Nhập thể vấn đề và mầu nhiệm

Trong những thập kỷ vừa qua, người ta nuôi mộng lớn cho công cuộc ấy, đến độ họ tưởng là đã tìm được ở trong lịch sử cổ kim, một thứ học thuyết bổ sung cho Mạc Khải: đó là học thuyết “dấu chỉ thời đại,” thịnh hành trong những năm 1960-70.

TỔNG LƯỢC

I. Một số dữ liệu căn bản:

Nghi vấn về chủ thể Nhập Thể: Ai đã nhập thể?

Nghi vấn về phương cách Nhập Thể: Ngôi Lời đã nhập thể bằng cách nào?

Nghi vấn về chung điểm Nhập Thể: Ðức Giêsu là ai?

 

II. Những công thức biểu đạt của các công đồng:

Thử giải nghĩa theo tư tưởng cổ điển và hiện đại.

Thử giải thích nhằm ứng đáp những đòi hỏi của phương pháp phê bình.

 

III. Những khuynh hướng triết học hiện đại đặt lại vấn đề ý nghĩa của Nhập Thể:

Ðặt lại vần đề siêu việt tính của Thiên Chúa.

Hướng tới nội tại tính.

Dư tích của một quan niệm chấp nhất về siêu việt tính (Hồi giáo và Do thái giáo).

Hướng tới nội tại thuyết. Nhập Thể trong lịch sử.

 

IV. Những lối giải thích “duy sử” về Nhập Thể:

Những biến dịch.

Lịch sử và Nhập Thể.

 

V. Những dữ liệu căn bản cần khám phá:

Tìm lại ý nghĩa về siêu việt tính của Thiên Chúa.

Cảnh giác đối với chủ hướng duy sử.

Quan niệm “biến cố” về Nhập Thể.

Một vấn đề đặc biệt: vũ trụ nhập thể. Học thuyết Teilhard de Chardin.

 

VI. Những cách giải thích có căn cứ:

Phương thức nghiên cứu hoàn toàn khách quan

về con người Ðức Kitô.

Nhìn lại công thức tín lý: Ðức Kitô với một ngôi vị và hai bản tính.

Ngôi vị trong Ðức Kitô: vấn đề và mầu nhiệm.

 

VII. Ðể xây dựng một “Linh đạo Nhập Thể”:

Lồng vào trong đời sống cá nhân.

Ảnh hưởng của Linh đạo Nhập Thể đối với vận mạng con người.

Cảnh giác chống lại một dạng học thuyết Bérulle.

Linh đạo Nhập Thể và việc sùng kính Ðức Mẹ.

 

VIII. Một “linh đạo Nhập Thể”:

Viễn cảnh xã hội và văn hoá.

Kết luận: Nhập Thể, nguồn suối Khôn ngoan.

                                         

 

 

Có lẽ cũng nên nhắc lại đây chủ đích của loạt bài “khảo luận triết học” này. Ðó không là gì khác ngoài việc muốn lấy con mắt triết học mà nhìn vào các tín điều thần học, để thử tìm hiểu tại sao tư tưởng ngày nay lại tỏ ra e ngại đến như thế đối với các chủ đề tín lý. Tiếp ngay sau dịp công bố bản Tuyên Tín nổi tiếng của Ngài, Ðức Phaolô VI đã lấy làm đau xót mà than phiền về sự việc trái nghịch này là dù thần học nhất thiết phải dùng đến các ý niệm triết học (và cả khoa học nữa) để biểu đạt nội dung của mình, thì tư tưởng hiện đại cũng đã giải thích các ý niệm ấy theo những cách kiểu rất khác nhau, và thường là đối ngược hẳn với quan niệm cổ điển; chẳng hạn như là đối với trường hợp của các ý niệm: bản tính, bản thể, ngôi vị (nhân vị, bản ngã), nguyên nhân tính, mục đích tính, v.v. Kết quả là cả một cảnh trạng đầy dẫy những mập mờ và ngộ nhận. Vì thế, việc minh định lại cho chính xác những ý niệm triết học làm nền tảng cho các công thức thần học, là một việc làm không thể bỏ qua được; và đó chính là điều chúng tôi muốn nhằm tới qua loạt bài khảo luận nói trên.

 

“Nhập Thể” – thường được coi là tâm điểm của tư tưởng kitô, – là chủ đề thần học có lẽ đã dùng đến các khái niệm triết học nhiều hơn bất cứ một chủ đề nào khác; như là các khái niệm về: siêu việt tính, nhân tính hóa, ngôi vị, bản tính, văn hoá, v.v… Thế nên, việc dùng phương thức suy luận phê bình theo triết học mà tìm hiểu và nhận định về nội dung vấn đề, quả là có một tầm trọng yếu đặc biệt đối với chủ đề Nhập thể hơn là đối với các chủ đề thần học khác. Chúng tôi sẽ cố thử tìm cách để làm cho các khái niệm kia được rõ ràng thêm lên một chút.

 

Ðồng thời, cũng xin được nhắc lại là ở đây không mảy may có ý viết lại thần học về Nhập Thể. Ðể tìm hiểu vấn đề, xin độc giả tham khảo vô số những tác phẩm viết về Kitô học suốt trong 50 năm vừa qua. Tuy nhiên, xét vì có rất nhiều ý kiến khác nhau trong cách các tác giả giải thích, ít nhất là về một số điểm, nên thiết tưởng khôn ngoan hơn cả là lấy bản Tuyên Tín của Ðức Phaolô VI làm văn bản cơ sở, bởi lẽ không những được coi như là chính thức, mà còn bằng một dạng ngôn ngữ chính xác và dễ hiểu, văn bản đó đã điểm kê rõ các dữ liệu đức tin liên quan đến Nhập Thể.

 

Ðể thành công trong việc phân tích (theo phương pháp triết học) như thế, chúng tôi sẽ tiến hành như sau:

 

Trước hết, sẽ xin được dựa theo các công thức định tín của các công đồng mà nhắc lại những dữ liệu chính yếu về tín điều Nhập Thể, và dĩ nhiên, sẽ không quên đặc biệt chú ý đến các dữ liệu triết học tiềm ẩn ở trong các công thức ấy.

 

Tiếp đó, chúng tôi sẽ trình bày về các “khuynh hướng” khác nhau trong cách giải thích các dữ liệu triết học kia.

 

Sau cùng, chúng tôi sẽ bàn đến những lối giải thích đã thực sự lộ diện và, trong những thời gian gần đây, đã tìm cách để biến đổi ngay cả chính nội dụng đức tin về Nhập Thể; nói thế là chúng tôi muốn hàm ý chỉ về tất cả những mối nguy mà chủ hướng “lịch sử hoá” đã gây ra.

 

Thiên khảo luận sẽ – dựa theo phương thức suy luận triết học mà – đề ra những hiệu chỉnh cần thiết cho chính cung cách đặt vấn đề trong việc tìm hiểu về Nhập Thể. Mong rằng những đề nghị mới này sẽ đem lại được những nhân tố cần cho việc xây dựng một nền linh đạo Nhập Thể lành mạnh (một số chủ đề của Bérulle sẽ được dùng đến, còn một số khác thì sẽ được sửa chữa), hầu từ đó rút tỉa ra được những ứng dụng cụ thể đối với ơn gọi cá nhân, cũng như đối với tầm ảnh hưởng của Nhập Thể trên các cung cách quan niệm về thế giới và về văn hóa. Nếu nỗ lực kia có giúp góp phần làm giảm đi được một số vấn đề, thì như mọi người đều đã rõ, “mầu nhiệm đã được giữ kín từ muôn thuở” vẫn mãi mãi sâu thẳm, vẫn mãi mãi là “Mysterium fidei”…

 

MỘT SỐ DỮ LIỆU CĂN BẢN

 

Công thức đầu tiên – minh bạch, rõ nét, mà lại súc tích với những ý nghĩa rất phong phú, – có thể tóm gọn chủ đề suy tư của thiên khảo luận này, là câu thánh Gioan đã ghi lại ở trong Lời tựa Phúc Âm của ngài: “Và Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng ta.” Dù là bằng Hy ngữ: “Kài ho Lógos sàrx egéneto,” hay La ngữ: “Et Verbum caro factum est,” thì công thức kia cũng vẫn hàm súc những ý nghĩa sâu xa và một tầm mức trọng yếu nguyên y. Toàn bộ nội dung đức tin về mầu nhiệm Nhập Thể đã được nói lên qua các công thức ấy.

 

Phải hiểu như thế nào về ý nghĩa của chúng? Và cách riêng, làm sao con người thời nay có thể hiểu cho ra tầm cỡ trọng yếu của các ngôn từ ấy được? Quả là cần phải xác định cho rõ về từng từ một. Ðó là điều Giáo hội đã làm suốt trong ba bốn thế kỷ đầu, để đi đến chỗ có được những công thức định tín mà các công đồng đầu tiên đã đưa ra. Dù vậy, việc minh giải chúng theo quy cách và những đòi hỏi của khoa học luận hiện đại, vẫn còn là một việc làm cần thực hiện.

