Người Công Giáo nghĩ gì về vòng đầu tranh luận giữa Trump và Clinton

Ký giả Matthew Bunson của National Catholic Register và là một cộng tác viên thường xuyên của EWTN nhận định rằng cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ không hẳn tập chú vào chính họ mà là tập chú vào cảm tưởng của công chúng đối với họ.

Điều thứ hai: cuộc tranh luận đầu tiên của họ nhẹ về lịch thiệp nặng những điều làm người ta khó chịu. 

Trump ít ra cũng đã thắng vì đã có mặt trên đấu đài. Nhiều tháng trước đó, chiến dịch tranh cử của Clinton luôn vẽ ông thành một nhân vật lừa bịp, nguy hiểm, quá dễ thay đổi đến không thể làm tổng tư lệnh quân đội. Sự hiện diện trên cùng một đấu đài với Hillary Clinton đã nâng cao uy tín của ông nơi nhiều cử tri.

Còn về chính cuộc tranh luận, cả hai ứng cử viên đều làm được rất ít để xóa mờ các điểm yếu của mình, trái lại đã duy trì nguyên vẹn nhân cách và tính khí của mình.

Clinton cố gắng giữ cho mình luôn có đầu óc kỷ luật, giữ vững các trọng điểm và khôn khéo trong các châm biếm và đùa bỡn của mình. Bà ta nhất quán cố gắng vẽ Trump như một con người nguy hiểm và hay thay đổi, nhắc lại cùng những mô tả đã dùng trong các quảng cáo của mình. Phong thái tranh luận hùng hổ của bà chắc chắn có liên hệ nhiều với các cử tri tốt nghiệp đại học và số cử tri mến mộ bà nhất, đó là truyền thông chính dòng, giới mà bà liên tiếp lấy lòng cả trước lẫn trong cuộc tranh luận…

Trump ít theo văn bản hơn và do đó ít dựa vào các con số thống kê, nhưng duy trì được các trọng điểm của mình trong cả ba chủ đề lớn của cuộc tranh luận. Ông với tới tầng lớp cử tri cổ xanh nhiều hơn, là tầng lớp cử tri ông được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất.

Dù có bàn đến các vấn đề có thực chất như thuế khóa, an toàn liên mạng, liên hệ sắc tộc và lan tràn hạch nhân, nhưng phần lớn thì giờ được dành cho các chủ đề như thuế khóa của Trump, giấy khai sinh của Tổng Thống Obama và lối cư xử phụ nữ được coi là của Trump. Clinton rõ ràng có chiến lược khiêu khích Trump bằng nhiều châm biếm chua cay và tấn công bản thân. Địch thủ của bà nói chung giữ được bình thản, nhưng không hẳn là người hoàn hảo, bỏ lỡ nhiều cơ hội khai thác các điểm yếu của bà về điện thư và thành tích lúc làm ngoại trưởng. 

Ai thành công hơn? Dư luận nói chung chưa có câu trả lời dứt khóat, nhưng xem ra, Clinton còn phải cố gắng nhiều mới có thể hãm được đà đi lên của Trump. Bà đã công khai bày tỏ sự ngạc nhiên của mình trước hiện tượng bà chỉ dẫn đầu bằng một tỷ lệ không cao. Và cuộc thăm dò mới đây cho thấy tỷ lệ ấy dường như đang giảm xuống. 

Tỷ lệ trung bình ngày 26 tháng Chín của trang mạng realclearpolitics.com cho thấy hai người chỉ cách nhau 2% và Trump hiện đang ngang ngửa, thậm chí dẫn đầu ở hầu hết các tiểu bang “do dự”. 

Một phần của việc chuyển hướng này là do người Công Giáo. Như nhiều người từng biết, Trump khá chật vật trong việc lấy phiếu Công Giáo. Hồi tháng Tám, cuộc thăm dò của tờ Washington Post và hãng ABC cho thấy Donald Trump kém Hillary Clinton 3 điểm trong số cử tri Công Giáo da trắng. Ngược với Mitt Romney, người mất phiếu Công Giáo nói chung so với Barack Obama: 48% so với 50%, nhưng lại thắng phiếu Công Giáo da trắng đến 19 điểm, 59% so với 40%. 

Nay tình hình đã ra khác: cuộc thăm dò mới nhất của Washington Post-ABC cho thấy có sự xoay chiều ồ ạt của người Công Giáo da trắng về phía ủng hộ Trump. Trump hiện dẫn đầu với tỷ lệ 57% so với 33% ủng hộ Clinton! Điều này có nghĩa: Trump hiện ngang với Romney năm 2012 còn Clinton thì thụt lùi so với Obama. Nếu số phiếu Công Giáo tiếp tục nghiêng về phía Trump, ông ta chắc chắn vào được Nhà Trắng nhờ phía Công Giáo. 

Sự xoay chiều trên có nghĩa gì? 

Trước hết, Trump đang ăn khách đối với các cử tri nói chung, thành thử điều hợp lý là nhiều người Công Giáo sẵn sàng dành cho ông một thứ xét lại thuận lợi. Nhưng cũng có thể do chiến lược mới đang được thi hành mấy tuần qua với trọng điểm muốn bắt tay với người Công Giáo nói chung và nhất là những người Công Giáo tích cực. Tuần rồi, chiến dịch tranh cử của Trump bắt đầu thành lập một liên minh phò sự sống mà người cầm đầu là lãnh tụ phò sự sống nổi tiếng, đó là Marjorie Dannenfelser thuộc Susan B. Anthony List. Đây là một động thái hơi chậm, nhưng đã bắt đầu vận động được một nhóm có nhiều năng lực vốn đã dấn thân hoạt động chống lại Clinton và chiến dịch phò phá thai kịch liệt của ứng cử viên này khi bà chủ trương sẽ thu hồi các tu chính án Hyde và Helms là các tu chính án cấm không được dùng tiền dân đóng thuế vào việc phá thai ở Hoa Kỳ và ngoại quốc. 

Động thái lớn tiếp theo, cũng hơi chậm, là việc công bố vào tuần trước rằng chiến dịch tranh cử của Trump sẽ thành lập nhóm cố vấn đặc biệt gồm 33 nhân vật Công Giáo. Danh sách này bao gồm nhiều nhân vật nổi tiếng như Thống Đốc Kansas Sam Brownback, Tom Monaghan, sáng lập viên Đại Học Ave Maria và Trường Luật Ave Maria; cựu Thương Nghị Sĩ Pennsylvania và cựu ứng cử viên tổng thống Rick Santorum, và cựu Đại Sứ Mỹ cạnh Tòa Thánh Francis Rooney.

Theo Matthew Bunson, Clinton hầu như ở thế tấn công suốt cuộc tranh luận đầu tiên. Đây là một phương thức tốt, nhất là vì đã đặt Trump vào thế nguy hiểm bị coi là yếu nếu không chống lại được hoặc lỗ mãng nếu mất bình tĩnh. Tuy nhiên, thái độ hung hăng, thậm chí tùy tiện của Clinton có thể có phản ứng ngược lại nếu chúng không giải quyết được các vấn đề đáng tin, trung thực và dễ ưa của chính bà. Trong cuộc tranh luận thứ nhất, bà đã làm tăng được uy tín của mình về phương diện kinh nghiệm nhưng sự gia tăng này chưa xóa nhòa được bao nhiêu các điểm yếu nhất của bà nơi cử tri. Nếu thế, dù bà có thể thắng mọi cuộc tranh luận, nhưng vẫn có thể thua cuộc bầu cử vì hình ảnh và tính khí của bà. 

Không biết gì tới hệ quả của các giá trị Kitô Giáo

Linh Mục Dwight Longenecker, một cộng tác viên của Crux, thì cho rằng: cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Clinton và Trump cho thấy cả hai chưa bao giờ nghiên cứu, thậm chí, suy nghĩ, về hệ quả của các giá trị Kitô Giáo đối với các giải pháp trong chính sách của họ. 

