Tình hình hỗn loạn tại Libia- Mùa thu của Các Mùa xuân A Rập

Phỏng vấn ông Roberto Tottoli, giáo sư Đại học Đông Phương Napoli, nam Italia

 

 

Sáng ngày mùng 8 tháng 4 vừa qua, tướng Khalifa Haftar, tổng chỉ huy các lực lượng quân đội Libia của chính quyền Tobruk, đã bị thương trong một vụ mưu sát. Người ta chưa được biết các chi tiết vụ và nơi chốn vụ mưu sát, nhưng có vài nguồn tin cho rằng các kẻ chủ mưu thuộc thành phần quân đội, nhất là đại tá Faraj Barasi, có nhiều quan điểm khác biệt với tướng Haftar.

 

Tin trên đây khiến cho nhiều người âu lo vì trong tình hình hỗn loạn hiện nay, tại Libia, tướng Haftar là người đại diện cho chính quyền được cộng đồng quốc tế thừa nhận và chính quyền Ai Cập ủng hộ.  Sự biến mất của ông sẽ tạo ra một sự bất ổn và hỗn loạn chính trị trầm trọng; hơn nữa, đối với tương lai của Libia, vì Libia đang tìm thành lập một chính quyền hợp nhất quốc gia, trong khi đó, lại có nhiều lực lượng chống lại nỗ lực này.

 

Tin tức trong những ngày qua cũng cho biết rằng lực lượng Ansar al-Sharia, là nhóm thánh chiến Hồi mạnh nhất kiểm soát tỉnh Bengasi, đã thề trung thành với Nhà Nước Hồi. Hôm Chúa Nhật mùng 5 tháng 4, lãnh tụ tinh thần và quân sự của nhóm này là Abu Abdullah al-Libi, đã phổ biến một video quảng bá sứ điệp, theo đó ông đã lý thuyết hóa giá trị pháp lý của Nhà Nước Hồi Giáo bên Iraq và Siria, gọi tắt là ISIS.

 

Trong khi đó, ba nước Italia, Ai Cập và Algeria đã đồng ý trao đổi tin tức và củng cố các nỗ lực chung nhằm chống lại các lực lượng khủng bố gia tăng tại Libia, và ủng hộ đề nghị của Liên Hiệp Quốc thành lập một chính quyền hiệp nhất quốc gia. Tại Roma, đã có cuộc hội kiến của ngoại trưởng Italia ông Gentiloni với ngoại trưởng Sameh Shoukri của Ai Cập và ông Abdelkader Messahel, bộ truởng của Algeria, về các vấn đề ngoại giao với các nước Phi châu vùng Magreb.

 

Ngoại trưởng Gentiloni cũng đã hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Libia là ông Ageela Saleh Gwaider, đại diện cho chính quyền Tobruk, hay các cơ cấu được cộng đồng quốc tế thừa nhận, mặc dù thủ đô Tripoli nằm trong tay liên minh Alba Libica, gồm nhiều nhóm Hồi không thừa nhận quốc hội đang lánh nạn tại Tobruk, cũng như chính quyền có trụ sở tại Beida.

 

Tin ngày mùng 8 tháng 4 cũng cho biết vài lãnh tụ quan trọng của liên minh Alba Libica  là Adbel Hakim Belhaj và Wissam bin Hamid, đã bỏ trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ trước tin các binh sĩ quân đội quốc gia của tướng Khalifa Haftar đang tiến về thủ đô Tripoli, sau khi bắt đầu cuộc tổng tấn công hồi tháng 3 vừa qua. Ngoài ra, cũng có tin là 1500 chiến binh Hồi Giáo người Tunisi, đã được huấn luyện trong các trại binh của lực lượng Anwar al Sharia bên Libia, sẵn sàng tham chiến. Libia bị chia thành ba vùng khác nhau: các nhóm Hồi thuộc liên minh Alba Libica chiếm cứ thủ dô Tripoli từ tháng 8 năm ngoái, quốc hội được cộng đồng quốc tế thừa nhận tại Tobruk, và các lực lượng Hồi quá khích muốn tự trị tại Bengasi.

 

Sau đây là một số nhận định của ông Roberto Tottoli, giáo sư Đại học Đông Phương Napoli, nam Italia, tác giả cuốn sách tựa đề “Mùa thu của các mùa xuân A Rập”, về hiện tình của Libia.

 

+++

 

Hỏi: Thưa giáo sư Tottoli, tình hình tại Libia hiện nay ra sao?

 

Đáp:

 

Theo tôi, Libia đang ở trong một điều kiện quyền bính quốc gia bị giải tán hoàn toàn giống như bên Siria và Iraq. Từ khi ông Gheddaffi bị lật đổ tới nay, thì Libia trên thực tế, đã hướng tới chỗ bộ tộc hóa và chia rẽ nội bộ trầm trọng. Do đó, không thể không trông thấy một cuộc khủng hoảng từ từ và một tình hình ngày càng tồi tệ hơn.

