Tông chiếu Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót gồm 25 số. ĐTC chọn chủ đề cho văn kiện này là “Khuôn mặt của Lòng Thương Xót”. Khi nói như vậy, ngài mở đầu bằng chính Chúa Giê-su Ki-tô là khuôn mặt thương xót của Chúa Cha vì ai thấy Ngài là thấy Cha (x. Ga 14,9) mà Cha lại “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4) (n°1).
ĐTC đã giải thích về sự phong phú của cụm từ “Lòng Thương Xót”. Cụm từ này diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi, bản chất của Thiên Chúa, của con người và tương quan giữa Thiên Chúa với con người (n°2).
Ngài nêu ra lý do mở Năm thánh Lòng Thương Xót: để mọi người tin làm chứng mạnh mẽ và hữu hiệu hơn về Lòng Thương Xót của Chúa Cha mà lúc này là thời điểm cần thiết (n°3§1).
ĐTC cho biết tại sao khai mạc vào lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội với nghi thức mở Cửa Thánh, vì Mẹ Ma-ri-a giữ vai trò khởi đầu lịch sử cứu độ, khởi đầu cho ơn tha thứ của Thiên Chúa. Việc mở Cửa Thánh giống như mở Cửa Lòng Thương Xót để ai đi vào thì sẽ được “an ủi, được tha thứ và hy vọng” (n°3§2).
Chúa nhật thứ ba mùa Vọng, tất cả các Cửa Thánh của những nhà thờ… đã được ban phép sẽ mở để người hành hương đón nhận ân sủng và canh tân đời sống thiêng liêng. Năm Thánh không chỉ ở Rô-ma mà cả ở các Giáo Hội hiệp thông với Giáo Hội Rô-ma như dấu chỉ hiệp thông Hội Thánh (n°3§3).
Chọn ngày 8 tháng 12 cũng là nhắc đến ngày kết thúc Công Đồng Va-ti-ca-nô II tròn 50 năm. Đây là lúc loan báo Tin mừng theo cách thức mới trong đó Giáo Hội trở nên dấu chỉ tình Cha và mọi ki-tô hữu cần làm chứng mạnh mẽ về đức tin và nhiệt thành hơn (n°4§1).
Trong lời khai mạc Công đồng, thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII cũng nhắc đến cụm từ “Lòng Thương Xót” này, ngài ví nó như phương thuốc chữa trị bệnh tật. Đến lượt chân phước Giáo Hoàng Phao-lô VI, dù không có cụm từ trên nhưng ngài cũng nói đến kết quả của Công đồng là nguồn bác ái để chữa trị nhân loại có nhiều bệnh tật và đau khổ (n°4§2).
Với tinh thần biết ơn, Năm Thánh này được mở ra để Dân Chúa chiêm ngưỡng khuôn mặt của Lòng Thương Xót. ĐTC cầu xin Chúa Thánh Thần giúp Giáo Hội và mọi ki-tô hữu cộng tác vào công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô (n°4§3).
Năm Thánh kết thúc ngày 20 thánh 11 năm 2016, nhằm lễ Chúa Ki-tô, Vua Vũ trụ. Khi tỏ lòng biết ơn vì Năm Thánh, Giáo Hội, nhân loại và cả vũ trụ được phó thác cho Thiên Tính của Chúa Ki-tô. Tất cả đều được hưởng Lòng Thương Xót như dấu của Nước Chúa đã hiện diện giữa chúng ta (n°5§1).
ĐTC trích dẫn lời của thánh Tô-ma A-qui-nô và lời cầu nguyện mở đầu của Chúa nhật 26 thường niên để chỉ ra sức mạnh của Lòng Thương Xót Chúa luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại (n°6§1).
Ngài dẫn chúng ta trở về Cựu ước, nơi đó Lòng Thương Xót được diễn tả bằng những hành vi cụ thể (x. Tv 145, 7-9) và với những sắc thái đa dạng của ngôn từ: kiên nhẫn, yêu mến, khoan hồng, tha thứ v.v. (n°6§2).
