Nhân cách đời tu (tiếp theo)

Nếu hiểu nhân cách là một thái độ tự do chọn cho mình một “linh đạo” riêng thì người lệ thuộc lại thoái thác cuộc đời mình cho người khác.

tusi.jpg

Khi đối chiếu nhân cách tôn giáo của mỗi tín hữu với đời tu, chúng ta thấy nổi bật giá trị của các lời khuyên Phúc Âm (CLKPA). Tất nhiên, việc giữ các lời khuyên này dành chung cho mọi tín hữu. Tuy nhiên, ở cấp độ cao hơn và triệt để hơn, các tu sĩ khấn giữ những điều ấy như là một điều bó buộc trong nhân đức thờ phượng. Đây là nét đặc trưng và nét đẹp nổi bật mà mỗi tu sĩ cần sống và chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm. Việc tuyên khấn, vì là một hành vi của ý chí tự do nên chúng giúp hình thành nhân cách. Hơn nữa, nó hướng nhân cách đi theo con đường phù hợp với chương trình của Thiên Chúa và đồng thời làm cho nhân cách được triển nở.(22) Như thế, CLKPA trở thành tiêu chuẩn đánh giá nét đẹp của đời thánh hiến. Nhưng trước tiên chúng ta cần tìm hiểu những chướng ngại trên đường hình thành nhân cách. 

1/ Chướng ngại

Nếu như những chướng ngại trong phần nhân cách tôn giáo đã làm trì trệ đời sống các tín hữu thì những cản trở trong phần này càng phức tạp hơn vì bao gồm những trở ngại trên và những phát sinh từ đời tu.

2/ Không trung thực

Như chúng ta đã biết nhân cách bao gồm toàn bộ đời sống con người được nhập thể trong một hoàn cảnh cụ thể. Như thế, một nhân cách đích thực đòi hỏi chủ thể phải hội nhập thực sự vào trong từng cảnh huống cuộc sống. Nhưng thực tế, con người vốn yếu đuối nên thường tránh né cách nào đó khi phải đảm nhận đời sống mình. Qua cung cách sống của nhóm tu sĩ này chúng ta dễ nhận ra mặt nạ của họ, rằng với bề trên thì cung phụng, luồng cúi còn với anh em thì kiêu căng, hống hách. Thái độ sống không trung thực này làm cản trở quá trình hình thành nhân cách đích thực. Chắc hẳn, tính đích thực của nhân cách này không hệ tại ở việc nói năng lỗ mãng hay hành động ngông cuồng nhưng tùy thuộc động lực thiêng liêng thúc đẩy họ ứng xử. Xét cho cùng, động lực thúc đẩy nhóm tu sĩ này hành động hoàn toàn mang tính nhân loại. Vì nếu thực tâm tìm Chúa trong đời tu thì họ đã đón nhận những người anh em khác trong cộng đoàn như hồng ân Chúa ban và qua những người này, họ tiến gần đến Chúa. Trái lại, một đàng họ không dám đối diện với bản thân, đàng khác còn coi tha nhân như phương tiện giúp họ thăng tiến. Tắt một lời, khi không dám sống thực với bản thân và tha nhân thì họ tự tạo một rào cản vô hình trong tương quan với Thiên Chúa.

3/ Lệ thuộc

Nếu hiểu nhân cách là một thái độ tự do chọn cho mình một “linh đạo” riêng thì người lệ thuộc lại thoái thác cuộc đời mình cho người khác. Thay vì lý tưởng đời tu hướng dẫn họ xác tín chỉ lệ thuộc vào Chúa, họ lại chạy theo tiếng khen của người đời. Đó là cách người lệ thuộc tìm cách tránh né thế giới nội tâm, con người đích thực của mình. Bù lại, họ hoạt động không ngừng vì tha nhân và cảm thấy hài lòng vì mình là người có giá trị khi làm ích cho người khác. Họ thích được khen mình là người tốt và cố giữ mãi danh hiệu ấy trước mặt người đời. Vấn đề cốt lõi của họ chính là đời sống tâm linh, vì họ không biết mình và yêu mến mình một cách tích cực.(23)

Nếu như nhân cách được đặt trên nền tảng là tính cá vị của mỗi người thì việc người lệ thuộc đi tìm căn tính mình nơi người khác là điều dễ hiểu. Vì họ chưa bao giờ thực sự sống cho mình trong việc đọc ra những nhu cầu bản thân. Thay vào đó, họ phục vụ quên mình đến nỗi sẵn sàng đánh mất bản thân. Chính khi tìm những đánh giá tốt của người khác mà họ sẵn sàng đánh đổi tất cả. Họ ví như người Chúa Giêsu đã cảnh báo: kẻ tìm lời lãi thế gian mà mất mạng sống mình.

4/ Cầu toàn

Nếu hiểu được ước muốn lớn lao của người cầu toàn là tìm kiếm sự tròn đầy ở đời này thì chúng ta dễ nhận ra thái độ sống thiếu thực tế của họ. Họ có tham vọng xếp đặt mọi sự theo một trật tự chủ quan. Điều này có thể hiểu như việc họ giải một bài toán và có sẵn đáp số. Nhưng họ quên một chân lý này con người là một huyền nhiệm. Người ta không thể ngồi yên để tìm đặt ra mọi tình huống trong cuộc sống, rồi tự trả lời bằng những chữ viết vô hồn (kỹ năng sống). Cuộc sống là một cuộc hội nhập từng ngày giữa hiện hữu của mình và hoàn cảnh sống. Kinh nghiệm này người ta phải mua bằng giá máu chứ không phải bằng sự dễ dãi như một đáp số bài toán. Sự giản lược và đóng khung con người trong những khuôn có sẵn chẳng khác gì những người tin vào thuyết tất định. Đó là một sai lầm !

Một tu sĩ cầu toàn không bao giờ chấp nhận tình trạng hiện tại của bản thân. Họ phấn đấu và phấn đấu mà không ý thức sự mỏng giòn của thân phận con người. Một khi chỉ dựa vào sức mình mà không cậy vào Chúa, họ mất đi nguồn trợ lực giúp họ sống tròn đầy trong giây phút hiện tại. Họ chỉ chăm chú vào cái bể chứa vĩ đại chứ không để ý từng gáo nước đầy được đổ vào bể ấy. Bể chứa vĩ đại ấy là biểu tượng của một cuộc đời, còn gáo múc nước là phút sống hiện tại. Thay vì sống tràn đầy phút sống hiện tại, người cầu toàn cứ phấn đấu tìm cách đổ đầy bể chứa vô hình. Họ quên một qui tắc vàng: từng phút sống tròn đầy sẽ tạo nên một cuộc sống tròn đầy. Cuối cùng, họ chỉ nhận ra sự bất lực của bản thân mà không ghi nhận những nỗ lực trong từng phút sống. Bởi đó, họ luôn sống trong tình trạng căng thẳng và đầy áp lực. Tác phong lúng túng không giúp họ kiên định trong nhân cách. Hãy múc đầy gáo nước trong từng phút sống của bạn !

Khuynh hướng cầu toàn này lại được hậu thuẫn từ lời mời gọi anh em hãy nên hoàn thiện. Tuy nhiên, họ quên rằng người ta chỉ thực sự trở nên hoàn thiện khi chấp nhận và dám sống với thực trạng con người mình trong từng giây phút. Khi người cầu toàn không biết mình đủ, lại đề ra những dự phóng vượt quá tầm với, họ sẽ sống trong ảo tưởng về những khuôn mẫu hoàn thiện (thần tượng và ngẫu tượng) hơn là dấn thân triệt để sống tròn đầy giây phút hiện tại với tất cả tình yêu.

5/ Ghen tị

Khi so sánh mình với người khác về một điểm nào đó, con người thường bị cám dỗ ghen tị. Có nhiều hình thức ghen tị khác nhau: qua lời nói điêu ngoa hay bằng hành vi lỗ mãng thiếu tế nhị.

Có hai đối tượng cần khảo sát: người ghen tị và nạn nhân. Trước tiên, người ghen tị được hiểu là người cảm thấy đau đớn, khi thấy người khác có được những gì bản thân thèm muốn. Đồng thời, họ muốn chiếm đoạt điều tốt lành ấy nơi người khác và một khi không đạt được ước nguyện, họ phá bĩnh mọi sự.(24)

Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đặt để ước muốn nên hoàn thiện trong lòng mọi người. Nghĩa là con người có khuynh hướng nghiêng chiều về sự thiện. Điều này được thánh Augustinô ghi lại trong một lời nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và lòng con vân còn thao thức cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”. Như thế, đích đến của nỗi khát vọng nơi lòng người là Thiên Chúa, Sự Thiện Tuyệt Đối.

Có thể nói, lòng khát khao ấy là một đòi hỏi chính đáng ! Nhưng thay vì chiếm hữu sự thiện trong mức độ năng lực của bản thân, người ghen tị lại quay sang thèm muốn điều tốt lành nơi người khác. Thật vậy, họ tìm thỏa mãn trong sự vô vọng của con tim. Sự ảo tưởng này làm băng hoại nhân cách của họ.Nhân cách ấy chịu ảnh hưởng của hình ảnh tốt đẹp nơi người kia.

Trong khi đó, nạn nhân chịu sự ghen tị ấy, chuỗi tâm lý diễn ra phức tạp hơn. Đầu tiên, họ chỉ là đối tượng bị ghen tị nhưng sau đó, họ trở thành nạn nhân của lòng ghen tị. Do không được ưu thế như người kia mà kẻ ghen tị quay sang tìm cách hạ nhục họ. Một khi bị công kích kịch liệt, nạn nhân dần dà cũng nghiêng theo mà nghĩ rằng những điều tốt lành nơi mình chẳng đáng gì. Cuối cùng, họ phủ nhận hoàn toàn những cấu tố trong nhân cách của mình, điều đã khiến cho người khác tỏ lòng ghen tị.(25)

Tóm lại, dù là kẻ ghen tị hay nạn nhân, nếu không tỉnh thức đủ cũng dễ bị nghiêng chiều theo sự dữ, tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng cách nào đó trên nhân cách mỗi người. Ngoài ra, thói xấu này còn vương hại đến sự hiệp nhất của cộng đoàn dòng tu.

Nhìn chung, những chướng ngại trên đều phát xuất từ chính bản thân. Nếu mỗi người thường xuyên phản tỉnh về những hành vi trong vô thức của mình, dần dà sẽ làm chủ được tình thế và ý thức sống đời dấn thân với tất cả sự tự do và yêu thương.

Còn tiếp…

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.