Công đồng Vaticano II thổi vào Giáo hội như làn gió mới, với sức sống của Chúa Thánh Thần. Sức sống ấy làm Giáo hội bừng tỉnh trong một lối thực hành đức tin đã không còn phù hợp với những biến chuyển toàn diện của nhân loại trong một thế giới phẳng. Cả thế giới và Giáo hội đều đang thay đổi. Sự thay đổi ấy đem lại cho Giáo hội những cơ hội và thách đố trong việc sống đức tin của mình giữa một thế giới phẳng và một Giáo hội phẳng? Bài viết là sự gợi hứng khi lật dở những trang sách Công đồng nhân dịp hướng tới kỷ niệm sinh nhật Thánh Công Đồng tròn 53 tuổi vào ngày 11 tháng 10 (1962-2015).
Một thế giới phẳng: “Lịch sử vắn tắt của thế giới toàn cầu hóa thế kỷ 21”. Đây là một tác phẩm do L. Friedman biên soạn năm 2005, nổi tiếng trên toàn thế giới. Trong đó, ông đã khẳng định: do những phát minh gần đây trong ngành tin học và các công nghệ kỹ thuật số, thế giới hiện nay đã trở thành một sân chơi không thiên vị, nhất là cho các doanh nhân, vì tất cả mọi người đều có thể nắm bắt các cơ hội kinh doanh một cách bình đẳng. Ai khôn ngoan và liều lĩnh thì thắng, bất luận là người Ấn Độ, Trung Quốc, Phi Châu, Mỹ Châu hay ai khác. Không như ngày xưa, ai ngồi trên chóp là có thể kiểm soát mọi sự. Ngày nay, không có ai được dành cho một vị thế thuận lợi rõ ràng. Mọi người đều có cơ hội như nhau. Thế giới phẳng mà ! Ai cũng ở trên cùng một mặt bằng.
Theo Friedman, thế giới đã bắt đầu trở nên bằng phẳng từ ngày bức tường Berlin bị sụp đổ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989. Đó là phút mở đầu cho chủ nghĩa cộng sản tại các nước Đông Âu bị sụp đổ, cho khối này và Trung Quốc bắt đầu mở cửa, để hôm nay trở thành những tác nhân hàng đầu trên thế giới… Trong thời kỳ này, chúng ta được dịp chứng kiến sự xuất hiện của các máy điện toán cá nhân, càng ngày càng trở nên mạnh nhờ chương trình Windows, giúp các cá nhân có thể tạo ra những nội dung riêng, rồi chia sẻ cho người khác. Bức tường Berlin bị sụp đổ còn là biểu tượng cho thấy con người có khả năng khắc phục các trở ngại và vượt qua mọi hàng rào ngăn cách.
Một Giáo Hội phẳng? Nếu bức tường Berlin bị sụp đổ vào ngày 9/11/1989 là sự đánh dấu một thế giới phẳng được bắt đầu thì có thể nói một Giáo Hội phẳng được khai sinh kể từ công đồng Vatican II với tuyên bố: Giáo Hội là Dân Thiên Chúa (LG 9,17).Trước công đồng Vatican II người ta thường có thói quen đồng hóa Giáo Hội với hàng giáo phẩm, nếu không trên nguyên tắc thì ít là trong thực tế. Nhưng nay, Giáo hội đã quảng diễn mình với vòng tròn đồng tâm-qui Ki-tô…
“Lumen gentium” mang đến cho Dân Chúa một chỗ đứng trong Giáo hội, và là trung tâm của Giáo hội. Hiến chế ấy không phá hủy bản tính phẩm trật của Giáo hội, mà chỉ đặt phẩm trật ấy vào trong lòng Dân Chúa; hiến chế ấy làm cho mọi người được trở nên bình đẳng với nhau trong Giáo hội dựa vào phép Rửa, dù mỗi người sẽ thi hành một tác vụ khác nhau.
Với Vatican II, Giáo hội – xưa nay trong nhiều thế kỷ đã vận hành theo mô hình kim tự tháp và ba bậc sống (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) – nay trở nên bằng phẳng như một sa bàn không có hình nổi nào, theo đó người ta quả quyết chức tư tế chung, hoạt động tông đồ và ơn gọi nên thánh là dành cho hết mọi người. Giáo hội muốn khẳng định rõ ràng và mạnh mẽ hơn sự bình đẳng và hợp nhất của mọi người đã được rửa tội trong Đức Kitô Giêsu.
Giáo hội và thế giới vận hành theo một mẫu thức mới là “quan hệ, cộng tác và đóng góp”. Giáo hội được mô tả là Giáo hội đối thoại, đối thoại cả với những người vô thần. Giáo Hội sẵn sàng đối thoại cả với “những người chống đối Giáo hội và bách hại Giáo hội bằng nhiều cách” (GS 91-93).
Quả thực, Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị cho Giáo hội đi vào thế giới phẳng với những canh tân của Công đồng Vaticano II. Dầu vậy, cho đến nay, theo nhận định của cha Th.Rey. Mermet.CssR, Công đồng Vaticano II chỉ thấm vào lòng Giáo hội như một lớp đất mỏng. ‘Công đồng’ chỉ mới được nghe nói nhiều hơn gần đây thôi (đầu thiên niên kỷ thứ ba). Và trong thực tế, mọi thành phần Dân Chúa vẫn những não trạng, tinh thần tiền Công đồng đã trở nên quá cũ kỹ và bất cập trong đời sống Giáo hội.
Trong giới hạn này, người viết xin trình bày một vài nhận định về cơ hội, thách đố và hướng đi của người giáo dân trước một thế giới phẳng và Giáo hội phẳng.
Cơ hội và thách đố: Trong thư thứ nhất của thánh Phêrô có câu: “Anh em hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai muốn biết về niềm hy vọng trong lòng anh em, nhưng hãy trả lời một cách nhẹ nhàng và tôn kính” (1Pr 3,15). Muốn đối thoại có kết quả với những con người đang phải đối phó với những vấn đề do vô số tiến bộ gần đây gây ra, và muốn trả lời cho các vấn nạn họ đặt ra một cách có ý nghĩa, chúng ta cần phải có sự học tập chuẩn bị trước một cách thỏa đáng. Trong thế giới phẳng, người ta rất tôn trọng năng lực và tài giỏi, nghĩa là phẩm chất. Để trả lời cho các vấn nạn của con người, có thiện chí quảng đại thôi tự nó vẫn chưa đủ. Chắc chắn thiện chí rất cần thiết, nhưng chưa đủ, trừ phi có kèm theo những hiểu biết và những kỹ thuật thích hợp giúp chúng ta hiểu các hiện tượng văn hóa đang ảnh hưởng tới đời sống của chúng ta hiện nay, và riêng đối với người kitô hữu, còn cần có khả năng đối phó với những hiện tượng ấy bằng sự hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về mầu nhiệm Đức Kitô. Muốn thế, cần phải có tinh thần kỷ luật tri thức thật vững chắc. Như thánh Augustinô đã nói “tôi ao ước có thể dùng trí khôn để dò thấy những gì tôi đã hết lòng tin tưởng, đã tranh luận rất nhiều và cũng đã vất vả nhiều”(cf. PDV số 52).
Trong thế giới và Giáo hội phẳng, người ngoài Giáo hội cũng có cơ hội tìm hiểu về Giáo hội với nhiều mục đích, cũng có thể để thắc mắc, thách đố, kết án, hay chống phá Giáo hội. Cũng vậy, con cái Giáo hội lại càng có khả năng hơn để truy tìm và lãnh hội sự hiểu biết về Kinh thánh, Giáo lý, những sinh hoạt và vấn nạn trong đời sống Giáo hội. Họ có thể góp nhặt qua các phương tiện truyền thông xã hội, hay qua sự gặp gỡ, trao đổi và huấn giáo của các nhà thần học, hay các đấng bậc trong Giáo hội… Chẳng hạn, muốn quan tâm đến các sinh hoạt của Giáo phận Bùi Chu, chúng ta dễ dàng truy cập trang wed:gpbuichu.org là có ngay…
Có thể nói rằng, với sự phát triển về công nghệ trong thế giới phẳng, toàn thế giới sẽ hiện lên như một bức tranh chỉ trong phút chốc, mà người ta gọi là ‘toàn cầu hóa’. Vì thế, mỗi người, hãy nắm lấy cơ hội tiếp cận tri thức nhân loại, và những hiểu biết nhất định những gì thuộc về Giáo hội, cùng ưu tư lắng lo, vui mừng và hy vọng với Giáo hội, Giáo phận mình…
Cơ hội càng nhiều thì thách đố càng lớn. Như Karl Rahner nói: “Ngày hôm nay người ta không chấp nhận cho ai độc quyền chân lý, phải là đa chiều, đa diện. Sự đa dạng: Xã hội hôm nay vừa là cơ hội, vừa là cám dỗ; vừa là ân sủng, vừa là thử thách”. Thách đố trước tiên bởi mặt bằng kiến thức của người Ki-tô hữu với những khối lượng thông tin thời sự, những diễn biến phức tạp diễn ra hằng ngày mà ta không kịp apdate.. Hơn nữa, với vốn liếng về giáo lý và sự trưởng thành trong đời sống đạo ở mức tà tà, người Ki-tô hữu có thể dửng dưng, lãnh đạm hay đánh mất đức tin bất cứ lúc nào. Thế nên, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, tất cả đều có thể bị chất vấn và mời gọi bất cứ khi nào và từ bất cứ phía nào. Hơn nữa, chúng ta phải chuẩn bị đối thoại với những con người đang phải đương đầu với các vấn đề do các tiến bộ khoa học đặt ra và phải chuẩn bị giải đáp các vấn nạn ấy một cách khôn ngoan, và đầy sự kính trọng.
Với các bạn trẻ, dù đang theo học hay đã nghỉ học sớm, tất cả đều đứng trước những khủng hoảng khi có ai chất vấn về niềm tin của họ, với những kiến thức sơ đẳng: Amen nghĩa là gì? Dấu Thánh Giá là sao? Chúa Giê-su mà bạn đang tôn thờ là ai? Tại sao Đức Mẹ đồng trinh mà vẫn sinh con? Thuyết tiến hóa và việc Thiên Chúa sáng tạo trời đất?, chứ chưa dám nói đến những vấn đề cao siêu trong đạo. Và biết bao câu hỏi như thế, đã làm cho các bạn trở nên vụng về, vô duyên và bất lực, lùi bước và bỏ cuộc trước chúng bạn. Thay vì coi đó là những cơ hội tốt để quảng diễn về đạo, giới thiệu Chúa cho mọi người thì họ lại chạy trốn niềm tin và tự dằn vặt trong sự bế tắc không một lối đi về…
Thử tìm một lối đi mới: Giáo Hội và thế giới hôm nay đã trở nên phẳng. Vậy chúng ta phải làm gì đây? Trước hết, Giáo hội mong muốn tất cả mọi thành phần Dân Chúa, nhất là người giáo dân hãy nắm lấy sứ mạng và cơ hội này, hãy tháp mình vào dòng chảy năng động của thế giới và Giáo hội để thay đổi một lối nhìn, một hướng đi sao cho phù hợp với Tin Mừng… Hơn nữa, Giáo hội mong muốn con cái mình cùng với hồng ân Đức tin và những thành quả của Công đồng mang lại, hãy có một vốn liếng am tường Kinh Thánh, Giáo Lý, Giáo huấn Giáo hội, để người giáo dân ngày nay không chỉ thực hành đức tin của mình một cách trưởng thành hơn, nhưng còn là cơ hội để làm Một cuộc Xuất hành–ra khỏi chính mình, đến với muôn dân… (Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày thế giới cầu cho ơn Thiên triệu, năm 2015): “Một cuộc xuất hành liên tục ra khỏi cái tôi đóng kín hướng vào bên trong để vươn tới sự tự do qua việc cho đi chính mình, và như thế hướng đến sự khám phá đích thật chính mình và chung cuộc là sự khám phá về Thiên Chúa” (Deus Caritas Est, 6)”. Không ngừng làm cuộc xuất hành để dung mao Thiên Chúa tình yêu ắp đầy trong một thế giới phẳng và Giáo hội phẳng. Đây cũng là Cuộc Xuất Hành lớn mời gọi Thừa tác viên của Chúa và những ai sống đời thánh hiến tiên phong đi vào để cùng với Giáo hội đi ra… Chỉ có như thế, chúng ta mới thật sự trở thành sứ giả của “tin vui” cho con người và thế giới hôm nay.
Tham khảo chuyên đề: Làm thừa tác viên trong một thế giới phẳng và một Giáo hội phẳng – “Ministres dans un monde plat et dans une Église plate”; LM. Jose Kuttianimattathil, SDB; (tạp chí «Omnis Terra» của Hiệp Hội Truyền Giáo Giáo Hoàng, số tháng 2/2011, tr. 67-76) ; Dịch giả: Phê-rô Đặng Xuân Thành.