Để thành công trong cuộc sống, điều cực kỳ quan trọng là bạn phải nhận ra rằng, nhiều thứ, tự chúng không chỉ xảy ra thuận lợi đối với bạn; mà phần lớn, bạn phải tạo ra chúng. Hãy chơi trò chơi cuộc đời với quan niệm chơi để thắng chứ không phải chơi để thua.
Phải có sự chọn lựa đúng lúc
Sự chọn lựa đúng lúc có lẽ không là tất cả, nhưng nó là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Điều này đúng ngay cả cho một công việc đơn giản như nấu nướng. Trong môn Tennis, nếu bạn không có sự lựa chọn đúng lúc, bạn có thể đánh bóng, hoặc quá sớm hoặc quá trễ, cả hai đều dẫn đến kết quả xấu hay chỉ là cú đánh tầm thường. Trong kinh doanh, bạn có thể sẽ mất hàng triệu đô la nếu như bạn mua bán cổ phiếu không đúng lúc. Chỉ có một cách để đạt được một sự lựa chọn tốt, đó là sự lặp đi lặp lại, hoặc dựa vào kinh nghiệm đã có. Và khi đó sự chọn lựa của bạn sẽ trở thành giác quan thứ sáu của bạn.
Phải có một quan điểm dứt khoát
Quan điểm của một người thành công là một quan điểm: tôi có thể làm được mọi sự. Khi một kế hoạch còn mơ hồ được giao cho một người có quan niệm: “có thể làm được tất cả mọi sự”, thì anh ta sẽ sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ và tìm cách để vượt qua những khó khăn. Ngược lại, phản ứng của người không thành công đối với cùng một kế hoạch đó là hàng loạt những lời bào chữa và bàn luận về những cản trở làm cho không thể thực hiện thành công kế hoạch, và sau cùng với kết luận rằng: “tôi sẽ không nhận nhiệm vụ”.
Tất nhiên, quan điểm có thể làm được tất cả là quan điểm của một người tự tin, và sự tự tin sẽ mang lại nhiều thành quả tốt đẹp. Dường như có một sự nghịch lý ở đây: người ta cần phải có sự tự tin để thành công, nhưng trước hết người ta cần phải có sự thành công để có được sự tự tin. Vì lý do này mà người ta cần bắt đầu sự nghiệp với những công việc nhỏ hơn để có cơ hội thành công cao hơn, để gia tăng sự tự tin, và để có thể đảm nhận những công việc phức tạp hơn. Có những giám đốc đã giao cho những nhân viên không có kinh nghiệm, những người không được chuẩn bị kỹ cho công việc, làm những công việc khó. Điều này có thể làm huỷ hoại sự tự tin của nhân viện, và mặt khác làm tiêu tan đi những sự thành công trong sự nghiệp.
Phải chấp nhận mạo hiểm
Người ta nói rằng, “mạo hiểm lớn nhất là không chấp nhận một mạo hiểm nào”. Trong một cơ chế thị trường ngày càng thay đổi nhanh chóng, nhiều nhà lãnh đạo buộc phải đưa ra những quyết định với ít những thông tin bởi vì, ngay lúc họ có tất cả thông tin để đưa ra quyết định thì thị trường đã thay đổi rồi. Càng ít thông tin khi người ta phải quyết định, thì người ta sẽ càng phải chấp nhận mạo hiểm. Càng chấp nhận mạo hiểm, thì lợi tức hay thua lỗ càng lớn. Vì vậy, nếu không thể có đủ khả năng để làm giảm vốn đầu tư thì bạn không nên quá mạo hiểm, bởi vì sự phát triển vững chắc sẽ đảm bảo cho sự thành công của bạn.
Dường như tất cả những người thành đạt đều thích và làm những việc có chút mạo hiểm. Nhưng họ không thích chính sự mạo hiểm, và họ cố gắng để làm giảm thiểu nó, nếu họ có thể.
Phải có sự cần cù siêng năng
Những người có tài năng để làm một công việc nào đó thì quá dễ dàng. Vậy còn những người có ít tài năng để làm việc thì làm thế nào? Họ có thể thành công trong công việc? Thực vậy, có những người có ít tài năng nhưng họ vẫn thành công. Đó là do họ đã phải siêng năng để làm việc hầu đạt được kết quả như họ mong ước. Ta vẫn thường nghe nói, “cần cù bù thông minh!”.
Tuy thế, điều quan trọng là ta phải hiểu được sự khác biệt giữa việc lấp đầy thời gian và làm chủ thời gian, và phải biết rằng, bận rộn không giống như đang làm việc. Như thế bận rộn không có nghĩa là siêng năng.
Dám chấp nhận sự thất bại
Bất chấp chúng ta đã chuẩn bị thế nào, đã làm việc chăm chỉ như thế nào, thông minh và tự tin tới đâu, thì cũng có lúc chúng ta cũng sẽ gặp thất bại. Điều quan trọng là không được sợ sự thất bại. Thà phải làm một cái gì đó mà thất bại còn hơn là không làm gì cả. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải biết thay đổi quan niệm về sự thất bại.
Chúng ta phải nhìn sự thất bại như là cơ may lớn để học hỏi. Câu chuyện sau đây là một minh chứng xác thực cho điều đó: Trong một cuộc giao dịch thương mại, một thành viên trẻ thuộc hội đồng quản trị của tập đoàn IBM đã bị liên luỵ trong một sự tổn thất trên 10 triệu đôla. Đó là một thảm hoạ. Ông chủ đã cho gọi người nhân viên trẻ tuổi nhút nhát này vào văn phòng làm việc của ông ta, chàng trai trẻ đã buột miệng nói rằng, “tôi đoán ông muốn tôi từ chức?” Ông chủ của anh ta nói, bạn không cần phải căng thẳng. Chúng tôi mới vừa sử dụng 10 triệu đôla để huấn luyện bạn!”
Vậy, để thành công trong cuộc sống, điều cực kỳ quan trọng là bạn phải nhận ra rằng, nhiều thứ, tự chúng không chỉ xảy ra thuận lợi đối với bạn; mà phần lớn, bạn phải tạo ra chúng. Hãy chơi trò chơi cuộc đời với quan niệm chơi để thắng chứ không phải chơi để thua. Và khi bạn bước đi trên con đường đời, hãy nhớ rằng, sự thành công là một cuộc hành trình không có điểm đến, chiếc chìa khoá để mở ra một cuộc sống thú vị là sự quân bình trong mọi thứ bạn làm. Hãy luôn luôn để ý đến những mục tiêu lâu dài của bạn. Và, quan trọng nhất là, hãy tự tin với những khả năng bạn có!
Hà Vi
Secrets of Success and Happiness