Tổng thư ký Liên hiệp quốc cảm ơn Đức Thánh Cha về Thông điệp Laudato Si’

 WHĐ (20.06.2015) – Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Ban Ki-moon, người đã đặt vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông kể từ khi nhận trách nhiệm đứng đầu cơ quan quốc tế này cách nay 8 năm, đã cảm ơn Đức giáo hoàng Phanxicô vì “đã có một lập trường mạnh mẽ như vậy về việc cần thiết phải hành động cấp bách trên quy mô toàn cầu”. “Tiếng nói đạo đức của ngài là thành phần của bản hợp xướng ngày càng vang lên mạnh mẽ của mọi người thuộc mọi tôn giáo, mọi thành phần trong xã hội, đang lên tiếng đòi phải có hành động về khí hậu”, ông Ban nói với các phóng viên như trên vào hôm thứ Năm, sau khi Toà Thánh ban hành Thông điệp Laudato Si’ của Đức giáo hoàng Phanxicô về việc chăm sóc thiên nhiên.

Hướng đến COP 21 – Paris (Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu, diễn ra tại Paris vào cuối năm nay), ông Tổng thư ký nói: “Tôi kêu gọi tất cả các chính phủ phải đặt lợi ích chung của toàn cầu trên lợi ích quốc gia và thông qua một thỏa thuận đầy hoài bão về khí hậu toàn cầu tại Paris trong năm nay”. Ông Ban Ki-moon nói rằng trong cuộc gặp Đức giáo hoàng tại Vatican hồi tháng Tư vừa qua, hai người đã thảo luận về việc mọi người cần phải đến với nhau để trao đổi về vấn đề biến đổi khí hậu, một trong những thách đố chủ yếu mà cộng đồng nhân loại phải đối mặt. “Đức giáo hoàng Phanxicô và tôi đồng ý rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề đạo đức đòi hỏi phải có những hành động cấp bách chung. Đó là vấn đề công bằng xã hội, quyền con người và đạo đức cơ bản. Mọi người ở khắp nơi cùng chia sẻ trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, là hành tinh Trái đất duy nhất”.

Ông Tổng thư ký nói thêm: “Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để giúp những người nghèo nhất và yếu thế nhất trong xã hội, là những người gánh chịu nhiều nhất những tác động của khí hậu tuy họ ít gây ra vấn đề nhất. Chúng ta cũng phải thể hiện tình liên đới với các thế hệ đến sau và để lại cho họ một thế giới bền vững”.

Ông Tổng thư ký ghi nhận rằng Thông điệp phát hiện có “một sự đồng thuận về mặt khoa học rất vững chắc” cho thấy sự kiện hệ thống khí hậu ấm dần lên đáng kể và cả toàn cầu nóng lên trong thập kỷ gần đây là “chủ yếu do hoạt động của con người”. Vì thế, ông tái khẳng định rằng nhân loại có nghĩa vụ quan trọng phải chăm sóc và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta là hành tinh Trái Đất.

Ông Tổng thư ký hoan nghênh những đóng góp của tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo và những người có uy thế trong việc đáp ứng các thách đố của khí hậu và củng cố sự phát triển bền vững. Ông mong sẽ được đón tiếp Đức giáo hoàng Phanxicô tại Liên hiệp quốc vào tháng Chín tới khi ngài đến thăm cơ quan quốc tế này và có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
 

Minh Đức