Sống đời thánh hiến với tâm tình biết ơn

“Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh”
(1 Tx 5,18)
 
Làm sao không nhớ lại với lòng biết ơn Thánh Thần những hình thái phong phú đời sống thánh hiến đã được Ngài khơi lên qua dòng lịch sử và hôm nay còn đang hiện diện trong lòng Giáo hội?
(Vita Consecrata, số 5)

 
Đức Gioan Phao lô II đã trối lại một tác phẩm để đời về ơn gọi và sứ vụ của ngài nhân dịp mừng kim khánh linh mục, đó là cuốn “Hồng ân và mầu nhiệm”[1]. Ơn gọi là một mầu nhiệm, nên cần được khám phá, đào sâu, cử hành và chiếu toả mỗi ngày. Ơn gọi là một hồng ân, nên cần được đón nhận với lòng khiêm cung và biết ơn sâu đậm.
 
Không biết có phải là tình cờ khi cha ông chúng ta đã khéo léo dịch từ “vocatio” từ tiếng Latinh, vốn chỉ có nghĩa là “tiếng gọi”, “lời mời gọi”, “sự hiệu triệu” (bởi động từ “vocare”) sang tiếng Việt là “ơn gọi”. Chữ “ơn” thật sâu sắc và tinh tế, giúp chúng ta hiểu rằng “vocatio” không chỉ đơn thuần là “tiếng Chúa mời gọi một người bước vào một bậc sống” hầu đạt tới sự thánh thiện, mà chính là “ơn”, là “quà tặng” xuất phát từ tình yêu đại lượng của Chúa. Ngài gọi vì ngài yêu thương, vì lòng tốt và sự đại lượng của Ngài, hoàn toàn nhưng không, hoàn toàn là “ân ban”, chứ không phải vì ta “xứng đáng”, giỏi giang hay có công lênh gì[2].
 
Đây là một nhận thức rất quan trọng, vì nó giúp ta hiểu và sống “ơn gọi tu trì” của chúng ta dưới một nhãn quan và thái độ khác.
 
Khiêm tốn
 
Thái độ nhìn nhận ơn gọi là do sáng kiến yêu thương của Chúa, ơn ban nhưng không của Chúa, một quà tặng xuất phát từ tình yêu Chúa, sẽ giúp chúng ta khiêm cung thẳm sau, để không vênh vang, tự đắc về ơn gọi hay bậc sống của mình.
 
Nếu một người nghĩ rằng họ được kêu gọi vì có cái gì đó trổi vượt hơn người khác (tài năng, đức độ, gia thế, chủng tộc, tầng lớp…) thì họ dễ có thái độ tự mãn, tự cao, và coi việc được chọn gọi là điều đương nhiên, là một thế mạnh, một sự khẳng định đẳng cấp và quyền hành, một nguyên cớ để kiêu hãnh, để lên mặt, để tiến thân…
 
Việc nhận thức ơn gọi là một “ơn” ban tặng từ Thiên Chúa sẽ nhắc nhở họ khiêm cung thẳm sâu, để lãnh nhận và thực thi ơn gọi của mình trong tâm tình biết ơn, khiêm hạ và quảng đại. Họ sẽ thấy mình chẳng có gì để vênh vang, để khoe mẽ, đẽ kiêu ngạo… vì họ biết rằng tất cả những gì mình là và mình có, những gì đã, đang và sẽ có, đều là ân ban và cần phải được trao tặng và chia sẻ cách quảng đại. Nếu có làm được những công trình đây đó, nếu có gặt hái được những thành công vĩ đại chăng nữa, họ vẫn đủ sáng suốt mà thưa rằng: “Lạy Chúa, con chỉ là đầy tớ vô dụng. Con chỉ đã làm việc phải làm đó thôi. Tạ ơn Chúa đã giúp con thành công trong mọi điều con toan tính”.
 
Việc nhận thức đó cũng giúp họ khiêm nhường trong cách cư xử với anh chị em mình, không so đọ hơn kém để ghen tị khi anh chị em có điều gì đó hơn mình, cũng không phân vai cao thấp để khinh mạn khi thấy mình được Chúa ban cho có điều gì trổi vượt hơn anh chị em. Họ thấy rằng tất cả là ơn ban và Chúa ban cho mỗi người theo ý Ngài muốn, để “vui với người vui và khóc với người khóc”.
 
Triển nở
 
Nhận biết ơn gọi là ân ban, là quà tặng, là “nén bạc” Chúa trao, sẽ giúp chúng ta sống đời thánh hiến cách triển nở. Mọi nỗ lực chúng ta làm, những hy sinh chúng ta chịu, những dấn thân chúng ta bước, những trách nhiệm chúng ta mang, không còn là một “gánh nặng” cần phải mang vác như một “bổn phận” phải làm, hay tệ hơn như một “cái giá phải trả” cho bậc tu trì, nhưng sẽ là những “cơ may” để chúng ta trả ơn, để đền đáp, để tỏ lòng biết ơn với hồng ân ơn gọi Ngài đã ban tặng.
 
