Trời cao, mây trắng, nắng vàng, ve kêu, phượng nở… cho biết mùa hè đã đến. Các trường học, đã khép cổng sau lưng lũ nhóc học trò tinh nghịch. Giữa không khí mùa hè, tôi lại muốn nói về việc học và xin được chia sẻ cùng các bạn những ý tưởng về nó. Chắc hẳn chúng ta đều đồng ý rằng có nhiều kiểu học, chứ không chỉ mài đũng quần trên ghế nhà trường mới là học; học từ cuộc sống, từ những thành công, thất bại của mình của người. Thế nên, câu hỏi được nêu ra là: “Phải học thế nào?”
Học điều cần thiết
Có người cho rằng ham học là học tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, nếu tìm cách nhồi nhét kiến thức mọi kiến thức, cái đầu của chúng ta không thể chứa nổi và nếu có chứa được phần nào thì nó cũng sẽ giống như cái chợ, vì thiếu đi sự ngăn nắp. Có một số người biết nhiều tác giả nổi tiếng và đọc nhiều sách “best seller”. Thế nhưng, khi có việc cần đến những kiến thức ấy, họ đào bới loạn đầu mà tìm cũng chẳng ra.
Tốt hơn hết nên học điều gì cần cho cuộc sống, cho ngành nghề và công việc hoặc học những gì mình có sở trường. Một người có năng khiếu ca hát lại đầu tư thời gian và công sức để đi chuyên sâu vào lãnh vực tin học hay kế toán chưa chắc sự chọn lựa này đã tốt cho mình. Hơn nữa nếu học mà không có mục đích và không đi đôi với thực hành thì chẳng sinh ích lợi gì cho chính mình và cho người khác. Những kiến thức ấy sớm hay muộn cũng bị đào thải theo thời gian.
Cần thời gian nghiền ngẫm
Đây là giai đoạn giúp nhớ sâu và nảy ra những phát kiến. Ngày nay người có một sáng kiến nào đó có thể kiếm được tiền một cách dễ dàng bằng chính chất xám của mình. Sáng chế luôn dựa trên nền tảng những gì đã có để làm cho chúng triển nở hơn nhằm phục vụ cho mọi lãnh vực của cuộc sống một cách thiết thực của chính mình cũng như của cộng đồng nhân loại.
Những kiến thức trong kho tàng nhân loại để lại cũng cần phải tiếp thu có chọn lọc của mỗi cá nhân. Chúng ta không thể lấy kinh nghiệm của thời trước hay của người khác làm kinh nghiệm của mình. Nếu tự mãn với vốn kiến thức ấy, chúng ta sẽ trở nên rập khuôn khô cứng và rất khó có thể vận dụng vào hoàn cảnh sống hiện tại, vì dấu chỉ thời nay cũng sẽ không giống với những gì đã qua. Đôi khi điều này làm cho con người trở nên bảo thủ.
Học có tinh thần trách nhiệm
Học cũng không đơn thuần giới hạn trong việc có được một nghề nghiệp ổn định. Nó còn cần thiết trong việc rèn luyện các đức tính cần có trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Trong đó, học để có tinh thần trách nhiệm trước công việc được giao cho dù gặp phải những thiệt thòi, hy sinh và muôn vàn khó khăn. Dường như đức tính này trong xã hội chúng ta ngày nay đang có chiều hướng bị xem nhẹ. Hậu quả mà nó để lại rất tai hại khiến cho người ta ích có tinh thần cho công việc hay lợi ích chung, mà chỉ quy về lợi ích cho riêng bản thân.
Để chữa trị căn bệnh nan y này cần có sự thật, tình thương và trách nhiệm. Những yếu tố này giúp ta lắng nghe tiếng nói của lương tâm, lựa chọn bằng ý chí và dám chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Sự thật, tình thương và trách nhiệm giống như chiếc kiềng ba chân, giúp chúng ta luôn đứng vững trước luồng gió của dư luận.
Thánh Đaminh nêu gương sống động trong việc giải quyết vấn nạn thời cuộc. Trước nạn đói hoành hành, Người đã đưa ra cách giải quyết đầy tình người bằng cách bán sách quý để giúp người đói…Thời nay, không còn bè rối Albigeois hay phái Cathares nữa, nhưng những tư tưởng sai lạc vẫn còn náu ẩn đây đó dưới nhiều dạng thức tinh vi hơn. Hiện tượng sùng bái nhiều thứ ngẫu tượng như lên đồng, bói toán, bạo lực, chiến tranh, quyền lực cho thấy con người thời nay đói khát đức tin nên đã đặt niềm tin nhầm chỗ.
Mỗi chúng ta được kêu mời gắn bó trọn vẹn cả đời mình với ngôi trường của Đức Giêsu để không ngừng học hỏi sự khiêm nhường và hiền hậu của Người. Chỉ có Người mới là đường, là sự thật và sự sống giúp chúng ta được bước đi trong chân lý và sống thánh ý của Chúa Cha trong tâm tình tín thác của người con thảo.
M. Thiên Ân, Đaminh Bùi Chu