Một buổi sáng, khi đang ngồi đọc sách, tôi bỗng nghe được giai điệu bài hát “ Ba ngọn nến lung linh” từ đâu đó vọng lại: “Lung linh lung linh tình mẹ tình cha- Lung linh lung linh cùng một mái nhà- Lung linh lung linh cùng buồn cùng vui – Lung linh lung linh hai tiếng …gia …đình”. Ca từ của bài hát khiến tôi nhớ đến bố mẹ của mình.
Bố tôi năm nay 57 tuổi, và mẹ cũng đã tuổi 53. Với cái tuổi như thế, nhiều người đã có cuộc sống an nhàn, vui vầy bên con cháu, thế nhưng bố mẹ tôi thì khác: bố mẹ vẫn ngày ngày “một nắng hai sương; bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm miếng cơm manh áo và để nuôi anh em chúng tôi ăn học.
Khi mặt trời còn chưa ló dạng, ngọn cỏ hàng cây vẫn còn đọng những giọt sương mai, mọi người vẫn đang chìm trong giấc ngủ, thì bố tôi đã thức dậy cùng với chiếc xe máy bắt đầu một ngày làm việc; một công việc mà bố tôi vẫn hay nói đùa: suốt đời để người khác ôm mình (xe ôm đó bạn!). Vào những ngày trời lạnh hoặc nắng nóng, nhiều vị khách đã chọn cho mình phương tiện di chuyển là Taxi, nên cánh “Taxi 2 bánh” như bố tôi xem chừng là ế ẩm. Những ngày vắng khách, tôi thấy rõ nỗi buồn hiển hiện trên khuôn mặt của bố, một phần cũng vì thu nhập, một phần vì việc chở khách đã trở thành niềm vui của bố tôi. “Dẫu chỉ qua đường, rồi khách lại qua”, nhưng họ vẫn ấn tượng về một bác xe ôm chất phác, hiền hòa, luôn biết gợi ra những câu chuyện hài hước, mang lại tiếng cười cho khách. Một hình ảnh rất gần gũi mỗi khi tôi nhớ tới bố là nhân vật bác xe ôm Cả Chiêm trong chuyên mục “Từ làng ra phố” chương trình “Bạn hãy nói với chúng tôi” trên đài tiếng nói Việt Nam. Bác là một người cha, người chồng hết lòng thương yêu vợ con, những câu chuyện bác kể qua mỗi lời thư dí dỏm, mộc mạc, chân thành…sao mà giống bố tôi đến vậy!
Nói về mẹ tôi, mẹ được mệnh danh là người “đẹp nhất” nhà (vì nhà tôi không có em gái). Mấy cô bạn đến nhà chơi hay nói với tôi rằng: “Ai làm con dâu mẹ anh thì thích nhỉ?”. Nhiều người còn nói gần, nói xa là:
“Thương anh thương cả bước chân.
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao” (Xuân Quỳnh).
Lúc đó, tôi mới vội thêm vào:
“Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau Để cho mái tóc trên đầu anh đen” (Xuân Quỳnh).
Nếu mẹ nghe được, ko biết mẹ sẽ nghĩ gì nhỉ…? Thời con gái, mẹ là hoa khôi của làng, rồi chẳng biết tự bao giờ “trai miền Đại Đồng đã hẹn gái miền Phú Ninh”, bố mẹ gặp nhau và nên nghĩa vợ chồng. Mái ấm gia đình được bố mẹ tạo lập đến nay đã tròn 33 năm (1982-2015), và ba chàng trai là hoa trái của tình yêu ấy.
Hiện tại, công việc của mẹ tôi là ngày ngày gắn bó với chiếc xe đạp cũ, rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm của phố phường. Đi đến đâu mẹ cũng cất tiếng rao: “Ai…đồng nát…đi?”. Những ngày nắng tạnh đã vậy, ngày mưa giá lạnh thì sao? Giọng mẹ như khàn đi vì sương gió, nhiều khi trời lạnh quá “lưỡi dính chặt với hàm”, mẹ rao cũng chẳng thành tiếng. Vậy mà những người khách quen chỉ cần nghe tiếng rao đã nhận ra đó là giọng mẹ tôi (phải nói thêm là mẹ có giọng hát rất là hay).
Kết thúc một ngày làm việc thì “tối về kể chuyện nhau nghe, chuyện buồn vui ngày tháng xa nhà”, trong bữa cơm bố mẹ tôi ngồi kể cho nhau nghe những việc diễn ra trong ngày: nào là bố đi được mấy cuốc xe ôm? Những vị khách đó ra sao? Họ già hay trẻ? Trả giá đi xe thế nào? Bố kể chi tiết như một anh hùng đang khoe chiến công của mình. Còn mẹ tôi lại kể: ngày hôm nay mua được món hàng gì? Lời lãi ra sao? Cầm số tiền ít ỏi trên tay, bố mẹ tôi như rạng ngời hạnh phúc, bởi đó là thành quả lao động do chính đôi tay mình làm ra.
