Ông Trời – Thiên Chúa trong tự nhiên

Có thể nói được rằng hầu hết nhân loại đều tin ở Trời. Trong văn học dân gian Việt Nam, ông Trời là Chúa tể của trời đất được nhắc đi nhắc lại nhiều lần một cách rất quen trong những câu ca dao, tục ngữ của tổ tiên để lại: “Biết trước sự Trời, mười đời không đói”; “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”; “Trời đánh, Thánh vật”, …

vutru.jpgTính tự nhiên của con người khi gặp nguy hiểm khốn khổ hay ngửa mặt lên mà kêu “Trời ơi ?”; gặp oan ức đều kêu “Ông Trời có mắt”; hay khi thấy tội phạm bị pháp chế trần thế bỏ qua cũng nói “Lưới Trời lồng lộng”, … 

Trong khoa học, loài người đang cố gắng nghiên cứu và giải thích mọi sự vật hiện tượng xung quanh mình. Mọi nghiên cứu đều ít nhiều đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, khi nghiên cứu tới trần cao của sự nghiên cứu, nghĩa là cái tận cùng của khoa học, con người luôn dùng gọn hai chữ “tự nhiên” để giải thích một các mặc định điều đó và xem cách giải thích đó là điều buộc phải chấp nhận. Khoa học đã phần nào chứng minh các hiện tượng tự nhiên là có lý do. Mưa lụt, nắng hạn, bão tố, giông lốc, vòi rồng, sóng thần, etc… khoa học đều đã có những lý giải tới một giới hạn có thể chấp nhận được. Đơn cử hiện tượng sóng thần, khoa học lý giải rằng nguyên nhân vì động đất cùng những dịch chuyển địa chất lớn bên trên hoặc bên dưới mặt nước, núi lửa phun và va chạm thiên thạch đều có khả năng gây ra sóng thần. Rồi sâu xa hơn nữa, ta có thể đặt một loạt câu hỏi hóc búa rằng: Từ đâu có động đất ?; Từ đâu có sự dịch chuyển địa chất lớn của nền đất dưới đáy đại dương ?; etc… Khoa học sẽ trả lời: “Tự nhiên”.

Tất cả những điều nói lên trên đây, trước nhất trong tư duy chung của mỗi người, Ông Trời là một Vị ở trên cao chứ không phải là một người phàm trần như ta, hơn nữa Ông Trời phải là một Vị thông minh siêu việt, trí khôn siêu việt, khôn ngoan siêu việt, biết hết mọi việc và phân xử một cách công minh, rạch ròi, thì mới có thể kiểm soát ổn định mọi điều, mọi thứ trong vũ trụ vô cùng bao la và vĩ đại này.

Chưa cần tới kiến thức hàn lâm, ta có thể tự nhận ra rằng nếu không có Trời thì mặc nhiên xã hội con người sẽ hỗn loạn. Nhìn ra thiên nhiên hùng vĩ và kỳ diệu, mọi loài mọi vật từ dưới đất cho đến trên không trung đều xoay vần thứ tự có lớp lang trật tự và kỷ luật. Con bướm có một vòng đời rõ ràng không thay đổi(trứng => sâu non => nhộng => bướm), con chim non nở ra từ trứng chim và không có bú, con bò con sinh ra từ tử cung con bò mẹ và phải bú để phát triển, etc… Vạn vật đều có quy luật mà dường như không có một khoa học nào có thể giải thích triệt để các quy luật trường tồn đó.

Tại sao ư ? Thiết nghĩ, chỉ có Ông Trời bằng cách nào đó, mới có thể cho con người  một giáo trình chi tiết và phức tạp để giải thích cặn cẽ một bí ẩn nào đó.

Lại xét về văn hóa Á Đông, trong đó có văn hóa Việt Nam hay nói về số mệnh, can chi. Khi một người gặp tai ương, bất trắc, những người thân thuộc hay quen biết thường hay buông một câu để như chấp nhận những đau đớn rằng: “Cái số nó thế” hay “Số nó khổ thế”. Niềm tin Công giáo chứa trọn vẹn suy nghĩ trên và hơn nữa mạnh mẽ tuyên xưng khẳng định rằng tất cả chuyển động của vạn vật đều nằm trong chương trình của Ông Trời là Thiên Chúa, từ khởi đầu cách đây hàng triệu năm trước cho tới hàng triệu triệu năm sau. 

“Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.” (Mt 10, 30)

Thiên Chúa ấn định mọi việc, đã đếm từng sợi tóc trên đầu mỗi người thì xá gì những biến cố khác trong cuộc đời của chúng ta lại “tự nhiên” mà đến ?

Xét riêng xã hội con người, ai cũng muốn mình và gia đình được sống vui vẻ hạnh phúc trong một môi trường sống tốt lành và văn minh. Giữa dòng đời bôn ba chìm nổi, ngoài những lúc bươn chải kiếm sống, ta cũng có lúc lắng đọng tâm hồn để ưu tư và tự hỏi mục đích ta sống trên cuộc đời này để làm gì ?

Phải chăng, sau ít năm thời thơ ấu vui chơi học hành, lớn lên lấy vợ lấy chồng tạo lập sự nghiệp, nhiều khi vất vả kiếm tiền nuôi thân và nuôi con cái gia đình. Thế rồi tuổi đời xế bóng, sức lực dần dần suy tàn, thường khi lại phải vật vã đau đớn với biết bao nhiêu dạng bệnh tật của tuổi già mắt mờ chân chậm. Ai ai cũng đều nhận thấy rằng, đời là mau qua chóng hết, thời gian chạy vùn vụt không đợi một ai. Chưa hết, cho dù thành đạt giàu sang hay thất bại nghèo hèn, chẳng ai tránh khỏi đau khổ, bệnh tật. Và rồi ta đều thống nhất cho đời là chốn bể dâu sầu khổ, một thung lũng nhiều nước mắt hơn tiếng cười. Cuối cùng, cái kết, cái chết dần dần hiện ra trước mắt và ai cũng buộc phải đối mặt với nó mà không thể trốn chạy được thêm một giây một phút nào. 

Và vấn đề bắt đầu từ cái kết đó, chết rồi ta đi về đâu ? Chẳng ai tin rằng chết là hết như con trâu, con chó. Chẳng ai tin rằng chết là hết như con giun, con dế, …

Vì xác thịt con người là vật chất, sẽ chết đi và tan rã. Nhưng linh hồn thì không thể tan mất và mãi mãi không thể chết. Nếu chết là hết thì hiện tại cuộc sống với đầy dẫy những bất công, đau đớn, những chuyện mạnh được yếu thua, những áp bức, oan khiên, chiến tranh chết choc đang hiện hữu thì nó trở nên vô nghĩa và phi lý sao ? 

Từ đó ta khẳng định, có Ông Trời, Ông Trời với Thiên Chúa là một, chỉ khác mỗi danh xưng mà thôi. 

Theo các cách định nghĩa của những tôn giáo thờ Thiên Chúa, ta có những định nghĩa chung sau:

– Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu, là Đấng Tạo hóa và Đấng Tể trị toàn thể vũ trụ.

– Thiên Chúa là vô hình, có thân vị, ngài là nguồn của mọi nghĩa vụ đạo đức, và là thực thể tối cao con người có thể nhận biết được. 

 

G.B Tin Nguyen, Đệ tử SVD