LONDON. ANH. Khi con tàu Titanic bắt đầu chìm vào ngày 15.4.1912, cha Toma Byles đã có hai cơ hội để lên tàu cứu nạn. Nhưng cha đã bỏ qua hai cơ hội này để nghe giải tội và an ủi cũng như cầu nguyện với những ai bị mắc kẹt lại. Giờ đây, một linh mục tại giáo xứ cũ của cha ở Anh đang xin mở án phong chân phước cho cha.
Khoảng 1.500 người đã chết khi con tàu Titanic nổi tiếng trong lịch sử đụng phải tảng băng và chìm vào lòng Đại Tây Dương vào năm 1912. Do tin rằng tàu quá vĩ đại đến độ không thể chìm được, người ta đã không trang bị đủ tàu cứu hộ cho tất cả các hành khách trong chuyến hành trình đầu tiên từ Southampton đến New York.
Cha Byles cũng có mặt trên chiếc tàu này để đến New York chủ sự lễ cưới cho em mình. Vị linh mục 42 tuổi này đã chịu chức 10 năm trước đó tại Roma và đang làm việc như một cha xứ tại nhà thờ thánh Helen ở Essex từ năm 1905.
Cô Ahnes McCoy, vị hành khách thuộc khoang hạng ba và là người sống sót trong vụ đắm tàu đã chia sẻ rằng cha Byles đã ở trên tàu, nghe giải tội, cầu nguyện với các hành khách và ban phép lành khi tàu chìm. Cô và nhiều người khác đã làm chứng về điều này.
Helen Mary Mocklare, một hành khác khoang hạng ba khác, cũng nói thêm một vài chi tiết khác về những giờ cuối của vị linh mục: “Khi cú va chạm xảy đến, chúng tôi rớt khỏi giường… Chúng tôi thấy cha Byles trước mặt mình, ngài nâng chúng tôi dậy. Chúng tôi biết ngài vì ngài đã viếng thăm chúng tôi vài lần trên tàu và đã dâng lễ cho chúng tôi mỗi buổi sáng.”
“Hãy bình tĩnh, các con yêu dấu”, ngài nói, và rồi ngài đi đến khoang hạng chót để ban phép xá giải và ban phép lành.
Morklare tiếp tục: “Một vài người chung quanh chúng tôi bị kích động. Nhưng chính cha một lần nữa đưa tay lên và ngay lập tức, họ bình tĩnh lại. Các hành khách đều rất ấn tượng bởi sự tự chủ của cha.”
Bà kể rằng một thủy thủ đã “cảnh báo cha về sự nguy hiểm và xin cha hãy lên tàu cứu hộ.” Dù viên thủy thủ rất nhiệt tình giúp cha, nhưng cả hai lần, cha đều từ chối.
“Cha Byles có thể đã được cứu rồi, nhưng cha không muốn bỏ đi, khi dù chỉ còn một hành khách bị bỏ lại. Viên thủy thủ xin cha đi nhiều lần, nhưng cha không để ý.
Sau khi chúng tôi đã lên tàu cứu hộ cuối cùng, và từ từ bơi ra xa khỏi con tàu lớn, tôi vẫn còn có thể nghe từ đàng xa tiếng của cha và những lời thưa đáp cầu nguyện.”
Hơn 1 thế kỷ sau, cha Graham Smith, cha xứ của giáo xứ Thánh Helen – giáo xứ mà trước kia cha Byles đã từng phục vụ – đã xin mở án phong chân phước cho cha Byles.
Nói với đài BBC, cha Smith cho biết đã bắt đầu tiến trình phong chân phước cho vị tiền nhiệm của mình, một “con người phi thường, đã trao ban mạng sống của mình cho người khác.”
Cha Smith nói rằng “cộng đoàn địa phương đang hy vọng và cầu nguyện để cha Byles được công nhận như là một trong số các vị thánh.”
Tiến trình phong chân phước trước hết đòi phải có những bằng chứng chứng minh vị ấy có một đời sống nhân đức anh hùng, rồi sau đó là một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của ngài.
Khi đã được phong chân phước, cũng sẽ cần phải có một phép lạ khác do lời chuyển cầu của cha Byles để ngài được phong thánh..
“Chúng tôi hy vọng mọi người trên khắp thế giới có thể cầu nguyện với ngài khi gặp thiếu thốn, để nếu có phép lạ xảy ra thì việc phong chân phước và phong thánh cho ngài được diễn ra tốt đẹp.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(theo CNA)