Bên dưới lớp thạch cao là một thiên thần cao 2,5m, đã bị thất lạc nhiều thế kỷ và mới được tìm thấy để sum vầy với 6 thiên thần khác vẫn luôn dõi theo những dòng người hành hương đến một trong những nhà thờ cổ nhất của Kitô giáo. Thiên thần thứ 7 là một phần thưởng bất ngờ của nỗ lực miệt mài kéo dài nhiều năm liền để cứu lấy nhà thờ 1.700 năm tuổi khỏi tình trạng bị bỏ mặc. Sau thời gian dài không được trùng tu đúng hạn, những bức bích họa vô giá của nhà thờ đã bị phủ nhiều lớp bụi hoặc bồ hóng, hoặc bị mưa gió hủy hoại. Những lỗ rò rỉ trên trần nhà đã tạo điều kiện cho nước mưa thấm vào, phá hỏng những tác phẩm đẹp đẽ. Tuy nhiên, những bức bích họa tồn tại đến ngày nay vẫn tỏa ra ánh sáng đầy thánh thiện bất chấp năm tháng, khiến nhiều người hành hương khó có thể tin được chúng đã tồn tại cả ngàn năm nay.
Ông Giammarco Piacenti, giám đốc điều hành của công ty chuyên trùng tu Piacenti, trụ sở tại Tuscany (Ý) cho biết: “Đối với công trình này, chúng tôi cần những đôi tay giỏi giang và khéo léo nhất”. Những bàn tay lành nghề đó đang khám phá những cái nhìn mới về nghệ nhân được cho là đã tạo các bức bích họa thần thánh, cũng như mối quan hệ của chúng với nghệ thuật thánh thiêng tại những nơi khác cũng thờ phụng Thiên Chúa trên vùng Đất Thánh.
Cuộc chạy đua với thời gian
Việc trùng tu bích họa là một phần của công cuộc đại tu nhà thờ linh thiêng lần đầu tiên kể từ năm 1479, và có thể nói đây là sự can thiệp vô cùng kịp lúc. Vào năm 2011, một quan chức Palestine đã cảnh báo những người lui tới nhà thờ Giáng Sinh đang đối mặt với sự nguy hiểm do “nguy cơ các thanh xà có thể đổ sập”, và Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố nhà thờ lọt vào danh sách các di sản thế giới bị đe dọa vào năm 2012. Thế là, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gây áp lực buộc giới lãnh đạo Chính Thống giáo hãy bỏ qua những bất đồng và cùng đưa một nhóm các nhà trùng tu nổi tiếng thế giới của Ý đến nơi này vào năm 2013. Các chuyên gia đã nhanh chóng lao vào dự án cứu lấy di sản của nhân loại nói chung và của các Giáo hội Kitô giáo nói riêng. Công việc cần kíp đến nỗi họ buộc phải chia ca làm việc toàn thời gian.
Được khởi công vào thế kỷ 12 theo lệnh của vua Alaric I và Đại đế Byzantine Manuel Comnenus, các bức bích họa được làm từ mảnh thủy tinh, xà cừ và đá thu thập tại địa phương, với những miếng vàng và bạc được ép chặt bên dưới thủy tinh trong suốt. Các mảnh ghép được xếp chồng nghiêng lên nhau để tối đa hóa hiệu quả của vật liệu khi được nhìn từ hướng của những người hành hương bên dưới. Quần thể bích họa ghi lại những hình ảnh của Chúa Giêsu và thân nhân của Ngài, bao gồm Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria. Toàn bộ 12 thánh tông đồ cũng xuất hiện, bao gồm cả “Tôma hoài nghi” với cảnh Chúa Giêsu kéo tay của ông đặt lên vết thương do đinh đóng vào Thập tự giá. Xung quanh là các vị thánh và giáo trưởng, thậm chí có cả một con lạc đà non.
Tất cả các bức bích họa đều được ký tên Basilius, bằng ngôn ngữ La-tinh và Syria cổ. Giới sử gia cho rằng tác giả này cũng chính là người tên Basilius đã tạo ra ảnh minh họa cho Melisende Psalter, một bản viết tay vào thế kỷ 12 được khắc họa theo yêu cầu của Hoàng hậu Melisende. Chuyên gia Piacenti đề cập đến các bích họa Byzantine hiện diện tại vùng Địa Trung Hải: “Các tác phẩm bích họa là sự hồi tưởng về Sicily, Florence và Ravenna”. Nhóm chuyên gia trùng tu cho biết những bức bích họa ở Bethlehem vận dụng các thiết kế cây cối và động vật, toàn tương đồng với tinh thần của các bích họa thời Byzantine tại Jerusalem ở Dome of the Rock (nhà thờ Vòm đá thiêng) và đền thờ Al Aqsa, thánh địa linh thiêng thứ 3 của Hồi giáo.
