Người sùng mộ tượng Black Nazarene lũ lượt đến Manila dự đêm canh thức

Hàng triệu người tập trung tại thủ đô Philippines để giành chỗ trước cuộc rước kiệu khổng lồ
Người sùng mộ tượng Black Nazarene lũ lượt đến Manila dự đêm canh thức

Hàng triệu người Công giáo Philippines bắt đầu kéo đến thủ đô trước ngày Lễ Black Nazarene tham dự đêm canh thức vào ngày 9-1.

Những người sùng mộ mặc áo vàng nâu xếp hàng quanh công viên Luneta ở Manila chờ cơ hội hôn tượng Chúa Giêsu vác thánh giá cháy đen to bằng người thật.

Lễ hội hàng năm này được các nhà chức trách ước đoán thu hút khoảng 20 triệu người, kỷ niệm việc di chuyển bức tượng từ công viên cách đây 400 năm đến nhà thờ thuộc quận Quiapo của thành phố.

Đức Hồng y  Luis Antonio Tagle của Manila nhắc nhớ người Công giáo “tìm hiểu Chúa Giêsu cách sâu sắc” trong ngày lễ kỷ niệm và trong nhiều hoạt động khác liên quan đến ngày lễ.

Do số người tham dự lễ kỷ niệm quá đông, đức hồng y kêu gọi cầu nguyện cho việc tổ chức hoạt động tôn giáo này diễn ra “an toàn, ôn hòa và lành mạnh”.

Ban tổ chức năm nay thay đổi lộ trình rước kiệu vào ngày 9-1 vì “lý do an toàn”.

Các nhân viên Giáo hội ước đoán số người tham dự năm nay đông hơn con số khoảng 18 triệu người sùng mộ tham dự năm 2017.

Quân đội Philippines cảnh báo về khả năng xảy ra chen lấn, xô đẩy trong sự kiện tôn giáo này.

“Viễn cảnh xấu nhất của chúng tôi là việc xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy, dẫn đến thương vong”, Tướng Alan Arrojado, chỉ huy quân đội địa phương, phát biểu.

Người sùng mộ thường xô đẩy nhau để đến gần xe kiệu chở tượng Black Nazarene hay chạm vào dây thừng dùng kéo xe.

Một số người muốn lấy một đoạn dây thừng vì tin rằng nó có phép lạ, nên có người còn cố cắn lấy một mảnh dây.

Kết hiệp với Thiên Chúa

Trong khi những người chỉ trích sự kiện hàng năm này nói việc sùng mộ tượng Black Nazarene giống với sùng bái thần tượng, Đức ông Clemente Ignacio, cựu giám quản nhà thờ Quiapo, nói người dân chỉ thể hiện “lòng sùng mộ” của họ.

“Sự bày tỏ của chúng ta được thể hiện ‘cách cụ thể’”, vị linh mục phát biểu và thêm rằng đây là đặc điểm của người châu Á. Ngài cho biết muốn được chạm, hôn hay ôm các đồ vật thiêng liêng là nét đặc trưng của người Philippines.

“Người Philippines tin Chúa hiện diện trong các đồ vật hay những nơi thiêng liêng”.

“Người ta muốn kết hiệp với Chúa, bằng cách xếp hàng hôn bức tượng hay chạm vào dây thừng”, cha Ignacio chia sẻ.

“Đây là cách thể hiện niềm tin. Đây là sự thể hiện lòng sùng mộ của họ”.

“Chúng ta đều biết chúng ta không thờ thần tượng. Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa và nếu những bức tượng này giúp chúng ta đến với Chúa, thì chúng ta muốn kết hiệp với Chúa bằng cách dùng các bức tượng này”, ngài nói thêm.

Tượng Black Nazarene là tượng gỗ khắc hình Chúa Giêsu Kitô vác thánh giá màu đen to bằng người thật, được các linh mục dòng Augustin đưa đến Manila năm 1607.

Theo truyền thuyết, tượng có màu như thế sau khi bị cháy trong một trận hỏa hoạn trên tàu chiến Tây Ban Nha chở tượng.

Chuẩn bị áo mưa che tượng

Do không thể đoán được thời tiết ở Manila vào tháng Giêng như thế nào, nên ban tổ chức cuộc rước kiệu đã chuẩn bị sẵn áo mưa để che tượng Black Nazarene.

“Mưa hay nắng gì thì cuộc rước kiệu vẫn diễn ra”, cha Douglas Badong, chánh xứ nhà thờ Quiapo, phát biểu.

“Đã chuẩn bị sẵn áo mưa được làm riêng cho Ngài”, vị linh mục nói và thêm rằng áo mưa được làm bằng chất liệu trong suốt để người sùng mộ có thể nhìn thấy tượng.

Cha Badong cho biết trước đây khi trời mưa, bức tượng chỉ được che bằng nhựa. “Không thể nhìn thấy bức tượng được”.

Người sùng mộ theo truyền thống muốn lau tượng bằng khăn trong lúc rước kiệu và ném khăn cho những người bảo vệ tượng trên xe kiệu.

An ninh được thắt chặt

Ít nhất 1.000 binh lính và khoảng 500 lính dự bị được triển khai hỗ trợ 5.000 cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ sự kiện này.

Tướng Arrojado cho biết các lực lượng an ninh được đặt trong tình trạng báo động cao mặc dù không thấy báo cáo có khủng bố đe dọa.

“Chúng tôi hy vọng đều tốt đẹp nhất nhưng cũng chuẩn bị đối phó trường hợp xấu nhất”, ông nói.

Năm 2012, theo tin cho biết một nhóm khủng bố lên kế hoạch tổ chức một cuộc tấn công bằng bom, buộc các nhà chức trách phải làm nhiễu tín hiệu truyền thông tại Manila.

 

Nguồn tin: UCAN