Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum xin giới thiệu bài trình bày về vấn đề: “Người Ngoại Đạo Ly Di, Rửa Tội, Cưới Người Công Giáo” của Linh mục Joseph Bùi-Đức-Tiến, Thẩm Phán, Tòa Án Victoria & Tasmania Australia.
Đời sông hôn nhân trong xã hội hoàn cầu hóa rất phức tạp, nhưng thường xảy ra. Có thể hình dung như mỗi người đi trên đường lộ khác nhau: đường làng, đường phố, nơi đô thị đông người v.v… Dọc đường có những biển báo, nơi quanh co, chỗ sạt lở, nguy hiểm v.v… Mỗi người cần học biết luật giao thông, tài xế xe có trách nhiệm càng thấu suốt hơn vì nhiều mạng người trong xe. Đời sống hôn nhân cũng thế: trước khi lập gia đình, mỗi người cần nắm vững nguyên tắc hôn nhân gia đình trong những khóa giáo lý được tổ chức tại giáo xứ; các vị hữu trách với cộng đoàn càng cần nắm bắt giáo luật và những kỷ năng giáo dục sâu sắc hơn.
Chúng tôi thêm vào đây tài liệu như bổ túc của linh mục thuộc giáo phận Kontum: GIUSE TRẦN NGỌC TÍN, Tiến sĩ giáo luật, Giáo sư giáo luật Đại Chửng Viện Huế, Thẩm Phán, Tòa Án Giáo phận Kontum.
Xin xem phần trình bày trong sách: “GIÁO LUẬT VÀ NHIỆM VỤ THÁNH HÓA”, đường dẫn trang truyền thông Giáo phận sau đây:
GIÁO LUẬT VÀ NHIỆM VỤ THÁNH HÓA
(2.2- Tháo gỡ dây hôn nhân do đặc ân thánh Phao-lô , trang 376-385)
GPKONTUM (19/09/2016) KONTUM
XIN KÍNH MỜI
Người ngoại đạo ly dị, rửa tội, cưới người công giáo.
Thưa Cha,
Con có một thắc mắc mà con tin rằng có nhiều người cũng có. Sỡ dĩ con khẳng định như vậy là vì khi vấn đề được đặt ra, nhiều kẻ “có đạo” không đồng ý với nhau, cãi cọ, tranh luận một hồi rồi chuyện đâu cũng vào đó, chẳng ai chắc chắn vấn đề là thế nào.
Điều con muốn đề cập đây liên hệ đến việc những người không phải là công giáo, trước kia đã lập gia đình, sống chung với vợ hay chồng họ nhiều năm (thưa cha, vợ hay chồng họ ở đây cũng không phải là người công giáo), có con cái rồi sau đó vì một hay nhiều lý do nào đó, không sống với nhau được nữa, li thân, li dị. Sau một thời gian li thân li dị như vậy, nay họ muốn bước theo một bước nữa, rửa tội theo đạo, lập gia đình với người công giáo. Việc tranh luận cãi cọ loay hoay trong thắc mắc sau:
Nhóm người thứ nhất cho rằng một người không phải là công giáo đã lập gia đình với người không công giáo khác, rồi li dị, bây giờ muốn theo đạo lập gia đình với người công giáo thì không bị ngăn trở gì cả.
Nhóm người thứ hai cho rằng một người không phải là công giáo đã lập gia đình với người không công giáo khác, rồi li dị, bây giờ muốn theo đạo lập gia đình với người công giáo thì bị ngăn trở, không được.
Theo con thì không bị ngăn trở gì vì Thánh Phaolo đã nói trong trường hợp này chúng ta cứu được một linh hồn. Cãi khô cả cổ mà mọi người không tin bèn viết thư xin cha giải đáp. Thú thật với cha là can “cá” một két bia đấy, tha hồ mà uống.
Chúc cha khỏe mạnh và sáng suốt.
Sáu Ngọc, Flemington
********************
Anh Sáu Ngọc tội nghiệp ơi! Đọc xong thư anh, tôi hiểu là anh cũng đọc sách nhiều và nhớ dai nữa, anh trưng cả Thánh Phaolô nữa cơ mà, thế mà tụi nó cũng chẳng tin. Theo lời lẽ trong thư thì anh đang hí hửng tin rằng phen này tha hồ mà uống bia. Đúng, anh sẽ được uống bia nhưng do chính anh bỏ tiền ra. Vì câu giải đáp sẽ như sau:
Ba điều kiện để một hôn phối thành sự (Giáo hội và Thiên Chúa chấp nhận) được kể như sau:
Hai người không bị ngăn trở.
Hai người có tự do để nói lên sự ưng thuận,
Được thực hành theo thể thức Giáo Hội ấn định.
Hôn phối của hai người công giáo phải hội đủ ba điều kiện này mới thành sự và được gọi là Bí tích. Hôn phối của hai người mà một người là công giáo còn người kia chưa bao giờ được rửa tội cũng phải hội đủ ba điều kiện này mới thành sự nhưng không được gọi là Bí tích.
Hôn phối của hai người mà cả hai người không là công giáo chỉ cần hội đủ hai điều kiện kể trên (1 và 2) là đã thành sự và được Giáo hội công nhận rồi, nhưng không được gọi là Bí tích. Lý do là vì hai người không công giáo họ đâu biết nghi thức Giáo hội qui định ra làm sao mà họ theo. Như thế, sau này, nếu cả hai người rửa tội theo đạo thì hôn phối của họ tự động trở thành Bí tích.
Giáo hội công nhận những hôn nhân ngoại giáo như kể trên nhưng Giáo hội không chấp nhận li dị, cả li dị của người có đạo cũng như người không có đạo. Như thế những người không có đạo dù đã li dị phần đời rồi, nhưng Giáo hội vẫn coi như họ còn vợ còn chồng. Họ không thể bước đi một bước nữa, nếu Tòa Án Giáo hội không tuyên bố họ thong dong, có nghĩa là nếu hôn phối cũ của họ không được tháo gỡ.
Có một cách đơn giản hơn để có một lối thoát trong hoàn cảnh này, đó là trường hợp một người không có đạo, li dị, nay muốn rửa tội theo đạo và sau đó lập gia đình, là xin chuẩn theo Phép Rộng Thánh Phaolô (Còn gọi là Đặc Ân Thánh Phaolô – Pauline Privilege). Theo cách thế này, nếu phép Chuẩn được ban, thì hôn phối cũ tự động được gỡ khi hôn phối sau được thực hiện. Trong phạm vi bài báo này, tôi không thể giải thích cặn kẽ về Phép Rộng Thánh Phaolô.
Mong rằng anh mở rộng được kiến thức hơn trong phần trả lời này. Để học hỏi thêm được một điểm giáo lý quan trọng như thế này mà chỉ phải trả có một “dozon” bia thì vẫn rẻ chán. Thân.
Nguồn tin: GP KONTUM