Quá khứ huy hoàng và xung đột hiện đại
Được khởi công trong thời của Đại đế La Mã Constantine vào thế kỷ thứ 4, bên trên hang Giáng sinh của Chúa Giêsu, nhà thờ nguyên thủy đã bị hủy hoại dưới bàn tay của quân nổi dậy Samarita vào thế kỷ thứ 6. Đến năm 565, Đại đế Justinian của đế quốc Byzantine đã ra lệnh xây lại nhà thờ, và kể từ đó nó đã nhiều lần bị ảnh hưởng bởi những trận động đất lẫn các đội quân viễn chinh. Lối vào đã được hạ độ cao xuống còn 1,3m để ngăn bước kỵ binh, nên được đặt tên là “Cánh cửa của sự khiêm cung”. Các chuyên gia trùng tu của Ý đã khôi phục muộn phần mái bị hủy hoại do đạn pháo cối nã trúng trong thời gian diễn ra Chiến tranh sáu ngày vào năm 1967 giữa Israel và Jordan, nhưng các lỗ đạn là tàn dư từ cuộc đối đầu kéo dài 39 ngày giữa quân Israel và Palestine vào năm 2002 vẫn nằm nguyên đó.
Trong cuộc xung đột vào năm 2014 giữa Gaza và Israel, các chuyên gia lúc nào cũng lâm vào tình trạng thấp thỏm do lo ngại khoảng 30 container chứa gỗ, đồng, chì và những nguồn cung cấp khác bị chặn lại ở cảng Ashdod của Israel. Chỉ cần một tên lửa đâm trúng cũng gây tổn thất hàng triệu USD. Một quả rốc két xuất phát từ Gaza đã rớt xuống gần nơi ở của Giorgia Zurla, một thành viên của nhóm trùng tu Piacenti. May mắn là không có ai bị thương. Ông Zurla bông đùa: “Tôi chẳng hề có Vòm Sắt (ám chỉ hệ thống tên lửa đánh chặn của Israel, NV). Tôi đã được Chúa bảo vệ”.
Để bảo vệ mái vòm, nhóm chuyên gia nỗ lực tìm kiếm những thanh gỗ có cùng niên đại từ các công trình khác, làm từ cây tuyết tùng ở Li Băng vào thời vua Justinian và những khúc gỗ chuyển từ dãy núi Alps vào những năm 1400. May mắn là phần nền nhà cổ trải toàn các bức bích họa còn sót lại từ thời vua Constantine và vẫn còn trong tình trạng hoàn hảo. Một đoạn nhỏ có thể thấy được bên dưới nền nhà ngụy trang được xây dựng vào thời điểm Palestine nằm trong tay người Anh, và các chuyên gia muốn trưng bày toàn bộ phần này. Tuy nhiên, đầu tiên họ phải quyên được 6,7 triệu USD để hoàn tất dự án.
Ông Ziad Al-Bandak, cố vấn của Tổng thống Palestine về Kitô giáo, cho hay đến nay đã có khoảng 10 triệu USD được đổ vào việc trùng tu, và 1 triệu USD trong số đó là tiền quyên góp từ các tổ chức Kitô giáo và dân Hồi giáo Palestine trên toàn thế giới. Ông Al-Bandak nói: “Ở Iraq, chúng ta đang chứng kiến sự hủy diệt của các thánh địa. Chúng tôi đang nỗ lực bảo vệ cái nôi của Kitô giáo. Như tôi đã trình bày với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, tôi đến từ gia đình có nguồn gốc vào thời Chúa giáng sinh”.
Nhiều thế kỷ xao lãng đã gây nên tổn thất không thể khôi phục đối với nhà thờ Giáng Sinh. Nhóm chuyên gia có thể phục hồi một số phần còn sót lại nhờ vào công nghệ đồ nhiệt, kỹ thuật cho phép phát hiện những khác biệt nhỏ về nhiệt độ giữa thạch cao, đá và thủy tinh. Hiện chỉ có khoảng 20% công trình tồn tại được qua thời gian. Do vậy, việc tìm thấy một bức bích họa toàn thân hoàn hảo của một thiên thần bị mất tích được xem là một phép mầu, theo trưởng nhóm chuyên gia về trùng tu của Ý Marcello Piacenti. Ông vui vẻ nhận xét: “Cuối cùng, vị thiên thần đẹp đẽ, thánh thiện, sau nhiều năm bị chôn vùi trong bóng tối, đã có thể nhìn xuống các đám đông hành hương”.
LING LANG
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc