Suy niệm về Chúa Thánh Thần – Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!

 

Đạo Công Giáo chúng ta không phải là Đạo chỉ thờ Một Chúa. Đạo Công Giáo chúng ta, chính là Đạo thờ Một Chúa Ba Ngôi: Ngôi Thứ Nhứt là Cha, Ngôi Thứ Hai là Con, Ngôi Thứ Ba là Thánh Thần. Cũng như Ngôi Cha và Ngôi Con, Ngôi Ba Thánh Thần là Thiên Chúa quyền phép vô cùng, hằng có đời đời, ở khắp mọi nơi và thông biết mọi sự.

 

Khi còn sống trên trần gian nầy, Chúa Giêsu nói cho các tông đồ biết trước một ngày kia, Ngài sẽ không còn ở với họ nữa, nhưng chính Chúa Thánh Thần sẽ thay mặt Ngài, đến ở với họ để tiếp tục công cuộc cứu chuộc của Ngài: “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Ga 16,7)

 

Khi nói với các tông đồ: Thầy phải ra đi thì Chúa Thánh Thần mới đến, Chúa Thánh Thần đến thì các con mới được ích lợi, Chúa Giêsu xem sự đến của Chúa Thánh Thần có giá trị ngang hàng với sự ra đi chịu chết cứu chuộc của Ngài. Để cho được Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ, Chúa Giêsu đã phải trả giá bằng sự Tử Nạn của mình. Để cho có ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Chúa Giêsu đã phải trả giá bằng ngày Thứ Sáu Tử Nạn của mình. Mỗi lần nhìn lên Thánh Giá, Giáo Hội biết rằng đó là giá Chúa Giêsu đã phải trả để mua lấy Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội, để Chúa Thánh Thần luôn ở với Giáo Hội cho đến ngày tận thế, hầu soi sáng, an ủi, bảo vệ và ban sức mạnh cho đoàn con của Chúa trong Giáo Hội .

 

Tác động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội thật kỳ diệu! Chính Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội do Chúa Giêsu lập ra, được sống, được hoạt động, được phát triển, được an toàn. Không lạ gì khi các Giáo Phụ gọi Chúa Thánh Thần là “Linh hồn của Giáo Hội”.

 

Khi chúng ta thấy Chúa Thánh Thần thực hiện được những điều kỳ lạ nơi các tông đồ, chúng ta có thể nói rằng: điều gì Chúa Giêsu chưa làm được, thì Chúa Thánh Thần làm được khi hiện xuống; việc nào Chúa Giêsu xem ra thất bại, thì Chúa Thánh Thần khi hiện xuống, làm thành công; nơi nào Chúa Giêsu xem ra không gặt hái được kết quả, nơi đó, khi hiện xuống, Chúa Thánh Thần tỏ ra kiến hiệu.

 

Chúng ta hãy xem: dù hết sức lo lắng dạy dỗ các tông đồ ba năm, Chúa Giêsu vẫn không làm cho họ hiểu được những gì Ngài muốn họ hiểu: Ngài muốn họ hiểu những điều siêu nhiên, họ lại chỉ hiểu những điều tự nhiên; Ngài muốn họ uống chén đắng với Ngài, họ không chấp nhận; Ngài muốn họ vác thập giá với Ngài, họ từ chối… Nhưng lạ thay, khi Chúa Thánh Thần vừa hiện xuống trên các tông đồ, họ hiểu được rõ ràng và đầy đủ tất cả những gì Chúa Giêsu đã dạy họ bấy lâu nay; họ trình bày giáo lý của Thầy mình một cách trung thực; họ giảng dạy Lời Chúa một cách chính xác và hiệu nghiệm. Ngay trong bài giảng đầu tiên, dưới sự hướng dẫn và soi sáng của Chúa Thánh Thần, thánh Phêrô đã sốt sắng và chững chạc trình bày Lời Chúa, làm cho nhiều ngàn người nghe – những người mà cách đây hơn một tháng, đã từng hò reo trước dinh Philatô: “Hãy tha Baraba! Hãy đóng đinh Giêsu vào thập giá!” (Mt 27,20-23)- được ơn ăn năn trở lại với Chúa Giêsu ngay lập tức: “Ông Phêrô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.” (Cvtđ 2,40-41).

 

Chúng ta hãy xem: Dù là Con Thiên Chúa toàn năng, làm được mọi sự, làm cho bão táp lặng im, làm cho kẻ chết sống lại, Chúa Giêsu vẫn không cải hóa được những tông đồ bồng bột, ích kỷ, nhát đảm, sợ sệt. Biết Thầy mình đã sống lại thật rồi, nhưng mỗi lần họp nhau, họ vẫn đóng của gài then vì sợ. Nhưng khi Chúa Thánh Thần vừa hiện xuống, các tông đồ thực hiện một cách mạnh mẽ lời Thầy mình dạy xưa: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10,27)

 

Khi được ơn Chúa Thánh Thần ban, các tông đồ không còn im lặng nữa. Dù bị cấm nói về Thầy, họ vẫn mạnh dạn vang lên: “Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên  tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa. Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không?” (Cvtđ 4,18-19).