Chính trong chiều hướng đó, đời thánh hiến vươn tới sự triển nở, vì người thánh hiến sẽ sống đời tu cách tích cực, đầy nhựa sống, đầy hăng hái nhiệt thành và hạnh phúc. Những đau khổ, vất vả và gánh nặng vẫn còn đó, nhưng người thánh hiến đối diện với những thực tại đó cách tích cực, tràn đầy yêu thương và cảm tạ, đến mức dường như họ khao khát những điều đó như hy tế toàn thiêu của tình yêu.
 
Đời tu như thế không còn là cái gì “tù túng”, “cam chịu”, “gò bó”… nhưng là một hành trình của tự do, tự nguyện và đầy ý thức của một tâm hồn chan chứa tâm tình tri ân và yêu mến, muốn dâng hiến tất cả, đón nhận tất cả, để đi vào hành trình Chúa muốn, để ý Ngài nên trọn nơi “tác phẩm” bé nhỏ của Ngài. Đời thánh hiến như thế được khai mở đến chiều kích vô biên của Thiên Chúa, không còn bị ràng rịt hay khép kín bởi ích “nhà tù” của ích kỷ, sợ hãi hay bi quan.
 
Quảng đại
 
Sau nữa, việc nhận biết tính “nhưng không” của ơn gọi, giúp chúng ta vượt lên trên những tính toán trần thế, để dâng hiến cách quảng đại cho Chúa và anh em. Người thánh hiến sẽ không đặt câu hỏi “con sẽ được gì?” mà luôn cảm thấy một sức đẩy của tình yêu, cảm thấy hạnh phúc được yêu thương và phục vụ vì xác tín rằng mình đang được Chúa yêu vô cùng và mình có bổn phận trao ban, chia sẻ tình yêu ấy cho anh chị em mình.
 
Ý thức mình là quà tặng, chúng ta thấy mình cẩn được bẻ ra, cần được chia sẻ, cần được phục vụ. Các lời khấn, những hy sinh, những việc phục vụ và ngay cả những chịu đựng sẽ là những cơ hội để quà tặng được trao ban, để tấm bánh được bẻ ra, để ân ban được chia sẻ. Chúng ta sẽ không nắm giữ những gì ta có như một “sở hữu” cần nắm giữ mà như một “ân huệ” cần được trao tặng. Chúng ta không thấy mình là “ông chủ” nhưng là “quản gia tốt lành trung tín” phân phát “của cải” đúng phận sự.
 
Lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trở thành phương thế để giúp ta biến đời mình thành quà tặng. Đời sống khiết tịnh giúp ta dâng hiến quảng đại với tình yêu trong sáng, vô vị lợi. Đời sống khó nghèo giúp ta dâng tặng quảng đại với một tâm hồn thanh thoát, rộng rãi. Đời sống vâng phục giúp ta dâng mình quảng đại với ý chí tuân phục và tự nguyện, sẵn sàng vâng theo ý Chúa cách vui tươi và mau mắn.
 
Việc nhận biết ơn gọi là một ƠN như thế sẽ giúp ta đáp trả bằng một cuộc đời dâng hiến với tâm hồn chan chứa lòng biết ơn, thể hiện qua lối sống khiêm tốn, triển nở và quảng đại.  Vì thế, lời nhắn nhủ của thánh Tông đồ thật hữu ích cho chúng ta: “Anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Chúa đã dành cho anh em”.
 
Gợi ý suy niệm: Đọc lại lịch sử ơn gọi của mình để nhận ra tình yêu, sự quan phòng kỳ diệu của Chúa và cảm tạ Ngài.
 

TIẾNG GỌI NHIỆM MẦU
 
Ngài đã gọi con một chiều vắng
Qua tiếng rì rào của đồng lúa thơm hương
Thân con chân lấm tay bùn
Ngỡ ngàng cất tiếng “xin vâng”.
 
Hoàng tử trời cao lại đoán nhìn
Một nàng thôn nữ vô danh
Niềm vui bật khóc
Tiếng lòng chất ngất ca khen.
 
Và từ đó con vui bước hân hoan
Trong cơn say tình Chúa
Mong là người tình muôn thuở
Trọn đời đáp lại yêu thương.
 
Nhưng rồi gian nan ập đến
Đau thương, đêm tối, hãi hùng
Đường tình cheo leo dang dở
Yếu lòng, thuyền muốn buông sông.
 
Nhưng tiếng gọi ban đầu thắm thiết
Mời con theo bước đến cùng
Lòng vui dù muôn gian khó
Tiếng cười rộn rã âm vang.
 
Đấng đã gọi con là Đấng tín trung
Sẽ hoàn tất đường tình con dang dở
Cánh tay dìu lối, thắp đầy tim son
Bên Ngài hạnh phúc viên thành.
 
Đường tình Ngài mở thênh thang
Muôn nơi muôn ngả
Sống cho tình yêu, trao ban, phục vụ
Yêu thương thắp sáng, toả lan.
 
Xua tan đêm tối đau thương, thù hận
Chiếu soi an bình, độ lượng, bao dung
Dựng xây hoà bình, công lý
Nước Trời cho mỗi thế nhân.
Hương Kinh

 
Trích TRẦN NGỌC ĐĂNG, Thắp sáng đời dâng hiến, Tủ sách Ra Khơi 2015, tr. 20-26