Trong số nhiều điều khác, sự nông cạn trong cuộc tranh luận là điều làm nản lòng người nhiều nhất. Dĩ nhiên, không ai mong họ nói về tín lý, giảng thuyết, suy niệm hay trình bầy về thần học. Cũng không ai đòi họ phải đạo hạnh. Chỉ cần thứ sùng đạo thông thường cũng đủ rồi, nhưng cả Donald Trump lẫn Hillary Clinton đều không có thứ lòng đạo này.

Kitô giáo của Clinton hệ ở một vài lời bâng quơ nói về Chúa Giêsu như một mẫu gương tốt và “từ đức tin Kitô Giáo của mình, tôi biết phải làm điều thiện cho người khác bao nhiêu có thể”.

Cái hiểu của Donald Trump về Kitô Giáo cũng không sâu xa hơn gì. Ông ta thuộc một Giáo Hội Trưởng Lão nổi tiếng nhờ một mục sư rao giảng thứ Tin Mừng thịnh vượng. Trump cảm thấy mình chưa làm điều gì đến phải xin tha thứ và khi “ăn chút bánh và uống chút rượu nho”, ông ta cảm thấy mình “rất, rất tuyệt diệu”. 

Hai thái độ ấy phản ảnh rất rõ trong cuộc tranh luận đầu tiên. Vì không những tôn giáo vắng bóng trong nghị trình, mà cả các giá trị, các nguyên tắc, luân lý và đạo đức cũng đều không được tranh luận. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy cả hai ứng cử viên từng có bao giờ nghiên cứu, thậm chí suy nghĩ về các vấn đề này. Cuộc tranh luận hoàn toàn xoay quanh tiền bạc và quyền lực, quyền lực và tiền bạc. 

Kitô Giáo liên quan đến nhiều thứ hơn là những người có đạo thực hiện vào sáng Chúa Nhật trong các nhà thờ của họ. Thần học Kitô Giáo có hệ luận đối với mọi khía cạnh của xã hội con người. Kitô Giáo bao hàm một nền triết lý sâu rộng về ý nghĩa sự sống, phẩm giá nội tại của mỗi con người, chiều kích vĩnh cửu của hôn nhân, gia đình, môi trường và trọn kinh nghiệm nhân bản.

Học thuyết xã hội Công Giáo cung cấp một suy niệm phong phú, thâm trầm và hết sức thực tiễn về việc áp dụng thần học vào sinh hoạt dân sự. Dù không ai mong chờ Hillary Clinton hoặc Donald Trump trở thành chuyên gia về tư tưởng Công Giáo, nhưng sẽ khuyến khích và soi sáng xiết bao nếu có được một tiêu chí nào đó cho thấy ít ra họ cũng biết đến sự hiện diện của hệ thống suy tư này. 

Đàng này, Hillary Clinton chỉ phô trương một vài câu bóng bẩy về kế hoạch và chương trình của mình, còn Donald Trump thì đoan chắc với ta là mình đã có “nhiều ý tưởng rất, rất tuyệt vời” để tạo ra “hàng triệu và hàng triệu công ăn việc làm” cho Nước Mỹ. Nói đến bạo động nơi thành phố, Trump nại tới luật lệ và trật tự; còn Clinton thì liến thoắng nói tới việc phải nối kết với cộng đồng. 

Nói tới bọn thánh chiến Hồi Giáo, Trump bảo: “tôi đã có một kế hoạch thực sự, thực sự vĩ đại”. Clinton thì nói: “tôi cũng có một kế hoạch!”.

Có thực không? Nhưng không hề có một hệ thống tín ngưỡng gắn bó hướng dẫn cuộc sống họ. Không hề có bất cứ dấu chỉ linh đạo hay triết lý nào soi sáng họ. Không có một linh đạo hoặc triết lý nào, thậm chí còn không có cả một ý thức hệ nữa.

 Vũ Văn An

Nguồn tin: vietcatholic