Niềm vui của mẹ

Phải thừa nhận

Mother receiving a gift from her daughter

rằng người phụ nữ luôn là người thiết tha với hạnh phúc gia đình. Họ luôn đóng vai trò quan trọng trong gia đình, Giáo hội và xã hội. Trong Tông Huấn về Gia Đình “Familaris Consortio” Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nêu lên chỗ đứng của người phụ nữ: “Tình thương tế nhị của Chúa Giêsu đối với những phụ nữ mà Nguời đã gọi đi theo Người, việc Người sống thân hữu với họ, việc Người hiện ra vào buổi sáng Phục Sinh cho một phụ nữ trước khi hiện ra cho những môn đệ khác, việc Người trao phó cho các phụ nữ sứ mạng đem Tin mừng Phục sinh đến cho các tông đồ, tất cả những sự việc ấy là những dấu chỉ xác nhận lòng quí trọng đặc biệt của Chúa Giêsu đối với phụ nữ.” (s.22). Theo đó, mỗi người mẹ được mời gọi hãy yêu thương chăm sóc gia đình với niềm vui sướng, tạo ra niềm vui và giữ lửa yêu mến cho gia đình.

1. Chăm sóc gia đình với niềm vui

Chịu đựng, hy sinh, tần tảo và phục vụ là “sở trường” của hiền mẫu. Có được những đức tính này chắc chắn phải khởi đi từ con tim nhạy bén trước nhu cầu của chồng con. Đó là niềm vui trong tâm hồn muốn phục vụ và trao ban. Nhìn về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cách riêng của người mẹ, chắc chắn mỗi người con đều cảm nhận được ơn trời biển, tình thương bao la mà mẹ đã dành cho những người con. Mẹ vất vả đồng hành bên con từ thuở bé cho đến hết cuộc đời. “Một sương hai nắng cho bạc mái đầu”. Phúc thay người mẹ nào chăm sóc gia đình bằng cả trái tim, quả là tâm hồn của họ luôn chan chứ niềm vui và bình an. Hơn nữa, Thiên Chúa không bao giờ muốn con người rơi vào bi thương, buồn thảm. Theo đó, một khi khởi phát từ tình yêu với chồng con, người mẹ không thể sống bi quan và chán nản. Ngược lại, khi các mẹ có niềm vui trong tâm hồn, niềm phấn khởi như chị Madalêna gặp Chúa Phục sinh, là lúc người mẹ sống mạnh mẽ và ân cần với các thành viên trong gia đình. Chính khi chăm sóc với trái tim nhân hậu, người mẹ sẽ tạo được niềm phấn khởi sâu xa cho tổ ấm của mình.

2. Kiến tạo niềm vui

Niềm vui là bầu không khí tốt lành để gia đình chung sống hạnh phúc. Đó là sức sống của từng thành viên. Ai không vui người ấy sống héo tàn và bất hạnh. Là người mẹ trong gia đình, tạo ra niềm vui rất cần thiết để giúp gia đình sống hạnh phúc. Nhất là trong hoàn cảnh ngày nay, vô cảm, dửng dưng và lối sống mặc kệ luôn là thủ phạm giết chết niềm vui và gây đổ vỡ trong gia đình. May mắn là người mẹ có sở trường để tạo ra niềm vui: nhẹ nhàng, khiêm tốn, trìu mến qua ánh mắt và nụ cười, qua cách lắng nghe và nhạy bén nhận ra vấn đề của chồng con. Nhờ đó, người mẹ trở nên chỗ dựa tinh thần để mỗi thành viên được chia vơi nỗi buồn. Nhất là những lúc căng thẳng, khó khăn và đơn điệu của cuộc sống, mẹ lại hóa thân thành người “hoá giải” tài ba, bằng niềm vui tinh tế của mình.

3. Giữ lửa

Đời sống gia đình có nguy cơ mất lửa của yêu mến, đoàn kết, thuỷ chung và hạnh phúc gia đình. Khi Chúa Giêsu chết trên thập tự, các môn đệ hầu như bị mất hết lửa, mất hết hy vọng và nghị lực để tiếp tục sống. Tuy nhiên, từ khi Chúa sống lại và trao ngọn lửa tin mừng phục sinh, các ông đã giữ ngọn lửa ấy cho mình và thắp lửa ấy cho người khác được cháy sáng.

Ngọn lửa ấy là niềm vui sâu xa, là niềm phấn khởi có sức phục hồi sự sống cho mỗi người đang yếu hay mất lửa. Giả như một ngày gia đình mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, buồn sầu và đổ vỡ: chồng rượu chè, bài bạc hoặc chẳng lo làm ăn; con hư hỏng, không vâng lời cha mẹ; các thành viên không hiểu nhau, “sống chết mặc bay”… các mẹ có thể hỏi Chúa: “vì đâu mà gia đình con lại rơi vào hoàn cảnh bất hạnh này?” Chắc Chúa cũng cho ta thấy câu trả lời: vì do ta thiếu lửa tình yêu, lửa phục sinh, hoặc ta đã để cho ngọn lửa yêu mến lịm tắt từ lâu rồi! Các mẹ thấy gì khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trên bờ biển? Người tụ họp các ông quanh bếp lửa, chăm sóc các ông với thức ăn ngon. Trên hết, Người muốn các ông giữ lửa yêu mến khi hỏi Phêrô đến ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?” Nếu yêu mến, hãy chăm sóc chiên của Thầy! Hôm nay, Chúa Phục sinh cũng hỏi mỗi người mẹ: “Con có yêu mến Thầy không?” Nếu có, hãy chăm sóc gia đình của các con.

Nếu như “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, thì cách xây ấy không gì khác hơn là biết cách giữ cho ngọn lửa tình yêu, niềm vui luôn thắp sáng trong nhà của mình. Còn nhớ chị Maria Madalêna đã giữ ngọn lửa vui mừng vì Chúa phục sinh hiện ra với chị, rồi chị cũng biết trao ánh lửa ấy cho các môn đệ. Kết quả là các ông tràn đầy lửa yêu mến để trao tin vui phục sinh cho muôn người. Ước gì, mỗi bà mẹ cũng giữ được ngọn lửa tình yêu, lửa niềm vui và hạnh phúc trong gia đình mình luôn đượ cháy sáng.

Kết                                                  

Trên đây thiết tưởng là ba thái độ sống của người mẹ nào nhận được ơn Chúa Phục sinh một cách sống động. Quả vậy, Chúa Phục sinh cần các mẹ mang Tin mừng Phục sinh đến cho chính mình và cho người thân cận mình trước tiên. Để từ đó, niềm vui và hạnh phúc luôn hiện diện trong gia đình. Bởi lẽ người mẹ hiền với tinh thần chăm sóc, tạo niềm vui và giữ lửa cho gia đình thì trước biết bao khó khăn và thách đố, gia đình họ cũng sẽ được Thiên Chúa giúp vượt qua.    

Lạy Chúa Giêsu, việc gặp gỡ Thiên Chúa định hướng cho cách thức dạy dỗ con cái và chăm sóc gia đình của mỗi người mẹ. Thiên chức làm mẹ đòi hỏi người phụ nữ hy sinh tất cả cuộc sống của mình. Chúng con tha thiết cầu xin Chúa ân ban cho mỗi người mẹ được bồi bổ sức lực và gia tăng tình yêu. Để cùng với Chúa Giêsu, người mẹ của chúng con luôn sống trọn hảo thiên chức người mẹ hiền từ và nhân hậu.

Mừng Ngày Của Mẹ,

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.