Khi được hỏi về bố mẹ của mình, tôi chưa bao giờ thấy hổ thẹn hay mặc cảm trước bạn bè về nghề nghiệp của bố mẹ. Không những thế, tôi còn lấy làm tự hào, hãnh diện về bố mẹ là đàng khác. Từ khi anh em chúng tôi bước vào cấp III, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào sáu sào lúa, bởi quê tôi đâu có nghề phụ nào khác. Bố mẹ tôi đành quyết định rời xa quê lên Hà Nội tìm kế sinh nhai, với hy vọng kiếm thêm chút tiền cho anh em chúng tôi ăn học, chứ trông vào mấy sào lúa chẳng thấm vào đâu. Trước ngày bố mẹ lên đường, cả nhà quây quần bên nhau trong bữa cơm đạm bạc, bố mẹ căn dặn anh em tôi đủ điều: Các con ở nhà phải chăm ngoan, bảo ban nhau học hành. Điều mà tôi nhớ mãi cho đến bây giờ đó là lời của bố: “Dù có phải khó nhọc bao nhiêu, bố mẹ cũng chẳng quản, chỉ mong các con được học hành đến nơi đến chốn, được bằng bạn bằng bè…”.
Thấm thoắt mới đó mà đã hơn mười năm kể từ ngày bố mẹ đi làm trên Hà Nội, bố mẹ tôi chỉ về nhà vào những dịp lễ nghỉ hay dịp hè hoặc lúc có công việc cần thiết. Mỗi lần như thế, chúng tôi đều háo hức chạy ra đầu làng đứng chờ trước khi chuyến xe khách chiều dừng bánh. Chúng tôi không chỉ có được niềm vui gặp lại bố mẹ sau mấy tháng xa cách mà còn thích thú với những món quà lạ mắt bố mẹ mang về. Thời gian cứ thế êm đềm trôi, cái tuổi học trò mộng mơ cũng qua đi để bước vào thời sinh viên đầy năng động, khi cả ba anh em tôi lần lượt vào đại học. Đó không chỉ là niềm vui của riêng mỗi người chúng tôi mà còn là niềm mong ước của bố mẹ.
Trong tâm thức của một cậu bé, tôi biết rằng bố mẹ vất vả vì anh em chúng tôi nhiều lắm, nhưng đó chỉ là những cảm nhận chung chung, chưa rõ ràng. Chỉ đến khi lên thăm bố mẹ vào mỗi dịp hè, tôi mới thực sự cảm nhận sâu sắc hơn sự vất vả đó. Căn phòng trọ nơi bố mẹ ở, với diện tích chưa đầy 10m2, chỉ đủ kê được một chiếc giường tự chế do bố tôi thiết kế bằng mấy tấm gỗ, đặt trên mấy viên gạch. Căn phòng đã cũ và được xây trên nền đất thấp, mùa đông thì ẩm mốc, mùa hè thì nóng nực, mùa mưa nhiều khi mưa lớn nước ngập cả vào nhà. Khi tôi hỏi: “Sao bố mẹ không thuê lấy một căn phòng khác cao ráo và thoáng mát hơn để ở?”. Bố tôi chỉ cười trừ nói rằng: “Bố mẹ đi làm cả ngày, chỉ cần có chỗ ra vào che mưa che nắng là đủ rồi, ăn nhiều chứ ở thì mấy!”.
Tôi còn nhớ có lần tôi đã tự tay nhóm bếp nấu cơm để kịp giờ ăn trưa khi bố mẹ đi làm về. Vì trời mưa, củi bị ẩm nên việc đốt lửa thật khó khăn, cái miệng tôi thổi phù phù như muốn đứt cả hơi mà củi cũng chẳng chịu cháy, chỉ có khói nghi ngút xông vào mũi, giờ nghĩ lại tôi thấy “sống mũi vẫn còn cay”. Khi mẹ về, tôi nói với mẹ:“Mẹ ơi! mai kia mẹ mua bếp ga về đun nấu cho sạch sẽ.” Mẹ bảo:“Bố mẹ ở quê vẫn dùng rơm rạ, dùng củi quen rồi!” Những gợi ý tôi nói ra, bố mẹ chỉ trả lời cho qua chuyện thế thôi, nhưng đằng sau đó tôi nhận ra là cả một sự hy sinh lớn lao, âm thầm. Bố mẹ chấp nhận một cuộc sống chật vật như thế vì muốn tiết kiệm thêm mỗi tháng một khoản tiền gửi về cho anh em chúng tôi. Chúng tôi tự nhủ phải cố gắng học tập và chăm ngoan để không phụ lòng bố mẹ.
Những lời yêu thương, tôi chưa một lần dám nói, nhưng hôm nay và ngay trong lúc này, tôi ước gì bố mẹ nghe được bao lời thiết tha từ trong trái tim của anh em tôi. Tôi xin mượn lời bài hát dưới đây để nói nên tấm lòng biết ơn của chúng tôi đối với bố mẹ: “Cho con làm người bàn tay cha nâng đỡ chở che, cho con vào đời mẹ thương yêu dạy con bước đi. Cho con thắm nụ cười, cho con lớn thành người.Ôi tình mẹ cha quá bao la, ôi tình thương đó tựa biển xa. Nguyện Chúa xuống muôn ơn cho cha mẹ của con được mãi mãi an khang đi qua từng năm tháng. Dù đời bao sóng gió thì lòng con vẫn nhớ, trọn niềm tin yêu Chúa đến đáp ân tình mẹ cha.”
Bài hát này bố mẹ tôi vốn rất thích và cả gia đình tôi cùng hát với nhau mỗi khi có dịp sum họp. Bài hát như “bó hoa lòng” dâng tặng bố mẹ, và tựa như lời kinh nguyện của chúng tôi dâng lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho bố mẹ và để nói với bố mẹ rằng: “Bố mẹ ơi! Chúng con yêu bố mẹ nhiều…!”
Bình Yên