Người xưa

“Tình cũ không rủ cũng tới”, người ta thường nói như vậy khi nói về các mối quan hệ tình cảm nam nữ. “Tình cũ” nhưng vẫn chẳng “cũ”, “cố nhân” mà không hề “xưa”.

 

Hơn ba mươi năm trước, bà B. yêu một người nhưng lại được gia đình “sắp xếp” cho lấy một người khác. Nay bà đã ở độ tuổi lục tuần.

Cuộc sống gia đình họ cứ trôi theo thời gian như những gia đình khác. Thế nhưng không khí gia đình bỗng “khác” hẳn. Bà B. bỗng dưng thay đổi tính nết, thường có những động thái “không còn như trước” đối với chồng: Nói năng cộc cằn, thái độ lạnh nhạt, ánh mắt vô cảm, hành xử khó chịu,… Con cái cũng “bị văng miểng”.

 

Những biểu hiện đó có thể rất bình thường ở phụ nữ tuổi mãn kinh vì mức testosterone giảm nhiều, tâm sinh lý họ bị ảnh hưởng. Không ai lấy làm lạ. Nhưng ở bà B. không phải vậy.

Từ khi bà B. gặp lại “người xưa”, bà không chỉ thay đổi “thông lệ” mà còn thường xuyên gọi điện thoại cho cố nhân để “nấu cháo điện thoại”, lần nào cũng trên đưới 30 phút, có khi đến cả giờ. Bà lại hay gọi điện thoại vào buổi tối. Đặc biệt là còn có những lúc bà đi “công chuyện” cả buổi.

Người chồng không vui với “phong cách” của vợ đã đành, các con cũng không bằng lòng với cách hành động của mẹ. Nói nặng nói nhẹ thế nào cũng không được, ông chồng cắt điện thoại. Bà B. lại sang hàng xóm gọi nhờ. Cuối cùng bà sắm chiếc điện thoại di động cho tiện.

Một lần thấy bà B. vừa bế cháu nội khi đi đi lại lại ngoài sân vừa điện đàm với cố nhân, ông chồng “điên tiết” lấy dao chém vào chân bà cho hả giận. Như lửa được đổ thêm dầu, bà B. bù lu bù loa cho là chồng vũ phu. Vài ngày sau, trong lúc không có ai ở nhà, bà B. khăn gói quả mướp lên đường theo “tiếng gọi của con tim” mà không hẹn ngày về.

 

Tuổi hồi xuân ở phụ nữ thật đáng sợ! Cô gái trẻ “mê trai” đã đành, mà cũng còn bị xã hội lên án, huống chi một phụ nữ đã luống tuổi. Nhưng “trái tim có những lý lẽ riêng mà chính lý lẽ cũng không thể lý giải”. Về tâm sinh lý thì trẻ, già đều như nhau một khi trái tim bắt đầu “lên tiếng”. Tình yêu hồi xuân ở phụ nữ mạnh như thác đổ, giật như bão cấp 10, thậm chí còn mạnh hơn cả tử thần!

 

Nhạc sĩ Song Ngọc (tên thật là Nguyễn Ngọc Thương, sinh 1943, An Giang, bút danh khác là Hàn Sinh) đã viết ca khúc “Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân”, trong đó có những câu: “…Gót mòn tìm dư hương ngày xưa, bao nhiêu kỷ niệm êm ái, một tình yêu thoát trên tầm tay. Tôi trở về đây với con đường xưa, đâu bóng người thương, cố nhân về đâu? …Ân tình xưa đã lỡ, thời gian nào bôi xoá, kỷ niệm đầu ai đành lòng quên!…”.

 

Tình đầu thường không trọn vẹn, để lại dấu buồn, nhưng vẫn là mối tình đẹp. “Dấu buồn tình đầu” khó phai lắm, Ns Song Ngọc kể: “Phố buồn mình tôi bước chân lẻ loi, ray rứt trời mưa bỗng nghe mặn môi”. Tuy nhiên, chỉ nên coi “kỷ niệm buồn” đó là “kỷ niệm đẹp” với tất cả sự trân trọng: “Nỗi niềm chuyện tâm tư người ơi! Xin ghi nhạc lòng thương nhớ, mình gọi nhau cố nhân u sầu”. Cố nhân là người xưa, nghĩa là không thuộc về mình, là con người có trái tim và yêu chân thật thì sao lại không buồn? Nhưng hãy để nỗi buồn “ngủ yên”, hãy để “người xưa” ở một “góc khuất” trong tim như một kỷ vật. Thi thoảng có thể nhớ lại và… mỉm cười. Thế thôi!