 

Hỏi: Tuy nhiên, người ta đang soạn thảo một Hiến pháp mới và đặc sứ của Liên Hiệp Quốc, ông Bernarrdino Léon, đang tìm cách thành lập một chính quyền hiệp nhất quốc gia. Dấn thân của Liên Hiệp Âu châu cũng rất là mạnh trong hướng này. Đó chỉ là các lời nói, hay có các hy vọng thực sự, thưa giáo sư?

 

Đáp:

 

Nói thực ra thì trong tình hình hiện nay của Libia, không có một khung cảnh rõ ràng. Chúng tôi tập trung sự chú ý vào vấn đề đã do luật Sharia tạo ra liên quan tới các nhóm ngày càng phát xuất từ các lực lượng Hồi thánh chiến được nhận ra trong các thực thể khác. Chúng ta không được quên rằng tình hình Libia ghi đậm dấu vết của sự chia rẽ giữa các bộ lạc và vùng miền khác nhau một cách rất sâu đậm, mà có lẽ chỉ có Yemen là có thể so sánh được mà thôi. Thêm vào đó, là các phân tán mỏng khác nữa. Tôi tin là có thể nhìn Libia vào khả thể dẫn đến một sự hiệp nhất của nước Libia với niềm hy vọng, nhưng ngày nay, với một sự bi quan nào đó, bởi vì tình hình xem ra bùng nổ và tiếp tục trở thành tồi tệ hơn.

 

Hỏi: Như vậy, theo giáo sư trong tình trạng hiện nay, thật rất khó mà có thể ghép lại với nhau các mảnh phân rẽ đó giữa ba vùng Cirenaica, Tripolitania và Fez?

 

Đáp:

 

Vâng, đúng thế. Nhưng điều này không chỉ có giá trị đối với Libia, nhưng còn có giá trị đối với tất cả mọi quốc gia A rập nữa, là những nước đã trông thấy thực thể quốc gia sụp đổ. Cùng với Libia, Yemen, Siria, Iraq, tất cả đều là các thực thể rất là phân tán, được cầm giữ lại với nhau bởi các chế độ độc tài với bàn tay sắt. Vì thế, sau hàng chục năm trời, quang cảnh chính trị lại đã mở ra và có một khoảng trống tự do, không còn bị kiểm soát nữa, không còn bị bạo lực từ phía các thực thể quốc gia nữa: và thế là tất cả những điều đó đã chỉ có thể làm nảy sinh ra một tình trạng vô cũng hỗn loạn, như chúng ta hiện đang chứng kiến.

 

Hỏi: Trong tình trạng như thế, các lực lượng dân vệ của cái gọi là Nhà nước Hồi đã tiến tới vùng Misurata: khi nào thì Nhà nước Hồi có thể chiếm trọn Libia, thưa giáo sư?

 

Đáp:

 

Ngoài các khẩu hiệu tuyên truyền ra, tôi không tin rằng hiện nay có các nguy cơ đích thực. Bởi vì các lực lượng đang kiểm soát vùng này hiện nay còn nhỏ bé, chưa mạnh lắm. Dĩ nhiên, trong một thực tại rất là khó khăn và bất ổn toàn diện như tại Libia hiện nay, chúng ta sẽ không được lấy làm lạ khi có vài nhóm khác phát xuất từ lực lượng Hồi thánh chiến, cũng tự nhận rằng họ ở chung dưới một lá cờ với các nhóm này. Một ít nào đó cũng giống như phong trào Al Qaeda đã là một nhãn hiệu lớn được dùng bởi nhiều nhóm Hồi thánh chiến đó đây trên khắp thế giới, các nhóm này không thuộc Nhà nước Hồi một cách có cơ cấu, nhưng nhiều khi họ tuyên bố một sự trung thành nào đó với Nhà nước Hồi  và dùng nhãn hiệu này của Nhà nước Hồi. Và về lâu về dài, với sự tồn tại của Nhà nước Hồi, chắc chắn nó sẽ là một vấn đề cho Libia.

 

Hỏi: Vậy theo giáo sư, có thể tái hiệp nhất sự phân tán tại Libia như thế nào?

 

Đáp:

 

Trong một cách thức nào đó, cần phải buông khí giới, và mời tất cả mọi nhóm ngồi vào bàn hội nghị thảo luận hòa bình. Ngoài các lực lượng tôn giáo như là các sức mạnh đích thực, cũng không được quên các lực lượng bộ lạc hiện hữu trong nước Libia. Chìa khóa cho vấn đề là ở đó, cũng như cũng chìa khóa này liên quan tới vài vùng của Iraq vv… Cái xem ra là sự phân tán của các lực lượng Hồi thánh chiến, dấu ẩn một loạt các vấn đề khác nhau, như sự cạnh tranh giữa chúng, các vấn đề mà với chế độ độc tài ông Gheddafi đã thành công trong việc dìm chúng xuống, nhưng bây giờ chúng lại tái nổi lên trong một tình hình hỗn loạn. Vì thế, cần phải thành công trong việc nhận diện ra các tác nhân mạnh hơn một tí, và thành công trong một cách thức nào đó khiến cho chúng lý luận trong các phạm trù của sự hiệp nhất quốc gia.

 

(Vatican 15.4.2015)

 Linh Tiến Khải