Đức Phan-xi-cô đã giải thích câu Thánh vịnh 135 quen thuộc để chỉ ra rằng cái nhìn thương xót của Chúa Cha không giới hạn trong lịch sử cứu độ mà còn trải rộng mãi mãi. Do đó, Thánh vịnh này được đọc trong các dịp lễ quan trọng nhất của dân Do thái (n°7§1).
Từ Thánh vịnh này, ĐTC đã nối kết giữa Cựu ước với Tân ước qua cử chỉ hát Thánh vịnh của Chúa Ki-tô vào ngày lễ Vượt qua, ngày trước khi Ngài chịu chết để mở ra ánh sáng Lòng Thương Xót cho nhân loại. Vì thế, mọi ki-tô hữu chúng ta cũng phải cầu nguyện bằng điệp khúc “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (n°7§2).
Theo ĐTC, khuôn mặt Lòng Thương Xót của Chúa Giê-su là tình yêu của cả Ba Ngôi, là tình yêu viên mãn, hữu hình và chạm tới được bởi vì chính Ngôi Con làm người đã hoàn tất mọi hành vi bằng tình yêu, trong tình yêu và qua tình yêu. Vì thế, “trong Ngài, tất cả đều diễn tả Lòng Thương Xót” (n°8§1).
Sau khi lược lại những cử chỉ tình yêu thương xót của Chúa Giê-su trong ba Tin mừng nhất lãm: chữa bệnh, trừ quỉ, cho ăn, phục sinh kẻ chết, chọn các tông đồ…, ĐTC nhắc lại bài chú giải của thánh Bê-đa đáng kính về việc Chúa Giê-su nhìn Mát-thêu với tình yêu thương xót, từ đó ĐTC đã chọn khẩu hiệu cho đời giám mục và giáo hoàng của mình: thương xót và tuyển chọn (n°8§2).
Chuyển sang một số mới, ĐTC nêu lên ba dụ ngôn gây ấn tượng về Lòng Thương Xót: chiên lạc, đồng bạc bị mất và người cha có hai con trai (x. Lc 15, 1-32). Trong bản tính cha, Thiên Chúa luôn vui và nhất là tha thứ. Từ đó, như cốt lõi của Tin mừng và của đức tin, Lòng Thương Xót tỏ ra sức mạnh chiến thắng, tỏ niềm an ủi khi tha thứ (n°9§1).
Tiếp đến ngài nhắc đến hai dụ ngôn khác: tha thứ mấy lần? (x. Mt 18, 21-22) và con nợ bất lương (x. Mt 18, 23-33), nhưng hai dụ ngôn này được ĐTC nhắm để nhấn mạnh về tha thứ của con người. Tha mãi mãi và phải tha như Chúa tha cho ta, nếu không Cha trên trời cũng đối xử với ta như vậy (x. Mt 18, 35) (n°9§2).
Để tỏ ra là những người con đích thực của Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, chúng ta cũng phải sống Lòng Thương Xót bằng việc tha thứ để có hạnh phúc. ĐTC mời gọi thực thi hai lời Kinh Thánh: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26) và “Phúc thay ai thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5, 7). Mối phúc này phải thực thi hơn trong Năm Thánh (n°9§3).
Dựa vào Kinh Thánh, ĐTC khẳng định Lòng Thương Xót là trách nhiệm của Thiên Chúa, luôn là hành động, là thái độ thường ngày, cụ thể, hữu hình của Ngài. Từ đó, con cái Thiên Chúa cũng nhận thấy trách nhiệm của mình đối với nhau, như “cùng bước sóng” với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vậy (n°9§4).
Như cột trụ hỗ trợ Giáo Hội, Lòng Thương Xót phải được trao cho nhân loại vì ngày nay con người sống với nhau chỉ bằng công bằng, ít tha thứ. Cho nên, đã đến lúc Giáo Hội phải công bố về sự tha thứ là “sức mạnh phục sinh trong đời sống mới”, gánh lấy yếu đuối và khó khăn của anh chị em mình (n°10§1).
Ở số 11, Đức Phan-xi-cô trích lại số 2 của tông huấn Thiên Chúa giàu lòng thương xót của Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II để cho thấy rằng những lời này sau 35 năm vẫn còn nguyên vẹn: thực tại xã hội và con người không thay đổi, vẫn thờ ơ với Lòng Thương Xót Chúa. Do đó, phải tiếp tục kêu xin Lòng Thương Xót (n°11§1).
