Thánh Thần, Đấng ban sự sống

Trong bài suy niệm dựa trên các bài đọc của Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống Năm B, ngày 24 tháng Năm 2015, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại UNESCO có trụ sở ở Paris, Đức Cha Francesco Follo chỉ cho các tín hữu một con đường thiêng liêng để đón nhận Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi và sống lòng thương xót thần tính.

1. Đón tiếp Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi  tuyệt vời

Trong đoạn Tin Mừng của ngày Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, Chúa Giê su nói :
« Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy từ đầu.” (Ga 15, 26-27).

Trong suốt cuộc đời trần thế của mình, Chúa Giê-su cũng đã là Đấng an ủi : « Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng » (Mt 11, 28). Khi Chúa Giê-su hứa Đấng Bảo Trợ, Chúa Giê-su muốn nói : Hãy đến với Đấng Bảo Trợ, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Đấng Bảo Trợ này làm thế nào để yên ủi chúng ta ?

Người yên ủi chúng ta trong khi làm chứng cho chúng ta thấy rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa (x. Rm 8, 16). Và để chứng thực rằng chúng ta là con của Thiên Chúa được ghi nhận bằng việc Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài đến ngự lòng chúng ta mà kêu lên : « Áp-ba, Cha ơi ! » (Gl 4,6).

Được an ủi là điều mà tất cả chúng ta đều muốn và ai trong chúng ta cũng đều cần.

Có những lúc trong cuộc sống, chúng ta tìm ai đó để an ủi, nâng đỡ và tỏ cho chúng ta thấy những tình cảm và sự quan tâm của họ dành cho chúng ta. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nhắc nhở cho chúng ta rằng : Sự an ủi đích thực đến từ Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót.

Một Thiên Chúa « an ủi dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người » (Is 49,13) và Ngài còn phán « Hãy an ủi, an ủi dân Ta » (Is 40, 1) ; « Chính Ta, chính Ta đây là Đấng an ủi các ngươi (Is 51,12). Thiên Chúa của nguồn an ủi (Rm 15,5 ; 2Cr1, 3) luôn an ủi chúng ta : «  Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy, tại Giêrusalem các ngươi sẽ được an ủi vỗ về » (Is 66, 12). Thiên Chúa an ủi chúng ta trong tất cả những đau khổ, muộn phiền của chúng ta, để rồi đến lượt chúng ta, chúng ta cũng an ủi những ai lâm cảng gian nan khốn khó dưới bất kỳ hình thức nào bằng việc đem tình yêu và lòng an ủi mà ta đã nhận được từ Thiên Chúa (2Cr 1, 3tt).

Sự thật này tác động nhiều tới ta, nhưng ta khó để mà chấp nhận chúng. Trái lại, ta khó mở lòng ra một cách trọn vẹn, không có sẵn sàng và khiêm nhường để đón nhận sự an ủi « thiêng liêng » này và Đấng an ủi đích thực đến từ Thiên Chúa.

Và để không từ chối ân huệ này, ta không nên hành xử như người thanh niên giàu có trong Tin Mừng, anh ta muốn quay lưng lại với Chúa hơn là từ bỏ tất cả tài sản mà anh có để theo Chúa. Nhưng ta cần đón nhận quà tặng này của Chúa Thánh Thần với niềm vui, chỉ có thế ta mới có thể bền chí trên con đường của sự hoán cải đích thực.

2. Từ các chứng nhân thánh về lòng thương xót

Đấng an ủi không chỉ có khả năng làm vơi đi những đau khổ về thể lý và tinh thần của các tín hữu, nhưng còn làm biến đổi các môn đệ thành những chứng nhân : « Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu » (Ga 15, 25). Vụ tranh tụng lớn giữa Đức Kitô và thế gian đã ghi dấu ấn lịch sử, Chúa Thánh Thần làm chứng cho Chúa Giêsu. Người làm chứng trong lòng các môn đệ. Và những chứng tá của cả các môn đệ và Chúa Thánh Thần không hề tách rời nhau. Các môn đệ đã làm vọng lại lời chứng của Chúa Thánh Thần : « Điều mà Thánh Thánh nói trong trái tim, anh em hãy nói ra bằng từ ngữ ; đối với Người nhờ sự linh hứng, còn anh em nhờ tiếng nói » (Thánh Augustino).

Các môn đệ cần có sự xác tín đích thực để làm chứng : Chúa Thánh Thần sẽ cho các ông sự xác tín này  qua những cuộc gặp gỡ riêng tư, thân mật và trọn vẹn với Thiên Chúa và sự thật của Người: Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết mọi điều và nhắc nhở cho anh em tất cả những gì mà Thầy đã nói vơi anh em. Người sẽ hướng dẫn anh em trong sự thật toàn vẹn (x. Ga 16, 13). Thánh Thần sẽ dẫn ta từng bước tới một sự hiểu biết nội tại sống động và thực tế, điều này còn hơn cả một sự tích lũy của ta về sự hiểu biết ; một hành trình từng bước đi vào nội tâm của lòng trí chúng ta, trong trái tim của Thiên Chúa. Một sự đi từ bên ngoài vào bên trong, từ một sự hiểu biết bởi tin đồn và làm ta đi tới một sự thấu hiểu cá nhân, và thực tế ; chính sự thấu hiểu này làm biến đổi chúng ta. Và có thể nói hơn nữa, sự thấu hiểu này làm chúng ta đi tới cùng một quan niệm này của Chúa Kitô, Đấng đã có Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã toàn hiến con người của mình cho Đức Kitô.

Một cách thiêng liêng mà nói, chúng ta cũng thế, nghĩa là cùng với Thánh Thần, Đấng đã truyền vào lòng chúng ta một tình yêu đích thực, chúng ta có thể trao tặng thân xác cho Đức Kitô, là thân thể của Người và để làm sản sinh những công việc tốt.

Chúng ta theo đuổi hành trình của người con và của những người anh em « tinh thần », trong suy gẫm và cầu nguyện để rồi trái tim chúng ta được liên kết chặt chẽ với sự thật, điều đã được mạc khải cho chúng ta qua Lời của Thiên Chúa. Xin Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi luôn nhắc lại cho chúng ta lời của Chúa Giê-su : «Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi ? » (Mt 14, 31).

Nguyện xin Chúa Thánh Thần gợi lên và làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân của lòng bác ái, trở thành những người có khả năng truyền tải hơi ấm và niềm an ủi về tình yêu cho tất cả những ai đang đau khổ về một sự nghèo khó tinh thần cũng như vật chất.

Chúng ta được mời gọi làm chứng cho sự thật tình yêu, điều đã được mạc khải qua Thập Giá Đức Kitô. Nhưng chính Thánh Thần làm cho chúng ta hiểu rằng Thập Giá không phải là sự thất bại, mà nhất là sự chiến thắng của tình yêu, tình yêu đem lại sự sống, theo nghĩa này mà Người tặng nó cho chúng ta và làm cho chúng ta sống.

