Ngày 09 Tháng 05
Người tông đồ kính thánh giá
Ấn tượng đẹp nhất trong cuộc tử đạo của thánh Giuse Hiển là hình ảnh cụ già 71 tuổi, sau bao cực hình tra tấn ban ngày, mỗi tối nằm dài trong nhà lao nắn nót vẽ trên vải từng mẫu ảnh thánh giá mỹ thuật, với những nét hoa văn tinh tế, khi giáo hữu đến thăm cha phát cho mỗi người mỗi mẫu, khuyên họ cung kính suy ngẫm và xin ơn bền đỗ. Có người được ban ơn lạ vì mang trên mình hình ảnh thánh giá đó. Thế là trong tù cha vẫn phát động phong trào suy tôn thánh giá ở Nam Định. Về sau, vì số người đến xin ảnh nhiều quá cha phải nhờ một anh bạn tù khắc mẫu Thánh Giá đó vào gỗ rồi dùng mực in ra nhiều bản mới cung ứng đủ nhu cầu.
Giuse Hiển sinh năm 1796 tại làng Quần Anh Hạ. Tỉnh Nam Định. Từ thuở bé, gia đình đã gởi gấm cậu đến sống với Đức Cha Delgado Y dòng Đaminh. Sau khi học xong thần học, thày Hiển được thụ phong linh mục và được gởi đi du học ở Manila. Ngày 12-01-1812, cha được lãnh áo dòng Đaminh và năm sau vào khấn dòng. Trở về Việt Nam cha giúp nhiều giáo xứ, lâu nhất là xứ Cao Mộc. Mọi người công nhận cha sống thánh thiện, miệt mài với kinh nguyện và cha sống hoán cải lòng người. Ai nghe cha khuyên nhủ cũng thấy lòng mình sốt sắng muốn canh tân sửa đổi đời sống sao cho xứng danh kitô hữu.
Khi vua Minh Mạng ra lệnh cấm đạo, cha Hiển là bạn đồng hành với Giám Mục Henares Minh trên đường lưu lạc. Năm 1838, khi Đức Cha về Xương Điền, Ngài xin về quê cũ là Quần Anh, sau lại di chuyển qua Hưng Nghĩa rồi ở họ Trung Thành suốt 9 tháng. Tuy khó khăn và luôn luôn trốn, cha vẫn cố tìm cách phục vụ cộng đồng dân Chúa cách đắc lực, cha thăm viếng từng nhà, an ủi từng người và trao ban bí tích.
Vững vàng trong thử thách.
Tối 20.12.1839, cha Hiển đi xức dầu và giải tội cho ông Đội Nhật đang hấp hối, ông đã bỏ xưng tội lâu năm và muốn được giọn mình chết lành. Một người ngoại giáo phát giác và tố cáo với Tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Quan liền đem quân đến vây kín làng Trung Thành. Thấy khó trốn thoát, cha cử hành một thánh lễ sốt sắng để chuẩn bị lãnh phúc tử đạo. Đến khi trời vừa tảng sáng, quân lính tìm bắt được cha và lôi ra trước đình làng.
Vì chối không chịu đạp lên Thánh Giá, quan cho đánh cha 40 roi, tiết đông giá rét góp phần làm những vết roi thêm tê buốt. Sau đó, quan truyền lấy nước lạnh dội từ trên đầu xuống, các vết thương đang rướm máu nay gặp nước thì tím bầm lại, quả đau đớn và xót xa ! Dầu vậy, cha Hiển vẫn không hề than thở rên la một lời, cha chỉ kêu tên cực trọng Đức Giêsu và suy niệm về cuộc thương khó Chúa khi xưa.
Hai ngày sau, vị linh mục được giải về Nam Định và bị giam giữ hơn năm tháng. Là một tu sĩ dòng thuyết giáo, cha không quên sứ mạng truyền bá Tin Mừng. Ngay ở trong tù, cha vẫn dạy đạo và rửa tội ch một vài tân tòng, khuyến khích các tín hữu kiên trung xưng đạo ngay trước những cực hình tra tấn. Đặc biệt cha giúp thày Tôma Toán đã một lần đạp lên Thánh Giá, tìm lại được can đảm tuyên xưng niềm tin cho đến ngày lãnh triều thiên tử đạo. Những mẫu ảnh Thánh Giá cha phổ biến, đã gây được một phong trào tôn sùng Thánh Giá, giúp người nhút nhát thêm nghị lực, giúp tội nhân hoán cải, và nhiều người sắp chết tìm lại được an bình.
Rất nhiều lần cha bị đưa ra đối chất trước tòa. Các quan khi thì tra tấn dã man, khi thì dùng lời dụ dỗ ngọt ngào, nhưng trước sau như một, cha dứt khoát không chịu xuất giáo. Cha nói: “Tôi đã già chẳng sông được bao lâu nữa, tôi sẵn sàng chết vì Đấng đã chết cho tôi”.
Đầu tháng 05.1840, sau khi đã nhận án từ triều đình quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh truyền đem cha Hiển cùng thày Toán ra trình diện. Quan bắt hai vị đứng trước Thánh Giá rồi cho quản tượng dẫn ra hai thớt voi to lớn đứng ngay sau lưng. Theo lệnh của quan tượng, hai chú voi từ từ tiến tới đẩy hai vị đạp lên Thánh Giá. Nhưng hai vị đã khéo léo và bình tĩnh tránh ra một bên. Cha Hiển nói thẳng với quan: “Xin quan cứ tuân lệnh vua, đừng ép thêm vô ích, chúng tôi sẵn sàng chết để tỏ lòng yêu mến Chúa”. Trịnh Quang Khanh nghe nói thế tức giận lắm, truyền giam thày Toán vào ngục, bỏ đói cho chết rũ tù. Còn cha Hiển, ông cho đem đi xử trảm ngay.
Khải hoàn trong vinh quang.
Trên đường ra pháp trường, cha Giuse Hiển phải mang gông rất nặng đi giữa một toán lính, cha quì gối thinh lặng, mắt hướng về trời cao. Trong lúc chìm đắm trong lời nguyện, cha lãnh nhận một nhát gươm đem lại ngành lá chiến thắng tử đạo mà cha hằng mong ước. Hôm ấy là ngày 09.05.1840. Thi thể cha Hiển được chôn ngay tại pháp trường. Tám tháng sau, anh Phêrô Dậu, người trước cùng bị giam chung với cha vì đức tin, cải táng và đem về chôn tại chủng viện Lục Thủy.
Đức Lêo XIII suy tôn Chân Phước cho cha Giuse Hiển, linh mục dòng Thuyết giáo, cùng với 63 vị tử đạo tại Việt Nam khác ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Lm. Đào Trung Hiệu, OP