 

Ngay cả ngôn từ đầu tiên là: “Lời” (Lógos, hay Verbum) cũng cần phải được giải nghĩa. Từ ấy muốn chỉ về ai, về điều gì? Từ Lógos thường được các nhà triết học Hy lạp dùng đến, và đã được cắt nghĩa theo những cách kiểu khác nhau, chẳng hạn như là: theo kiểu của Anaxagoras (cho rằng trong vũ trụ có khả niệm tính), theo kiểu của Aristốt (coi Lógos là Mô thức, và là Mô thức thuần túy nữa), và nhất là theo kiểu của trường phái Stoa (quan niệm Lógos là linh hồn của vũ trụ). Cần phải giải quyết cho xong các điểm mập mờ trước đã, rồi mới có thể nhận biết ra được thánh Gioan nghĩ gì khi ngài nói về “Lời.” Bài khảo luận sẽ bàn đến điểm này trong một phần viết dưới đây.

 

Rồi, tiếp đến là ngôn từ: “thành hay trở nên” (“egéneto” hay “factum est”); cũng lại có vấn đề. Phải quan niệm như thế nào về hành động “trở thành”kia? Có phải là một sự “hiện ra,” một sự “chuyển vị” hay là một cuộc “đột biến”… ? Giả thuyết nào cũng có thể đề xuất được cả.

 

Cuối cùng, phải hiểu như thế nào về kết quả của tiến trình ấy? “Xác phàm” (sarx, caro) ấy là gì? Từ ấy chỉ về một con người thật, hay là hàm chỉ về một tình trạng “thích nghi” với điều kiện sống của bản tính loài người, một hình thức mạo dạng? Tất cả các giả thuyết kia đều đã được đưa ra, và đã được đưa ra ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo hội. Nhưng đó không chỉ là chuyện quá khứ, bởi chúng hiện đang được não trạng thời nay – nặng duy lý cùng mê túy phương pháp hiện tượng luận, – phục chế nguyên trạng. Vậy, “xác phàm” kia quả là một thực tại, hay chỉ là chuyện “làm như..”? Nhập Thể có phải là một thực tại hay không, hay chỉ là một biểu hiệu tượng trưng? Chúng ta đang đứng trong lãnh vực nào đây: “đã quyết” hay chỉ là “dự định”?

 

Nghi vấn về chủ thể Nhập Thể: Ai đã nhập thể?

 

Ngay từ thời khai nguyên, đức tin đã khẳng quyết cho các kitô hữu biết rõ rằng: Ðức Kitô Giêsu, Ðấng mà họ đã được biết đến và tin theo, là chính Lời của Thiên Chúa, chính Lời đã đến làm người ở giữa loài người. Tuy nhiên, niềm tin ấy vẫn chưa được mọi người kitô nhất trí chia sẻ: với thời gian, những thái độ chần chừ, lưỡng lự đã dần dần lộ rõ hẳn ra. Dư âm của những thái độ ấy vẫn còn vọng lại cho tới ngày nay; thế nên, có nhắc đến chúng ở trong thời này, thì cũng không phải là chuyện vô ích.

 

a) Có người quan niệm rằng Ðức Giêsu Nadarét chỉ đơn thuần là một “vị anh hùng,” đầy nhiệt huyết thần cảm và chính trị, khả dĩ hiện thực hóa được niềm chờ mong giải phóng của một dân tộc đang bị áp bức. Ngay cả lúc Ðức Kitô còn tại thế, một số người thuộc vòng thân cận của Ngài – đặc biệt là những người trong phái Nhiệt Thành (Zêlôtê) – cũng đã từng hiểu như thế. Cả đến thời hiện đại cũng vẫn còn thấy rõ bóng dáng của nó, vì đó là lối giải thích thịnh hành giữa những người thuộc giới xã hội chủ nghĩa trong các thế kỷ 19-20, như Kautzky, Jaurès, v.v. Hình như một vài nhà “thần học giải phóng” cũng đã bị cám dỗ nghiêng chiều theo lối giải thích ấy. Phải nói là lối giải thích này quả là quá thô thiển đối với những ai biết đọc Phúc Âm cho chăm chỉ một chút; thế nên, bài viết thấy là không cần phải bận tâm nhiều đến nó. Chính Ðức Kitô cũng đã nhiều lần bác bỏ lối giải thích nhuốm đậm màu sắc chính trị đó.

 

b) Những người khác thì lại cho rằng Ðức Kitô quả là một nhân vật siêu phàm; nhưng họ vẫn lưỡng lự không biết nghĩ sao về bản chất con người của Ngài. Ngay trong thế kỷ đầu, đã có những người nghĩ Ngài là một thứ ảo thể thần linh: người Do thái tưởng Ngài là Bêeldêbun; người Hy lạp thì cho Ngài là thần Hermê nhập thể. Dù không quá trớn như vậy, thì thời nay cũng có ngưòi nghĩ Ngài là một Siêu nhân. Là người đã hết lời công kích Kitô giáo, công kích ảnh hưởng cho là băng hoại của Kitô giáo – ảnh hưởng mà ông quả quyết là chính các người truyền giảng, đặc biệt là thánh Phaolô, đãõ gây ra, – Nietzsche cũng đã coi Ðức Kitô như là một Siêu nhân, có không biết bao nhiêu là năng khiếu bẩm thụ, là một thứ Siêu-Sôcratê. Còn Harnack hoặc, gần đây hơn, Bultmann thì xếp Ngài vào hạng những nhà “đại thần cảm” của lịch sử loài người. Renan cũng quan niệm tương tự như thế; ông nói rằng nếu không phải là Thiên Chúa, thì ít ra Ngài cũng phải là người số một trong loài người.

Trong các thế kỷ đầu, triết học cũng đã hăm hở tranh luận về chủ đề “ưu việt tính siêu nhân” của Ðức Kitô, với những lối giải thích và lý chứng dựa theo các nguyên tắc tân-Platô hoặc cận-Platô. Arius coi Ðức Kitô như là một thứ Hóa công theo kiểu của Platô, tức là một thứ “thần” trung độ giữa Thiên Chúa và loài người. Arius đã có được một số hậu bối không phải là ít. Thời Trung cổ, dựa theo quan điểm của Hồi giáo và nguyên tắc của Aristốt để giải thích vũ trụ, Averroès đã xếp Ðức Kitô vào hàng các Nguyên Mẫu (Archétypes) xuất phát từ Thượng Ðế Toàn Năng. Ngày nay, hiện có nhiều hình thức ngộ giáo cũng quan niệm tương tự như Averroès, với những dạng kiểu bí truyền khác nhau.

 

c) Giữa vô số những giải thích phiêu lưu mạo hiểm như thế, tư tưởng thần học kitô đã phải, ngay từ lúc đầu, khai thông một lối đi cho chính mình. Tác phẩm của các Giáo phụ, rồi tiếp đó là các công thức định tín của các công đồng, đã nêu cao một lập trường hết sức sáng tỏ rõ ràng về chủ đề nói trên. Các văn bản này trước hết, trung thực nói lên lại những gì chính các văn bản Phúc Âm đã trình thuật. Chủ thể Nhập Thể, Ðấng cùng lúc được gọi là Con của bà Maria và “Con của Thiên Chúa hằng sống,” là chính Lời, tức là Ngôi Hai trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong Phúc Âm, thánh Phêrô đã khẳng khái tuyên xưng tại Cêsarêa Philipphê rằng: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Sau này, các Giáo phụ đã nhất trí tuyên xưng như thế. Thánh Pôlycarpô giải thích rằng “Ngài là Con Thiên Chúa, là Ðấng hằng tồn tại trong vinh quang giống hệt như Thiên Chúa Cha.” Còn Thư gửi cho Ðiôgnêtê thì đi xa hơn nữa và viết rằng: “Ngài là Lógos (Lời) Thiên Chúa.”

 

Xin lưu ý đến công thức “Lógos của Thiên Chúa.” Từ Lógos đã được phổ biến, đặc biệt là do trường phái Stoa, và quả là thông dụng trong thời đầu công nguyên. Nhưng, vì trong bức Thư trên đây, tác giả đã muốn ám chỉ về Lời tựa của Phúc Âm thánh Gioan, nên từ Lógos dùng đến trong câu trưng dẫn, có nghĩa là Ngôi Hai trong Thiên Chúa Ba Ngôi: “Lógos ở trong Thiên Chúa… và Lógos là Thiên Chúa” (Ga 1,1) Khác với cách hiểu của trường phái Stoa, ở đây từ Lógos được hiểu theo nghĩa ngôi vị. Một khi đã dùng đến từ Lógos, thì tất cả các tác giả kitô, đặc biệt là các Giáo phụ như Giustinô, Irênêô, Tertullianô, v.v. đều hiểu theo nghĩa đó. Như thế là đã tạm đủ đối với ý nghĩa của từ Lógos. Và không chút úp mở, tư tưởng thần học đã minh bạch khẳng định rằng không còn gì đáng phải nghi ngờ về bản chất của Ðức Kitô nữa cả: Ngài chính là Ngôi Lời, Ngôi Hai trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Công đồng Cankhê-đôn (n. 451) sẽ minh nhiên khẳng định về chân lý ấy (cách riêng là để chống lại chủ trương của Arius). Có thể nói đó là một cuộc nhận diện lịch sử về nhân vật Giêsu. Nếu những cách giải thích về chủ thể Nhập Thể không trực tiếp liên hệ nhiều với các phạm trù thuần túy triết học, thì đường lối tìm hiểu về phương cách Nhập Thể sẽ đi theo một quy trình khác hẳn.

 

Nghi vấn về phương cách Nhập Thể: Ngôi Lời đã nhập thể bằng cách nào?

 

Phải quan niệm như thế nào về sự việc Ngôi Lời nhập thể? Câu hỏi đã khơi dậy không biết bao nhiêu là cuộc tranh luận. Suốt gần bốn thế kỷ, óc tinh tế Hy lạp đã dồn rất nhiều sức lực để suy tư về vấn đề này; và tư tưởng ngày nay cũng đã lấy lại và biến tấu theo phong cách riêng của mình, một số những cách thức giải thích của tư tưởng Hy lạp.

