[13] GLGHCG số1957

[14] Có thể xem thêm về nguyên tắc song hiệu tại:http://daichungvienvinhthanh.com/2011/04/28/nh%E1%BB%AFng-nguyen-t%E1%BA%AFc-can-b%E1%BA%A3n-v%E1%BB%81-d%E1%BA%A1o-d%E1%BB%A9c-sinh-h%E1%BB%8Dc-2/, truy cập ngày3/2/2015

[15] Austin Fagothey, S.J., Right And Reason, Ethics In Theory And Practice, 128

[16] Austin Fagothey, S.J., Right And Reason, Ethics In Theory And Practice, 333

[17] Austin Fagothey, S.J., Right And Reason, Ethics In Theory And Practice, 333

[18] James Rachels, The Elements of Moral Philosophy, sixth edition by Stuart Rachels, (McGraw-Hill), 55-56

[19] http://www.vietcatholic.net/News/Html/70597.htmLuật tự nhiên chưa lỗi thời,Vũ Văn An chuyển dịch, truy cập 01/02/2015

[20] Thông  điệp Veritatis Splendor (Ánh Quang Chân Lý), Nguyễn Thế Minh, S.J. trình dịch, trích từ trang Hợp tuyển Thần học,http://www.htth.org/so/so09/09a_anh_quang_chan_ly.html, (truy cập 01/02/2015)