Chúng ta, tất cả được mời gọi để làm chứng rằng Đức Kitô đã sống lại, và người hằng sống. Nhưng thế nào là một chứng nhân? Chứng nhân, nếu nói về mặt pháp lý, đó là người đã thấy và kể lại một sự việc được xảy ra. Vì thế, Hêrôđê và Giuđa, Philatô và Caipha cũng là những chứng nhân. Còn theo nghĩa kitô giáo mà nói, chứng nhân là một người đã gặp Đức Kitô, người nhớ và làm tưởng nhớ về Người, người loan báo về Người bởi lời  nói và một đời sống dẫn đưa tới sự thánh thiện. « Nội dung của chứng nhân kitô giáo không phải là một mớ lý thuyết cũng không phải là một ý thức hệ hoặc một hệ thống phức tạp của những quy tắc và cấm đoán, càng không phải là  một chủ nghĩa luân lý, nhưng là sứ điệp của ơn cứu độ, một sự kiện cụ thể, hay đúng hơn là một Con Người : đó là Đức Kitô Phục Sinh, Đấng hằng sống và là Đấng cứu độ duy nhất cho tất cả mọi người. Tất cả những ai đã có được kinh nghiệm cá nhân với Người, đều làm chứng về Người trong lời cầu nguyện, trong Giáo hội qua con đường căn bản của họ trong bí tích rửa tội, qua lương thực nuôi dưỡng họ trong bí tích Thánh Thể, qua dấu ấn của họ trong bí tích Thêm sức và qua sự hoán cải không ngừng của họ trong bí tích Hòa giải. Nhờ con đường này và luôn được hướng dẫn bởi lời của Thiên Chúa mà tất cả các tín hữu đều có thể trở thành chứng nhân của Đức Kitô Phục Sinh. Và lời chứng của họ thật đáng để ta tin vì họ  phản ánh cách thức loan báo tin mừng của cuộc sống,  của niềm vui, lòng can đảm, sự dịu hiền, sự an bình và lòng thương khoan dung » (ĐTC Phanxicô, 19/04/2015).

Chúng ta sẽ là những chứng nhân đáng tin nếu chúng ta cầu xin, và trên hết mọi sự, ơn Chúa Thánh Thần là « thần khí của khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa » (x. Is 11,2). Vì thế chúng ta sẽ đón nhận và chia sẻ hoa trái của Thần Khí là : « bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ » (Gl 5,22).

3. Sự làm chứng của những người trinh nữ thánh hiến trong thế giới hôm nay

Làm sao là  những chứng nhân của sự thật, không phải của một sự thật bên ngoài, nhưng là của những gì mà chúng ta là : những người con của Thiên Chúa và anh em của nhau ?

Chúng ta là những chứng nhân khi, bởi những họat động, lời nói và cách thức hiện hữu của chúng ta. Sự làm chứng không chỉ là một sự mẫu mực nhưng là một hành động khiêm nhường, mạnh mẽ của sự hiểu biết và của sự hiệp thông để truyền tải sự thật về tình yêu của Thiên Chúa.

Với những người trinh nữ thánh hiến, là chứng nhân của Đức Kitô là điều cần thiết. Những người nữ này làm chứng rằng sự trinh khiết là tột đỉnh của tình yêu. Những lời đáp trả của họ dành cho Đức Kitô, trong khi tự trao hiến toàn vẹn cho Người, họ làm chứng một các hiện hữu rằng trong khi gắn bó trọn vẹn với Chúa Giê-su, họ học yêu mến tất cả những gì còn lại, họ trở thành như những cửa sổ mở ra trên cõi vĩnh hằng. Người trinh nữ thánh hiến làm chứng rằng có thể sống cho Đức Kito như là một lý do duy nhất và khả năng duy nhất để đạt tới sự viê mãn. Sự trinh khiết làm biến đổi cuộc sống của họ và của những người khác, làm cho thế giới nhân bản hơn, nghĩa là kitô hơn.

Bộ luật giáo hội (1983) số 604 nhấn mạnh chiều kích hôn nhân của đời sống thánh thiến trên trế giới, điều này được Divo Barsotti diễn đạt như sau : người trinh nữ « thực hiện sự hiệp thông hôn nhân, theo những bậc thầy vĩ đại nhất, đó là sự hoàn thiện của đời sống tâm linh… Hôn nhân đã được Đức Kitô nâng lên hàng bí tích, bởi vì tình yêu mà người nam và người nữ dành cho nhau đã thể hiện mầu nhiệm hiệp thông của Đức Kitô và Giáo hội. Sự khiết tịnh hoàn hảo không chỉ là một hình ảnh của sự hiệp thông này, nhưng chính là sự hoàn thành của chúng… Không cái gì và không ai có thể trói buộc hoặc phân cách người khác về sự hoàn thiện này. Được nên một với Đức Kitô, họ sống mối hiệp thông thiêng liêng với tất cả mọi người ».

Nt. M-Augustino Huy, fmsr chuyển ngữ
Nguồn : Zenit.org