Nước đã lóng phèn, đừng quậy nữa. Quá khứ là quá khứ. Hiện tại là hiện tại. Mỗi thứ đều có vị trí riêng nhất định, không thể lẫn lộn.

 

Ns Song Ngọc cũng có ca khúc khác là “Gặp Lại Cố Nhân”, trong đó ông viết: “Lâu lắm xa rồi mình lại gặp nhau, hai đứa không còn ngày vui hôm nao. Giờ em vui bước bên ai, còn tôi lòng vẫn chưa phai, môi mắt tình xưa nhiều chua cay!”. Và ông tự vấn: “Em có thương gì kỷ niệm đầu tiên, hai đứa xây mộng một ngày nên duyên?”. Rồi ông lại tự trả lời: “Đời anh sương gió lang thang, đời em lụa gấm cao sang, nên mối tình vô vọng lìa tan”. Con cá vuột khỏi tầm tay luôn là con cá lớn, Ns Song Ngọc thầm trách: “Ngày xưa gặp gỡ nhau chi, trăm năm hỏi có duyên gì hay không? Một người đẹp bước bên chồng, còn tôi đơn lạnh nghe lòng bâng khuâng!”. Buồn lắm chứ, buồn đến nỗi có người dám tự tử kia mà. Thế nhưng hãy đối diện với sự thật: “Hai đứa quay mặt tựa chẳng hề quen, khơi đóng tro tàn làm gì đau thêm”. Đúng vậy, “khơi đống tro tàn” chỉ là tự làm khổ mình. Biết vậy nên Ns Song Ngọc “tự xử” bằng cách: “Bài ca tôi viết cho em, cầu xin thượng đế vô biên cho suốt đời con được tình quên”. Thế mới cao thượng, và thế là tình xưa vẫn đẹp trong mộng mị.

Có lẽ Ns Song Ngọc “kinh nghiệm” nhiều về chuyện thất tình nên mới viết được những ca khúc vang bóng một thời như vậy. Ns Trịnh Công Sơn cũng “kinh nghiệm” đầy mình: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi, những dòng sông nhỏ! Lời hẹn thề là những cơn mưa” (Tình Xa).

 

Ns Trúc Phương nhận định trong ca khúc “Thói Đời”: “Đường thương đau đày ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người”. Người Việt thường nói: “Đời là thế!”. Còn người Pháp nói: “C’est la vie!”. Không khổ không là đời, không khổ không nên người. Đó là “định luật muôn thuở” rồi!

Người Anh nói: “Let bygones be bygones”. Đúng vậy, chuyện gì đã qua thì hãy cho qua. Nghĩa là hãy tha thứ chứ đừng đay nghiến nhau, đừng làm khổ nhau hoặc tự làm khổ chính mình.

 

Có thể xã hội không có nhiều những trường hợp như bà B. kia, nhưng không phải là không có. Đó là “cái gai” làm tan vỡ gia đình, là “thuốc nổ” phá tan hôn nhân, là “độc tố” hủy hoại hạnh phúc, làm khổ những người thân và chính mình. Gia đình không hạnh phúc mệnh danh là “địa ngục trần gian”.

 

Với Công giáo, hôn nhân là bí tích, là ơn gọi. Chúa Giêsu nói về hôn nhân: “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6). Còn Thánh Phaolô khuyên: “Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế, vì Thiên Chúa sẽ xét xử các kẻ gian dâm và ngoại tình” (Dt 13:4).

 

Hãy cảnh giác, hãy cẩn trọng, hãy cố gắng hy sinh và bảo vệ gia đình, đó cũng là bảo vệ chính mình vậy!

TRẦM THIÊN THU