Trích lại số 15 tông huấn của Đức Gio-an Phao-lô II cho chúng ta thấy rằng Đức Phan-xi-cô tiếp nối lời cầu xin Lòng Thương Xót của vị tiền nhiệm đáng kính, nhưng bằng cách thức mở Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa ngõ hầu gây tiếng vang lớn, đáp ứng sứ mệnh và bản chất của Giáo Hội “vừa là người cho và là người nhận” Lòng Thương Xót (Gio-an Phao-lô II, Dives in misericordia, n°2) (n°11§2).
Trong thời đại mới, ĐTC muốn Hiền Thê phải đến với mọi người, rập theo tinh thần của Chàng Rể là Đức Ki-tô. Hiền Thê cần tỏ ra sự mới mẻ của phúc âm hóa, của mục vụ. Vì thế, cần có sự nhiệt tâm, ngôn ngữ, cử chỉ của Lòng Thương Xót để đưa họ về với Chúa Cha (n°12§1).
Với vai trò yêu thương này, Giáo Hội luôn tha thứ và cho đi bản thân mình. Do đó, ở đâu có Giáo Hội, có ki-tô hữu, ở đó có Lòng Thương Xót của Chúa Cha (n°12§2).
Trong Năm Thánh, ĐTC muốn chúng ta sống Lời Chúa, mà cụ thể là sống Lòng Thương Xót như Chúa Cha. Để làm được điều này, nên biết giá trị của thinh lặng để lắng nghe Lời Chúa, để chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa và để Lòng Thương Xót trở nên cách sống của mình (n°13§1).
Nói đến Năm Thánh là nói đến hành hương. Hành hương thì qua Cửa Thánh. Qua Cửa này tức là mời gọi sám hối để Lòng Thương Xót Chúa bao bọc và để có lòng thương đối với người khác như Chúa Cha đối xử với chúng ta (n°14§1).
ĐTC trích lời Chúa Giê-su trong Tin mừng Lu-ca 6, 37-38 để mời gọi chúng ta sống những giai đoạn của hành hương. Đó là: không xét đoán, không kết án, tha thứ và cho đi. ĐTC nêu ra bản chất cũng như tác hại của xét đoán và kết án. Tránh xa hai nết xấu này, cộng với tinh thần tha thứ và cho đi thì Lòng Thương Xót mới được đầy đủ (n°14§2).
Đến số 14 này, chúng ta thấy được khẩu hiệu của Năm Thánh, đó là: Thương Xót như Chúa Cha. Bản chất Lòng Thương Xót của Thiên Chúa như thế nào, ĐTC đã chỉ cho chúng ta ở đoạn này. Thế nên, hằng ngày chúng ta cầu xin: “Lạy Chúa Trời, xin đến giúp con; Lạy Chúa, xin mau phù trợ” (Tv 69, 2). Một khi đã được trợ giúp, thì chúng ta cũng trở thành người thương giúp kẻ khác (n°14§3).
Năm Thánh được mở ra vì một thế giới hiện đại đang rơi vào thảm kịch do sự chênh lệch giàu nghèo. Giáo Hội chúng ta phải làm tất cả khả năng để xoa dịu, băng bó vết thương những anh chị em bị mất phẩm giá. Tay ta trong tay họ để sưởi ấm tình huynh đệ (n°15§1).
ĐTC nhấn mạnh đến những việc làm thương xót thể xác và tinh thần. Về vật chất, ngài nêu ra những việc làm theo lời dạy của Chúa Giê-su: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống… Về tinh thần, khuyên bảo, dạy dỗ, an ủi… (x. Mt 25, 31-45) (n°15§2).
ĐTC đặt ra những câu hỏi liên quan đến các việc làm trên để chất vấn mỗi người. Những người cần được giúp đỡ là hiện thân của Chúa Giê-su. Đoạn này, ngài kết luận bằng lời của thánh Gio-an Thánh Giá: “Kết thúc cuộc đời, chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên tình yêu” (Những ý và châm ngôn thiêng liêng, §56) (n°15§3).
Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa