Ở đâu có tình yêu, ở đó có phép màu

Cô gái bị hội chứng down trở thành người mẫu

  Ở đâu có tình yêu, ở đó có phép màu-down-syndrome-model-madeline-stuart-australia-

 

 Người mẫu thời trang là một ngành nghề có nhiều đòi hỏi rất khắc nghiệt cho những ai có ước mơ được tỏa sáng trên sàn catwalk. Điều này lại càng khó khăn gấp bội với một cô gái bị mắc hội chứng down từ nhỏ. Madeline Stuart, được gia đình hay gọi Maddy, sống ở Australia, là người bị mắc hội chứng down ngay từ nhỏ thế nhưng vào năm 18 tuổi, cô lại mong muốn được trở thành một người mẫu chuyên nghiệp. Maddy nói với mẹ rằng cô muốn tạo nên một điều đặc biệt, cô sẽ thay đổi cách người ta vẫn nghĩ về người mắc hội chứng down. Maddy đã quyết tâm giảm cân. Nhờ sở thích bơi lội và đam mê khiêu vũ và đặc biệt là nhờ  sự giúp đỡ của mẹ, bà Rosanne, Maddy đã giảm cân một cách thành công, thân hình của cô trở nên thon gọn và quyến rũ. Maddy bây giờ đang tràn đầy năng lượng và sự tự tin để thực hiện con đường mơ ước của mình. Câu chuyện đầy cảm hứng của cô đã được đồng hiện trên các trang báo mạng trong suốt trung tuần của tháng Năm này. 

 

Sự chọn lựa và quyết định đầy đạo đức và can đảm của người Mẹ  

 

Để có một Maddy kỳ diệu như ngày hôm nay, chúng ta không thể không đề cập đến sự chọn lựa và quyết định  đầy đạo đức và cao đảm để giữ lại đứa con bị hội chứng down của bà Rosanne. Với sự phát triển của y học hiện nay, chắc chắn bà mẹ của Maddy đã biết được con mình bị hội chứng down ngay từ khi cô ta còn nương náu trong cung lòng của mình. Hẳn là bà ta đã phải trải qua những cuộc đấu tranh tư tưởng một cách gay gắt bởi lẽ khi phát hiện thai nhi dị tật, người mẹ thường sẽ gặp được rất nhiều ý kiến đồng thuận trong việc phá bỏ thai dị tật đó.

 

“Chẩn đoán thấy trẻ em khuyết tật thì không được lấy lý do đó để phá thai. Vì sự sống của một người khuyết tật cũng quý giá và được Thiên Chúa yêu mến, và cũng vì trên trái đất không bao giờ người ta có thể bảo đảm rằng sự sống của một người nào đó không bị sút giảm về thể xác, luân lý và tinh thần.” ( Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, 28-9-2006 ). Như vậy, khi mỗi mầm sống được hình thành thì người mẹ đã đang mang trong bụng một con người, một nhân vị và nó cũng có quyền được sống. Vì thế, dù đứa trẻ có như thế nào thì chúng ta cũng không có quyền tước đi quyền sống của đứa bé đó . “ Phá bào thai dù nó tàn tật luôn là tội ác nặng, cả khi phá nó với chủ ý để nó khỏi đau khổ về sau” ( 348 YOUCAT ) . Tuy nhiên, người ta mặc nhiên cho mình cái quyền quyết định trên sự sống của người khác. Người ta muốn tước đi quyền sống của em chỉ vì không muốn đối diện với những phiền toái, khổ cực khi em hiện diện trên cuộc đời này. Giết con trẻ còn nằm trong bụng mẹ, dù là đứa trẻ tật nguyền với bất cứ lời biện minh nào thì đó vẫn là một tội ác vì đó là hành động giết người, cho dù hành động đó có sự được sự hỗ trợ và đồng thuận của luật pháp và xã hội.

 

Và trên hết là tình yêu của Mẹ dành cho con …

 

Về vấn nạn phá bỏ đối với các thai nhi bị phát hiện dị tật, trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Gia Đình Việt Nam, Đại đức Thích Minh Sĩ cũng đã chia sẻ : “Hãy tạo điều kiện cho thai nhi dị tật ra đời, dù đứa trẻ đó có thể chỉ sống một thời gian ngắn nhưng đó chính là tình thương giữa người với người, tình thương giữa cha mẹ với đứa con mà mình mang nặng.”

 

Và quả thật, bằng tình thương kỳ diệu của một người Mẹ, bà Rosanne đã giúp cô con gái mà ngay từ khi tượng hình trong bụng mẹ đã không được Tạo Hóa ban nhiều ưu ái, nhưng bây giờ cô ta có thể làm được những điều mà ngay cả một cô gái bình thường cũng khó có thể làm được. Maddy là người khuyết tật trên cơ thể, sức khỏe nhưng chính tình thương của người mẹ đã động viên, khuyến khích giúp cô thêm ý chí vượt qua sự nghiệt ngã của số phận để cuộc sống của mình không bị “tàn tật” . Và bà mẹ của Maddy cũng có quyền tự hào với suy nghĩ rằng  : “Đã đến lúc mọi người phải nhìn nhận lại những người mắc hội chứng Down, họ cũng có thể trở nên quyến rũ và xinh đẹp. Những người mắc hội chứng Down có thể làm được bất cứ điều gì. Họ khác người bình thường theo cách của riêng họ. Tất cả mọi người hãy cho họ một cơ hội và hãy theo dõi quá trình họ nỗ lực và kết quả, họ sẽ cho thấy kết quả ngoài mong đợi”.

 

“ Hạnh phúc thay cho những ai Sống theo Lời Người”

 

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quả quyết rằng khi được ơn thánh trợ lực, lý trí con người mới có khả năng khám phá ra một số chân lý liên quan tới phẩm giá của con người nhân bản. Ngài đã từng nói: ‘Ngay giữa các khó khăn và không chắc chắn, mọi người nếu biết thành thực mở lòng mình ra đón nhận sự thật và sự tốt đều có thể, nhờ ánh sáng của lý trí và hành động dấu ẩn của ơn thánh, vẫn có thể nhận biết giá trị thánh thiêng từ lúc mới bắt đầu cho tới lúc kết thúc của sự sống nhân bản được viết thành luật tự nhiên trong trái tim họ. (Phúc Âm Sự Sống, số 2). Chúng ta tin rằng mẹ của Maddy cũng là người được “ ơn Thánh trợ lực” và cái mầm thai mang hội chứng down bây giờ là một cô gái xinh đẹp, lạc quan với cuộc sống và tràn đầy sự tự tin để thực hiện con đường mơ ước bước chân vào ngành công nghiệp thời trang, đã khiến cho bà mẹ của Maddy “ cảm thấy thật may mắn như trúng giải sổ số khi sinh ra một đứa con gái như Maddy ”. Một phần thưởng bất ngờ mà Thiên Chúa muốn dành cho một quyết định đầy đạo đức của mẹ Maddy.

 

Lạy Chúa, sự sống là hồng ân của Thiên Chúa, xin cho chúng con luôn biết trân quý mạng sống của chính mình và của người khác, cho dù phải đối diện với bất cứ tình huống xấu nào có thể xảy ra. Xin giúp chúng con luôn ý thức rằng con cái là hồng ân của Chúa ban, hãy trân quý và đón nhận cho dù chúng có thể là những thử thách mà Chúa muốn gởi đến cuộc sống Chúa chúng con.  Amen.

 

Điền Phương Thảo