 

a) Một số nhà bình chú thời đầu đã coi việc “nhập thể” ấy như là một cuộc tạo dựng mới, một cuộc sáng tạo độc đáo, khác với cuộc tạo dựng vũ trụ. Về sau, Arius đã khai triển quan điểm này cho rộng ra hơn. Nhận xét cho khoan dung nhất thì cũng phải nói đó là một luận đề táo bạo.

 

b) Một số người khác thì coi nhập thể như là một dạng “hiện hình,” cho rằng: Ðức Kitô đã hiện ra tại và từ miền Galilê, tựa như Ngài đã hiện ra sau khi sống lại. Chứng kiến Ngài hiện diện thì giống như là nhìn thấy thị kiến vậy. Và bởi các người chủ trương như thế coi sự hiện diện của Ngài như chỉ là một hiện tượng biểu kiến (apparence), một ảo ảnh, nên chủ thuyết của họ mang tên là “ảo thân thuyết” (docétisme; từ Hy lạp dokéo có nghĩa là xem ra, có vẻ hay hình như…). Nhiều dạng học thuyết ngộ đạo sẽ lấy lại lối giải thích này, kể cả Nestorius. Ðiều khó nhất mà chủ thuyết này phải đối đầu và không giải quyết nổi là: nếu đúng như họ chủ trương, thì toàn bộ cuộc sống Ðức Kitô rốt cuộc chỉ là một loạt những hiện tượng ảo phù; còn cuộc tử nạn của Ngài thì chỉ là một cuộc trá kịch trong đó Ðức Kitô đã “giả bộ” chịu khổ và chịu chết. Thật khó lòng mà chống đỡ cho vững được một giả thuyết phù phiếm như thế.

 

c) Có những người khác thì chịu nhận Ðức Kitô là người thật, nhưng lại quan niệm Nhập Thể chỉ đơn thuần như là sự việc Ngôi Lời Thiên Chúa nhận nhân tính “làm con nuôi”. Vì thế, chủ thuyết này có tên gọi là “nghĩa tử thuyết” (adoptianisme). Sau này, những người theo các chủ thuyết của Arius và Nestorius, cũng sẽ lấy lại một số khía cạnh của lối cắt nghĩa theo kiểu “con nuôi” như vừa nói. Còn các Giáo phụ thì đã mạnh mẽ lên tiếng chống lại. Thánh Hilariô tuyên bố rằng: “Thật sự và theo nghĩa đen, Ðức Kitô là Người Con tự bởi nguyên lai, chứ không phải là nhờ được nhận làm con nuôi” (De Trinitate, cuốn III, số 11).

 

“Các lạc giáo” ấy có một điểm chung, đó là coi Nhập Thể như là chuyện giả tưởng, cho rằng: Ðức Kitô chỉ có một bản tính duy nhất, và mặc lấy bản tính kia theo một cách thức hoàn toàn biểu kiến hay ảo phù. Hoặc Ngài là Thiên Chúa đội lốt ảo phù của một con người; hoặc Ngài là một con người đội lốt bề ngoài của Thiên Chúa. Trong cả hai trường hợp, Ðức Kitô chỉ được coi như là có một bản tính duy nhất; vì thế, trong cả hai trường hợp, các chủ hướng ấy đều mang cái tên gọi là nhất tính thuyết (monophysisme). Vì thế mà cần lưu ý, như sẽ thấy trình bày sau đây, là dù có được nói lên trong cách thức diễn đạt của truyền thống, hay trong dạng cách biểu trình của tư tưởng ngày nay, thì bao giờ “mầu nhiệm” Nhập Thể cũng hàm ngụ sự kiện Ðức Giêsu có hai bản tính liên kết với nhau trong cùng một Ngôi Vị duy nhất.

 

Nghi vấn về chung điểm Nhập Thể: Ðức Giêsu là ai?

 

Ðây là câu hỏi cuối cùng: Ðức Giêsu, Ðấng mà người ta gọi là Ngôi Lời Nhập Thể, thực ra là ai? Một khi đã biết Ngài là ai, thì cũng còn cần phải hỏi cho biết thêm: đâu là lý do hiện hữu, và đâu là sứ mạng của Ngài?

 

Ngay cả lúc Ðức Giêsu còn tại thế, người ta cũng đã từng đặt ra nhiều câu hỏi về bản chất đích thực của con người Ngài. Những người láng giềng của Ngài xầm xì với nhau rằng: “Chẳng phải ông này là con bác thợ Giuse đó sao?” Có lúc thì Ngài được coi như là một vị quan chức hoàng tộc: “Hoan hô Con vua Ðavít!” Nóng lòng, quần chúng thường hỏi: “Có phải Ngài chính là Êlia tái thế hay không?” “Ngài là Gioan Tẩy giả sống lại?” Mỗi người trả lời một cách. Tuy nhiên, đến hồi quyết liệt, thì câu trả lời cũng sáng rõ và trở thành đích xác dần, ít nhất là qua những lời nói lên trong các cuộc đối đàm với Phêrô: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống,” với Caipha, trong giây phút mấu chốt của vụ xử án: “Ông có phải là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống không? – Ðúng như ngài nói!…” và ai cũng đều biết chuyện gì đã xảy ra sau đó.

 

Như thế, các chứng từ xem ra đã quá rõ: Ðức Giêsu tự giới thiệu mình là “Con Thiên Chúa.” Nhưng lời tuyên bố này cần phải được giải thích cho chính xác thêm. Những thế hệ kitô hữu đầu tiên sẽ cố đào sâu tìm hiểu, và nhất là để giúp cho các người khác cũng nhận ra ý nghĩa xác thực của câu nói. Và đó là điều mà các công đồng đã gia công thực hiện. Nhưng trước khi nhìn về các công đồng, xin được lưu ý đến một câu hỏi bổ túc cho nghi vấn trên kia: sứ mạng mà Ðức Kitô đến để thực hiện qua cuộc “mạo hiểm” Nhập Thể, là sứ mạng gì?

 

Về sứ mạng của Ðức Kitô, hay nói cho rõ hơn, về mục đích của Nhập Thể thì các “học giả thông thái” có những ý kiến khác nhau. Kết tinh từ những suy tư của các Giáo phụ và của các tư tưởng gia kitô như Âugutinô hay Tôma Aquinô, một quan điểm chung đã dần dần thành hình, xác nhận công cuộc Cứu Ðộ chính là tiêu đích chung cục của Nhập Thể. Nếu Ngôi Lời đã thành xác phàm thì chính là để sau này có thể tự hiến thân mình trên Núi Sọ làm “của lễ toàn thiêu” dâng lên Thiên Chúa Cha mà chuộc tội loài người. Sự kiện tội lỗi đã xảy đến trong trần gian chính là lý do đưa tới sự việc Nhập Thể; và như thế là ngầm hiểu rằng nếu tội lỗi đã không xuất hiện trong lòng con người – đó là điều có thể, bởi con người có tự do, – tất Nhập Thể cũng sẽ chẳng còn là cần thiết.

 

Nhưng, không phải tư tưởng gia kitô nào cũng đồng ý với quan điểm đó. Hồi thế kỷ 12, đại thần học gia Dòng Phanxicô, Duns Scot, cũng như các môn đồ của ngài và các anh em nối nghiệp ở trong gia đình Phanxicô, đã không nghĩ là quan điểm ấy có lý. Theo trường phái này, thì dù con người có phạm tội hay không, Ðức Kitô cũng sẽ nhập thể, bởi lẽ Nhập Thể là mức viên mãn của công trình sáng tạo vạn vật. Cần phải nhận rằng Ðức Kitô trước tiên chính là mức viên mãn (plérôme) của toàn bộ vũ trụ, là thái trạng quy tập (récapitulation, anakephalaiôsis) của toàn thể nhân loại.

 

Thiên khảo luận sẽ không đi sâu vào trong chi tiết của các vụ tranh luận kia. Cả hai cách giải thích đều có thể chấp nhận được, bởi lẽ chúng không loại trừ lẫn nhau. Có thể cùng lúc tuyên nhận rằng Ðức Kitô, Ðấng đưa dẫn vũ trụ đến mức viên mãn, cũng chính là Ðấng Cứu Ðộ nhân thế theo một ý nghĩa trọn vẹn nhất.

 

Tạm gác các vấn đề bàn cãi kia lại một bên, bài viết xin được tiếp tục tìm hiểu về những gì các công đồng đầu tiên đã đóng góp cho chủ đề “Nhập Thể,” để tiếp đó, lượng định về các thành quả ấy theo những đòi hỏi của tư tưởng triết học hiện đại.

 

II. CÔNG THỨC ÐỊNH TÍN CỦA CÁC CÔNG ÐỒNG

 

Lịch sử cho thấy là các công đồng đầu tiên đã đặc biệt lưu tâm tới hai điểm chính sau đây: 1) loại trừ các sai lầm (hay các lạc giáo phải nói là quá thô thiển), – liên quan đến cả mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi lẫn mầu nhiệm Nhập Thể, – đang sinh sôi nảy nở và truyền lan nguy hại ở trong công đồng kitô thời ấy, và 2) ra sức xây dựng một nền giáo lý khả dĩ minh trình thích đáng – kể cả về mặt trí thức, – nội dung các chân lý trọng yếu của niềm tin kitô, hầu ứng đáp đúng mức nhu cầu hiểu biết của các tín hữu, cũng như các vấn nạn những người không-kitô đặt ra.