 

Được đầy ơn Chúa Thánh Thần, họ nhảy mừng sung sướng mỗi khi vì Thầy mà bị vu cáo, đánh đập, tù đày. Và dù tay không, họ vẫn tung chân đi khắp nơi trên trần gian nầy để rao giảng giáo lý tình yêu của Thầy cho tất cả mọi người.

 

Trong Giáo Hội sơ khai, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hoạt động rõ ràng. Chính Chúa Thánh Thần quyết định thánh Phêrô phải rửa tội cho viên sĩ quan ngoại giáo Cônêliô và dạy mở cửa Giáo Hội cho dân ngoại; chính Chúa Thánh Thần đưa ra những quyết định quan trọng đầu tiên của Giáo Hội trong Công Đồng Giêrusalem; chính Chúa Thánh Thần chỉ định hai thánh tông đồ Phaolô và Banabê đi rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại; chính Chúa Thánh Thần chỉ định những thủ lĩnh của các giáo đoàn mới được thành lập; chính Chúa Thánh Thần vạch chương trình truyền giáo cho thánh Phaolô thi hành.

 

Với Chúa Thánh Thần, Giáo Hội trường tồn một cách lạ lùng trong hai ngàn năm qua, và còn trường tồn một cách lạ lùng hơn nữa cho đến tận thế. Vì thế, Giáo Hội lữ hành, Giáo Hội tại thế, luôn luôn sốt sắng cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần đến:  “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!

 

Bắt chước Giáo Hội là Mẹ chúng ta, chúng ta hãy luôn luôn sốt sắng cầu xin Chúa Thánh Thần đến.

 

Xin Chúa Thánh Thần đến để đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta, vì lòng chúng ta lạnh lẽo âm u, đầy những tính ích kỷ, tự ái, ghen tị, hờn giận, báo thù, xua đuổi, chứ chưa có lòng yêu mến Chúa thật nồng nàn, chưa có lòng yêu tha nhân thật chân thành, đại độ và cao thượng.

 

Xin Chúa Thánh Thần đến để sửa lại mọi sự trong ngoài chúng ta, vì bên trong, nhiều khi chúng ta lệch lạc, gian dối, quanh co, còn bên ngoài, nhiều khi chúng ta thiếu ngay chính, thiếu thẳng thắn, thiếu trong sáng, ngay cả trong những việc lành của mình.

 

Xin Chúa Thánh Thần đến để an ủi chúng ta làm những việc lành, vì con người xác thịt của chúng ta thì tự nhiên biếng nhác, không muốn siêng năng làm các việc lành phước đức, chỉ muốn làm những việc dễ dãi, những việc có lợi lộc vật chất, những việc tội lỗi do bảy mối tội đầu điều khiển.

 

Xin Chúa Thánh Thần đến để ban Bảy Ơn Đặc Biệt của Ngài cho chúng ta sống đạo đẹp lòng Chúa:          Ơn Khôn ngoan, để dạy chúng ta biết những gì vật chất trần gian nầy chỉ là phù vân chóng qua, duy Chúa mới là gia nghiệp đời đời của chúng ta, là hạnh phúc trên hết của chúng ta; Ơn Hiểu Biết, để giúp chúng ta hiểu biết Đạo mình là chân thật và giúp chúng ta hiểu biết giáo lý của Đạo mình; Ơn Thông Minh, để giúp chúng ta học biết đạo lý của Chúa một cách thông suốt và dễ dàng; Ơn Dạy Bảo, để giúp chúng ta giải quyết được những điều khó khăn bối rối trong cuộc sống của mình; Ơn Mạnh Mẽ, để chúng ta chịu đựng được tất cả mọi sự khó khăn trên đời nầy vì lòng yêu mến Chúa; Ơn Đạo Đức, để giúp chúng ta sốt sắng thờ phượng Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa một cách trọn lành; Ơn Kính Sợ, để giúp chúng ta không dám cố ý phạm một điều gì làm mất lòng Chúa.

 

Chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Mỗi sáng khi bắt đầu một ngày sống, chúng ta hãy có thói quen đạo đức cầu nguyện với Chúa Thánh Thần bằng cách đọc 7 kinh Sáng Danh, xin Chúa Thánh Thần ban Bảy Ơn cho mình sống một ngày đẹp lòng Chúa.     Mỗi tối trước khi nhắm mắt ngủ để kết thúc một ngày sống, chúng ta hãy có thói quen đạo đức cầu nguyện với Chúa Thánh Thần  bằng cách đọc 7 kinh Sáng Danh, xin Chúa Thánh Thần ban Bảy Ơn cho mình sống thêm một đêm đẹp lòng Chúa.

 

Và trước khi làm bất cứ một công việc gì, chúng ta hãy lặp lại lời cầu nguyện hết sức quan trọng của Giáo Hội: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!” Amen.

 

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang