Tổng Thư ký Liên Hợp quốc khai mạc hội thảo tại Vatican

VATICAN. Hôm 28-4-2015, Ông Ban Ki Moon, Tổng Thư ký LHQ, đã khai mạc cuộc hội thảo quốc tế tại Vatican về việc bảo vệ môi sinh.

 

Cuộc Hội thảo do Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học tổ chức với chủ đề “Bảo vệ trái đất, làm cho nhân loại xứng đáng hơn”, với khoảng 60 tham dự viên, trong đó có hơn 20 khoa học gia và chuyên gia, 20 vị lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt cả tổng thống Italia, ông Sergio Mattarella, cũng đến dự cuộc hội thảo.

 

Trước cuộc hội thảo, Đức Thánh Cha đã đến trụ sở Hàn lâm viện Khoa học của Tòa Thánh, lúc quá 9 giờ, để chào thăm và nói chuyện riêng với Ông Tổng Thư ký LHQ nửa tiếng đồng hồ.

 

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết trong dịp này, Ông Ban Ki Moon đã cám ơn Đức Thánh Cha vì đã nhận lời viếng thăm và lên tiếng tại Đại Hội đồng LHQ ngày 25-9 tới đây. Ông cho biết ông chờ đợi bài diễn văn của ngài trong dịp đó, cũng như thông điệp sắp tới của ngài, đồng thời cũng trình bày cho Đức Thánh Cha một vài điểm trong nỗ lực hiện nay của LHQ, không những về vấn đề môi sinh, nhưng cả và vấn đề di dân và tình trạng thê thảm tại những vùng đang có xung đột trên thế giới.

 

Trong bài tham luận sau đó tại cuộc hội thảo, Ông Ban Ki Moon đề cao sự đóng góp của các tôn giáo vào vấn đề quan trọng này và nhận định rằng khoa học và tôn giáo không đối nghịch nhau về vấn đề thay đổi khí hậu, trái lại họ có cùng đường hướng.

 

Ông Tổng Thư ký LHQ cũng ghi nhận rằng: “Những người đầu tiên chịu đau khổ nhiều nhất vì sự thay đổi khí hậu, chính là những người ít gây ra vấn đề này nhất, đó những người nghèo và những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”.

 

Ông Ban Ki Moon nhận xét rằng các nhóm tôn giáo đã thành lập, điều khiển hơn một nửa số trường học trên thế giới. Vì thế, ông kêu gọi các tôn giáo đầu tư vào những giải pháp có năng lực sạch, mưu ích cho người nghèo và thanh tẩy không khí của chúng ta.

 

Trong số các diễn giả, có ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Ngài nói đến sự cấp thiết cần giải quyết vấn đề sự thay đổi khí hậu và khẳng định rằng các giải pháp cho vấn đề này không thể chỉ là những giải pháp kỹ thuật chuyên môn, hoặc là sự quyết tâm tuân giữ các hợp đồng hay những điều cam kết. Đúng hơn các giải pháp đó phải ăn rễ sâu trong luân lý, được luân lý hứơgn dẫn và được đo lường theo mức độ chúng có làm cho con người phát triển và được an sinh hay không.

 

Được mời tham dự và cộng tác vào việc tổ chức cuộc Hội thảo, cũng có chị Maria Voce, Chủ tịch Phong trào Focolare, và trong tư cách là đồng chủ tịch tổ chức “Các tôn giáo phụng sự hòa bình” (Religions for peace).

 

Trang thông tin trên mạng của Tổ chức này cho biết: “Cuộc hội thảo tại Vatican nhắm thông tin và đạt tới một sự đồng thuận về sự kiện các giá trị phát triển dài hạn rất hợp với các giá trị của các truyền thống tôn giáo lớn. Cuộc thảo luận này diễn ra 8 tháng trước Hội nghị quốc tế tại Paris về khí hậu do LHQ tổ chức, và nhắm nâng cao cuộc thảo luận về các chiều kích luân lý trong việc bảo vệ môi sinh, trước Thông điệp Đức Thánh Chasắp công bố về môi sinh; chú ý đặc biệt hơn đến những người dễ bị tổn thương nhất, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Những người dễ bị tổn thương hơn. Củng cố phong trào liên tôn thế giới hỗ trợ sự phát triển dài hạn để chống lại sự thay đổi khí hậu trong năm 2015 và sau đó.”

 

(Vatican 28.4.2015)

 

G. Trần Đức Anh OP