 

Lề lối biểu đạt qua các công thức đã triển phát một cách tiệm tiến. Các công thức đầu tiên đề cập đến Nhập Thể là những công thức xuất hiện ở trong các công đồng Nixêa (325), Constantinốp (381), và Êphêsô (431). Các công đồng này đã nối tiếp nhau lên tiếng vạch trần và sửa sai những quan điểm lệch lạc trầm trọng về bản chất con người Ðức Kitô, như là các lạc giáo: thụ tạo thuyết (cho rằng Ðức Kitô đơn thuần là một thụ tạo), dưỡng tử thuyết, ảo thân thuyết, nhất tính thuyết, v.v… Và dần dần một nền giáo lý đã thành hình: mạch lạc, khá rõ ràng, và chẳng bao lâu sau đã đạt đến mức tương đối chính xác. Chính công đồng Cankhêđon (451) đã giúp cho cố gắng minh trình kia được thực sự thành tựu; và cách chung, nền giáo lý ấy có thể được coi như là dứt khoát, chung quyết.

 

Nội dung cốt tủy của các tín khoản mà công đồng Can-khêđon đã minh định là thế này: xét về mặt ngôi vị, Ðức Kitô là Ngôi Vị của Con Thiên Chúa, và Ngôi Vị này có thể hoạt động qua hai bản tính, tức là thiên tính và nhân tính. Sau đây là một vài đoạn trích từ văn bản của công đồng:

 

“Dõi theo đường hướng của các Giáo phụ, chúng tôi nhất trí dạy rằng cần phải tuyên xưng giáo lý này là chỉ có một Con duy nhất là Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, chính Ngài là Ðấng hoàn chỉnh theo thiên tính, và cũng chính Ngài là Ðấng hoàn chỉnh theo nhân tính, là Thiên Chúa thật và cũng chính Ngài là một con người thật, gồm có linh hồn và thể xác, đồng bản tính với Thiên Chúa Cha theo thiên tính, và cả đồng bản tính với chúng ta nữa theo nhân tính…”

 

Văn bản còn xác định rõ là:

 

“Từ đời đời, được sinh ra theo thiên tính bởi Thiên Chúa Cha, nhưng, trong những thời gian cuối cùng này, vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, chính Ngài cũng đã được sinh ra theo nhân tính bởi Ðức Maria đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa.”

 

Công đồng đã nhận thức như vậy, và tiếp theo đó văn bản công đồng đã ghi thêm một số những giải thích có tính cách triết học, nhưng có thể nói là vẫn mang tính cách chính thức:

 

“Một Ðấng duy nhất là Kitô, là Con, là Ðức Chúa duy độc được sinh ra, và phải được nhìn nhận là có hai bản tính không trộn lẫn, không biến đổi, không phân chia, không phân ly; tình trạng hiệp nhất ấy không làm cho sự khác biệt giữa hai bản tính tiêu tán đi, trái lại còn đảm bảo cho mỗi bản tính giữ được đặc tính riêng của mình, cùng đưa chúng đoàn họp ở trong một ngôi vị (personne) và một bản ngã (hypostase) duy nhất. Không phân đôi làm hai ngôi vị, Ngài chỉ là một, là Con Một duy độc, là Lời Thiên Chúa, là Ðức Chúa Giêsu Kitô…”

 

Quả là một kiệt tác cân bằng về mặt ý niệm. Các Nghị phụ công đồng Cankhêđon đã thành công trong việc xác định những quan hệ giữa các dữ liệu dệt nên “mầu nhiệm” Nhập Thể. Xưa nay, chưa có ai đã có thể diễn đạt hay cắt nghĩa bằng một cách nào khác cho chính xác cùng thích đáng hơn. Vậy, hãy thử tìm hiểu cho kỹ lưỡng hơn.

 

Thử giải nghĩa theo tư tưởng cổ điển và hiện đại

 

Thiết tưởng không còn cần phải đào sâu, vì tất cả đều đã được biểu đạt rõ ràng. Việc còn cần phải làm là dựa theo phương pháp khoa học luận cổ điển cũng như hiện đại mà minh giải ý nghĩa các thuật ngữ được văn bản công đồng dùng đến.

 

Vậy là Ðức Kitô được giới thiệu như là một “ngôi vị” (personne), một “bản ngã” (hypostase) duy nhất. Mặt khác văn bản cũng xác định là Ngài có những khả năng đặc thù của hai “bản tính”: thiên tính và nhân tính. Cứ dựa theo Phúc Âm mà xét, thì dường như thiên tính của Ngài biểu hiện qua một số những năng lực, như là: quyền năng sáng tạo, khả năng làm chủ và chi phối các sức mạnh thiên nhiên, khả năng biểu thị một tư tưởng siêu thời gian và có tính cách tiên tri. Còn nhân tính thì tỏ hiện qua những khả năng nhân loại của Ngài, những khả năng có giới hạn của thân phận làm người, khả năng: hiểu biết, ước muốn, yêu thương… và cả khả năng chịu khổ đau và thất vọng nữa. Trái với điều mà những đầu óc hời hợt thường nghĩ, ngày nay, các ý niệm ngôi vị và bản tính vẫn còn giữ nguyên sức năng sinh động của ý nghĩa phong phú và đầy đủ chúng đã từng hàm ngụ từ thời xưa, cùng với trọn cả tầm trọng yếu “hữu thể” của chúng. Chỉ cần có một điều kiện duy nhất là phải biết tiếp tục để chúng bén rễ sâu – như Maritain đã diễn đạt, – “vào trong lòng dạ” của Hữu Thể.

 

Nếu chỉ biết xếp gọn chúng vào những loại phạm trù hay các thứ hiện tượng, tất chúng sẽ bị biến dạng để trở thành trống rỗng, không còn mang được một nội dung nào nữa cả. Còn duy danh thuyết (nominalisme) thì cũng chẳng nói lên được gì. Trong khi đó, khoa học và tư tưởng triết học có nền tảng nhất, vẫn tiếp tục hiểu các ý niệm ấy theo nội dung trọn vẹn của ý nghĩa hiện thực mà chúng hàm ngụ, một nội dung tràn đầy nghĩa lý về Hữu Thể. Một ngôi vị là một chủ thể tự do và có trách nhiệm, chấp thủ những quyền lợi và những bổn phận, chứ không chỉ là một thái độ xử sự có tính cách đơn thuần quan hệ. Một bản tính thì bao giờ cũng là một “nguyên lý định hướng sinh động có đủ tiềm năng để mà tiến hành theo mục đích trị (téléonomie).”

 

Tất cả các khoa học gia – dù họ thuộc ngành vật lý học hay sinh vật học, thì cũng – đều đồng ý là không một vật thể nào mà không có một định hướng ghi sẵn. “Ngẫu nhiên và tất định” không đủ sức để giải nghĩa thích đáng về thực trạng mục đích trị nơi các chất thể lý hóa và nơi các tế bào. Coi bản tính như là một “năng động lực” là đã làm cho ý niệm “bản tính” trở nên rất mềm dẻo và phong phú, mà đồng thời vẫn giữ trọn được khả năng tầm cứu của nó. Thế nên, quả là không có lý do gì để ái ngại khi cần phải dùng các khái niệm ngôi vị và bản tính vào việc khai triển thần học về Nhập Thể.

Vậy, xin được bàn thảo trở lại về trường hợp của Ðức Kitô, một trường hợp phải nói là gay go, khó mà có thể làm cho sáng tỏ hoàn toàn được. Quả thế, không làm sao chối cãi được điều đó; do đó, bài viết chỉ thử cố gắng giải trình một số vấn đề, chứ chẳng hề dám nghĩ đến chuyện minh giải “mầu nhiệm.” Khó khăn lớn nhất là ở chỗ con người chúng ta chỉ có một bản tính độc nhất – là nhân tính, – để phục vụ cho ngôi vị của chúng ta, và ngoài bản tính ấy ra, con người không thể mượn thêm những khả năng của một bản tính nào khác được (như là của loài vật chẳng hạn). Còn trong trường hợp Ðức Kitô thì khác: không mảy may nghịch với lý trí việc chấp nhận rằng Ngài có thể dùng đến khả năng của hai bản tính, tức là của thiên tính và của nhân tính; ít nhất là như một giả thuyết. Nếu vậy, thì cần phải đặt vấn đề theo cách thức nào?

 

Có thể giả thiết Ðức Kitô trước tiên là một ngôi vị: là Ngôi Vị của Con Thiên Chúa, như đã trình bày ở trên kia. Hay là để nói theo ngôn ngữ hiện đại: cái TÔI (bản ngã) của Ngài là không gì khác ngoài Ngôi Vị của Lời, Ngôi Hai trong Thiên Chúa Ba Ngôi; các Phúc Âm thường xuyên nêu rõ như thế:“Tôi và Cha Tôi chỉ là một…” “Tôi sẽ phái gửi Thần Khí an ủi đến với anh em.” Cái TÔI hay là bản ngã nói ở đây, rõõ ràng là Người Con, là Con của Cha ở trên trời. Ðừng cố tìm cách để dựng lên một “ngôi vị” nào khác như là ngôi vị của “con bác thợ Giuse” chẳng hạn. Bởi nếu làm thế thì các lời Ðức Kitô nói trên đây sẽ không còn mang được một ý nghĩa nào nữa. Không thể có chuyện mập mờ: không có chuyện nhị nguyên thuyết, mà cũng chẳng có chuyện ảo thân thuyết hoặc là dưỡng tử thuyết nào ở đây cả. Chính là Con Thiên Chúa đã nói khi Ðức Giêsu nói… khi Ngài kêu gọi, khi Ngài gióng lên lời mời đón nhận đức tin, khi Ngài tha thứ, v.v.

