Cộng hoà Malta là một Giáo Hội lớn. Phải có dịp tự đến và khám phá thì mới thấy quốc gia này thú vị như thế nào. Quốc đảo Địa Trung Hải có lịch sử đức tin Công Giáo từ lâu đời.
Thật vậy, vào năm 60 SCN, trên đường đến Rôma kháng án, Thánh Phaolô Tông Đồ đã bị đắm tàu ở phía bắc đảo Malta và nghỉ đông ở hòn đảo. Thánh Tông Đồ sống sót cách thần kỳ sau khi bị rắn độc cắn và được tôn sùng như một vị thần; ngài chữa lành bệnh tật, thu phục nhiều linh hồn, rửa tội cho chúa đảo và đặt làm Giám Mục đầu tiên cũng là vị Thánh đầu tiên của Malta, Thánh Publiô.
Ngay từ thế kỷ đầu của Kitô Giáo cho đến tận hôm nay, Malta là một trong những Giáo Hội nhiệt thành và bình an nhất của thế giới Công Giáo. Malta chỉ rộng 316 km2, tức chỉ bằng 3/4 huyện Củ Chi của Tp. HCM, và số dân số chưa đến 500.000 người. Tuy vậy, bạn phải mất 2 năm để đi hết các nhà thờ ở Malta nếu mỗi ngày đi một nhà thờ, và nếu chỉ đi lễ Chúa Nhật thôi thì mất 14 năm để đi được tất cả số đó: 732 ngôi nhà thờ. Hòn đảo nhỏ nhất của quốc gia là hòn Comino cũng có một ngôi nhà nguyện trang nghiêm, và ngạc nhiên là hòn đảo nhỏ bé này chỉ có 4 tín hữu. Theo niên giám Toà Thánh năm 2004, 97% người Malta là tín hữu Công Giáo, và Công Giáo Rôma là quốc giáo của nước này.
Hãy cùng khám phá một số nhà thờ được nhiều người tham quan nhất.
- Nhà thờ Thánh Phaolô Đắm Tàu (thủ đô Valletta)
Cửa chính của ngôi thánh đường cổ kính và đáng yêu nhất Malta nằm trên một con đường nhỏ hẹp, thậm chí hẹp đến nỗi khó mà chụp được toàn diện mặt tiền nhà thờ. Trong nhà thờ lưu giữ hai thánh tích nghìn năm: a phần xương cổ tay của Thánh Phaolô, và một phần cây cột mà Thánh Phaolô đã chết trên đó khi chịu tử đạo ở Rôma. Vào lễ Thánh Phaolô Đắm Tàu (10/2), ngày lễ được yêu thích ở Malta, một bức tượng Thánh Phaolô được kiệu quanh thành phố Valletta với kèn trống inh ỏi và hoa giấy được rải khắp đường xá.
- Nhà thờ đồng chính toà Thánh Gioan Tẩy Giả (thủ đô Valletta)
Được xây dựng bởi các Hiệp Sĩ dòng Thánh Gioan vào khoảng năm 1578, nhà thờ này là trụ sở của dòng cho đến khi dòng bị giải thể, và thập niên 1820 nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả trở thành đồng chính toà với nhà thờ chính toà Thánh Phaolô ở cố đô Mdina.
Mặt tiền nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả đã phản ảnh một nội thất tốn kém: những trang hoàng đầy cuốn hút, không một centimet vuông nào mà không có tô vẽ, chạm trổ, đính cẩm thạch, thảm thêu, và nhất là bức hoạ vô giá “Thánh Gioan bị trảm quyết” của danh hoạ Caravaggio. Dưới nền nhà thờ là gần 400 hiệp sĩ đã được chôn cất.
- Nhà thờ giáo xứ Chúa Giêsu Biến Hình (làng Lija)
Giáo xứ của làng Lija được khai lập năm 1594, và nhà thờ Đấng Cứu Thế của giáo xứ được xây dựng sau đó 100 năm. Tiền đường nhà thờ, giống như nhiều nhà thờ ở Malta khác, đẹp với vẻ đơn sơ, không loè loẹt. Trong nhà thờ, những bức tường màu đỏ bên hông bàn thờ là nổi bật nhất. Nhà thờ chứa đựng bức hoạ nổi tiếng “Chúa Giêsu biến hình” của hoạ sĩ Mattia Preti.
- Vương Cung Thánh Đường Đền Thánh Quốc Gia Đức Trinh Nữ Ta’ Pinu (làng Gharb, tỉnh Gozo)
Ở phía tây Gozo, hòn đảo lớn thứ nhì của nước Malta, nơi thủ phủ Victoria/Rabat của tỉnh, một phong cảnh đẹp thu hút người nhìn: từ đỉnh cao của khu vực, bạn có thể chiêm ngắm phong cảnh bên dưới được điểm tô với làng mạc và nhà thờ.
Đi về phía bắc tầm 10 phút, nhà thờ Đức Mẹ Ta’ Pinu đứng trơ trọi giữa không gian. Đây là ngôi thánh đường thường được chọn làm nơi tổ chức hôn lễ nhất Malta.
Nhà thờ đã tồn tại sau vài lần người muốn phá huỷ nhờ những chuyện kỳ lạ. Nó bắt đầu có tên Ta’ Pinu (nghĩa là “của Pinu”) khi Pinu Gauci hiến tặng bức hoạ danh tiếng “Đức Trinh Nữ Mông Triệu” vào khoảng năm 1600. Ngày nay bức ảnh được đặt trong một phòng nguyện nhỏ biệt lập phía sau cung thánh.
Năm 1883, có hai người địa phương đã được nghe tiếng Đức Mẹ phát ra từ bức ảnh: Đức Mẹ kêu gọi một người tên là Kharmni Grima đọc 3 kinh Kính Mừng mỗi ngày để kính 3 ngày Đức Mẹ ở trong mồ trước khi hồn xác lên trời; Đức Mẹ kêu gọi một người khác là Francesco Portelli sùng kính vết thương ẩn khuất của Chúa Giêsu khi vác Thập Giá. Nhiều phép lạ đã xảy ra tại nhà thờ này và số khách hành hương ngày càng tăng không ngừng. Năm 1932, Đức Giáo Hoàng Piô XI ban tước Vương Cung Thánh Đường cho nhà thờ. Năm 1990, Thánh Gioan Phaolô II viếng thăm nhà thờ và dâng kính Đức Mẹ 5 ngôi sao bằng vàng. Năm 2010, bức ảnh Đức Trinh Nữ được mang đến Valletta và được Đức Bênêđictô XVI dâng một bông hồng vàng.
Năm 2017, những bức vẽ mosaic được trang trí bên hông nhà thờ mô tả các mầu nhiệm Mân Côi và cảnh trí của Gozo.
- Đền Thánh Đức Mẹ Mellieha (Mellieha)
Đền Thánh nằm trên đỉnh đồi nhìn ra vịnh Mellieha. Đền Thánh được tin là đã được nhiều Giám Mục thánh hiến từ thế kỷ thứ 5.
Thật là một nơi thu hút và khó lìa xa. Có một bức tường được bao phủ bởi những vật dâng kính: các bảng tạ ơn dâng lên Đức Mẹ Mellieha, có cả những vật rất biểu tượng như quần áo trẻ em đến mũ bảo hiểm để nói lên những ơn lành mà người ta đã nhận được khi cầu xin Mẹ nơi đây. Bức tường khác khắc hoạ những khung cảnh nhiệm màu của biển cả: bão, quái vật biển, tàu thuyền bị sóng vùi, và ở trên cùng là Đức Mẹ và Chúa Giêsu Hài Đồng trên một đám mây cao đang trông xuống.
Bên kia đường là một hầm nguyện thú vị: Đức Mẹ Hang Động, được xây dựng bởi một người Sicilia rất yêu mến Đền Đức Mẹ Mellieha, bên trong đặt một bức tượng Đức Mẹ bị chặt đầu do quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ như một chứng tích về thời kỳ quân Thổ xâm lược Malta.
Một hành trình đến Malta là một kỷ niệm rất đáng nhớ và đầy thú vị, nơi Thánh Phaolô đã chạy xung quanh và thay đổi mọi thứ, nơi mà mọi cảnh vật, câu chuyện và con người đều khiến bạn cảm thấy tin, cậy, mến không phải chỉ là ba nhân đức đối thần, mà là điều làm nên quốc gia Malta, điều giải thích cho việc làm thế nào mà sau bao thế kỷ khốn đốn vì bị hàng chục ngoại bang xâm lược, họ vẫn sốt sắng với đức tin Công Giáo và niềm nở chào đón mọi du khách.
Theo Aleteia
Gioakim Nguyễn lược dịch