 

Nhưng đây là trường hợp có một không hai: ngôi vị kia có hai bản tính. Nhờ thiên tính, ngôi vị ấy có được khả năng điều khiển các sức mạnh trong vũ trụ, chữa bệnh, làm cho sống lại, làm cho sự vật hóa ra nhiều, v.v.; nhờ nhân tính, ngôi vị ấy sinh hoạt như một con người: cảm nhận, ước muốn, yêu thương, đau khổ, v.v. Về điểm này, thì cả đến tư tưởng triết học phê bình khắt khe nhất cũng không thể chê bai gì được. Kết hợp hai bản tính vào trong cùng một ngôi vị duy nhất tất sẽ làm cho chúng ta chưng hửng, bởi vì xét theo phương diện siêu hình, không thể nào chúng ta hình dung ra được một thực thể như thế; tuy nhiên, điều đó chẳng có gì là mâu thuẫn hay phi lý cả: “Thiên Chúa làm được mọi sự.” Dù sao thì cũng không thể minh giải được hết mọi nghi vấn; khó khăn vẫn còn đó, khó khăn mà các kitô hữu đầu tiên cũng đã gặp thấy: làm sao “thực thể thần linh” có thể cùng sống với “thực thể nhân trần” mà lại không bị giáng cấp sụt giá đi? Khó khăn đó vẫn còn kéo dài cho tới ngày nay: một số tác giả hiện đại đã bàn đến nó với những ngôn từ mập mờ nước đôi; vậy, hiệu chính để chúng mang được một ý nghĩa rõ ràng sáng tỏ cũng như thực sự chính xác, là việc chúng tôi xét thấy cần phải làm.

 

Thử giải thích nhằm ứng đáp những đòi hỏi của phương pháp phê bình hiện đại.

 

Ðành là khó mà làm cho óc phê bình chấp nhận được rằng: Ðấng Toàn Năng có thể tự biến mình trở thành “yếu hèn nhỏ bé,” Thiên Chúa Vô Biên có thể tự lồng mình vào trong nhân tính hữu hạn. Dù lý trí có thấy là khó mà hiểu thấu được, thì các văn bản cũng đã tỏ ra dứt khoát, không chút ngập ngừng; thánh Phaolô ghi là: “Ngài đã làm cho mình hóa ra không, bằng cách mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2, 7). Từ “kénôsis” (tự hủy) được dùng để chỉ về hành động tự hạ mình xuống đến mức như vậy. Suốt bao nhiêu thế kỷ và cả đến ngày nay nữa, đã thấy có những nhà chú giải ra sức đem hết thiện chí của mình để cố chứng minh rằng hành động “tự hạ” kia là một cấu tố của thiên tính. Người thì gia công gắng sức để lồng cái “nghịch lý” ấy vào trong nơi sâu thẳm khôn lường của mầu nhiệm Thiên Chúa. Kẻ thì dám táo bạo đem năng động biện chứng (theo kiểu Hegel) áp dụng cho hành động tự hạ kia: Thiên Chúa cần phải chết đi, hóa ra không… thì rồi Con Người-Chúa mới có thể sinh ra được. Và tiền đề lại tiếp tục kéo dài cho tới phản đề theo cách thức tương tự, để đi đến một tổng hợp mới là Giáo hội. Rất tiếc là các sơ đồ kiểu ấy quá nặc mùi “ý thức hệ”! và làm như một lớp mạ giả tạo phủ lên trên nội dung của mầu nhiệm thánh thiêng mà tính chất sâu kín đáng ra phải được tôn trọng cho đầy đủ hơn.

 

Tuy nhiên, qua các thời đại, cũng đã có những cố gắng giải thích khác, không mang dấu vết của ý thức hệ mà cũng chẳng chịu ảnh hưởng của phương pháp biện chứng. Ðó là những cách giải thích đã được các Giáo phụ thời đầu đề xướng, và đã được các nhà tư tưởng kitô vững nhất xác nhận. Có thể phác họa như sau quy cách diễn trình mà các cố gắng giải thích kia đã dùng đến:

Thiên Chúa đã “tự hạ” để đi xuống cho tới mức độ của loài người: đúng là vậy về mặt tinh thần; và chúng ta hành động đúng khi tôn thờ Ðấng Toàn Năng ở nơi Trẻ thơ đơn hèn nằm trong máng cỏ. Nhưng, xét theo phương diện siêu hình, – như các nhà tư tưởng nổi tiếng nhất đã làm, – thì sẽ nhận ngay ra rằng không có chuyện thiên tính tự hạ, tự hủy (vì đó là điều mâu thuẫn…), song là một con người đã được “nhận lấy” (assumer / mang lấy, mặc lấy). Thực thể sinh ra từ lòng dạ Ðức Maria, đã được Ngôi Lời, Ngôi Hai trong Thiên Chúa Ba Ngôi, “mặc lấy” để trở thành Ðức Giêsu Nadarét. Ðó là điểm mà rất nhiều văn bản đã minh nhiên đề cập đến; chẳng hạn như là điệp ca sau đây trong Kinh Sáng của phụng vụ ngày 1 tháng Giêng:

 

“Thiên Chúa đã thành người: vẫn y nguyên thiên tính, nhân tính mặc thêm lấy, không: trộn lẫn, tách rời.”

 

Nên lưu ý đến khái niệm then chốt: “Ngài đã mặc lấy” bản tính loài người. Ðó là từ ngữ mà truyền thống toàn bộ đã dùng đến. Ðặc biệt là trong tậpChuyên luận về Nhập Thể của thánh Tôma Aquinô. Vậy, để cho đúng hẳn, thì phải nói là một con người đã được nâng lên, chứ không phải là Thiên Chúa đã hạ mình xuống. Lý trí con người có thể hài lòng với cách giải thích như thế; nhất là bởi vì cách trình bày này không làm cho cách giải thích thiêng liêng về Nhập Thể suy sút đi một mảy may nào hết; kết quả vẫn là một: Thiên Chúa cư ngụ giữa loài người chúng ta; chân lý chủ yếu là thế. Và chúng ta có thể nói như thánh Gioan: “Mắt chúng tôi đã thấy, tay chúng tôi đã chạm đến Lời sự sống.” Và nhờ có Nhập Thể, con người mới hiểu thấu được “các chiều kích cao, sâu, dài, rộng” của Tình yêu Thiên Chúa. Thế là lý trí cũng có thể “tìm thấy được những lý lẽ riêng – thích ứng với bản chất – của nó;” còn con tim thì cũng vẫn giữ nguyên được những lý do riêng của mình. Giải quyết một vấn đề không có nghĩa là giải triệt một Mầu nhiệm. Có Tôn thờ Thiên Chúa Chí Ðại Toàn Năng, thì chúng ta cũng vẫn có thể ý thức được rằng qua Nhập Thể, Thiên Chúa Chí Ðại ấy đã biến mình trở thành “khả cảm đối với con tim” (Pascal).

 

Nhập Thể mang lại một khía cạnh thuận lợi khác cho loài người, đó là qua Ngôi Vị Ðức Kitô, vừa là Thiên Chúa và vừa là con người, chúng ta có được một Ðấng làm “trung gian” giữa Thiên Chúa và loài người chúng ta. Một nhà thần học hiện đại đã nhận định như sau:

 

“Kể từ khi Con Thiên Chúa đi vào trong thế gian qua hành động Nhập Thể, thì do chính bởi sự kiện Ngài là Thiên Chúa thật và là con người thật, Ngài đã được đặt làm Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài là một Ngôi Vị trong Thiên Chúa Ba Ngôi, và Ngài cũng thuộc về giòng giống loài người, là một người con của Ađam, một người anh em của hết mọi phần tử trong đại gia đình nhân loại.”

 

Nếu mượn lại kiểu diễn đạt của một số nhà thần học hiện đại, thì có thể nói là vai trò làm trung gian của Ngài tiến hành theo hai hướng: “thượng thăng” và “hạ giáng.” Qua tác vụ “trung gian thượng thăng,” Ngài dâng lên Thiên Chúa Cha tâm tình tôn thờ, những kinh nguyện và những lễ phẩm của loài người yếu hèn; và ngược lại, qua tác vụ “trung gian hạ giáng,” Ngài thông chuyển ân huệ và phúc lành của Thiên Chúa xuống cho chúng ta. Mọi sự đều phải lưu chuyển qua Ðấng trung gian ấy: “Per Christum Dominum nostrum…” Kết cục, kế hoạch Nhập Thể kỳ diệu ấy tiến hành qua con đường Tình yêu, và là công trình của chính Tình yêu.

 

Cách giải thích trên đây là phương thức duy nhất khả dĩ cùng lúc bảo toàn được cả siêu việt tính của Thiên Chúa lẫn thực kiện Nhập Thể của siêu việt tính ấy vào trong bản tính loài người chúng ta. Tác giả G.-M. Oury đã minh giải thêm rằng: “Tình trạng tự hủy qua đó Ðấng vô hình đã biến mình thành hữu hình, và qua đó Ðấng Tạo Hóa và Chúa Tể càn khôn đã muốn mang thân phận loài người hay chết, là thái độ hạ cố của lòng xót thương, chứ không phải là tình trạng vắng bóng của quyền năng.”

Xin lưu ý đến hai công thức diễn đạt kia: “thái độ hạ cố của lòng thương xót” và “tình trạng vắng bóng của quyền năng,” bởi hai công thức này có khả năng bảo toàn Mầu nhiệm và cùng lúc ứng đáp thích đáng được yêu cầu khắt khe nhất của lý trí. a) Nhập Thể là “thái độ hạ cố của lòng thương xót,” tức là vì Tình yêu (yêu thương) mà Ðấng Toàn Năng “đã đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn,” là Ðức Nữ Trinh Maria, và “đã làm người” bằng cách “mặc lấy” “Con lòng Bà;” b) Nhập Thể tuyệt nhiên không phải là “tình trạng vắng bóng của quyền năng” Thiên Chúa, vì “Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao nhiêu điều cao cả.” Ca khúc của Ðức Maria là một kiệt tác trong thuật miêu trình về ý nghĩa sâu thẳm cũng như về chiều kích hiện thực của Nhập Thể.

 

Những gì trình bày trên đây có thể cho phép kết luận được là Nhập Thể vẫn mãi là mầu nhiệm thẳm sâu, khôn dò; tuy nhiên, không phải vì thế mà trí khôn con người không thể chấp nhận như là một điều hợp lý, ít nhất là theo cung cách minh giải của các Giáo phụ và theo các công thức trình bày mà các công đồng đã đưa ra trong những thế kỷ đầu. Nhưng, đáng tiếc thay, lề lối giải thích ấy và các công thức công đồng đã bị đem ra đặt lại vấn đề, cũng như đã bị đổi thay hẳn về ý nghĩa, đặt biệt là trong hai thế kỷ vừa qua. Kết quả là nội dung của chính tín điều Nhập Thể cũng bị đặt lại vấn đề. Vì thế, tiếp sau đây, bài viết sẽ thử nghiên cứu và nhận định về các vấn nạn mà trào lưu xét lại ấy đã đặt ra.

 

III. NHỮNG KHUYNH HƯỚNG TRIẾT HỌC HIỆN ÐẠI ÐẶT LẠI VẤN ÐỀ Ý NGHĨA CỦA NHẬP THỂ

 

Vì con số các khái niệm triết học được dùng vào trong cách thức trình bày tín điều Nhập Thể, là tương đối khá cao (siêu việt tính, vật thể tính, ngôi vị, bản tính, sử tính, quan hệ, v.v.), thế nên, không lạ gì khi thấy việc đặt lại vấn đề đối với ý nghĩa của các khái niệm ấy, đã cùng lúc kéo theo hiện tượng giải thích về Nhập Thể theo một cách kiểu khác. Không thiếu những tư tưởng gia (trong các ngành triết học, xã hội học, khoa học luận, v.v.) thản nhiên cho rằng tín điều kitô về Nhập Thể cần phải được “xét lại” toàn bộ. Nối gót các tư tưởng gia này, một số thần học gia cũng đã dám đi đến chỗ nói là các định tín của công đồng Can-khêđon đã trở thành “hoàn toàn lỗi thời.” Thiếu hiểu biết hay ác ý…? Không ai biết chắc được. Tuy nhiên, có điều chắc là hiện nay, nhiều vấn đề hết sức gay go sôi bỏng đang được đặt ra liên quan đến ý nghĩa của Nhập Thể. Thực trạng là như thế nào?

Trước hết là vấn đề khái niệm siêu việt tính. Dựa theo học thuyết của Emmanuel Kant (hoặc ít là theo một lối giải thích về học thuyết ấy), người ta cho rằng dùng đến khái niệm siêu việt tính thì chẳng khác chi là chạy theo ảo ảnh. Trong cuốn Tôn giáo trong giới hạn của lý trí đơn thuần, chính Kant cũng đã cho rằng Ðức Kitô chỉ là một con người, không hơn không kém. Nếu Ngài đã gây được ảnh hưởng phi thường như thế, thì chính là nhờ gặp được những điều kiện lịch sử thuận lợi. Ðó là nguồn khai sinh ra các giải thuyết duy sử mà bài viết sẽ có dịp bàn đến sau.

 

Mặt khác, từ cuối thế kỷ 19 trở đi, do ảnh hưởng của chủ hướng hiện tượng, nội dung ý nghĩa của các khái niệm ngôi vị và bản tính cũng đã bị giản lược đi nhiều, đến độ có những nhà thần học bị chủ hướng kia lôi cuốn, cũng đã bắt đầu đặt vấn đề xét lại giáo huấn cố cựu mà các công đồng ngày trước đã dạy rất rõ: Ðức Kitô là một Ngôi Vị trong hai Bản Tính. Người ta thắc mắc không biết Ðức Giêsu có ý thức được về bản chất siêu hình của mình hay không? Ngài làm thế nào để nhận biết mình là một con người? là Thiên Chúa?

 

Ðằng khác, từ “nhập thể” lại được dùng với một trương độ nghĩa ngữ hầu như vô hạn, tức là với rất nhiều ý nghĩa khác nhau: một “Kitô giáo nhập thể,” một “tôn giáo nhập thể,” một “hoạt động nhập thể,” một “kiểu mục vụ nhập thể,” v.v. Vì thế, nội dung ý nghĩa của từ ấy đã trở thành mập mờ, khó hiểu, đưa tới tình trạng lẫn lộn. Thử nhìn lại xem…

 

Ðặt lại vần đề siêu việt tính của Thiên Chúa. Hướng tới nội tại tính

 

Xem ra những người theo học thuyết của E. Kant hồi thế kỷ 19, đã đi đến chỗ kết luận nói là: chủ trương cho rằng lý trí có khả năng để khám phá ra sự hiện hữu (chứ đừng nói chi đến bản thể) của Thiên Chúa thì chẳng khác gì chạy theo ảo ảnh. Theo họ, E. Kant đã dứt khoát đóng chặt hẳn cửa “Trời siêu hình học” lại rồi, và đã dùng con đường luân lý mà đến với Ðấng Thẩm Phán Tối Cao… Nhưng rất tiếc, đó chỉ là biện pháp tạm thời mà chẳng mấy chốc, tâm lý học hiện đại sẽ xếp vào loại những cái hữu danh vô thực.

 

Các luận thuyết kia của Kant đã được nhiều người như Fichte, Shelling và nhất là Hegel, coi như là “chung quyết,” và lấy lý đó, họ đã đi chọn một lối ngõ khác, là quyền tự quyết của lương tâm con người. Có người khác thì cũng dùng chính những luận thuyết tiền đề ấy, nhưng lại để rút ra những kết luận khác: nếu không thể biết được gì về siêu việt tính, thì cứ dừng lại ở việc tìm hiểu về nội tại tính. Nhưng đây chỉ thuần túy là nội tại tính của con người xác thể và của sức năng sản xuất vật chất của nó. Ðó là lập trường của Feuerbach: tôn giáo nào rồi cũng chỉ là lừa bịp, là mưu kế của kẻ mạnh dùng để bóc lột người yếu. Sau này, K. Marx (đã múc nguồn hứng tư tưởng từ các luận đề chính của học thuyết Feuerbach), Engels, Duhring, v.v. và trào lưu duy vật biện chứng sẽ lấy lại y nguyên luận thuyết đó.

 

Bài viết sẽ không bàn nhiều đến các luận đề trên đây, bởi sự thể đã quá rõ: thiên tính của Ðức Kitô bị chối bỏ hẳn; Ngài chỉ được coi như là một “anh hùng” cách mạng. Quá ngây ngô, học thuyết đó không còn được ai giữa thời đại này, lưu ý tới nữa, ngoại trừ một vài dấu vết còn sót lại ở nơi những người tìm cách diễn độc Phúc Âm với “cặp mắt duy vật,” hay trong một vài quan điểm quá khích của một dạng thần học giải phóng nào đó.

 

Còn đối với các hình thức giải thích theo chủ hướng duy tâm thì lại khác; bởi lẽ, với những ngôn từ rất mập mờ, chúng đã gây ra nhiều ngộ nhận trầm trọng: Thiên Chúa vẫn được gọi là Thiên Chúa; Ðức Kitô vẫn được coi là Con Thiên Chúa; còn Nhập Thể thì chẳng những không phải là bất ngờ mà còn là tất yếu nữa… xét vì hết thảy chúng ta, theo những mức độ khác nhau, đều được kêu gọi để trở thành “con Thiên Chúa.”

 

Trước khi bàn đến các vấn đề khá tế nhị này, bài viết xin được lưu ý về những dư tích thường là có tính cách chấp nhất mà cách hiểu vừa nói về siêu việt tính, còn để lại cho đến ngày nay nơi một số trào lưu tôn giáo, như là Hồi giáo và Do thái giáo.

 

Dư tích của một quan niệm chấp nhất về siêu việt tính (Hồi giáo và Do thái giáo).

 

Niềm tin tuyệt đối vào siêu việt tính của Thiên Chúa (hay vào Thiên Chúa tuyệt đối siêu việt) đã được quyết liệt bảo toàn trong các trào lưu thuộc hai tôn giáo quan trọng ở giữa thời đại ngày nay, tức là Hồi giáo và Do thái giáo. Chúng tôi chỉ muốn nói đến các trào lưu tôn giáo mà đúng ra phải gọi là “quá khích”, bởi họ dứt khoát từ chối hết mọi hình thức suy tư phê bình. Lòng tin phải là tuyệt đối, theo nghĩa là: mọi suy tư phê bình đều bị coi như là hành động chối bỏ đức tin. Không có chuyện dùng đến phương pháp phê bình các ý niệm theo kiểu của Kant. Công khai tuyên xưng lòng tin vào một Thiên Chúa siêu việt là một hành động rất đáng kính phục và ca tụng.

 

Song, thái độ ấy còn có mặt trái của nó: đi kèm với việc khẳng định về siêu việt tính của Thiên Chúa, là lập trường kiên quyết phủ nhận sự việc Thiên Chúa có thể yêu thương loài người, và yêu thương đến độ “hạ mình” nhập thể, cho dù chúng ta không thể thấu hiểu được. Một câu viết như là: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến độ đã ban Con Một của mình” (Ga 3,16) sẽ không nói lên được một ý nghĩa nào đối với chủ hướng siêu việt (transcendantisme) tuyệt đối và chấp nhất, hay tệ hơn nữa, sẽ bị coi như làø một lộng ngôn. Ðối với tín đồ thuộc các trào lưu quá khích này, tuyệt đối không thể có chuyện – dù chỉ coi như là một giả thuyết – Thiên Chúa nhập thể, hay làm người dù là bằng bất cứ cách thức nào. Thế nên, cao lắm thì Ðức Kitô cũng chỉ được coi như là một tiên tri, và dĩ nhiên là thấp kém thua tiên tri Mahômét.

 

Các tín đồ Do thái giáo nghiêm luật cũng giữ một lập trường tương tự như thế. Ðấng Mêsia – mà người Do thái sùng đạo vẫn còn chờ mong sẽ đến, – sẽ là Vị Thiên Sai, Người Tôi Tớ của Giavê, và có lẽ cũng là một “Vị Thầy Công Chính,” chứ tuyệt nhiên không phải là một Thiên Chúa nhập thể, và cũng không bao giờ có thể có chuyện đó được. Tự xưng mình là “Con Thiên Chúa” (theo nghĩa đen) là một lộng ngôn ghê tởm nhất, đáng tử tội. Ðó là trường hợp đã từng gặp thấy trong cuộc tử nạn của Ðức Kitô…

 

Các chủ hướng trên đây đều thuộc lãnh vực thuần túy thần học, chứ không phải là triết học; vậy xin được quay trở lại với đối tượng của thiên khảo luận này, tức là với các vấn đề có tính cách triết học hơn, như sẽ thấy sau đây.

 

Hướng tới nội tại thuyết. Nhập Thể trong lịch sử.

 

Khuynh hướng lấy chủ thể – và một mình chủ thể mà thôi, – làm điểm quy chiếu, đã xô dần nhiều tư tưởng gia thế kỷ 19 đi đến chỗ dành ưu vị cho lịch sử. Nếu có ý thức được mình là một hữu thể tự trị và thường tồn (mà Kant ưa gọi là “chủ thể tổng giác siêu nghiệm / sujet d’apercep-tion transcendantale”), thì chẳng bao lâu chủ thể cũng sẽ nhận ra là mình không thoát khỏi được vòng giới hạn của thời gian hay là thời gian tính: chủ thể hình thành, tiến hóa, trưởng thành…, tức là ngày càng đi sâu hơn vào trong tiến trình của lịch sử, vào trong điều kiện thời gian của sử tính.

 

Trước đó, người ta cũng đã nói đến ý thức về sử tính. Hồi đầu thế kỷ 18, Giambattista Vico đã nêu cho thấy là không bao giờ một ý niệm có thể đứng tách ra khỏi “cái vỏ” thời gian tính được (bộ óc ròng toán học của Descartes thì không nghĩ như thế…) Tại Ðức, Herder là người đầu tiên đề xuất ý kiến biên soạn lịch sử theo cấu cách của một tổng thể có hệ thống. Trong tập sách nhỏ mang tựa đề Ý nghĩ về một bộ sử thế giới viết theo quan điểm chính trị toàn cầu (1784), và trong một tập sách nhỏ khác viết về Herder (1785), Kant đãõ cho thấy ông coi việc biên soạn lịch sử theo một cách kiểu như thế là không những có thể, mà còn đáng được đón nhận và khích lệ nữa. Chủ hướng ấy mạnh dần lên và thịnh hành suốt trong thế kỷ 19, được mênh danh là “thế kỷ của lịch sử.” Người ta đã ra sức “tổng quy tậïp” các biến cố lịch sử lại để mà hiểu chúng cho rõ ràng, cho chính xác hơn, làm như thể việc “tổng quy tập” kia có thể thay thế hẳn cho những cố gắng giải thích.

 

Dù khó khăn có rất nhiều – chẳng hạn như là thiếu tài liệu… – thì cũng không ngăn chận nổi trào lưu tư tưởng Châu Âu thời đó cuồn cuộn chạy theo “huyền thoại mê hoặc” về sử tính. “Cứ tổng quy tập các biến cố lại đi, rồi sẽ thấy được ý nghĩa hiện rõ của chúng!” Từ những năm 1800-1820 trở đi, cái mốt “tổng quy tập” đã dần dần trở thành một thứ ma túy, làm cho các tâm trí đâm ra ngất ngây mờ ám đi. Tìm hiểu, phân tích gì thì cũng phải lấy lịch sử làm chuẩn tắc: sinh vật học phải dựa theo thuyết tiến hóa, xã hội học phải đi theo học thuyết “Ba Thời Kỳ”của A. Comte, còn triết học thì phải rập khuôn theo học thuyết duy sử Hegel và hậu-Hegel. Cả đến thần học nữa cũng để ảnh hưởng sử tính thâm nhập vào đến tận trong phương pháp nghiên cứu phân tích của mình; duy tân thuyết (modernisme) với tình trạng khủng hoảng thần học mà nó gây ra chính là con đẻ của tuyệt định ảnh hưởng ấy: hết mọi tín điều đều phải tùy thuộc vào quy trình biến hóa của lịch sử. Dư tích của những trào lưu và học thuyết xa xưa ấy đôi lúc cũng vẫn thấy còn lảng vảng ẩn hiện ngay giữa thời đại ngày nay.

 

Thế thì làm sao một tín điều siêu việt như tín điều Nhập Thể có thể tránh cho khỏi bị trào lưu đề cao sử tính hay duy sử, trực tiếp hay gián tiếp đem ra làm vật thí nghiệm cho các giải thuyết của họ được. Ðược trào lưu duy sử chấp nhận để lưu hành, nội tại thuyết ngang nhiên cho rằng: Nhập Thể đã bắt đầu từ giây phút khởi thủy công trình sáng tạo, và không phải chỉ xảy ra có một lần – trong Ðức Kitô, – mà là thường xuyên tiến hành trong tâm thức của con người. Thế nên, một cách nào đó, tất cả chúng ta đều là “con Thiên Chúa.” Có lẽ Ðức Kitô là con Thiên Chúa theo một cường độ cao hơn; tuy nhiên, Ngài không phải là trường hợp độc nhất vô nhị: nhân loại toàn thể hiện còn đang hiện thực hóa công cuộc Nhập Thể. Ảnh hưởng và tiếng vang mà học thuyết duy sử kia đã gây được, quả là lớn; vì thế, bài viết thấy cần phải tiếp tục bàn về nó một cách chi tiết hơn, sau đây.

 

IV. NHỮNG LỐI GIẢI THÍCH “DUY SỬ” VỀ NHẬP THỂ

 

Duy sử thuyết thịnh hành suốt cả thế kỷ 19. Và cung cách áp dụng phương pháp của học thuyết này vào trong thần học, đặt biệt là vào trong thần học về Nhập Thể, thì có thể nói là rập khuôn theo những nhận định phân tích của Hegel, cách riêng là theo những phân tích mà tác giả này đã đưa ra trong các cuốn sách Cuộc Ðời Ðức Giêsu (1795), và Tinh Thần và Số Phận của Kitô giáo (1798). Từ đó, đã xuất hiện một lối giải thích hoàn toàn mới và hoàn toàn rập khuôn theo chủ hướng nội tại thuyết, về Nhập Thể. Sau đây, xin được bàn chi tiết hơn về đường lối giải thích ấy.

 

Những biến dịch

 

Với đà đổi mới mà nội tại thuyết cổ lệ, đức tin truyền thống đã phải trải qua hai giai đoạn biến dịch: 1) tiếp theo sau hai tác phẩm Hiện Tượng Học về Tinh Thần và Khoa Học Luận Lý của Hegel, nội tại tính tuyệt đối của Tư Tưởng đã được coi như là chuyện hiển nhiên; mọi tâm thức, và do đó mọi xác tín đều phát xuất từ những “cách thức tiến hành” nội giới của Ý Thức: tất cả mọi quyết định đều phát sinh qua cách thức biến hóa nội giới; và 2) sau đó, người ta chủ trương rằng quy trình biến hóa nội giới ấy sẽ tiếp tục tiến phát qua những bước lộ diện dần của Ý Thức… tức là qua tiến trình Lịch Sử riêng của Tinh Thần. Trong những điều kiện như thế, thực tại thường được gọi là Thượng Ðế (Gott) từ từ hình thành hay hiện đến: đó là cuộc hiện đến của Ý Thức, hằng tiềm ẩn trong tâm thức loài người và từng bước lộ hiện dần ra, tức là nhập thể.

 

Như thế, tin vào Nhập Thể có nghĩa là tin vào sự việc Ý Thức đến dần qua các biến cố lịch sử loài người. Thiên Chúa đến… qua mỗi một bước loài người tiến lên trong văn hóa. Với Abraham, Thiên Chúa đã bước một bước quan trọng trong tiến trình đến của Ngài: Thiên Chúa của Abraham là một Thiên Chúa đầy Quyền Năng, Thông Minh, Ý Chí tối thượng. Thiên Chúa của Môsê thì “giàu cóù” hơn: Ngài có được một tầm vóc “hiện sinh” mới; Ngài tỏ ra là hữu thể có sức năng hiện hữu ưu việt nhất; lệnh chỉ của Ngài (truyền ra trên núi Sinai) là nhân tố xây dựng nền nhân bản và cuộc sống xã hội. Với Isaia, Giêrêmia và một vài tiên tri khác, Thiên Chúa ấy càng trở thành “giàu có” hơn nữa: là Thiên Chúa của âu yếm dịu hiền, của chăm nom chu đáo đối với con người.

 

Chủ thuyết kia giải thích tiếp: nhưng chỉ với Ðức Kitô thì ý niệm về Thiên Chúa mới đạt tới được tuyệt đỉnh: giữ nguyên toàn năng tính cố hữu, Ngài còn biểu hiện rõ lòng yêu thương nhân hậu của mình ra nữa. “Nước Thiên Chúa” đã có thể bắt đầu. Nhập Thể là giai đoạn Thiên Chúa đạt đến cường độ tối đa trong tiến trình thể hiện chính mình, để bước vào giai đoạn chót là giai đoạn “phong thần.” Chết trên thập giá là Ðức Kitô trút bỏ hết tất cả những dấu vết cuối cùng của nhân tính mà trước đó Ngài đã mang; và khi “sinh lại” thuần túy theo tinh thần qua cuộc Phục sinh, cũng như khi nhường bước cho Thần Khí (trong biến cố Hiện Xuống)…, Ngài đã để cho Thần Khí tỏ lộ chói lọi biến cố hiện đến của mình. Từ đó, Thần Khí Thiên Chúa tràn nhập vào khắp vũ trụ, và dùng các cơ cấu xã hội mà nâng cao nó lên… Ðó chính là thời đại của lịch sử Giáo hội.

 

Theo những lối giải thích của các chủ hướng tư tưởng Hegel và hậu-Hegel thì Nhập Thể đã diễn tiến theo quy trình ấy… Những giải thuyết kia đã gây được một luồng hào hứng lớn cho trí tuệ cũng như cho óc tưởng tượng, và nhờ thế mà đã có thể ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lãnh vực và nhiều nhà tư tưởng của thế kỷ 19, như: Renan (ông hỏi: “Có Thiên Chúa hay không? – Thưa, chưa!”), Strauss và một số đông trong các người theo học thuyết duy tân. Quan niệm như thế thì rất là tiện, vì sẽ loại bỏ được hết mọi thứ mầu nhiệm; không còn có gì mà không giải thích được nữa cả; và sẽ hiểu được: các lời tiên tri, niềm tin vào Ðấng Thiên Sai, sứ mạng của Ðức Kitô, sự việc Ngài chết và sống lại, cuộc Thần Khí Hiện Xuống và… bất cứ một cuộc hiển linh nào khác.

 

Quả là rất hấp dẫn. Nhưng tiếc là các học thuyết nội tại tính và duy sử ấy đã quên hoặc là đã xóa bỏ hết mất đi siêu viêt tính: không còn có một khác biệt nào nữa giữa tự nhiên và siêu nhiên, bởi tất cả đều đã trở thành tự nhiên. Còn gì là nội dung tín lý của mầu nhiệm Nhập Thể nữa? Phải nghĩ thế nào về học thuyết duy sử kia?

 

Lịch sử và Nhập thể.

 

Dĩ nhiên là không thể có chuyện tiên thiên chối bỏ hết mọi quan hệ với lịch sử để chỉ tìm cách xây dựng một dạng tín lý “phi lịch sử” với một lối trình bày nội dung đức tin theo “kiểu hình học” (more geometrico) như Spinoza đã nói. Thế kỹ 19 đã tái phát hiện ra được vai trò tác động của các điều kiện lịch sử đối với việc hình thành các khái niệm chủ yếu trong khoa học cũng như trong triết học và thần học. Ðó là một hoa trái quý hóa đã thu hoạch được. Nhờ đó, có thể học biết được cách phân biệt giữa các “dữ liệu có giá trị trường cửu” (Platô gọi là “ktémata eis aeí”) và các hình thức biểu đạt tùy cơ, do đó có thể trở thành lỗi thời. Nhưng cũng cần phải ý thức rằng dùng đến sử tính là một việc làm hết sức tế nhị, vì cần phải biết sử dụng lịch sử cho đúng cách.

 

Trước tiên, việc sử dụng ấy đòi hỏi phải hội đủ hai điều kiện trí thức rất là hiếm có, và họa hiếm lắm mới gặp thấy ở nơi cùng một cá nhân, đó là: kiến thức uyên bác và khôn ngoan cẩn trọng. Muốn đặt một hiểu biết thâu thập được vào trong bối cảnh lịch sử của nó, thì cần phải am tường thấu đáo về thời đại, ngôn ngữ, điều kiện xã hội, và những gì thời đại ấy quan tâm đến về mặt tri thức cũng như văn hóa, v.v. Ðiều đó đòi hỏi những tháng năm tầm cứu trường kỳ.

 

Trong lãnh vực tôn giáo chúng ta đang bàn đến ở đây, phải nói là chúng ta mang ơn rất nặng đối với các thế hệ tiền bối, vì chúng ta đang thừa hưởng những công trình to lớn mà họ đã để lại, như là những văn phẩm sưu tập trong các bộ Migne (giáo phụ học và tu đức học) và Sources Chré-tiennes (Nguồn liệu Kitô giáo) chẳng hạn. Ngoài kiến thức uyên thâm ra, còn cần phải có đức tính khôn ngoan cẩn trọng nữa, bởi có như thế thì mới biết cách giải thích các hiện tượng biến hóa cho chính xác và thỏa đáng được. Thử lấy thí dụ trường hợp của Renan và Newman là hai người sống cùng thờivà cũng đều cố gắng tìm cách giải thích về tiến trình hình thành các tín điều. Renan coi tiến trình ấy là một đà “biến hóa,” còn Newman thì cho đó là một tiến trình “triển phát.” “Biến hóa” có nghĩa là toàn bộ đều thay đổi khác đi; còn “triển phát” thì hàm ngụ ý nghĩa chỉ về sự kiện những dữ liệu còn manh nha, còn ở trong dạng phôi thai, nhưng lại có khả năng phát triển, đang đâm chồi nảy lộc và lớn lên dần mà vẫn giữ nguyên bản chất cố hữu của mình. Cùng một vấn đề, nhưng lại có hai cách giải thích đề ra: hoàn toàn khác nhau. Vì thế mà phải cần đến khôn ngoan cẩn trọng.

 

Ở đây chỉ xin lưu ý là cần phải cẩn trọng khi tìm hiểu về các mối liên hệ giữa sử tính và niềm tin vào Nhập Thể. Mới nhìn qua thì người ta sẽ thấy rằng hiện tượng những biến cố lớn trong nhiệm cục cứu độ xảy đến giữa lòng lịch sử loài người, có một hấp lực đặc biệt; vì thế, người ta cũng có cảm tưởng là nhờ đó mà có thể làm cho Mạc Khải xích lại gần hơn với con người, và giúp con người sống tốt đẹp thân phận làm người của mình ở giữa đời sống xã hội và chính trị. Có những thần học gia tưởng rằng mình đang giới thiệu một “Kitô giáo nhập thể” và ra sức cổ lệ cái mà họ gọi là “thần học Nhập Thể” thường được trình bày dưới những dạng sắc làm sao cho ngày càng hấp dẫn hơn đối với xu hướng tình cảm và tính hiếu động nơi nhiều người. Ðối với họ, hòa giải thần học với lịch sử là một việc làm đầy hứa hẹn.

 

Trong những thập kỷ vừa qua, người ta nuôi mộng lớn cho công cuộc ấy, đến độ họ tưởng là đã tìm được ở trong lịch sử cổ kim, một thứ học thuyết bổ sung cho Mạc Khải: đó là học thuyết “dấu chỉ thời đại,” thịnh hành trong những năm 1960-70. Người ta tưởng là đã có thể đọc thấy ở trong lịch sử đang diễn ra ngay trước mắt, những “dấu chỉ” nói lên đầy đủ ý nghĩa của Siêu Việt Tính hay Thực Thể Siêu Việt. Nếu trong Kinh Thánh, từ ngữ “dấu chỉ thời đại” bao giờ cũng mang ý nghĩa chỉ về cánh chung, thì đây, nó đã trở thành mẫu chìa khóa chung để bất cứ ai muốn thì cứ tự động dùng mà ứng chế ra một lối giải thích thần học theo cách kiểu riêng của mình. Nhưng đâu có gì là lạ, vì đối với những người theo thuyết duy sử thì… cánh chung cũng chỉ là hằng ngày.

 

Ý thức ngày càng rõ hơn về những ảnh hưởng nguy hại đối với lề lối nhận định – cách riêng là trong việc tìm hiểu về Nhập Thể, – mà việc lạm dụng lịch sử và chủ thuyết duy sử gây ra, thần học đã phản ứng mạnh mẽ như chúng ta sẽ có dịp trình bày trong các phần viết tiếp sau.

 

                                                   (còn tiếp: xin xem HTTH số 16)

 Jean Milet

[Felipe Gómez Ngô Minh chuyển ý, HTTH SỐ 15, NĂM THỨ SÁU (1996)